Có hay không châu Thuận Chính và việc thống nhất đất nước của Quang Trung?





Sách Đại Nam nhất thống chí, cuốn III phần Diên Cách, chép: “ Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ đánh đuổi người Trịnh về Bắc, chiếm cứ đất này, cũng gọi là Động Hải, lại hợp hai châu Nội Bố Chính và Ngoại Bố Chính1 làm châu Thuận Chính”. Căn cứ vào đây các nhà sử học và dư địa chí đều đinh ninh có một châu Thuận Chính thời Tây Sơn ở tỉnh Quảng Bình. Việc Quang Trung xoá bỏ giới tuyến Sông Gianh, thống nhất hai miền Nam- Bắc nước nhà là lẽ đương nhiên, không cần phải bàn cãi.

Tuy nhiên. Tra cứu hầu khắp sách sử và dư địa chí nước nhà đều không nhắc tới việc hợp nhất hai châu Bắc- Nam Bố Chính của Nguyễn Huệ- Quang Trung. Sách Đại Nam nhất thống chí là sách Dư địa chí chỉ viết gọn một câu vậy chứ không chỉ ra ngày tháng năm nào xảy ra việc Quang Trung thống nhất hai châu nói trên. Đại Việt sử Kí toàn thưKhâm Định Việt sử thông giám cương mục là hai bộ sử được xem là chính sử của nước ta cũng không hề nhắc đến. Đặc biệt bộ Đại Nam thực lục là bộ biên niên sử kĩ lưỡng nhất từ thời các chúa Nguyễn đến thời các vua Nguyễn cũng tuyệt không nhắc đến.


Vậy có hay không châu Thuận Chính từ việc hợp nhất hai châu Nam- Bắc Bố Chính của Quang Trung? Xem lại sử xưa, kể từ năm 1786 Tây Sơn giành được Phú Xuân, có ba lần Quang Trung ra Bắc2 thì cả ba lần đều gấp gáp vội vã, chiến sự đang kỳ gay cấn, chưa phải lúc nghĩ đến việc quản trị đất nước. Hơn nữa trước 1788, Nguyễn Huệ còn dưới trướng Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc, quản trị đất nước không phải việc của ngài.


Tới tháng 11-1788 Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, được Nguyễn Nhạc cho quản lý từ Quảng Nam ra Bắc, cũng là lúc Nhà Thanh xâm lược. Ngài phải đi đánh giặc lớn, việc quản trị đất nước tất nhiên để sau. Sau đại thắng quân Thanh 1789, Nguyễn Huệ vẫn tứ bề thọ địch. Phía Bắc vua Lê được nhà Thanh nuôi dưỡng quậy phá đủ cách. Phía Nam Nguyễn Ánh nhờ Pháp bảo trợ, lớn mạnh không ngờ. Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc thua liểng xiểng. Nguyễn Huệ chưa kịp ra tay thì đột tử.


Trong một không gian lịch sử chật hẹp ( 3 năm!) và khốc liệt như vậy, không một nhà vua nào có thể tính việc sửa sang địa chính tách châu này nhập châu kia. Và việc này mới quan trọng: Trước đó chục năm, Trịnh Sâm đã cho nhập hai châu Nam- Bắc Bố Chính rồi. Sách Đại Việt sử ký tục biên chép: ” Định Dậu, năm[Cảnh Hưng] thứ 38 (1777)(…) Trước kia, Bắc Bố Chính thuộc Nghệ An, Nam Bố Chính thuộc Thuận Hoá. Đến nay bầy tôi bàn hợp lại làm một, đều cho lệ vào Hà Hoa, trấn Nghệ An. Trịnh Sâm y cho.” Lẽ nào chục năm sau Quang Trung lại làm một việc thừa?


Trịnh Sâm không nói gì đến châu Thuận Chính. Tới năm 1801 vua Gia Long cũng không nói gì đến châu Thuận Chính, vua chỉ cho thay tên hai châu Nam- Bắc Bố Chính, thành Nội- Ngoại Bố Chính, cho thuộc vào Quảng Bình.


Thực ra việc nhập hai châu Nam- Bắc Bố Chính chỉ có tính biểu tượng về việc thống nhất đất nước mà thôi. Hiểu theo nghĩa thực sự quản lý được một đất nước thống nhất thì, Trịnh Sâm không thống nhất được đất nước cho dù 1774 dẹp được nhà Nguyễn chiếm được Phú Xuân. Nguyễn Huệ cũng không thống nhất được đất nước cho dù 1787 dẹp được nhà Trịnh chiếm được Thăng Long.

Vẫn hiểu theo nghĩa đó, Gia Long mới thống nhất đất nước kể từ khi ngài lên ngôi vào 1802. Ngài đã giữ được vẹn toàn đất nước cho tới khi cháu chắt ngài để mất nước vào năm 1885.


Nguyễn Quang Lập

…………………..
(1) Hai châu Nam Bắc Bố Chính thuộc Bắc- Nam Sông Gianh thời Trịnh- Nguyễn phân tranh 1558- 1672 và hơn trăm năm sau đó.
(2) Lần thứ nhất năm 1786, Quang Trung đi bằng đường biển, ngài không qua châu Bố Chính như nhiều người nhầm tưởng. Sách Đại Nam thực lục chép: “Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân Tây Sơn theo đường biển thẳng tới đô thành An Nam (tức tỉnh lỵ Hà Nội ngày nay). Nguyễn Văn Huệ sai Nguyễn Văn Lữ giữ Phú Xuân, tự đem thủy binh tiến kế ra.” Sách Đại Việt sử ký tục biên chép rõ hơn: Nghe Nguyễn Hữu Chỉnh bàn đem quân ra Bắc, “Huệ là người quả quyết. Nghe Chỉnh nói đúng ý mình. Bèn sai Hữu Chỉnh đem thuỷ binh Tuyên phong ra cửa Đại An còn Huệ tự thống lĩnh đại quân vượt biển tiến theo.”



0 nhận xét:

Đăng nhận xét