MAI NAM THẮNG
Trong nghĩa trang Liệt sĩ của thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, ngôi mộ đầu tiên tính từ trên xuống là Liệt sĩ Nguyễn Tiến Nhẫn, sinh năm 1929, hi sinh ngày 16-8-1948. Anh là một chiến sĩ điệp báo mưu trí và gan dạ, tham gia Việt Minh từ thủa thiếu niên, bị địch bắt và hành quyết lúc mới 19 tuổi, được các thế hệ nhân dân quê nhà tôn vinh như một người anh hùng.
Nguyễn Tiến Nhẫn là con trai của ông Nguyễn Dư, tục gọi là ông Bộ Dư vì ông là người lo việc lễ lạt, tiệc dùng, đình đám của làng Phan Long, một ngôi làng cổ ở miền hạ bạn phía Bắc sông Gianh, được hình thành cách nay hơn 3 thế kỷ, sau cuộc chiến tranh Trịnh-Nguyễn (1627-1775). Là trưởng nam của một gia đình “có chữ”, từ bé Nguyễn Tiến Nhẫn đã được học hành chu đáo, rất thạo tiếng Pháp. Đó là một lợi thế trong hoạt động cách mạng của Nguyễn Tiến Nhẫn, từ khi còn là một chú thiếu niên làm liên lạc cho tổ chức Việt Minh ở Ba Đồn thời kỳ tiền khởi nghĩa; cũng như sau này kháng chiến toàn quốc bùng nổ, làm điệp báo của ngành Công an tỉnh Quảng Bình. Đặc biệt, nhờ thông minh và tài trí, Nguyễn Tiến Nhẫn đã thực hiện thành công kế “Vệ quân nhập địch”, lọt vào hàng ngũ quân thù để khai thác những tin tức quan trọng, giúp quân ta chủ động đối phó với những trận càn lớn ở chiến khu Trung Thuần và làng kháng chiến Cảnh Dương. Khi bị địch bắt, dụ dỗ mua chuộc và tra tấn cực hình, Nguyễn Tiến Nhẫn vẫn không nao núng, kiên cường giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Địch đưa anh về hành quyết tại đình chợ Ba Đồn để khủng bố tinh thần nhân dân, nhưng tấm gương lẫm liệt của anh đã tiếp thêm sức mạnh cho phong trào kháng chiến cứu nước của quê hương…
Hơn 75 năm sau ngày chiến sĩ tình báo Nguyễn Tiến Nhẫn hi sinh, một người con của làng Phan Long là nhà văn Nguyễn Quang Lập đã tái hiện câu chuyện bi tráng trên đây qua tiểu thuyết Làng ta có một anh hùng, do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành quý 1-2025. Gần chục năm sau ngày anh Nhẫn hi sinh, Nguyễn Quang Lập mới ra đời. Trải qua những trận càn của thực dân Pháp, những năm tháng chiến tranh phá hoại của máy bay và tàu chiến Mỹ, những trận lũ lụt thường niên đôi bờ sông Gianh, những lần thay đổi đơn vị hành chính và cơ quan nghiệp vụ… nên những tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Tiến Nhẫn hầu như không còn. Đó là khó khăn lớn nhất đối với một nhà văn viết về đề tài lịch sử. Tuy nhiên, may mắn là từ nhiều năm trước đây, khi một số nhân chứng là bạn bè, đồng đội, chỉ huy của Nguyễn Tiến Nhẫn còn tại thế, Nguyễn Quang Lập đã gặp và tìm hiểu được nhiều tư liệu quý giá về nhân vật của mình. Đó là các ông: Cổ Kim Thành (hoạt động trong phong trào công nhân Ba Đồn trước năm 1945, sau là Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban hành chính Quảng Bình); Đồng Sỹ Nguyên (cán bộ Việt Minh ở Ba Đồn-Quảng Trạch, sau này là Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam); Lại Văn Ly (cán bộ chiến khu Trung Thuần, sau này là Phó chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Bình)… và nhiều cán bộ tiền khởi nghĩa ở vùng Ba Đồn-Quảng Trạch trước đây, như các ông, bà: Phan Văn Trinh, Hồ Danh, Hoàng Cần, Nguyễn phi Phổ, Nguyễn Thị Lợi, Nguyễn Hữu Mường v.v… Cùng đó là ký ức của dân làng và những câu chuyện truyền khẩu về Liệt sĩ Nguyễn Tiến Nhẫn; đặc biệt là ký ức của thân phụ nhà văn, là một nhà giáo mẫn tiệp…
Dựa trên những tư liệu khả tín trên đây, bằng tài năng của một nhà văn đã thành danh, Nguyễn Quang Lập đã tái dựng câu chuyện Làng ta có một anh hùng bằng sự pha trộn các yếu tố phi hư cấu với trí tưởng tượng (hư cấu) của nhà văn. Bằng cách ấy, nhà văn đã dẫn dắt người đọc trở về làng Phan Long của thị trấn Ba Đồn cách nay trên dưới tám chục năm, “chứng kiến” quá trình hoạt động và trưởng thành của một người anh hùng nhỏ tuổi ở “làng ta”. Cách “pha trộn” này vừa đảm bảo tính chân thực của các sự kiện và nhân vật lịch sử, tạo cảm giác tin cậy cho bạn đọc; vừa là cách khắc phục những “khoảng trống” và “điểm mờ” của lịch sử do tác động của thời gian và các yếu tố khác. Điều quan trọng hơn là người đọc được tiếp nhận những giá trị lịch sử-văn hóa thông qua một tác phẩm văn học, chứ không phải một tài liệu lịch sử thuần túy.
Cùng với nghệ thuật “pha trộn”- Phi hư cấu lai (Hybrid nonfiction), câu chuyện Làng ta có một anh hùng còn được Nguyễn Quang Lập kể bằng thủ pháp đồng hiện, vốn đã được tác giả sử dụng khá thành công trong nhiều tác phẩm văn học, sân khấu và điện ảnh nổi tiếng của mình. “Đồng hiện” là cùng lúc thể hiện những nhân vật, sự kiện của quá khứ, hiện tại và tương lai; để chuyển tải một thông tin tổng quan, một cái nhìn bao quát; để người tiếp nhận vừa trực quan cụ thể, vừa liên tưởng kết nối, hình dung đầy đủ hơn về những nhân vật và sự kiện được nêu. Tiểu thuyết Làng ta có một anh hùng có 2 nhân vật chính là Nguyễn Tiến Nhẫn và Mai Thị Lê. Trong đó, Mai Thị Lê vừa là nhân chứng lịch sử (cô bạn nhỏ thời thơ ấu và người yêu tuổi thiếu niên của Nguyễn Tiến Nhẫn), vừa là người kể chuyện ở ngôi thứ nhất (xưng “em”). Trong mỗi “chương” (mục) của tác phẩm, mở đầu là cuộc trò chuyện của tác giả Nguyễn Quang Lập với nhân chứng lịch sử Mai Thị Lê, 91 tuổi, ở thời hiện tại, khi nhà văn viết tập truyện này. Tiếp đó là phần độc thoại-tâm tình của cô bé Mai Thị Lê cách nay trên dưới tám chục năm, với nhân vật Nguyễn Tiến Nhẫn; thực chất đó là câu chuyện kể về người anh hùng theo trình tự thời gian đã thuộc về quá khứ. Theo đó, phần trò chuyện giữa cụ bà Mai Thị Lê với nhà văn Nguyễn Quang Lập có tác dụng như những lời “phi lộ” hay những dòng “lạc khoản” để người đọc hình dung rõ hơn, tiếp nhận đầy đủ hơn những thông tin của cô bé Mai Thị Lê trong phần độc thoại-tâm tình tiếp theo. Ngoài hiệu quả nghệ thuật trên đây, phương pháp đồng hiện này còn giúp cho câu chuyện sinh động, linh hoạt hơn; đặc biệt tạo cảm giác tin cậy hơn khi nhiều chi tiết/sự kiện của quá khứ có sự chứng kiến hoặc can dự của những nhân vật nổi tiếng trong làng, như: Người rải truyền đơn năm 1933 ở chợ phiên Ba Đồn là ông Hoàng Lai, 1 trong 3 đảng viên của Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Phan Long-Ba Đồn; chú cu Chích thường đến gặp Nguyễn Tiến Nhẫn vào ban đêm, sau này là Đại tá Công an Nguyễn Văn Chích; chú Trợ Tỷ phụ trách Hướng Đạo sinh ở Ba Đồn, sau này là nhà giáo Nguyễn Văn Tỷ, Phó Hiệu trưởng-Bí thư Đảng ủy Đại học Sư phạm 1 Hà Nội; ông Quản Đại là cán bộ Việt Minh cài vào hàng ngũ địch, làm đến đồn trưởng khố xanh, sau này là Trung tá Quân đội Nguyễn Thái Đại, nhạc phụ của Giáo sư địa chất Nguyễn Quang Mỹ, anh ruột của nhà văn Nguyễn Quang Lập v.v…
Làng ta có một anh hùng là tiểu thuyết lịch sử hiện đại. Tác phẩm tái hiện khá sinh động phong trào đấu tranh cách mạng ở một làng quê cụ thể, trong phong trào cách mạng chung của cả nước, giai đoạn tiền khởi nghĩa tháng 8-1945 và những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thông qua việc khắc họa hình tượng một thiếu niên yêu nước, một chiến sĩ điệp báo trẻ tuổi. Đồng thời, tác phẩm cũng đầy ắp những kiến thức lịch sử, văn hóa, địa lý… và điều kiện kinh tế-xã hội của một vùng đất từng là trung tâm thương mại nổi tiếng lâu đời ở miền Trung. Có lẽ, ký ức tuổi thơ và tình yêu quê hương là động lực chính thôi thúc tác giả viết tiểu thuyết này và đây cũng là yếu tố chính làm nên sự thành công của tác phẩm. Những ân tình xóm Cây Bàng, xóm Cau, xóm Gát, phố Chợ…; Những địa danh thân thương cầu Phôốc, cầu Kịa, sông Gianh, núi Chóp Chài…; Những mùa rạm bè, những phiên chợ bò… cùng những đặc sản ẩm thực như: bánh tráng, bánh canh… khiến những độc giả chưa từng biết đến Ba Đồn, cũng thổn thức chia sẻ. Và đặc biệt, làng Phan Long-thị trấn Ba Đồn của tác giả còn là một cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh Quảng Bình. Nhà văn không giấu nổi niềm tự hào khi kể: “Hòa bình lập lại năm 1954 mới biết, hóa ra chín phần mười dân làng Phan Long theo Việt Minh. Hóa ra quán Phở Tới, Nhậu Đê của ông Bếp Tới là nơi in truyền đơn, may cờ đỏ sao vàng. Hóa ra, dưới gốc cây bàng trước nhà ông Vĩnh Tường là kho vũ khí của Việt Minh. Chú Hồ Nhỏ, con tri phủ Hồ Ngân chuyên săn lùng Việt Minh, hóa ra là Việt Minh gộc. Con cháu tri phủ Hồ Ngân sau này đều là những trí thức cách mạng, giữ nhiều cương vị cao của chế độ ta. Quản Thượng bị giết, Quản Đại về thay đồn trưởng khố xanh để điều tra thủ phạm, hóa ra cũng người của Việt Minh nốt (trang 98)…
Nhà văn Nguyễn Quang Lập sinh năm 1956, Kỹ sư vô tuyến điện, Thượng úy cựu chiến binh, thuộc thế hệ đầu tiên của dòng Văn học Đổi mới. Hầu hết các tập truyện ngắn và tiểu thuyết nổi tiếng về đề tài chiến tranh của ông, như: Tiếng gọi nơi mặt trời lặn; Tình cát; Chuyện nhà quê; Cây Sến lửa… đều viết về miền Trung, Quảng Bình và Ba Đồn, nơi ông sinh ra và lớn lên. Và lần này là tiểu thuyết lịch sử Làng ta có một anh hùng…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét