Tản văn
Ở chơi mấy ngày, Huế toàn mưa, mình
ngấm món mưa Huế rồi nhưng Thanh Vân thì thích lắm, nói đến Huế không thấy mưa
thì coi như chưa thấy Huế, cũng như đến Đà Nẵng không thấy nắng cứ tưởng mình
đang ở Thanh Hoá. Tự nhiên nghĩ về hai cái vùng đất nóng lạnh này.
Nguyễn Việt Hà nói Huế thuộc tính nữ, cái gì cũng mềm mềm ươn ướt, cái
gì cũng tỉa tót cũng màu mè. Mình nói thế thì nói Quảng Nam - Đà Nẵng thuộc
tính nam, cái gì thô thô cưng cứng, cái gì cũng ầm ào cũng nóng rực.
Việt Hà cười hà hà, nói em nghĩ ra rồi, thế
thì đèo Hải Vân là cái của trời
đâm một phát ra biển, đẻ ra hai vùng đất âm dương này. Ba thằng cười rũ, nói
hay hay, có khi Biển Đông là cái của bà Nữ Oa.
Hôm đến Huế, không có bạn văn nào ở
Huế ra đón, chỉ có hai ông ở Đà Nẵng là Nguyễn Thế Thịnh và Trương Duy Nhất
đứng chờ cả tiếng ở ga, gặp cáí là kéo nhau vào quán, nhậu đến ngất ngư mới
thôi.
Rồi cầm mobile gọi đến cháy máy mấy
ông bạn vàng ở Huế. Đầu tiên là Ngô Minh, đến cái tuổi đã ớn rượu rồi nhưng
nghe bạn gọi là chạy liền. Một tuần anh có vài chục cuộc bạn gọi kiểu này, tuỳ
theo bạn nhậu nào mà nói mình đang ở nhà hay đang ở Sài Gòn, không thì chết mất
ngáp. Vì rượu anh đã có lần ngã vỡ hộp sọ rồi chứ chẳng chơi.
Hồi mình ở Huế
ngày nào cũng phải tiếp khách trung ương, bất luận là ai, hễ ở Hà Nội về
là khách trung ương, có khi người ta chỉ ghé qua Hội kiếm toilet đái nhờ cái
rồi đi, mình cũng phải tay bắt mặt mừng cơm bưng nước rót, rồi lại phải đưa tin
ông này anh kia đến thăm và làm việc tỉnh nhà,
hu hu.
Hội hội hè hè chán mớ đời, mình
cũng từng làm xếp Hội mình biết, tiền thì chẳng có, tiếp khách tít mù, chỉ cần
một đoàn trung ương về là anh em văn phòng Hội mất tiền lương thưởng cả tháng.
Hễ nghe có khách, lãnh đạo Hội mặt xanh như đít nhái.
Còn nhớ có lần nghe tin hai ông bợm nhậu
Nguyễn Quang Lập và Bảo Ninh về tỉnh, Hội B. đóng cửa suốt tuần, vừa tức vừa
buồn vừa buồn cười. Mình đến Hội S. chơi, anh em văn nghệ đến chơi đông, ông
Hội trưởng kéo tay mình ra chỗ vắng, nói có chai rượu đãi ông mà chúng nó đến
lắm quá, ông chịu khó chờ để chúng nó về bớt đi đã...
Ôi chao Hội ơi là Hội.
Từ đó đi chơi đâu mình tuyệt không ghé vào
Hội, có đồng nào thì gọi anh em đến chơi, không có thì biến, tuyệt không dám
làm phiền anh em văn nghệ địa phương.
Ngô Minh làm được vài li, bắt đầu
cười sật sật thì Trần Vàng Sao đến, chưa thấy mặt đã nghe tiếng, nói ua chầu
chầu tui nghe ông viết tui trên báo Thanh Niên, lo thắt ruột, không biết cha ni
viết cái chi, té ra đọc xong sướng quá trời luôn. Nhìn cái miệng cười mom móm
của anh lại nhớ anh Hải Bằng...
Trần Vàng Sao nói lia xía, không
hiểu anh sướng mình vào Huế chơi hay sướng cái bài mình viết ở báo Thanh Niên
mà nói say sưa, không cho ai nói. Mình nói anh vừa là bạn vừa là học trò anh
Tường (Hoàng Phủ Ngọc Tường), hồi chiến khu từng sát cánh anh Tường, chuyện anh
Tường bị oan gia tiếng xấu sao không lên tiếng. Anh lắc đầu xua tay, kêu nói
rồi, nói gãy lưỡi rồi nhưng tụi nó đâu có thèm nghe, đả thông với mấy ông cực
đoan hải ngoại cực quá trời luôn.
Ngô Minh cười sật sật, nói è he nói
chuyện với mấy ông cực đoan hải ngoại như nước đổ đầu vịt, tức anh ách. Ngay
cái chuyện anh Sơn (Trịnh Công Sơn) vô Sài Gòn, để lại cái căn hộ Nguyễn Trường
Tộ cho anh Tường, tự anh Sơn đi làm giấy tờ chuyển nhượng mà ngươì ta cứ khống
lên là anh Tường trấn lột cái nhà Sơn
nữa là.
Nghĩ cũng buồn cười, nhiều người
hay lắm, qua sông đấm bòi mà làm như oai lắm, tự cho mình cái quyền phán xét kẻ
khác, mồm loa mép giải như đàn bà hàng cá, tự đắc văn hoá, hết chê người này
ngu lại chửi kẻ khác hèn, oách lắm. Oách thế sao người ta vừa ho cái đã lặn
không sủi tăm, rồi ngoi sang bờ bên kia vung chân múa tay chửi bới hung hăng
lắm. Ui giời, là anh hùng.
Chỉ bực chút chút rồi lại vui, Mai
Văn Hoan đến, Phạm Phú Phong đến, một ông sợ vợ một ông vợ sợ. Mai Văn Hoan
lông mày đã bạc trắng mà ngồi đâu cũng chỉ nói chuyện gái, nàng nói thế này,
nàng nhắn thế kia, mobile lưu hàng chục tin nhắn sến chảy nước của các nàng,
toàn mấy nàng chíp hôi cột quần chưa chặt. Nước Nam này đàn ông đến tuổi 60
rồi, con gái trên 23 tuổi kiên quyết không duyệt có lẽ chỉ có hai ông, đó là
Đoàn Tử Huyến và Mai Văn Hoan.
Ngô Minh cười sật sật, nói Mai Văn
Hoan ra ga, người ta thông báo tàu trễ một giờ, lập tức vọt về nhà tranh thủ
làm phát đã rồi mới chịu lên tàu. Cười rũ.
Đàn ông vợ sợ như Mai Văn Hoan là
của hiếm, sợ vợ như Phạm Phú Phong là số nhiều, hầu như tất cả. Sợ vợ mình đã
đành, còn sợ cả vợ bạn nữa. Nguyễn Trọng Tạo có câu thơ: Bạn bè ở Huế thương nhau thiệt/ Một đứa vợ la chục đứa kinh. Thật
đúng y chang.
Lại thêm Trần Thuỳ Mai, Bạch Diệp,
một hoa hậu thời hậu chiến một hoa hậu thời đổi mới, cả hội rượu bỗng ồn ào hẳn
lên, mồm mình bỗng như tép nhảy, hết vuốt tóc em này lại sờ vai em khác. Cái
điệu thằng què đi không vững lết lết quệt quệt xun xoe bên hai nàng, mấy đứa
phục vụ bịt miệng cười rích rích.
Vui nhất là anh Tô Nhuận Vĩ đến, cứ
tưởng sau entry Bạn Văn 3 anh cạch
mặt mình cho tới khi xuống lỗ hoá ra anh đến. Mình định nói dăm ba câu phân
bua, anh xua tay, nói thôi, Lập đừng nói nữa, Lập biết mình thương Lập mà. Nghe
thế thì sướng, uống đến say.
Mâm rượu có người Huế, người Quảng
Bình, người Đà Nẵng, toàn dân mấy tỉnh kị rơ nhau, vui hơn tết. Mình nói nói
hát hát, trêu ngươì này chọc người kia... tỉnh dậy thấy mình nằm trong phòng
khách sạn, sờ túi tiền vẫn còn nguyên, chẳng biết ai thanh toán, nghĩ bụng mình
mời người ta đến lại để người ta trả tiền thật chẳng ra làm sao.
May anh Ngô Minh nói thằng Thịnh
thanh toán hết rồi, hơn bốn triệu chứ không ít. Cái thằng thế mà hay, nói năng
nhiều khi như thằng ba hoa nhưng sống với anh em lúc nào cũng chí tình hết mực.
Mình định mò ra Quảng Trị thăm lại
ngôi nhà xưa, toà soạn Cửa Việt xưa, tranh thủ mò tới mấy em nạ dòng thương nhớ
mười ba. Đặc biệt đến nhà anh Xuân Đức ngồi nghe anh ấy chửi mình, rồi nhăn
răng cười, nói đố anh ghét được em đấy. Thế nào rồi anh Đức cũng nói một câu
như anh Vĩ. Nhưng đau dạ dày quá không đi nổi.
Văn nghệ văn gừng nhiều khi chán
lắm, chỉ được cái thương nhau, đôi khi chửi nhau như chó mèo tóm lại vẫn yêu
thương nhau bền bỉ nhất. Mặc kệ quan hay dân, mặc kệ cái thời cục bộ địa phương
huynh đệ tương tàn, mặc kệ người trời Tây kẻ nước Nam, anh em văn nghệ lúc nào
cũng có thể ngồi cùng mâm, nằm cùng chiếu. Chiếu hải ngoại, chiếu nội địa cũng
là chiếu Việt cả mà thôi.
Rút từ Bạn văn 1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét