CẦN GIẢI MÃ “KIẾN, CHUỘT VÀ RUỒI”



Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống

.............................

Mất 5 ngày vừa giải quyết công việc, vừa tranh thủ xem “KIẾN, CHUỘT và RUỒI”, tiểu thuyết mới của Nguyễn Quang Lập. Nói mới chỉ là mới “ra lò”chứ thực ra NQL đã viết từ 9 năm trước. 2010 bắt đầu ở HN, 2015 viết xong tại SG. 6 năm ấp ủ, thai nghén, kiến tạo; rồi 3 năm lặn lội đi tìm chỗ sinh hạ đứa con tinh thần. Có nhà cửa, có quê hương đấy, nhưng cuối cùng phải sinh nở trên đất khách quê người - Sách in ở Hoa Kỳ.

Đọc xong, muốn viết 1 bài dài, nhưng phần vì công việc, phần vì cần có thời gian đọc lại, nghiền ngẫm, nghĩ thêm…NQL mất 6 năm vật vã để viết ra, nếu chỉ đọc cho biết có thể chỉ cần 6 giờ, 6 buổi. Còn nếu để viết về sách ấy, với tôi cũng phải có 6 tuần để đọc và nghĩ, rồi ít nhất có 6 ngày để viết và sửa. Mà rồi bài viết chưa chắc đã ra gì...

Cuốn sách có rất nhiều biểu tượng và kí hiệu lạ cần được giải mã theo hướng phê bình kí hiệu học. Cần 1 cách đọc khác nếu muốn hiểu sâu hơn, muốn tìm ra thông điệp đích thực chìm khuất, ẩn sâu sau mỗi trang sách. Nhưng cứ đọc bình thường vẫn thấy cuốn sách thú vị. Đấy chính là cái hay của KIẾN, CHUỘT, RUỒI. Nó đáp ứng nhiều trình độ. Nó hàm chứa nhiều tầng bậc nghĩa. Nó để lại nhiều “khoảng trống” chờ đợi và vẫy gọi người đọc giả mã, lấp đầy.

Chưa viết được bài dài, ở đây tôi chỉ thử lí giải: vì sao sách không được in trong nước? Nếu chỉ căn cứ vào câu chuyện kể về cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất, oan khiên nhiều, đau đớn lắm và đã được sửa sai… thì có gì phải sợ? Những bí mật về CCRĐ đâu còn là vùng hiểm nguy, nhạy cảm cần tránh. Sự kiện ấy đã thành sẹo lịch sử. Bôi xấu chế độ hay tuyên truyền cho bọn phản động càng không phải. Cho dù trong sách một số nhân vật chủ chốt, đóng vai Thủ trưởng, Đội trưởng, đại diện cho giới lãnh đạo ngày ấy hiện lên thật khốn nạn, trơ trẽn và bỉ ổi đến tận cùng. Nhưng nếu chỉ thế thì so với “Mối chúa”của Tạ Duy Anh chưa là gì cả. Thế tại sao không in được trong nước?

Có nhiều lí do, nhưng đây là lí do mà tôi nghĩ nhiều: NQL viết về 1 đề tài cũ, nhưng bằng một lối viết mới. Một lối viết mà đọc không phải ai cũng hiểu hết và hiểu đúng, nhất là khi gặp hàng loạt biểu tượng và kí hiệu khác lạ; với giọng giễu nhại, trào tiếu đậm đặc. Lối viết ấy đưa cuốn sách vào 1 vị trí chênh vênh, lưỡng phân: nhiều người sẽ thấy rất hay, rất nhân văn và sâu sắc; nhưng cũng rất nhiều người không hiểu hết, hiểu đúng. Đặc biệt rất nhiều cơ hội cho những kẻ muốn suy diễn, quy kết chính trị thô bạo từ các biểu tượng và kí hiệu lạ. Mà điều đó thì giới xuất bản, nhất là các lãnh đạo xứ ta rất ngại. Nó là vấn đề “quan trí”. Sách muốn in ở quê nhà, “quan trí”cần thay đổi. Họ cần hiểu đây không phải là loại chuyện kể “ta thắng địch thua” mà là 1 tiểu thuyết hiện đại cần 1 cách đọc mới. Và vì thế rất cần sự lên tiếng, giải mã của nhiều nhà phê bình, nhà văn có uy tín để nâng cao “quan trí”, để những người có trách nhiệm yên tâm về giá trị nghệ thuật và thông điệp nhân văn từ cuốn sách này.
26-05-19

Theo Fb Đỗ Ngoc Thống.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét