KIẾN CHUỘT VÀ RUỒI, ÁM ẢNH & HIỆU ỨNG.



Nhà thơ Đỗ Thành Đồng-
............................................................................................. 

Đọc xong “Kiến, chuột và ruồi” đã tròn 10 ngày. Đọc với thời gian hạn hẹp cho phép là 2 ngày 1 đêm. Đọc trong hào hứng mình là người đầu tiên ở Ba Đồn được đọc, cùng với niềm tự hào về một Nhà văn xuất sắc của quê hương… 

Mười ngày trôi qua, 360 trang sách, tôi đã nghiền ngẫm rất kỹ, khiến những hình ảnh của đàn kiến trong cái lò giam, những tiếng chuột rúc rích và ruồi nhặng lúc nhúc cứ ám ảnh tôi hơn cả thế giới lật lọng của con người. 

Tôi đã đọc “Kiến, chuột và ruồi” như tâm thế của người trong cuộc. Vẫn biết địa danh trong tác phẩm văn học chỉ là ước lệ, tuy nhiên, làng Thổ Ngọa quê tôi chỉ cách làng Phan Long của tác giả chưa đầy 100 bước chân, nơi cũng xảy ra cuộc cách mạng “long trời lở đất” với hàng chục loạt đạn oan khốc của bần cố nông, chưa kể số người nhảy xuống sông và treo cổ. Trong đó gia tộc tôi, với hai mạng người, là cụ nội tôi, một bà góa già sở hữu mấy mẫu Trung bộ ruộng cạn và một ông trẻ làm lý trưởng nhưng sở hữu nhà tranh vách đất, suốt đời chưa nhận quà của ai quá 1cút rượu và 5 miếng cau trầu. Dù ra đời sau cuộc “cách mạng” đó 10 năm nhưng những gì mà tôi biết còn lưu dấu trong gia phả và qua lời kể tỉ mỉ của bà nội và cha tôi. Trong tâm thế như vậy, nên tôi “soi” từng chi tiết, không phải là có tương ứng với những gì tôi biết hay không, mà chỉ để hiểu cặn kẻ cách viết của anh, cái hiệu ứng mà anh mang lại cho độc giả thời nay như thế nào! 

Có chú em nói rằng, đọc cứ 20 trang là phải dừng lại để nghỉ, khó thở quá! Mình dân viết lách còn như vậy huống chi người khác, nhất là lớp trẻ. Tôi thì nghĩ khác, với giọng văn “khẩu ngữ” và cách chọn “tinh thần giễu nhại làm chủ đạo” - thứ rất dễ thâu nạp khi người đọc đã no nê với những uyển ngữ sáo rỗng. Bên cạnh đó, với cách viết thực thực ảo ảo, khi phô bày những hiện thực trần trụi, khi dẫn người đọc vào những ám tượng mông lung, liêu trai..Tác giả đã làm cho tác phẩm của mình trở thành thích thú đối với cả bạn đọc bình dân lẫn trí thức. 

Nhưng nói đọc “Kiến, chuột và ruồi” khó thở quá cũng không phải không đúng. Những người chứng kiến cuộc cải cách ruộng đất hiện không còn mấy. Ngay tác giả khi đó cũng nằm trong bụng mẹ. Tôi đã có lúc cũng muốn viết cái gì đó về thời kỳ bi thảm của gia đình mình, nên ngoài gia phả, lời kể của bà, của cha, còn cất công tìm hiểu nhiều nhân chứng sống và biết được vô số chuyện thế thái nhân tình lúc đó, ấy thế mà cũng ngợp, huống hồ là những người còn mơ hồ lẫn lộn. Tôi cũng chuẩn bị cho mình tâm thế khi đọc Nguyễn Quang Lập là đọc một giọng văn bậc thầy nhưng thực sự nhiều chổ anh viết là quá sức tưởng tượng của mình. 

Ở đây tôi không nói ngợp, hay quá sức tưởng tượng bởi những câu chuyện và nhân vật mà anh kể, vì có những điều tôi biết còn ghê rợn hơn thế. Tôi muốn nói đến cách xây dựng các tuyến nhân vật của tác giả. Mỗi nhân vật đại diện cho một nhân cách mà xã hội đương thời sở hữu. Anh chỉ cần vài nét phác họa đã hiện lên mồn một, không lẫn lộn, pha trộn, nó xoáy sâu và tâm khảm người đọc những căm ghét, ghê tởm, nực cười và thương hại. Tôi thích thú nhất vẫn là cách mà anh đặc tả nhân vật “thủ trưởng”. Nhân vật này chỉ xuất hiện trong lời kể của nhân vật khác, nó ẩn ẩn hiện hiện, khiến tất cả các nhân vật đều thần tượng, ngưỡng mộ, sợ hãi. Duy nhất, người đàn bà tên Mai nhận ra được có thủ trưởng này, thủ trưởng kia …Nhân vật thủ trưởng là ai? Ám tượng đó, nhưng cũng dễ hiểu, mà khó nói. 

Nhân vật thứ 2 mà tôi thích là Kiểm Hát. Tôi khoái chí với chi tiết chiều chiều trong cơn say, ông ta đứng cãi nhau với cái loa phóng thanh. Hình như cái loa cũng là nhân vật trong ngụ ý của tác giả. Kiểm Hát, người say, kẻ giám chỉ thẳng, nói thật, kẻ xả thân cứu bạn trong hoạn nạn, kẻ nghèo hèn mà tự trọng trước cường quyền, vật chất. Hình như đó là mơ ước những gì thuộc nhân cách Việt mà tác giả mong muốn. 

Cuối cùng, tôi muốn gọi “Kiến, chuột và ruồi” cũng là những “nhân vật”. sự xuất hiện và biến mất của nó là một nhân cách, điều mà phải chăng tác giả muốn nói đến khi đặt tên cho tiểu thuyết? 

Một điều nữa mà tôi thích thú ở “Kiến, chuột và ruồi” là, tuy tác phẩm viết về thời Cải cách ruộng đất, nhưng không gây mâu thuẫn, hận thù cho hiện tại. Tác giả hầu như chỉ muốn kể lại một gai đoạn bi thảm mà cha ông đã đi qua. Những bài học nhân sinh từ đó cũng được rút ra cho hiện tại và tương lai. Ngay bản thân tôi cũng đã hoàn toàn khép lại những nỗi đau của gia đình mình mà thời đó nếu viết được ba chữ “tôi bị oan” lên tường cũng là điều may mắn. Tuy nhiên, với sự nhạy cảm thì tác phẩm không được in ở trong nước cũng là điều dễ hiểu. 

Và, vì là người đọc kỹ, nên tôi cũng phát hiện ra đôi chổ “lận cận” chưa xứng với tầm vóc của tác phẩm. Điều này nếu được, tôi sẽ nói riêng với Anh. 

Gấp quyển sách lại là muốn viết cái gì đó ngay. Nhưng lại ngại, vì mình chỉ biết làm thơ, chưa viết thế này bao giờ. Hơn nữa, có quá nhiều cao nhân và họ đã viết những gì tinh túy nhất. Tuy nhiên, đã 10 ngày trôi qua mà những hình ảnh của đàn kiến trong cái lò giam, những tiếng chuột rúc rích và ruồi nhặng lúc nhúc cứ ám ảnh giấc ngủ tôi. Nó buộc lòng tôi phải viết cái stt này trong âm thanh của câu thơ…Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu…đã hiểu…đã hiểu…vọng ra từ cuốn sách!. 

Ba Đồn 6-6-2019
Đ.T.Đ 

Theo fb Đỗ Thành Đồng 

1 nhận xét:

  1. Con mua sách của chú ở đâu ạ, con tìm mãi mà chẳng thấy đâu :(

    Trả lờiXóa