NGUYỄN QUANG LẬP MẠN THUẬT

Nguyễn Thế Thịnh



Tôi không chỉ đọc “Ba Đồn mạn thuật” bản in lần đầu và cả bản tái bản mà còn đọc hết nhũng bài viết về tác giả và quyển sách. Nói gọn là, phải yêu quý tài năng của Lập đến độ nào người viết mới viết kỹ đến vậy. Cho nên giờ không viết kỹ nữa mà viết điều chưa ai viết.
Hôm đi Huế, gặp, Phạm Xuân Nguyên mới nói: “Thế Thịnh, mi viết cho Lệ Thủy quê mi quyển như thằng Lập đi”. Tôi cười cười, bụng nghĩ, khỉ, nó đánh giá mình cao quá. Tao thà hy sinh chứ không thà viết như nó. Nó viết cứ như sợ mình chết không viết kịp. Tao thì tài đã không có lại còn ham chơi.
Lập ngồi bên cũng cười cười, nó không nói về chuyện sách mà nhìn cô gái đi với tôi, phán như biết rồi: “Thằng Thịnh giờ nhìn thấy ai giông giống là nó thích thôi”. Là vì, cô đó hao hao, nó chỉ không biết, cô ấy là người tôi rất quý, quý lắm, bạn quý không thể yêu, chứ đừng nói vốn dĩ cô ấy đã không hề có ý. Nhưng cô ấy là người phụ nữ VN mới leo Everest khiến tôi rất phục, Cô ấy có mang về cho tôi cái lá cây hái trên đỉnh cao nhất thế giới. Và, quan trọng là, cô ấy rất thích đọc Nguyễn Quang Lập.
Lan man quá, trở lại “Ba Đồn mạn thuật”, mọi người viết nhiều rồi, tôi chỉ nói hai điều: Một là, Lập viết văn ai chả phục, thừa. Có điều, nó làm người ta ngạc nhiên khi viết một quyển sách thuộc lĩnh vực...không tưởng đối với những gì người ta từng biết, từng nghĩ về nó. Hai là, với cá nhân tôi, nó tạo ra cảm hứng. Cảm hứng ở chỗ, chọn một cách viết mà đến nỗi tôi cũng nghĩ, “À, thế này tao cũng viết được”- đó là “mạn thuật”. Kiểu như ca sĩ Thùy Chi hát “Giấc mơ trưa” rất trong sáng, đơn giản, ai cũng tưởng hát được mà hát thì không ra.
Nhưng cảm hứng “làm được” quan trọng lắm.
Ba Đồn là quê P nhà tôi. Tôi thì cuồng vợ đến mức cuồng cả quê vợ Ba Đồn. Thời đầu làm báo, giai đoạn mới chia tỉnh, có lẽ, tôi từng viết nhiều về Ba Đồn nhất và...hay nhất. (Có nổ lên xí vì cũng chẳng ai thi mà biết). Anh em Nguyễn Quang Lập và anh em tôi (tôi và Minh Toản, em rể, nay làm Tiền Phong) lăn lộn Ba Đồn cũng nhiều. Chơi với người đọc sách có, buôn trầm có, quan chức có, buôn bò có... nên quen và biết cũng nhiều. Nói thế để nói, đọc “Ba Đồn mạn thuật” như gặp và nghe lại chuyện nhà mình. Thích lắm.
Tôi có cảm giác, đọc “Ba Đồn mạn thuật” không chỉ để biết chuyện Ba Đồn mà, trong chuyện Ba Đồn có chuyện của các làng quê chúng ta. Đó là cái hay của quyển sách, tài của Lập.
Mấy năm trước, Lập gặp hạn, P nhà tôi lẩm nhẩm: “ Cái anh Lập ni, làm vợ con khổ”. Tôi an ủi: “Không sao đâu em, cứ mỗi ần gặp nạn gì đó nó lại phát năng lượng thiên tài. Em yên tâm đi, qua hết”. Và nó thế thật.
Rồi thì nó có quyển sách này.
Quay lại câu chuyện tạo cảm hứng, ai chưa đọc đọc đi, coi tôi nói đúng không. Tôi thì, sau khi đọc, bèn nghĩ, mình không làm được như hắn nhưng mình nhất định sẽ viết gia phả theo kiểu...mạn thuật. Xưa nay gia phả viết cứng nhắc, khuôn mẫu, muốn biết thêm gì cũng không biết được, nay tôi viết theo kiểu mạn thuật: Kể chuyện về từng người, còn nhỏ thế nào, tố chất ra sao, học hành thế nào, bà con nhớ về họ là nhớ chuyện gì, bà con lối xóm đói với gia đình mình ra sao, ân nghĩa với những ai...Bà con cô bác, anh em họ mạc, chuyện làng, chuyện xóm, chuyện thầy dạy vỡ lòng, chuyện ông chủ nhiệm, bà đội trưởng, chuyện bạn bè...Sau này con cháu đọc vui lắm.
Cuộc đời tôi cám ơn Lập hai chuyện: Một là, nhờ quen Lập mà quen rất nhiều người không dễ gì quen, học được rất nhiều (thiên hạ có 5 bồ sách họ đọc 4 rồi kể cái hay nhất cho mình). Hai là, “Ba Đồn mạn thuật” cho tôi cảm hứng. Tôi đang viết quyển gia phả lạ nhất từ trước đến nay!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét