YẾN VỀ


TRẦN QUANG ĐẠO

Tặng Nguyễn Quang Lập

Gọi mặn mòi nắng gió trùng khơi
gọi vách đá rêu phong nắng gió trốn tìm
kéo khoảng trời xanh mây trắng làm nên tinh khiết
dụ yến về

nhà bạn ríu rít nhũng thanh âm.

Đã qua những năm ấu thơ nhà hầm
tiếng phản lực xé trời, tiếng bom rền mặt đất
đã qua những năm Thủ đô nhà chật
chật cả tiếng cười văn nhân

ríu rít tương lai về bên cửa.

Giờ chim yến bay
nghiêng khoảng trời nắng vui reo mái ấm
tìm về ngôi nhà của bạn
nhân niềm vui mùa vàng

nhân trong bạn thêm vui mùa chữ.

Bay về thêm yến ơi
yến từ trùng khơi và cả những yến bay từ trong kí ức
nhả tơ xây những bài thơ
xây những khát khao có thực

nhà thêm nhiều bồ chữ.

Cả đời chỉ biết làm điều tốt
ngôi nhà thiện
yêu thương quấn quýt dâng đầy
hội tụ anh tài tứ hải

Yến tìm về gặp vui.

6/11/2019

Bọ Lập với 'Ba Đồn mạn thuật'

Xuân Ba




Một chút hoang mang khi nâng lên đặt xuống cuốn sách nặng trịch (tò mò đem cân thì tròn 1,1kg) với 652 trang khổ lớn (19x26,5 cm). Sách của Bọ Lập, nhà văn Nguyễn Quang Lập.

Tác giả của những truyện ngắn, kịch, tiểu thuyết, kịch bản phim truyện, tản văn… Cái người viết luôn làm mới mình vừa mới trình làng cuốn sách tái bản. Cuốn dư địa chí có tên Ba Đồn mạn thuật (BĐMT).

Người đọc đã quá quen với một phong thái một cung cách độc đáo Nguyễn Quang Lập. Biết rồi nhưng cũng phải nhắc lại, những năm vệ quốc gian nan, những người lính vào chiến trường qua vùng Khu Bốn, qua đất Quảng Bình đã thêu dệt, đã sáng tạo nên hình tượng Bọ!

Bọ, một người cha, người bố, một ông bác tầm tuổi năm, sáu mươi chất phác thật thà cả tin nhưng không kém phần ương ngạnh, ma mãnh và láu lỉnh. Thế rồi chả biết tự khi nào, bạn đọc Nguyễn Quang Lập đã liên tưởng, đã đánh đồng Nguyễn Quang Lập với một ông Bọ Quảng Bình với tính cách phong phú ấy. Và rồi cái tên Bọ Lập đã “ bắt chết” như thế…

Bất ngờ là Bọ Lập trưng ra thứ đồ chơi mới tinh mới toanh ở độ tuổi thất tuần! Một cuốn Dư địa chí!

Khai sách Ba Đồn mạn thuật (BĐMT), Bọ thành thực như này:

“Từ khi sang tuổi 60, tôi luôn đau đáu về một cuốn dư địa chí về đất Phan Long - Ba Đồn. Địa là đất, chí là sự ghi chép. Địa chí là loại sách ghi chép tất cả những gì xảy ra ở một vùng đất, tất tần tật từ những sự kiện lớn lao đến con tôm con cá không sót một thứ gì. Một cuốn sách như thế rất cần cho các thế hệ trẻ và con cháu đời sau một khi họ muốn biết quê cha đất tổ ra sao, tổ tiên ông bà đã sống như thế nào”.

Dư địa chí! Những năm lạ lẫm dò dẫm rồi hấp dẫn cuốn hút với thể loại này nhờ cái công dạy dỗ bày vẽ của các thày GS Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương… những chuyên gia về văn học cổ, tôi được tiếp cận với những cuốn Dư địa chí. Như Phương Đình dư địa chí là một trong 5 bộ sách của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu - một trong những bậc học giả danh tiếng của Bắc Hà, thời nhà Nguyễn. Tác phẩm này có thể coi là loại sách quý về tư liệu địa chí nước Việt Nam và cũng là tinh hoa trong kho tàng văn hóa dân tộc.

Rồi những tập dày cộp Phủ biên tạp lục (PBTL) của cụ Lê Quý Đôn. Phủ biên là phủ dụ trấn an vùng biên thùy hay là chính sách trấn an vùng biên giới. Tạp lục là ghi chép những sự kiện đã xảy ra cùng những phương sách đối xử giải quyết trong thời gian ấy. Hoàn cảnh ra đời PBTL là do cụ Lê Quý Đôn vâng mệnh vua chúa đi trấn nhậm hai đạo Thuận Hóa và Quảng Nam. Lúc bấy giờ cương giới Việt giáp Chiêm Thành ở xứ ấy.

“Nay tôi xin chiếu theo việc họ Nguyễn đã chiếm cứ và phân - thiết hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam như thế nào. Đã đặt danh hiệu các phủ huyện, tổng xã thôn phường giáp ấp châu thuộc hai xứ ấy như thế nào tôi xin ghi chép đầy đủ, cụ thể. (PBTL - dẫn theo Quyển nhất trang 135. Bản dịch của Lê Xuân Giáo - Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản năm 1972).

Bọ Lập có lẽ đã quá rành phép tắc của việc cấu thành một dư địa chí? Vùng đất Bắc Quảng Bình quê Bọ có tên là Phan Long (bay lên cùng rồng?) có xuất xứ từ cái tên Tam Hiệp, rồi Ba Đồn từng là lỵ sở của châu Bắc Bố Chính từ năm 1672. Cái tên Ba Đồn tồn tại đến đầu thế kỷ XX. Từ vua đến dân đều gọi là Ba Đồn và mặc nhiên coi sở lỵ phủ Quảng Trạch là thị trấn Ba Đồn. Rồi năm 1946 chính quyền bỏ phủ Quảng Trạch đổi huyện Bình Chính và Minh Chính (tức Tuyên Chính) thành Quảng Trạch.

Thử lần giở, coi xét cái lớp lang công phu tỷ mẩn, khoa học của Bọ Lập khi dựng BĐMT.

Cũng na ná cái “khung” như tiền nhân, những Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, những Lê Quý Đôn… khi dựng dư địa chí. BĐMT cũng có Phan Long ngũ chí. Đó là năm loại biên chép về đất Phan Long - Ba Đồn.

Thiên chí (khung cảnh, cầu cống, xóm làng khí hậu cùng các thứ gió…), Thủy chí (sản vật sông ngòi, ao hồ, bãi bến, lũ lụt…), Địa chí (các loại đồng đất, cồn bãi…), Thị chí (chợ Phan Long, chợ Ba Đồn, phố chợ), Nhân chí (người Phan Long Ba Đồn. Hình dáng tính cách, các dòng họ, miếu mạo đình đền…).

Lại có hẳn phần thiết chế dưới triều Nguyễn từ cấp tỉnh, cấp phủ, cấp huyện đến Tổng làng xã có ảnh hưởng dính dáng đến Phan Long Ba Đồn ra sao. Rồi phong trào Cần vương, cùng sự kiện Phan Bội Châu ba lần về Ba Đồn và Ba Đồn trong nạn đói Năm Ất Dậu 1945. Tất nhiên không thể thiếu Phan Long Ba Đồn trong thời kỳ giành chính quyền năm 1945. Rồi thời bình từ năm 1954-1964, thời chiến tranh 1964-1973...

Một Bọ Lập, người viết Nguyễn Quang Lập tài hoa, tác giả những tiểu thuyết truyện ngắn những vở kịch, kịch bản phim truyện và từng có hẳn một cuốn Để trở thành nhà biên kịch phim truyện. Nghe phong thanh để dựng, để hoàn thành BĐMT đâu như có 5 thành viên viết lách cũng thuộc hạng tay tổ định sẽ cùng xúm tay dựng sách. Nhưng một sự cố xảy ra. Cuối cùng trơ khấc còn mỗi Bọ! Đến nước này hình như đã phát lộ một phù thủy Nguyễn Quang Lập, tổng đạo diễn tập hợp đội hình âm binh để tạo lập tập đại thành Dư địa chí Ba Đồn Mạn thuật!

“Tất tần tật”? Thành thực bộc bạch như thế khi dựng BĐMT nhưng bột nào để gột nên hồ đây? Một nồi lẩu, một thứ tạp pí lù về Ba Đồn chăng?

Nguyễn Quang Lập đã vượt thoát những dằng dặc kê biên trong sách sử, chính sử cũng như tài liệu đã có và nhất thiết khi làm dư địa chí bắt buộc phải dẫn, trích. Chất sáng tạo đã làm cho những trang của chương, mục “chí” trở nên sinh sắc khi Bọ Lập tạo nên trên cái “giao diện” ấy những khung, những box, những trích dẫn với các “co” chữ màu sắc khác nhau. Cả những đoạn thơ minh họa thích hợp. Lại kèm theo cả hình vẽ, tranh ảnh… Những toát yếu sinh sắc ấy không thể tìm thấy trong dư địa chí của tiền nhân!

Tôi để ý đến chữ MẠN (chữ Hán, có bộ chấm thủy) mà Bọ Lập đã trưng ra ở bìa sách. MẠN này có hơn chục cách viết và ngữ nghĩa khác nhau. Mạn đây với nghĩa mặc tình, lan man buông tuồng, tản mạn… Mạn này quá hạp với tiêu chí mục đích của BĐMT như Bọ từng quảng cáo là “tất tần tật từ những sự kiện lớn lao đến con tôm con cá không sót một thứ gì”.

Nhưng vô sách, không có nghĩa là kê biên ôm đồm. PBTL của Lê Quý Đôn giá trị với những chương biên chép về sản vật bắt mắt người coi bởi sự liệt kê phong phú. Nhớ thêm, nhà bác học này trong những chuyến đi sứ Trung Quốc đã cất công tỷ mẩn sục vào nhiều thư khố ở Bắc Kinh. Ông dụng công khi tra cứu thưởng lãm cung cách phương pháp viết dư địa chí của nhiều học giả Trung Hoa.

Bút lực Bọ Lập từng tạo nên sức hút qua nhiều thể loại sáng tác, nay lại có dịp phát tác thứ ma lực ấy trong BĐMT. Những là Bọ Lập kể, Bọ Lập viết, Bọ đặt hàng cho nhiều tác giả na ná cái “gu” của mình. BĐMT sinh sắc hấp dẫn với chuyện về cá mè kè, tôm đất, cua, hàu, cá ngạnh, con chắt chắt, con rạm bè… Rồi những lươn, cá rô, cá thia thia, những giống cò những quạ. Và chao ôi, còn cơ man nào là những rượu Ba Đồn, thịt chó Cu Loe, cháo bánh canh, lòng bò Ba Đồn… Một thổ ngơi một vùng đất Ba Đồn cảnh sắc, phong tục tập quán sản vật sinh sắc phong phú, đa chiều đa dạng.

Bọ Lập đã khôn khéo đưa vô BĐMT một liều lượng vừa phải phần văn nghệ văn chương chuyên và không chuyên. Ba Đồn ký sự là những bài viết về người và đất Phan Long - Ba Đồn do người Ba Đồn, những cây viết Ba Đồn (trong đó có anh em Nguyễn Quang Vinh và Nguyễn Quang Lập), như Danh thần dưới thời Minh Mạng; Nhà giáo nhà viết kịch Phan Xuân Hải; Nguyễn Quang Mỹ, chuyên gia hàng đầu về hang động Việt Nam; Ba Đồn xưa có một Đoàn văn công; Người nấu cơm cho Bác Hồ; Cháo canh Ba Đồn; Ba Đồn có thày Thông Dư; Đi chợ bò; Một mình làm cả cái đình vv…

Dựng nên một dư địa chí sinh động, phong phú thì người dựng phải có cái tài phóng sự! Tôi ngờ rằng phóng sự là thể loại rất gần với mạn thuật hoặc tạp lục? Chợt nhớ cụ Nguyễn Tuân từng bộc bạch rằng làm sao để viết ký cho nó hay và không nhạt. Cụ chả giấu rằng phải có vốn văn hóa, có kiến thức. Kiến thức lịch sử, thiên nhiên, địa lý. Người viết có nhiều dụng cụ thì đồ chế tạo nhất định phải tinh xảo hơn. Không có tài không viết ký được.

Lần tái bản BĐMT này hình như có chỉnh lại chút ít những địa danh, số liệu gì đó cho chuẩn. Và Bọ đã gia tăng cái phần ngôn ngữ (ngữ âm) hội chợ, hội làng cùng phong phú thêm vốn liếng sản vật ẩm thực sống động của xứ Ba Đồn.

Cách viết, cách thể hiện ấy như đương vượt thoát những giá trị dinh dưỡng sản vật xứ Ba Đồn “miếng ăn quá khẩu thành tàn” mà chấp chới thăng hoa chạm đến một tầng nấc văn hóa? Mà nó có sức lây lan đồng cảm với bao người vốn thường trực lòng sốt mến với quê kiểngViệt?

Và như đang thấp thoáng, ẩn hiện đâu đây cái cười tinh quái của lão phù thủy vừa dựng nên BĐMT. Với cả cách viết hư hư thực thực ma mị của Bọ Lập thời tiểu thuyết, kịch cùng tản văn.

Thiển nghĩ, vượt thoát khỏi những biên chép thống kê về lịch sử địa phương và vô số những dư địa chí dày rịt con số sự kiện để thăng hoa thành thứ như BĐMT của Bọ Lập cũng là ước mong của những người viết may mắn có một vùng đất nào đó để đi về?

Vậy mà rồi cũng xong 6 trăm rưỡi trang của BĐMT. Hơi nhọc. Nhưng cũng đáng đọc.

Báo Tiền Phong 13.5.2024

Bí mật Nguyễn Kim

Nguyễn Quang Lập



 Gia Miêu ngoại trang, nơi có tộc Nguyễn 15 đời nối tiếp nhau làm quan trong triều, đời nào cũng có người lập nên chiến tích. Riêng thời Lê Thánh Tông – thời thịnh nhất của cả Lê sơ lẫn Lê trung hưng, thời mà Nguyễn Thị Ngọc Hằng con gái Nguyễn Đức Trung là quí phi nhà vua –, tộc Nguyễn trang Gia Miêu có tới 200 quan trong triều. Ảnh Internet.

Nguyễn Phúc Tộc thế phả  Tiên nguyên toát yếu phổ tiền biên đều chép là Nguyễn Cam. Nguyễn Phúc Tộc thế phả tr. 7 chú rằng: “Theo phát âm của Khang Hy từ điển đọc là Cam, về sau đọc trại là Kim từ đó mọi người đọc là Kim”; đến tr. 97 lại chú một lần nữa: “Theo phát âm của Khang Hy tự điển, 淦 phải đọc là Cam. Từ trước đến nay quen đọc là Kim, nay sửa lại cho đúng”. Nhưng tác giả Nguyễn Phúc Vĩnh Ba trong bài Triệu tổ Nhà Nguyễn húy Kim hay Cam? (Tập san Văn hoá Phật giáo số 283 ngày 15.10.2017) thì cho rằng không phải và không nên gọi Nguyễn Kim là Nguyễn Cam.

Nguyễn Kim sinh năm Mậu Tý 1468, con trai cả Trừng quốc công Nguyễn Hoằng Dụ (hoặc Trừng quốc công Nguyễn Văn Lựu). Mẹ họ Mai, tên huý không rõ. Tộc Nguyễn này có 5 đời nối tiếp nhau lấy vợ họ Mai, đó là Nguyễn Chiếm, Nguyễn Sừ (Quốc sử di biên chép là Nguyễn Trừ), Nguyễn Công Duẫn, Nguyễn Như Trác, Nguyễn Văn Lựu. Đến đời Nguyễn Kim mẹ vẫn họ Mai.

Nguyễn Kim có một tiểu sử “Tam vô”: Một: Không biết ông nội là ai, Nguyễn Như Trác hay Nguyễn Đức Trung? Hai: Không biết bố là ai, Nguyễn Văn Lựu (Lưu) hay Nguyễn Hoằng Dụ? Ba: Không biết vợ đầu là ai, thậm chí họ gì cũng không biết. Vợ hai, vợ ba đều có tên tuổi gốc tích, riêng vợ đầu hoàn toàn không. Đến mộ bà cũng không biết ở đâu, phả tộc chỉ ghi: “Đời truyền là táng chung vào lăng (Nguyễn Kim).” Đứa con cả là Nguyễn Uông làm quan đến chức Lãng quận công mà không biết sinh, mất năm nào. Riêng cái chết của Nguyễn Uông là một câu hỏi lớn.

Sử không chép gì về người khôi phục triều Lê trước, năm ông 60 tuổi, 1527. Nguyễn Phúc Tộc thế phả – Gia phả tộc Nguyễn ở Huế, chép: “Thời trai trẻ, ngài kiêm tài văn võ. Ban đầu ấm thụ làm quan coi lính. Đến đời vua Lê Chiêu Tông (1516-1524) giữ chức Tả vệ Điện tiền Tướng quân, tước An Hầu, trông coi tỉnh Thanh Hoa (tức Thanh Hoá)”. Nam Triều công nghiệp diễn chí chép đúng một câu: “An Tĩnh hầu Nguyễn Kim quê ở Gia Miêu Ngoại Trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa, vì lúc trước ở Thăng Long từng có lần ngăn trở việc (Mạc) Đăng Dung xin quân nên Đăng Dung không vừa ý, bèn tức giận giải tán bộ thuộc, lui về quê quán.”

Thời Nguyễn Kim là thời loạn, vua quỷ Uy Mục (1486-1509), vua lợn Tương Dực (1493-1516), hết loạn Trần Cảo tới loạn Mạc Đăng Dung. Ông nội, cha và Nguyễn Kim đều gồng lên bảo vệ các triều nhà Lê. Có lẽ đó là lý do mà Bảo Trâm trong Ai là thân phụ Nguyễn Kim?, đã suy đoán có lý: “Biết đâu vì sợ sẽ bị truy sát mà tất cả hậu duệ của họ Nguyễn Tống Sơn [tức họ Nguyễn ở Gia Miêu ngoại trang] đã viết ra như thế, phải đưa ra một lý lịch khác [xoá bỏ và làm sai lệch] để bảo vệ ngài Nguyễn Kim.”

Thời loạn thật lắm bi hài. 1522 Mạc Đăng Dung phế Lê Y (Lê Chiêu Tông), lập Lê Xuân (Lê Cung Hoàng). 1527 Dung sai Phạm Kim Bảng giết Lê Y rồi về nghỉ ngơi ở quê nhà Cổ Trai. Vua Lê Xuân tưởng được yên thân, làm thơ Chu Công giúp Thành Vương ca ngợi Dung, sai mang đến Cổ Trai dâng lên Dung. Việt sử cương mục tiết yếu chép: “Hoàng đệ Xuân sai Tùng Dương, Phan Đình Tá cầm cờ tiết, mang kim sách, mũ ô lộng, trang phục, đai ngọc, kiệu tía, quạt hoa, tán tía đến Cổ Trai để tiến phong.” Chẳng dè mấy hôm sau Xuân bị Dung ép “nhường ngôi”.

Đại Việt sử ký toàn thư (viết tắt Toàn thư) chép: ”Ngày 15 tháng 5 Đinh Hợi 1527, các quan đã đứng ban chầu vẫn chưa có chiếu nhường ngôi. Các quan báo Lại bộ thượng thư Trương Phu Duyệt khởi thảo. Phu Duyệt trừng mắt mắng rằng: “Thế nghĩa là gì?”. Lại báo Đông các đại học sĩ Đạo Nguyện bá Nguyễn Văn Thái. Thái cầm bút thảo theo tờ chiếu….”

Trong đám quan đứng chầu hôm ấy có Nguyễn Kim. Ngài vừa lên kinh chầu. Kim núp sau lưng Đô ngự sử Nguyễn Thái Bạt, Bạt núp sau lưng Lễ bộ Thượng thư Đàm Thận Huy, Huy núp sau lưng Tham chính sứ Nguyễn Duy Tường, Tường núp sau lưng Quan sát sứ Nguyễn Tự Cường… Điện Cần Chánh hôm ấy lạnh như một nấm mồ.

Hôm sau người ta đem xác phế đế Lê Xuân về, cả triều xúm lại khóc than. Có đủ quan lại trong triều nhưng vắng Nguyễn Kim. Ngài đã lẻn về Thanh Hoá. Kỷ Sửu 1529 Nguyễn Kim 61 tuổi đem thuộc hạ con em chạy sang Ai Lao, cậy nhờ vua P’ot’isarat (Phật vương tương lai), người Việt gọi là Sạ Đẩu, nuôi chí phục nhà Lê, dựng cờ “Phù Lê diệt Mạc.”

Quí Tỵ 1533 Nguyễn Kim tìm được con trai Lê Chiêu Tông tên Lê Ninh, lập làm vua Trang Tông. Sử ký nước An Nam chép: “Vua Lê nghĩ công ơn Nguyễn Kim thì phong lên chúa”. Mới biết danh xưng “chúa” có từ đời Lê Trang Tông, khi Nguyễn Kim còn sống. Vì sao vua vội vàng tôn xưng công thần là chúa? Đó là một câu hỏi hay.

Toàn thư chép: “Vua là con Chiêu Tông”, lại chép “ở ngôi 16 năm thọ 34 tuổi.” Từ năm vua mất 1548 suy ra năm sinh vua Trang Tông là 1515. Lê Chiêu Tông, vẫn theo Toàn thư, sinh 4.10.1506. Nghĩa là vua Chiêu Tông đẻ vua Trang Tông năm 9 tuổi! Bật cười luôn. Nhưng dò xuống đoạn dưới thấy chép: “Vua là con Chiêu Tông, cháu xa đời của Thánh Tông, mẹ là Phạm Thị, huý là Ngọc Quỳnh, người sách Cao Trĩ, huyện Thụy Nguyên. Khi Đăng Dung cướp ngôi, vua tránh về Thanh Hóa”. Ý đoạn này nói thời gian Chiêu Tông lánh Đặng Dung ở Thanh Hoá có gần gũi ngự nữ Ngọc Quỳnh, rồi như vầy như vầy… mà sinh ra vua Trang Tông.

Vẫn theo Toàn thư, đó là năm 1522 và ở Sơn Tây (chứ không phải Thanh Hoá): “Ngày 27.7.1522 vua chạy ra huyện Minh Nghĩa ở Sơn Tây. Khi ấy Mạc Đăng Dung uy quyền ngày một lớn, lòng người đều hướng theo. Đăng Dung đem con gái nuôi vào hầu vua […]”. Không biết Ngọc Quỳnh có phải là con gái nuôi của Đăng Dung hay không, nhưng chắc chắn con của họ, tức vua Trang Tông, phải sinh sau 1522. Lúc đó Chiêu Tông đã 16 tuổi, làm bố được rồi.

Tuy nhiên người ta vẫn có quyền nghi ngờ Trang Tông không phải con Chiêu Tông. Khâm định Việt sử thông giám cương mục (viết tắt Cương mục) chép: Đăng Doanh được tin quân Minh sang đánh, cả sợ, liền sai đồ đảng là bọn Nguyễn Văn Thái đem tờ biểu đầu hàng sang Minh nói dối trá rằng: “[…] Đến như người nhận là dòng dõi họ Lê bây giờ chỉ là con của kẻ khác, chứ không phải là con của Chiêu Tông". Sử nhà Nguyễn đã chép nhẹ đi, Minh Thực lục chép khác : “Phương Doanh sợ, bèn sai Đầu mục bọn Phạm Chính Nghị dâng biểu xin hàng […] Nhân kể rằng Lê Ninh là con cháu dòng họ Nguyễn, mang ấn giả, không đủ làm bằng”. Còn dân gian thì nói trắng phớ: Nguyễn Kim dựng con mình lên ngôi, nói dối là con của Chiêu Tông.

Từ tiểu sử mẹ con Nguyễn Uông hết sức mù mờ, hầu như không rõ tung tích, người ta có thể đặt câu hỏi: Liệu nhà Mạc có dâng biểu vu khống hay không?

Đây là việc trọng, Nguyễn Kim lập tức cử Trịnh Duy Liêu (Cương mục chép là Liễu) đi sứ nhà Minh trình cho rõ lai lịch Lê Ninh (tức Trang Tông). Cương mục chép: “Duy Liễu trần tình hàng vài nghìn từ. Lời trung nghĩa mà đầy giọng căm hờn, hăng hái mà sục sôi tức bực, khiến người đọc phải xót xa.”

Minh Thế Tông cũng cẩn thận, cử Mao Bá Ôn sang điều tra, làm rõ việc này. Toàn thư chép: “Tháng 10 ngày 20-1541- Bọn Mao Bá Ôn nhà Minh dâng biểu tâu về Yên Kinh nói rằng: “[…] Còn như Lê Ninh tuy tự xưng là con cháu họ Lê, nhưng cứ theo các ty tra xét, thì ngọn ngành tung tích khó biết rõ ràng. Trịnh Duy Liêu có lén lút tới các động trại ở châu Thạch Lâm nước ta, sát vùng thổ quan Quảng Tây, nhưng mặt mũi Lê Ninh ra sao cũng không biết, cho nên khi thì gọi là Lê Ninh, khi thì gọi là Lê Hiến, lúc thì gọi là Quang Hòa, có lúc lại bảo họ Trịnh trá xưng. Còn Trịnh Viễn thì khai rằng ở động Tất Mã Giang có Lê Ninh thật, nhưng lai lịch tông phái không biết được rõ; những điều trình bày về tuổi tác, nét mặt, lại khác với lời khai cũ của Trịnh Duy Liêu, đều khó dựa vào đó mà nghe được.”

Biểu tâu Mao Bá Ôn bất lợi như thế mà sử nhà Nguyễn là Cương mục vẫn chép nguyên xi của Toàn thư, đủ biết “sự tích Lê Ninh” có vấn đề. Từ đây thuyết âm mưu có thể dựng ngay câu chuyện: Năm 1529 Nguyễn Kim sang Lào, ông gửi Nguyễn Hoàng hai tuổi cho anh vợ Nguyễn Ư Dĩ ở quê, rồi cho mẹ con Nguyễn Uông lặng lẽ lên thượng lưu Sông Mã trú ở động Tất Mã Giang. Uông lấy tên Ninh. Hai năm sau, 1533, Nguyễn Kim mật sai hai anh em Trịnh Duy Liêu, Trịnh Duy Tuấn lên Tất Mã Giang đón “Lê Ninh” về Sầm Nưa, phao lên chuyện mà Việt sử cương mục tiết yếu đã chép: “Trịnh Duy Tuấn trấn giữ Thanh Hóa, Chiêu Tông ra Lạc Thổ đánh Mạc Đăng Dung, để hoàng tử Ninh ở lại Tây Đô, sai Duy Tuấn bảo vệ. Chiêu Tông thua trận bị cướp đi. Duy Tuấn sai Lê Quan bế Ninh chạy sang Ai Lao ẩn trốn.”

Câu chuyện của thuyết âm mưu khó nghe nhưng không khó tin. Nó đủ để cho biết vì sao Nguyễn Uông không biết sinh tử năm nào, không biết cả việc sau Nguyễn Kim mất năm 1548 Uông mấy tuổi, con nít hay người lớn, mà sử nhà Nguyễn lại biết ngài “lập được nhiều chiến công”, làm đến chức tả tướng tước Lãng quận công, và “bị Kiểm làm hại”. Hèn gì vừa lên ngôi Uông đã gọi Kim là chúa, chúa còn hơn cha.

Nguyễn Kim nhiều bí mật đến nỗi cả cái chết cũng là một bí mật. Chuyện viên tướng nổi tiếng nhà Mạc là Trung hậu hầu Dương Chấp Nhất trá hàng được vua Lê tin dùng ngay, dâng dưa hấu tẩm thuốc độc giết chết Nguyễn Kim lại có thể thoát được dễ dàng “trốn về được nhà Mạc”, thôi thì cứ tin thế đi. Nhưng nấm mộ của Chiêu Huân Tĩnh Công không cánh mà bay là sao đây? Nguyễn Phúc Tộc thế phả chép: “Linh cữu ngài được đưa về Bái Trang, huyện Tống Sơn (Thanh Hoá), táng tại núi Thiên Tôn. Khi táng, trời nổi mưa gió sấm chớp, ai cũng sợ hãi bỏ chạy. Lúc trời trở tạnh trở lại đá núi, cây cỏ tươi tốt, không biết huyệt táng nơi nào nữa.”



Miếu Triệu Tổ thờ Nguyễn Kim trong Kinh thành HuếẢnh Internet.

Tạ Chí Đại Trường trong Bài sử khác cho Việt Nam (tr. 250), đã phải ngậm ngùi than: “Cái mả của ông tổ một dòng họ vinh hiển tột cùng mà cho đến nay chỉ được đánh dấu bằng mấy tấm đá giữa rừng sâu, dưới chân núi Thiên Tôn, vì ngay cả khi con cháu lên làm vua cũng không tìm ra đích xác nơi chôn cất, chỉ dựa vào nơi đó làm điểm cúng tế, gọi trang trọng là Phương Cơ / Nền Vuông […]. Việc mất dấu vết chỉ được hiểu là đương thời người ta đã theo một táng thức khác ngày nay, dưới cái tên tốt đẹp là “thiên táng,” nói nôm na là bỏ mặc ngoài rừng!”

Sự này muốn tin cũng rất khó.

Củ Chi, 2.2024

………………

Tham khảo:

1. Bảo Trâm, Ai là thân phụ Nguyễn Kim?https://nghiencuulichsu.com/2018/01/04/ai-la-than-phu-ngai-nguyen-kim/

2. Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu, Hoàng Văn Lâu dịchKhoa học Xã hội, Hà Nội, 2000.

3. E. Quyển, Sử ký nước An Nam kể tắt (in lần thứ sáu). Imprimerie de Quinhon, 1930.

4. Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc Tộc, Nguyễn Phúc Tộc thế phả. Thuận Hóa, Huế, 1995.

5. Minh thực lục (ba tập), Hồ Bạch Thảo dịch và chú thích, Phạm Hoàng Quân hiệu đính và bổ chú. Nhà xuất bản Hà Nội, Hà Nội, 2010.

6. Nguyễn Khoa Chiêm, Nam triều công nghiệp diễn chí, Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga dịch, chú và giới thiệu. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2017.

7. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Viện Sử học dịch. Giáo Dục, Hà Nội, 1998.

8. Phan Thúc Trực, Quốc sử di biên, Đỗ Mộng Khương dịch. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2009.

9. Sử quán triều Hậu Lê, Đại Việt sử ký toàn thư. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993.

10. Tạ Chí Đại Trường, Bài sử khác cho Việt Nam. Văn Mới, 2009.

11. Tôn Thất Hân, Tiên nguyên toát yếu phổ tiền biên, Ưng Bình và Ưng Tôn dịch. Tiếng Dân, Huế, 1935.

 

NGUYỄN QUANG LẬP MẠN THUẬT

Nguyễn Thế Thịnh



Tôi không chỉ đọc “Ba Đồn mạn thuật” bản in lần đầu và cả bản tái bản mà còn đọc hết nhũng bài viết về tác giả và quyển sách. Nói gọn là, phải yêu quý tài năng của Lập đến độ nào người viết mới viết kỹ đến vậy. Cho nên giờ không viết kỹ nữa mà viết điều chưa ai viết.
Hôm đi Huế, gặp, Phạm Xuân Nguyên mới nói: “Thế Thịnh, mi viết cho Lệ Thủy quê mi quyển như thằng Lập đi”. Tôi cười cười, bụng nghĩ, khỉ, nó đánh giá mình cao quá. Tao thà hy sinh chứ không thà viết như nó. Nó viết cứ như sợ mình chết không viết kịp. Tao thì tài đã không có lại còn ham chơi.
Lập ngồi bên cũng cười cười, nó không nói về chuyện sách mà nhìn cô gái đi với tôi, phán như biết rồi: “Thằng Thịnh giờ nhìn thấy ai giông giống là nó thích thôi”. Là vì, cô đó hao hao, nó chỉ không biết, cô ấy là người tôi rất quý, quý lắm, bạn quý không thể yêu, chứ đừng nói vốn dĩ cô ấy đã không hề có ý. Nhưng cô ấy là người phụ nữ VN mới leo Everest khiến tôi rất phục, Cô ấy có mang về cho tôi cái lá cây hái trên đỉnh cao nhất thế giới. Và, quan trọng là, cô ấy rất thích đọc Nguyễn Quang Lập.
Lan man quá, trở lại “Ba Đồn mạn thuật”, mọi người viết nhiều rồi, tôi chỉ nói hai điều: Một là, Lập viết văn ai chả phục, thừa. Có điều, nó làm người ta ngạc nhiên khi viết một quyển sách thuộc lĩnh vực...không tưởng đối với những gì người ta từng biết, từng nghĩ về nó. Hai là, với cá nhân tôi, nó tạo ra cảm hứng. Cảm hứng ở chỗ, chọn một cách viết mà đến nỗi tôi cũng nghĩ, “À, thế này tao cũng viết được”- đó là “mạn thuật”. Kiểu như ca sĩ Thùy Chi hát “Giấc mơ trưa” rất trong sáng, đơn giản, ai cũng tưởng hát được mà hát thì không ra.
Nhưng cảm hứng “làm được” quan trọng lắm.
Ba Đồn là quê P nhà tôi. Tôi thì cuồng vợ đến mức cuồng cả quê vợ Ba Đồn. Thời đầu làm báo, giai đoạn mới chia tỉnh, có lẽ, tôi từng viết nhiều về Ba Đồn nhất và...hay nhất. (Có nổ lên xí vì cũng chẳng ai thi mà biết). Anh em Nguyễn Quang Lập và anh em tôi (tôi và Minh Toản, em rể, nay làm Tiền Phong) lăn lộn Ba Đồn cũng nhiều. Chơi với người đọc sách có, buôn trầm có, quan chức có, buôn bò có... nên quen và biết cũng nhiều. Nói thế để nói, đọc “Ba Đồn mạn thuật” như gặp và nghe lại chuyện nhà mình. Thích lắm.
Tôi có cảm giác, đọc “Ba Đồn mạn thuật” không chỉ để biết chuyện Ba Đồn mà, trong chuyện Ba Đồn có chuyện của các làng quê chúng ta. Đó là cái hay của quyển sách, tài của Lập.
Mấy năm trước, Lập gặp hạn, P nhà tôi lẩm nhẩm: “ Cái anh Lập ni, làm vợ con khổ”. Tôi an ủi: “Không sao đâu em, cứ mỗi ần gặp nạn gì đó nó lại phát năng lượng thiên tài. Em yên tâm đi, qua hết”. Và nó thế thật.
Rồi thì nó có quyển sách này.
Quay lại câu chuyện tạo cảm hứng, ai chưa đọc đọc đi, coi tôi nói đúng không. Tôi thì, sau khi đọc, bèn nghĩ, mình không làm được như hắn nhưng mình nhất định sẽ viết gia phả theo kiểu...mạn thuật. Xưa nay gia phả viết cứng nhắc, khuôn mẫu, muốn biết thêm gì cũng không biết được, nay tôi viết theo kiểu mạn thuật: Kể chuyện về từng người, còn nhỏ thế nào, tố chất ra sao, học hành thế nào, bà con nhớ về họ là nhớ chuyện gì, bà con lối xóm đói với gia đình mình ra sao, ân nghĩa với những ai...Bà con cô bác, anh em họ mạc, chuyện làng, chuyện xóm, chuyện thầy dạy vỡ lòng, chuyện ông chủ nhiệm, bà đội trưởng, chuyện bạn bè...Sau này con cháu đọc vui lắm.
Cuộc đời tôi cám ơn Lập hai chuyện: Một là, nhờ quen Lập mà quen rất nhiều người không dễ gì quen, học được rất nhiều (thiên hạ có 5 bồ sách họ đọc 4 rồi kể cái hay nhất cho mình). Hai là, “Ba Đồn mạn thuật” cho tôi cảm hứng. Tôi đang viết quyển gia phả lạ nhất từ trước đến nay!

Bọ Lập viết "Ba Đồn mạn thuật" - khó thế mà cũng làm được

 Nghuyễn Thông

KỲ 1



Tôi không như người ta “nhà nghèo ham sách không có tiền mua sách mà cũng sưu tập được mấy trăm cuốn cho tủ sách cá nhân”. Ấy báo chí ca ngợi vậy về một ông từng là cột trong tứ trụ. Hồi bé, tôi nghe bạn quần thủng đít truyền nhau kinh nghiệm “tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm”. Sách hay, khi dành dụm đủ tiền thì tôi mua, tuyệt không xin xỏ đề nghị cho tặng bao giờ, dù tác giả bạn chí cốt mấy chăng nữa. Đơn giản, tôi hiểu, đẻ được sách còn khó hơn bà chửa trâu vượt cạn.

Hè 2024, Giáp Thìn tháng 4. Thiên hạ nói với nhau Sài Gòn chưa khi nào nóng gay gắt và kéo dài như năm nay. Đang cửi trần, ting cái tin nhắn, rằng “Ông cho tôi địa chỉ, tôi gửi biếu ông cuốn sách. Bọ”. Ngắn gọn, dứt khoát, không nhiều lời à ơi. Tôi biết tính lão, nhưng còn cố vớt vát sĩ diện “thôi thì cụ đã có lòng, nhà cháu xin nhận, hay để nhà cháu trả tiền síp (ship)”. Bọ nhắn lại, chắc vừa gõ vừa cười “tiền sách mới nhiều chứ síp siếc đáng bao nhiêu”.

Trên đời này thiếu gì người tên Lập. Cái Lập mà nhà cháu đang nhắc là Nguyễn Quang Lập, một kẻ rạch giời nhảy xuống hạ giới. Quê Quảng Bình, nơi thời chiến tranh bị gọi là Quảng Bọ, nên y chết tên Bọ Lập. Có một thời, cũng khá dài, thiên hạ ùn ùn rủ nhau đọc blog Quê Choa, có người còn bảo chỉ 2 mình “Quê Choa” và “Anh Ba Sàm” đủ chấp hết báo chí tivi mậu dịch, cung cấp đủ thông tin và văn hóa cho đời. Đời sống xã hội xứ ta có một thời lề trái thăng hoa lẫy lừng như thế. Sau này có “nhà” nào viết sử, tất nhiên không phải kiểu Phạm Hồng Tung... thì đừng quên nha. Đó có lẽ là chặng đẹp đẽ ý nghĩa nhất của tự do dân chủ trước khi nó bị đàn áp, chết uất ức, tồn tại vật vờ như bây giờ.

Ông bạn tôi ở Hà Nội có lần thủ thỉ, tài của người đời thì cũng chỉ đến mức Bọ Lập là kịch khung. Hỏi sao, y bảo y vừa đọc bài kể về tay diễn viên đóng vai cụ Hồ, nghệ sĩ Tiến Hợi, hình như có tên “Kinh tế Bác Hồ”, đọc xong cả nhà lăn ra cười, tranh nhau khen tài thật, tài đến thế là cùng, tiên sư anh Bọ Lập. Vợ y còn đòi làm cái đơn cả nhà ký đề nghị phong ngay cho Bọ nghệ sĩ nhân dân (đốt cháy giai đoạn, đi tắt, bỏ qua bước nghệ sĩ ưu tú), tặng ngay giải thưởng Hồ Chí Minh trong đêm, v.v.. Tôi cười, vợ chồng con cái mày mà được đọc đủ những sách lão ta viết như Bạn văn, Ký ức vụn, Đời cát… thì có khi còn bầu lão í là trời không chừng. Nó nhắn lại bằng cái mặt biểu tượng cười ha ha.

Nhớ hồi Bọ mới ở 6 Phan Đăng Lưu về, tá túc bên khu dân cư Thảo Điền quận 2, bác Nguyễn Khắc Nhượng rủ tôi tới “dò xét tình hình”. Ba anh em làm hết chai rượu với đĩa vịt luộc, nồi cháo vịt, chuyện trò bắp rang… Ngó bọ bình thản như chưa từng xảy ra chuyện gì, không hề có phan đăng lưu đăng liếc, chợt hiểu rằng cái con người suýt què chân do bị đâm xe kia đã vượt qua mức cảnh giới rồi, mình được bá vai bá cổ thế ni là may mắn lắm.

Cũng không ít lần những cuộc tụ bạ tình nghĩa, huynh đệ giang hồ vặt do tay Nguyễn Một chủ trì, chiếc ghế hình như ở vị trí đẹp nhất được ngấm ngầm chừa cho Bọ Lập. Y tới, không khí nhậu nhẹt tán chuyện sinh sắc hẳn lên. Y là thứ bột nêm không thể thiếu để chữa những nồi canh có nguy cơ nhạt. Hôm nào đủ cả y và Đỗ Trung Quân, giang hồ vặt tự động tắt đài. Lần trưa ấy, y và Yên Ba thi nhau nhớ lại thời làm báo Văn nghệ trẻ, mọi người cười bò quên cả ăn uống, tôi mấy hôm sau vẫn còn khan cổ dù đã ngậm hết 4 vỉ Bảo Thanh. (còn tiếp, ai muốn biết tân thư “Ba Đồn mạn thuật” hay dở thế nào thì đọc số ngày mai)

KỲ II




Có nhẽ cần nói ngay để khỏi gây thất vọng cho ai đó. Vẫn biết người nước nam ta rất ham đọc, thích đọc sách, thường ngâm nga câu thơ cổ “vạn ban giai hạ phẩm/duy hữu độc thư cao” (mọi thứ trên đời đều thấp kém tầm thường, chỉ có đọc sách mới cao quý đáng tôn trọng) nhưng… Hồi nhỏ tôi có nghe thày tôi kể người viết ra câu ấy là nhà thơ bên Tàu, nhưng nhỏ tuổi lắm, nghe đâu mới chín mười tuổi. Đại loại cũng kiểu thần đồng Trần Đăng Khoa bên ta sau này. Anh trai tôi, một tay học giỏi toán nhất trường cấp 3, sau phải đi bộ đội đánh nhau nên chẳng dùng toán vào việc gì, bĩu môi (tất nhiên nói với chị em tôi chứ không phải với thày), đọc với chả cao, không có người làm ruộng cày cấy thì có khối gạo để bỏ vào mồm.

Sách của Bọ Lập, cuốn “Ba Đồn mạn thuật” này khá kén chọn người đọc. Nó không phải thứ sách ngôn tình, diễm lệ, chuyện gay cấn hồi hộp nút thắt nút mở, khơi gợi tò mò thân xác tình dục, lấy nước mắt; không có ý định “dành cho giới trẻ”, những 9X, 10X, Gen này Gen nọ; không phải kiểu sách của âu sần Vương (Ocean Vương) mà người ta đang tranh cãi. Đại loại vậy. Nhưng “Ba Đồn mạn thuật” là cuốn sách đúng nghĩa sách, bác học mà dân dã, hợp với tất cả những người yêu sách, thích đọc sách, ưa khám phá, ham mở mang kiến thức, và yêu quê hương đất nước mình (dù sách này chỉ khai phá một… làng).

Đọc sách về Ba Đồn của Bọ Lập, bất giác ta liên tưởng tới những điều tương tự. Thời còn làm cho một tờ báo to, tôi thường được gặp, tiếp cụ nhà văn Thái Vũ - Bùi Quang Đoài. Nhiều người biết ông ở góc độ ông là nhân vật liên quan đến Nhân văn giai phẩm. Ông từng rủ tôi tới thăm cụ Trần Đức Thảo lừng danh khi cụ Thảo “lánh nạn” vào tá túc trong cái phòng nhỏ trên đường Nguyễn Trung Trực quận 1 Sài Gòn. Thái Vũ thông kim bác cổ, hay chuyện, rất thẳng thắn. Có lần ông nói với tôi, cậu bảo thằng Xuân Ba bạn cậu, nó giỏi thật đấy, tớ rất phục nó, nhưng nó cứ hay dùng từ “thi thoảng” mà đúng ra phải là “thỉnh thoảng”, dùng thế là sai bét. Thái Vũ người Quảng Bình, lại ở ngay huyện Quảng Trạch, lại ở ngay vùng Ròn, Ba Đồn nữa. Ông rất yêu quê, nặng tình quê. Ông tặng tôi cuốn sách “Xứ Ròn - Di Luân” viết về quê chôn nhau cắt rốn, đọc rất thích. Giờ xứ Ròn có thêm sách Bọ Lập, hoành tráng, đầy đủ, chi tiết, mê mẩn hơn. Sao một vùng quê nho nhỏ nghèo mà lắm người tài, người nghĩa tình chịu ơn quê đến vậy.

Cầm trên tay, nói chính xác là ôm, cuốn tân kỳ thư của Bọ Lập, cũng lại nhớ tới một người hùng vĩ ở xứ này, cụ bác học Quế Đường Lê Quý Đôn. Những người yêu nước Việt, ưa khám phá các vùng miền, ham nạp kiến thức có thể tỉ mẩn tìm được rất nhiều điều qua các ghi chép của cụ Quế Đường như “Kiến văn tiểu lục”, “Phủ biên tạp lục”, “Đại Việt thông sử”, “Đại Việt sử ký tục biên”…, kể từ phong tục, địa lý, văn hóa, con người cho tới món ăn, cây cỏ, thậm chí cả những bãi cát vàng Hoàng Sa, Trường Sa cũng được nhắc cụ tỉ, cẩn thận. Về mảng sách này, nói không ngoa, trong Nguyễn Quang Lập có hình bóng con người Lê Quý Đôn. Hậu sinh khả úy, sau 200 năm.

“Ba Đồn mạn thuật” là một công trình, công trình văn hóa, thiển ý có gắn cho nó từ “vĩ đại” cũng không sao. Tôi cứ hình dung, ở xứ này bao lâu nay, đủ các ban bệ viện nghiên cứu, với cách mà họ từng làm, để có đứa con như thế, có nhẽ phải vài chục người, phân công ai chủ biên, ai làm phần nào phần nào, rồi họp bàn, phân tích, bổ sung, nâng lên đặt xuống, sơ kết, tổng kết, báo cáo, có khi mất vài năm, thậm chí chục năm. Biết bao nhiêu “kinh phí” đổ vào đấy để có sự “thành công tốt đẹp”.

“Ba Đồn mạn thuật” chỉ đề tên tác giả Nguyễn Quang Lập, bởi bọ làm một mình, nhõn một mình, trong 2 năm dịch, cụ thể như chính bọ khai, “451 ngày đêm”. Chưa đầy một năm rưỡi, hoàn thành, một mình. Kinh. Nếu không phải là quần quật bỏ ăn bỏ ngủ, xuyên ngày xuyên đêm thì chỉ có thần thánh trợ lực, chứ siêu nhân cũng không làm được, để ra cuốn kỳ thư nặng trĩu 650 trang khổ lớn nặng đúng 1 ký 2 mà tôi đang nâng niu đây.

Cuốn sách gồm 5 phần đại, riêng nội dung chính đã 15 chương, không thể nào kể ra hết được, dù chỉ cái tên, trong một bài ngắn như thế này. Có cảm giác, hầu như tất cả những gì Ba Đồn có, Ba Đồn trải đều được tìm hiểu kỹ lưỡng, không bị bỏ qua, sót lọt, từ một dấu tích, sự việc, thửa ruộng, con người, chuyện vui chuyện buồn. Tôi rất khoái khi đọc đến phần văn hóa văn nghệ được “gặp” lại bậc đàn anh đồng môn, bác Nguyễn Tri Nguyên, mà bấy lâu bặt tin. Bác Nguyên học trước tôi 2 khóa, khóa 15. Năm 1974, cả khoa văn xôn xao khi sinh viên Nguyễn Tri Nguyên có truyện ngắn “Sóng lừng” đăng trên báo Văn nghệ - tờ báo như ngôi đền thiêng của giới văn nghệ miền Bắc không dễ gì đặt chân vào. Bác Nguyên là dân Ba Đồn chính cống, một “danh nhân” của làng này.

Thật cảm động khi lia mắt vào mấy dòng trong phần “Đôi lời” mở đầu cuốn sách, bọ thủ thỉ chân thành cảm ơn tất cả những ai đã ít nhiều giúp bọ thai nghén, sinh nở. Bọ bảo “Chưa bao giờ tôi nhờ cậy mà họ nói không. Có thể nói, không có những người kể trên sẽ không có cuốn sách này. Xin khấu đầu tạ ơn tất cả”. (còn tiếp, cho dễ đọc, nhất là khi mọi người đang quan tâm vụ “bắt giò” Hai Nhật)

KỲ III




Khi mới chỉ đọc gần xong “Ba Đồn mạn thuật” của Bọ Lập (dài, ngồn ngộn kiến thức, mặc dù cấu trúc, phân bố cực kỳ mạch lạc), tôi đã thoáng liên tưởng đến những cuốn sách xưa và người xưa lừng lẫy tới tận bây giờ. Trong số ấy, nhà cháu đã kính cẩn nhắc tới cụ Lê Quý Đôn với “Kiến văn tiểu lục”, “Phủ biên tạp lục”…, và có lẽ đừng quên một Thái sơn khác, cụ cử Phan Kế Bính cha đẻ cuốn sách gối đầu giường của bất cứ người Việt nào, “Việt Nam phong tục”. Những cuốn kỳ thư cung cấp cho ta kho kiến thức ta mang theo suốt đời, đọc sớm có sớm, đọc muộn có muộn, không bao giờ phí cả.
Có nhẽ nên bạch đôi dòng về tên cuốn sách “Ba Đồn mạn thuật”. Ba Đồn thì khỏi cần diễn giải, hầu như ai cũng biết đó là địa danh, một vùng quê, làng quê nổi tiếng xứ Quảng Bình, ở huyện Quảng Trạch xứ ấy. “Mạn thuật”, từ nghe vừa quen vừa lạ, có gốc Hán Việt. Từ ‘mạn”, khi chưa nhìn thấy cuốn sách, chỉ nghe… đồn, tôi cứ tưởng “mạn” nghĩa giống như ta vẫn dùng “mạn tính” trong y học, là từ từ, chậm chậm, nhẩn nha (chỗ này phải nói thêm, rất nhiều thầy thuốc, kể cả lãnh đạo bộ y tế, giáo sư bác sĩ, nhà báo… quen mồm quen tay nói/viết thành “mãn tính” để đề cập tới thứ bệnh đến từ từ, càng ngày càng nặng, chẳng hạn bệnh tiểu đường, mỡ máu, huyết áp, gút). Rồi nghĩ, chắc ông bọ nhẩn nha kể chuyện, nhẩn nha biên chép nên mới đề “mạn thuật”. Té ra không phải. Chữ “mạn” bọ dùng, bọ đặt tên sách, có bộ thủy, có yếu tố nước. Mạn là nước dâng lên, ngập tràn. Nước kiến thức được chứa đầy trong từng trang sách, người viết càng bơm đùn lên, người đọc càng thỏa chí vẫy vùng. Ngoài ra, mạn cũng có nghĩa sự tùy thích, phóng túng, không bị ràng buộc, cứ tha hồ thể hiện những điều mình ghi nhận, bắt gặp, gom góp được. Trong di sản đồ sộ của Ức Trai tiên sinh Nguyễn Trãi có khá nhiều bài thơ không đặt tên riêng, nằm trong chùm tên chung “Mạn thuật”, hay cực kỳ. Phương thức “mạn” này rất hợp với con người, phong cách, lối văn Bọ Lập.
Thuật, ngay cả đứa trẻ con cũng hiểu. Bất cứ đứa nào học cấp 1 (khi trước) hoặc tiểu học bây giờ đều được học các lối văn, từ đơn giản tới phức tạp, gồm miêu tả, tường thuật, kể chuyện. Thạo được mấy lối ấy thì cũng hết cấp 1, sau đó lên cấp 2 bắt đầu học làm văn nghị luận các kiểu chứng minh, giải thích, phân tích, bình luận, bình giảng. Miêu tả là dễ nhất, đại loại thầy cô ra đề hãy tả ông nội em, có đứa tả “Nhà em có nuôi một ông nội. Ông già khọm, tóc bạc trắng, đi đứng run rẩy, chả làm được gì. Bởi vậy suốt ngày ông nằm, đọc sách lý luận, coi tivi, xong thì ngủ. Ngủ chán, ông dậy hỏi nhà có gì ăn chưa bây”. Thuật để chỉ hành vi bày tỏ, kể lại, thuật lại, trình bày. Khẩu thuật là kể lại bằng miệng, kể miệng. Trong văn viết, theo cụ Thiều Chửu giải thích, chép lại biên lại những điều đã nghe, đã nắm được thì gọi là thuật.
“Ba Đồn mạn thuật” được Bọ Lập dày công biên chép, kỳ khu ghi lại, sắp xếp tỉ mỉ, khoa học tất cả những thứ nén chật ních trong bộ nhớ kinh hoàng của bọ, và cả trong biết bao nhiêu hồ sơ, tư liệu, truyền khẩu của mấy trăm năm, của hàng nghìn người về một vùng đất với đủ thứ trên đời. Tất cả được dưỡng thai rốt ráo trong hơn 450 ngày bị lốc đao (lockdown), phong tỏa, cấm túc, giam cầm để tránh dịch Covid. Ông bạn tôi còn cười bảo, may, lão bọ và bạn đọc phải thắp hương tạ ơn Cô vít mới đúng, bởi không có nó thì dễ gì dồn lực cũng như thì giờ cho Ba Đồn mấy lị mạn thuật.

“Ba Đồn mạn thuật” 650 trang khổ lớn, 15 chương cả thảy, tất tần tật thiên nhiên, con người, xã hội, địa lý, lịch sử, phong tục, văn hóa, quá khứ, hiện tại, biết bao vui buồn, những thăng trầm lận đận, những cố gắng vươn lên, cả cái hay cái dở, cả những bi kịch được thể hiện kín đáo, nụ cười vui, tiếng thở dài, vô danh và hữu danh, người bình dân và những đấng bậc… dường như tác giả không bỏ sót thứ nào. Quá phục sự công phu mà nhẹ bẫng, tỉ mỉ mà bao quát, không bỏ qua, sót lọt chi tiết cần thiết. Không yêu mặn mà chân thành quê nhà, cụ thể là Ba Đồn - Phan Long, rộng hơn là Quảng Bình, rộng hơn nữa là đất nước, dẫu tài thánh, ba đầu sáu tay, dẫu rộng dài thời gian năm này tháng khác, cũng chỉ bó tay, nuôi mãi cái gọi là dự án. Đừng ai nói hoặc yêu cầu tôi kể lại nội dung cuốn này. Đây là thứ sách không kể lại được. Lối văn cực kỳ giản dị, bình dân, mà không nhố nhăng tầm thường. Chỉ có thể nói nước đôi về nó: không dễ đọc và rất dễ đọc. Nếu mở ra, cảm thấy dễ đọc, bị lôi cuốn, thì say ngay, không dứt. Và ao ước, giá nước mình, tỉnh mình, huyện mình, xã mình làng mình cũng có được cuốn ghi chép kỳ khu như thế; mình làm được cho làng mình “tấm bia” như thế. Khổ nỗi, mình không phải Bọ Lập, mà cả nước này người như Bọ Lập như sao buổi sớm, lá mùa thu.

Ông bạn tôi đùa, tao mà có quyền, tao đặc cách học vị tiến sĩ cho Bọ Lập, trao giải thưởng nhà nước hoặc giải thưởng cụ Hồ cái rụp. Trong cả triệu trí thức ăn lương xứ An Nam ta, hằng hà sa số giáo sư tiến sĩ, đố ông bà nào làm được thế đấy. Mà sao Nguyễn Quang Lập lại không có tên hiệu giống các cụ xưa cho oách nhỉ, chẳng hạn Ngọc Bọ, Kim Cương Bọ, Bọ Ngọc Nguyễn Quang Lập để sử sách về sau lưu truyền, rằng đã từng có một nhà bác học làng chỉ nhờ vợ nuôi ngày hai bữa, không có bất cứ bổng lộc tiền bạc gì của nhà nước mà viết nên kỳ thư “Ba Đồn mạn thuật”.

Ba Đồn, vùng đất đã nổi tiếng, lừng danh trong hàng trăm nghìn làng quê Việt, giờ có thêm sách của Bọ Lập lại càng vang xa, thu hút hơn. Thật hãnh diện.

Một vùng đất, những con người…

(Đọc Ba Đồn mạn thuật của Nguyễn Quang Lập, Nxb Hội Nhà văn – 2022; 2024)

Ngô Xuân Hội



Quê tôi ở Nghệ An, nơi hàng năm khi mùa hè đến liên tiếp phải chịu những trận gió khô nóng ào ạt thổi từ Lào sang, nên dân gian gọi gió Lào. Gió Lào có từ lâu, là hệ quả của việc ông Đùng[1] khơi sông dắt núi sắp xếp lại giang sơn Nghệ Tĩnh. Mỗi đợt gió như thế kéo dài ba bốn năm sáu ngày liền… khiến sông hồ khô cạn, ruộng đồng nứt nẻ, cá chết xếp lớp trong những vũng bùn. Trong làng cây cối rũ rượi, da thịt người nhớp nháp mồ hôi, bàn ghế gường tủ cong vênh, sờ đâu cũng thấy một lớp bụi mỏng, ram ráp dưới tay. Buổi trưa nằm trong nhà, cứ thấy chó nằm đâu anh em tôi lại đến đuổi chó đi chiếm chỗ. Những con chó rất khôn, luôn chọn nơi mát nhất để nằm. Bị đuổi, chúng đứng lên ngồi xuống rồi nằm ì, không nhúc nhích, và thế là người với chó chúng tôi đành nằm chung chỗ. Lớn lên tôi đi học xa, những trận gió Lào chỉ còn trong ký ức. Hè năm ngoái tôi có việc phải về quê. Nhớ những trận gió Lào khắc nghiệt mình đã trải qua thời tuổi nhỏ, tôi cứ chần chừ. Thấy vậy, anh tôi giục:

“Chú về đi. Ở quê gió Lào giờ khác trước lắm rồi, dịu hơn, mỏng hơn, thân thiện hơn chứ không khốc liệt như xưa. Thậm chí vào tháng nắng, nhiều lúc mong gió Lào còn quá mong mẹ về chợ nữa. Để rê lúa mà…”

Tôi về, nghiệm đúng như lời anh nói, vẫn gió Lào đấy mà cứ liu riu liu riu, lắm khi mát như gió chướng Nam bộ vậy. Thấy lạ cho trời đất, đúng là “Khi nên trời cũng chiều người…[2]. Đất nước đang thời trị, gió nắng cũng bình thuận hơn. Đinh ninh thế. Thế rồi hôm rồi đọc Ba Đồn mạn thuật của nhà “Ba Đồn học” Nguyễn Quang Lập mới hay mình nhầm. Phong thủy miền quê Ba Đồn của ông Lập nói riêng, của khu 4 nói chung thay đổi hoàn toàn do con người: “Từ những năm chín mươi thế kỷ trước, rừng Trường Sơn bị tàn phá, các cánh rừng già hai mé Đông - Tây Trường Sơn còn lại rất ít, không đủ làm khối khí từ lục địa Bengal trút hết nước xuống. Gió Lào vơi dần, đến nay gần như chấm dứt…” (tr. 116).

Vì là sách dư địa chí, tác giả chỉ viết vắn tắt vậy. Mà sức gợi của nó đã khiến tôi – một người từng bị ám ảnh bởi những trận gió Lào – khi đọc đến liền phải dừng lại suy ngẫm. Và tôi nhớ, nạn phá rừng trên đất nước ta diễn ra từ lâu, được “nâng cấp” thì phải kể từ những năm chín mươi thế kỷ trước khi chủ trương “Đổi mới” được Đảng và Chính phủ tiến hành. Nói vậy tôi không có ý đổ lỗi nạn phá rừng cho đổi mới, đổi mới chẳng có lỗi gì, lỗi là ở cách chúng ta quản lý rừng, ở cách nhiều người trong chúng ta lợi dụng đổi mới, lợi dụng làm đường, làm thủy lợi, thủy điện để phá rừng. “Đến Trường Sơn nhớ Trường Sơn/ Đạn bom thuở ấy, con buôn bây giờ/ Rừng đâu? Còn gốc cây trơ/ Ta già, mượn lệ trẻ thơ khóc rừng” (Nguyễn Trọng Tạo).

Năm 1995 trong một lần tôi đi viết báo ở Bình Thuận, trước những cồn cát mênh mông mấy anh ở Liên đoàn Lao động tỉnh nói với tôi về cây nim (neem), một loài xoan chịu hạn của Ấn Độ do nhà khoa học Lâm Công Định đưa từ châu Phi về, có khả năng chịu hạn phi thường. Ở những nơi nóng nhất, khô nhất, trong khi các loài cây khác đều chết thì “xoan chịu hạn” vẫn sống và vươn lên xanh tốt. Từ đó nim được trồng phổ biến trong dân. Họ trồng quanh nhà để lấy bóng mát, trồng dọc các lối đi để làm đẹp, trồng quanh vườn để chống bão cát… Đọc Ba Đồn mạn thuật, mới hay hóa ra nước ta cũng có một loài cây nội địa chống nạn sa mạc hóa tốt không kém gì cây nim ngoại nhập.

Chuyện bắt đầu từ năm 1960. Nghe theo lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều kiều bào ta đang sinh sống làm việc ở Thái Lan đã bắt đầu hồi hương để cùng đồng bào cả nước chung tay tham gia kháng chiến và xây dựng hậu phương cho cuộc trường chinh chống Mỹ. Ở Ba Đồn, số lượng hộ gia đình kiều bào về quá đông, không thể lập nhà mới sống xen kẽ với cư dân bản địa được, kiều bào Thái Lan đã chọn ngọn đồi Thủy Tinh ở làng Phan Long (tên gọi Ba Đồn xưa) làm nơi an cư lạc nghiệp. Trên ngọn đồi khô cằn cát đá, họ đã trồng lên không biết bao nhiêu loài cây chống nóng, nhưng tất cả dần héo rũ, khô quắt rồi chết đứng, duy nhất một loài cây vẫn kiên cường bám rễ, hiên ngang đâm chồi nẩy lộc, vươn rộng thân cành sum suê, tán phủ rộng tỏa bóng mát, giúp người trồng tái tạo đất để trồng trọt, canh tác, đó là cây mít. Thế là sau vài mùa cây ra quả bói, xóm Thái Lan nhà nhà trồng mít, người người trồng mít, đến mùa mít chín một mùi hương thơm ngào ngạt lan tỏa bay đi khắp xóm. Từ đó xóm kiều bào Thái được chính thức mang một cái tên mới: Xóm Mít.

Rồi con rạm, con cua, con tôm đất, con hàu, đồng trước, đồng sau, cồn Ngòi Bút, cồn Chim Manh, cồn Dạ Thuật, lòi Đá Lả, v.v. đất đai, phong thổ Ba Đồn tác giả không bỏ sót thứ gì, tất cả được ông mô tả rành rẽ. Nguyễn Quang Lập kỹ lưỡng trong từng chi tiết, này nhé: “Người Phan Long có dáng đi thẳng, ít vòng kiềng (chữ bát) hơn người trong vùng. Đàn bà cân đối, mảnh mai, tóc mượt, ít lông, xương chậu phát triển, ngực nhỏ, mắn đẻ, về già thường béo phì. Thích giúp đỡ người khác, hay tự ái. Đàn ông râu tóc cứng và thô, vai rộng, mình dài hơn chân, ngực lép. Nhanh nhẹn và quả cảm. Hay rượu, thích khoe. Ngang tàng, hơi ngạo (tr. 207).

Những nét tính đó, về ngoại hình, đúng với rất nhiều công dân Ba Đồn gái trai mà tôi quen biết. Phần khó thấy, phần nội tâm được tác giả gọi lên ở cuối sách thể hiện qua 10 gương mặt cụ thể. Đó là ông Nguyễn Xuân Các, sinh năm 1903 tại Phan Long. Ông Các học rất giỏi, là người Phan Long – Ba Đồn duy nhất có bằng Diplome vào những năm 20 thế kỷ trước. Giàu lòng yêu nước, Nguyễn Xuân Các tham gia cách mạng từ những năm theo học trường Tây ở Huế. Năm 1937, Xứ ủy Trung kỳ, cụ thể là ông Lê Duẩn bố trí ông Các ứng cử Nghị viện Trung kỳ ở vùng Bắc sông Gianh. Nguyễn Xuân Các trúng cử. Từ đó dân Ba Đồn gọi ông là Nghị Các. Tiếc thay vì cái tên này mà năm 1955-1956 Cải cách ruộng đất, ông bị quy sai, bị bắt giam, vợ ông bà Nguyễn Thị Hoàn (con cô con cậu với bà Lê Thị Sương, vợ ông Lê Duẩn) bị khai trừ khỏi Đảng. Ông Các đã tự tận trong phòng giam. Sau này Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khôi phục lại danh dự cho ông và gia đình ông. Khi bà Nguyễn Thị Hoàn qua đời, Thành Ủy Hà Nội tổ chức lễ tang trọng thể.

Đó là ông Cổ Kim Thành, sinh năm 1918 tại làng Phan Long. Năm 1956 (38 tuổi) là Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Quảng Bình. Năm 1966, Chủ tịch tỉnh Quảng Bình. Năm 1974, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình… cho đến ngày nghỉ hưu. Khi còn đương chức, nhà ông ở Đồng Hới luôn mở rộng cửa đón người Ba Đồn vào thăm chơi thoải mái, nhiều người ở cả tháng. Năm nào ông cũng về làng làm bổn phận người làng, khi biết bất kỳ khó khăn nào của dân làng ông đều không bỏ qua, cố gắng giải quyết nhanh gọn nhất trong khả năng có thể.

Đó là bà Lâm Thị Các, sinh năm 1924 ở làng Nong xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Bà Các học nữ hộ sinh trường Pháp. Chồng bà, ông Tráng Thông theo cách mạng, chui sâu leo cao trong lòng địch lên đến chức Trưởng ty An ninh Thừa Thiên. Năm 1947 ông Thông bị lộ, rời Huế lên chiến khu. Bà Các theo chồng lên chiến khu, rồi cùng chồng tập kết ra Bắc, ở Ba Đồn. Ước tính trong 20 năm ở Ba Đồn, bà Các đã đỡ đẻ hơn 3.000 ca mẹ tròn con vuông, không một ai ta thán, trách móc bà. Trái lại, họ biết ơn bà, vì những sản phụ nghèo được bà giúp cho thuốc men, bông băng, tã lót, quần áo trẻ sơ sinh là đồ cực hiếm thời đó. Tôi biết bà Các qua con trai cả của bà, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Tri Nguyên. Có lẽ vì thế mà bà rất quý tôi? Hồi tôi ở Nha Trang, mỗi lần đến nhà bà chơi, bà bắt ăn đủ thứ. Trong lúc tôi ngồi ăn, bà ngồi bên rủ rỉ kể chuyện, chẳng có chuyện nào về công việc bảo sanh bà đã làm. Đọc Ba Đồn mạn thuật, mới hay bà là Bà Tiên của trẻ con, phụ nữ Ba Đồn. Nhớ câu chuyện của Án Anh, Tể tướng nước Tề thời Chiến quốc bên Trung Quốc trả lời vua Sở khi bị vua bày trò hạ nhục, rằng: “…cây quýt mọc ở đất Hoài Nam có quả rất ngọt, nhưng đem sang trồng ở đất Hoài Bắc thì quả lại chua. Đó là do thủy thổ khác nhau mà sinh ra thế…”. Thấy bà là cây quýt, trồng ở đất nào cũng cho quả ngọt, trồng ở đất Ba Đồn quả càng ngọt hơn.

Cùng giống quýt quý phải được kể ra ấy là cộng đồng kiều bào Thái Lan về nước: “…Từ khi Việt kiều Thái Lan về Ba Đồn, đời sống nơi đây thêm một lần thay đổi. Trước hết cung cách sống của Việt kiều Thái. Tất cả đều hồn hậu, thuần phác, chan hòa trong cộng đồng và chan hòa với người sở tại. Dù ở một thế năng văn hóa cao, kinh tế vượt trội, của cải nhiều và đắt tiền hơn so với người sở tại nhưng không một ai tỏ thái độ ta đây với người sở tại. Chẳng ai khoe của và cũng chẳng ai giấu của, Việt kiều Thái cho dân Ba Đồn biết, của cải không phải là thứ để khoe hay để giấu. Điều này đánh thức người dân Ba Đồn vốn xuất thân từ đồng ruộng buộc họ nhìn lại quan niệm Tốt khoe, xấu che, bỏ lối sống lấy sĩ diện hão làm căn bản để sống hiện đại hơn và cũng thực tiễn hơn. (tr. 491).

Còn giống “quýt ngọt” sở tại thì nở tưng bừng. Đấy là thầy Thông Dư (Lưu Trọng Dư), anh ruột nhà thơ Lưu Trọng Lư, làm bác sĩ kết hợp Đông Tây y chữa bệnh rất giỏi. Là anh hùng (chưa được phong) Nguyễn Tiến Nhẫn hoạt động cách mạng, năm 1947 bị Pháp bắt tra tấn rất dã man nhưng quyết không khai. Ngày 16.8.1948 bọn Pháp đưa anh ra đình chợ Ba Đồn xử tử hình. Chàng trai 19 tuổi ấy đã hiên ngang hô vang “Hồ Chí Minh” ba lần trước khi gục ngã bởi năm loạt đạn địch. Là thầy giáo Phan Xuân Hải, giáo viên văn duy nhất được tuyệt đối các thế hệ học trò cấp II tại Ba Đồn thừa nhận là thầy giáo dạy văn có một không hai. Học trò cũ khi nhắc đến ông, ai cũng một niềm kính trọng và ngưỡng mộ. Là anh Nguyễn Xuân Đức, một người con Ba Đồn sống làm ăn ở Huế, đã bỏ ra 17 tỷ đồng (tính tỷ giá tiền thời điểm ấy, bằng 1 triệu USD) để xây dựng lại đình Phan Long. Người ta giàu có thì tậu nhà, mua xe, du lịch Tây, Tàu cho nó đã, Nguyễn Xuân Đức không, năm nào cũng “du lịch” bằng cách đem vợ về quê, có năm ba bốn lần. Anh bảo: “Quê như cái tổ chim, mình bay nhảy chín phương trời cuối cùng cũng phải về tổ, hưởng lấy cái hồn làng rồi lại bay đi…” (tr. 595).

Là đội Văn công Ba Đồn, từ năm 1960 cho đến năm 1965 khi chiến tranh phá hoại nổ ra. Hầu như công diễn hàng đêm ở sân chiếu bóng cũ (sát chợ Ba Đồn), đã biểu diễn khắp nơi vùng Bắc sông Gianh, vào cả Đồng Hới, ra cả Kỳ Anh. Tới đâu cũng được dân chúng hâm mộ, người xem rất đông.

Là đội Bóng đá Ba Đồn, từ chân đất tiến lên chân giày. Từng thi đấu giao hữu ở Đồng Hới, Roòn, Thanh Khê, Kỳ Anh. Ghi nhiều bàn thắng đẹp trong lòng người dân thị trấn (nay là thị xã) cho tới tận hôm nay…

“Mạn thuật” là một cách viết tổng hợp giữa nhiều thể loại (kể chuyện, ghi chép, bình luận, khảo cứu...). Cách viết tự do, nhẹ nhàng, thoải mái, không trói buộc, câu nệ. Nói chung đây là bút pháp tạo điều kiện cho người ta có rộng đất để diễn, đưa vào nhiều thông tin… dễ tiếp cận bạn đọc hơn là cách viết hàn lâm. Nhờ thế, mạn thuật về Ba Đồn (như đã kể), con cá dưới nước, con chim trên trời, con đường để đi, cái nhà để ở, ngôi trường con trẻ học hành… tất tật được ánh sáng từ ngọn bút của tác giả rọi chiếu. Viết mà cái gì cũng kể cũng tả như thế thì dễ trùng lặp, rối rắm, nặng nề. Là người cao tay ấn, sách 15 chương được ông chia làm năm phần: Phần I – Thời khai thiết, 3 chương. Phần II – Phan Long ngũ chí, 5 chương. Rồi phần III… phần IV... phần V... Dưới mỗi chương là những tiết nhỏ. Nhờ thế, nhiều mà không trùng, rậm mà không rối. Kể chuyện đất đai, khí hậu mà đọc vẫn thấy nhẹ nhàng, hứng thú.

Khác với sáng tác văn học, Dư địa chí là một môn khoa học. Mà khoa học thì có hai đặc trưng, đấy là tính khách quan và kế thừa. Tính khách quan đòi hỏi người soạn sách phải trung thực khi kể, không được “tốt khoe, xấu che”. Tính kế thừa (đặc biệt rõ trong khoa học tự nhiên), cho phép Nhà khoa học tham khảo và sử dụng công trình của những người đi trước khi thấy nó phù hợp với công trình mình đang nghiên cứu; nhưng không được đạo văn, giấu nguồn gốc. Tác giả đã tuân thủ nghiêm nhặt những yêu cầu đó. Vì thế khi sách in ra, bạn đọc, nhất là những bạn đọc Ba Đồn đã nô nức đón nhận; không ít người dò từng câu, soi từng chữ thẩm định. Và ai cũng phải nể phục sự trung thực, chính xác; nể phục sức nghĩ, sức viết của tác giả.

Một văn tài dốc sức ròng rã trong 534 ngày đêm (từ 30.6.2021 - 15.12.2022) viết kỳ xong một cuốn sách không phải văn chương mà là dư địa chí, dày 602 trang, khổ 19 x 26,5cm. Thoạt nghe, có cái gì đấy sai sai. Nhưng hãy tin tôi, “tam bách dư niên hậu”, nếu có ai đó trên đất này khi ấy nhắc đến một cái gì đó trong đống tác phẩm mà văn tài trước tác, thì hẳn nhiên đó sẽ không phải là Đò ơi, Chuyện sót lại ở thung lũng Chớp Ri, Ngày xửa ngày xưa… những truyện ngắn làm người đọc đương thời thổn thức. Những mảnh đời đen trắng, Tình cát, Kiến chuột và ruồi… những tiểu thuyết gây nhiều tranh cãi. Mùa hạ cay đắng, Tình sử ngàn năm… những vở kịch hit (đánh trúng). Đời cát, Thung lũng hoang vắngKhông có Eva, Đảo của dân ngụ cư… những kịch bản phim truyện xuất sắc, tiền đề cho các nhà làm phim Việt Nam bấy giờ sản xuất ra những bộ phim thuộc hàng blockbuster (bom tấn). Hay Để trở thành nhà biên kịch điện ảnh phim truyện, sách lý luận về điện ảnh, một cuốn sách gối dầu giường cho các nhà biên kịch tương lai hoặc những ai đang muốn tìm hiểu về nghề này; mà đó sẽ là Ba Đồn mạn thuật, cuốn sách Dư địa chí kén người đọc.

Ông nhà văn ấy là Nguyễn Quang Lập, gọi nôm na là Bọ Lập, một cái tên Ba Đồn không thể Ba Đồn hơn.

Thành phố Hồ Chí Minh, 21.1.2024

[1] Nhân vật khổng lồ trong chuyện dân gian Nghệ Tĩnh.

[2] Truyện Kiều.