Bọ Lập, Basam: người của năm 2014

Bùi Văn Phú

Nếu hỏi người dân trong nước xem họ biết gì về những nhân vật như Lê Công Định, Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần, Nguyễn Vũ Bình, Basam Nguyễn Hữu Vinh, Trần Khải Thanh Thuỷ, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Đỗ Thị Minh Hạnh, Việt Khang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Thị Minh Thuý, Trương Duy Nhất, Nguyễn Quang Lập, Bùi Thị Minh Hằng, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân thì tôi tin chắc rằng Nguyễn Quang Lập là cái tên được nhiều người biết đến nhất.

Những nhân vật trên đều đã bị giam, có người đã được thả, có người còn đang trong nhà tù trên quê hương Việt Nam vì đã bày tỏ lòng yêu nước, đã lên tiếng cho quyền làm người, cho dân chủ, tự do của dân Việt và bị kết án theo những điều 79, 88 hay 258 của luật hình sự.

Nhưng vì sao Nguyễn Quang Lập, tức Bọ Lập, lại được nhiều người biết đến. Vì ông là một nhà báo, một người làm văn học, nghệ thuật đã để lại dấu ấn đẹp qua những tác phẩm điện ảnh, những kịch bản, những tập truyện với số người xem, người đọc lên đến hàng triệu. Những sáng tác của ông có chỗ đứng trong văn học, nghệ thuật Việt Nam.

Một số tác phẩm văn học của Nguyễn Quang Lập

Tôi tuy sống ở nước ngoài đã lâu, nhưng những tác phẩm văn chương của Nguyễn Quang Lập, những phim do ông viết kịch bản và đặc biệt là trang blog Quê Choa của Bọ Lập đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng về sự can đảm của ông, can đảm trong đời sống thể lực, trong cả tư tưởng và việc làm.

Chúng ta lại hỏi tại sao Bọ Lập, một con người đi đứng phải chống gậy mà bị công an vào nhà bắt đi hôm 6-12-2014. Ông đã làm gì để bị bắt?

Như nhiều người khác đã phải vào nhà tù ở Việt Nam, Bọ Lập bị cáo buộc vi phạm điều 88 luật hình sự mà nhà nước vẫn thường hay áp dụng đối với những ai nói lên những suy nghĩ bất đồng với chính sách của nhà nước, với chế độ hiện thời.

Cách đây nhiều năm, Bọ Lập bị thương phế sau một tai nạn xe, liệt một phần thân thể nên phải nằm một chỗ. Nhờ cố gắng luyện tập nay ông đã có thể chống gậy đi lại được.
Khi sức khoẻ tạm ổn định, ông mở trang blog “Quê Choa” đăng tải những bài viết về sinh hoạt văn học nghệ thuật, những thông tin liên quan đến tình hình xã hội, chính trị Việt Nam với mong ước soi rọi ra những vấn đề tiêu cực để giúp đất nước phát triển.

Nguyễn Quang Lập bị bắt gây xôn xao dư luận

Những bài viết do các tác giả gửi đến hay do ông chọn từ nhiều nguồn khác nhau là phản ánh thực tiễn cửa quyền, tham nhũng của quan chức nhà nước và tình trạng thiếu tự do, dân chủ tại Việt Nam.

Từ vài năm qua Blog Quê Choa đã trở nên một nguồn thông tin ngoài lề, thu hút số lượng độc giả đông và đã có đến hơn trăm triệu lượt đọc.

Bọ Lập bị bắt giam và bị cáo buộc có những hành vi “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa” theo điều 88, nếu bị kết án có thể bị tù nhiều năm.

Tháng 5-2014, Anh Basam Nguyễn Hữu Vinh cùng một cộng sự viên là Nguyễn Thị Minh Thúy cũng đã bị bắt giam và bị cáo buộc vi phạm điều 258 luật hình sự, với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” và đang chờ ngày ra tòa.

Bọ Lập là người của văn chương nghệ thuật còn Nguyễn Hữu Vinh gốc là sĩ quan an ninh. Sau khi thôi việc anh mở trang Anh Basam với mục đích tổng hợp, đưa thông tin đa chiều đến với bạn đọc và trang blog của anh đã thu hút đông người đọc trong và ngoài nước.

Trước sự kiện bắt giam hàng loạt blogger trong năm qua, lần đầu tiên đã có một thỉnh nguyện thư gửi Chủ tịch Nước, Thủ tướng và Bộ trưởng Công an yêu cầu trả tự do cho họ. Lá thư đã có hơn 1500 chữ ký của trí thức, lãnh đạo tôn giáo, công nhân, cán bộ và những người yêu mến họ ở trong nước và từ hải ngoại, gồm Nguyễn Quang A, Chu Hảo, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Thái Hợp, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Ngọc Giao, Huy Đức, Nguyễn Nguyệt Cầm, Đinh Quang Anh Thái, Phan Tấn Hải, Lê Diễn Đức, Bùi Chát, Hoàng Hưng, Nguyên Ngọc v.v…

Cùng lúc, các giáo sư Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn đang sống ở Mỹ và từ Ba Lan gồm Nguyễn Ngọc Thành, Đào Duy Tiến, Nguyễn Hữu Viêm, Nguyễn Đình Chân, Đặng Ngọc Hân, Trần Vĩnh Hưng v.v… cũng đã viết những lá thư gửi cho những người đứng đầu cơ quan an ninh và pháp luật yêu cầu cho Bọ Lập được tại ngoại, chờ ngày xét xử.

Anh Basam Nguyễn Hữu Vinh bị bắt cùng một cộng sự viên

Năm 2014 là năm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí tại Việt Nam bị giới hạn khắc khe. Theo xếp hạng của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Việt Nam đứng gần chót, hạng 174 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí.

Bọ Lập và Anh Basam đang bị giam trong nhà tù của chế độ cộng sản Hà Nội vì muốn đưa những thông tin trung thực đến cho dân.

Sống giữa sự đe dọa của một hệ thống chính trị không khoan dung với những ai có quan điểm bất đồng, việc làm của Bọ Lập và Anh Basam đã thể hiện lòng can đảm của họ.

© 2014 Buivanphu
.........................
Bọ Lập, Basam: người của năm 2014 * Sống giữa sự đe dọa của một hệ thống chính trị không khoan dung với những ai có quan điểm bất đồng, việc làm của Bọ Lập và Anh Basam đã thể hiện lòng can đảm của họ.
Advertisements




0 nhận xét:

Đăng nhận xét