Có một Nguyễn Quang Lập nhà giáo

Nhóm học trò thầy Nguyễn Quang Lập

1. Có nhiều người biết một Nguyễn Quang Lập, nhà văn  của “Những mảnh đời đen trắng”, “Tiếng gọi phía mặt trời lặn”, “Tình Cát”, “Ký ức vụn”, “Chuyện đời vớ vẩn”…

Có nhiều người biết một Nguyễn Quang Lập của sân khấu kịch với “Mùa hạ cay đắng”,  “Lý Thường Kiệt”, “Điện thoại di động” “Đứa con bị đánh cắp”…

Có nhiều người biết một Nguyễn Quang Lập, nhà biên kịch của những kịch bản điện ảnh Việt Nam xuất sắc “Đời Cát”, “Thung lũng hoang vắng”, “Không có Eva”, “Đảo của dân ngụ cư”… Và là đồng biên kịch của những dự án phim truyền hình gây tiếng vang lớn “Cảnh sát hình sự”, “Gió qua miền tối sáng”…

Có nhiều người biết một  Nguyễn Quang Lập đầy dấu ấn của Văn Nghệ Trẻ,  một Nguyễn Quang Lập tham gia khởi lập tạp chí Cửa Việt…  Một Nguyễn Quang Lập của Nhà xuất bản Kim Đồng…

Và hẳn, càng nhiều người biết một Nguyễn Quang Lập, người tạo nên chiếu rượu “Quê Choa”, nơi mà các bạn văn và độc giả gọi ông bằng cái tên trìu mến “Bọ Lập”.

Nhưng,  chúng tôi, những lứa học  trò đầu tiên, lại tự hào, bởi chúng tôi biết đến một Nguyễn Quang Lập mà rất ít người biết tới. Một Nguyễn Quang Lập – thầy giáo. Một  Alexan Đờ Cu Lập của riêng chúng tôi.


2. Năm 2006,  Khóa đào tạo  Biên kịch, Lý luận phê bình điện ảnh do quỹ Ford  tài trợ đặt tại trường Nhân văn chính thức khai giảng khóa đầu tiên. Trong buổi ra mắt, bên cạnh những cái tên quen thuộc Đặng Nhật Minh, Phạm Nhuệ Giang … chúng tôi lần đầu biết đến Nguyễn Quang Lập, người đàn ông  với bước chân tập tễnh, đôi mắt biết cười. Người đàn ông ấy khi ngồi ở bàn chủ tọa một tay vẫn nhoay nhoáy nhắn tin dưới gầm bàn, dáng điệu vô cùng bình thản.

Cũng người đàn ông ấy, khuôn mặt chẳng chút phật lòng khi cả chục học viên lớp biên kịch mà ông đảm trách, không một đứa nào biết ông là ai, ông viết cái gì. Nhưng ông đã làm cả lũ học trò đang uể oải, lơ đãng lúc đó ngồi thẳng người với câu tuyên bố sấm sét:  “Thầy có thể biến một con bò trở thành nhà biên kịch!!!”

Sau 8 năm, lời tuyên bố tưởng như “nổ tung giời” ấy đã trở thành hiện thực. Những “con bò” đầu óc hoàn toàn phẳng phiu, hoàn toàn không có những ý niệm nào về phim ảnh, về kịch bản, về cấu trúc, nhân vật khi đó…  giờ đây, đã trở thành những người làm nghề, những biên kịch thực thụ.

Nhưng hẳn, đó là chuyện của 8 năm sau. Còn khi đó,  những giờ học của thầy luôn làm lũ học trò chúng tôi đầy cảm xúc. Hào hứng, phấn khích, lo sợ.

Hào hứng bởi lẽ, thầy không hề giấu nghề, giáo án do thầy tự soạn thảo, được in phát cho học viên theo từng ngày lên lớp.

Phấn khích là ở chỗ, ngay trong buổi học, chúng tôi đã có cơ hội cùng nhau tạo nên những câu chuyện, những kịch bản, có thể “bán ra tiền” ngay lập tức. Bằng chứng chính là “Cho em một ngày vui”,  một bộ phim “bài tập” mà chúng tôi cùng nhau làm, sau đó đã đoạt giải HCB Liên hoan phim truyền hình toàn quốc lần thứ 26. Tiền nhuận bút vừa chia nhau, vừa liên hoan bét nhè vẫn không hết.

Còn lo sợ là vì, thầy Lập là người đòi hỏi rất cao ở học viên. Thầy đã nói ngay từ đầu, thầy yêu cầu “sự trung thực”- có lẽ vì chữ đó thôi mà nhờ đó thầy dành được vinh quang, được ngàn người mến mộ nhưng cũng vì chữ “trung thực” đó mà thầy gặp muôn vàn khổ nạn trong đời mình. Ngu dốt có thể chấp nhận, nhưng lười biếng thì không.  Sự lơ là, đối phó là thứ thầy ghét nhất.  Và khi đã chạm vào thứ mà thầy ghét, thì thầy mắng thẳng, mắng nặng, mắng rát mặt thì thôi.

Nhưng, thật ra, sự sợ hãi của chúng tôi ngày đó, không hẳn là sợ bị mắng.

Mà chúng tôi sợ thầy thất vọng…

Bởi lẽ, hơn ai hết, chúng tôi biết thầy đã giành cho chúng tôi tâm huyết như thế nào…

3. Ngay khi khóa học còn chưa kết thúc, vào một buổi chiều ở Linh Đàm, thầy gọi  hai đứa tên Hà, hai đứa tên Thủy trong lớp đến, hỏi có muốn làm phim với thầy không? Và khi mà bốn đứa mắt còn đang tròn xoe, chưa biết thế nào, thầy đã quẳng mỗi đứa 2 triệu tiền tạm ứng, và bảo, nếu thích rèn nghề, thích kiếm tiền, thì làm với thầy.

Và, chúng tôi, đã bắt đầu những chặng đường làm nghề đầu tiên như thế. Phim “Âm tính” do thầy Lập dẫn dắt 4 chúng tôi, Thái Hà, Thu Hà, Đinh Thủy, Nguyễn Thủy sau đó đã giành HCV Liên hoan phim truyền hình toàn quốc 2010.

Trong một giờ học cuối khóa, 4 đứa được thầy đặt cái tên “Lưỡng Hà Song Thủy”  đã hí hoáy viết một lá thư nghịch ngợm gửi cho thầy, bảo thầy ơi, chúng em muốn thành lập một công ty làm kịch bản, thầy làm giám đốc đi. Thầy viết lại:  Đồng ý. He he. Kí tên. Giám đốc Alexan Đờ Cu Lập.

Cái tên Alexan Đờ Cu Lập chúng tôi đùa nhau gọi thầy bắt đầu từ đó.

4.  Có lẽ, từ những mong ước ngây thơ ban đầu của chúng tôi, và cũng vì thương những học trò trong khóa, ra trường rồi chưa xin được việc, cuối cùng thầy  quyết định lập một công ty thật. Một công ty chuyên về kịch bản. Rồi từ ấy, là “Một ngày không có em”, “Lập trình cho trái tim”, “Siêu thị tình yêu”, “Con đường hạnh phúc…” những bộ phim liên tiếp ra đời… Trong đó “Lập trình cho trái tim” đã trở thành một trong những  bộ phim truyền hình gây sốt nhất từ trước tới nay.

Thời gian ấy, biết bao niềm vui. Biết bao nỗi buồn. Biết bao tranh cãi… Học trò – nhân viên căng mắt làm kịch bản. Thầy giáo – giám đốc vò đầu bứt tóc ngồi biên tập.  Bàn tay phải lách cách gõ bàn phím, sửa từng chữ, từng đoạn. Kì cụi cả đêm. Mớ tóc là bị thầy hành hạ nhiều nhất, mỗi lần tức tối ngoài đập bàn phím thì lại vò đầu đến rối tinh rối mù.

Và rồi là những buổi họp, những lần trả kịch bản. Lũ học trò lần nào cũng nín cả thở, hồi hộp, đợi chờ “phán xét” của thầy. Bị thầy mắng, thầy chê thì buồn thối cả lòng. Được khen một câu, thì sướng âm ỉ cả tuần không hết… Nhưng đáng giá hơn cả, là từ những họp bàn và rút kinh nghiệm ấy, chúng tôi được thầy truyền đạt, chỉ dẫn những bài học, mà  sau này càng làm nghề, chúng tôi càng ngấm.

Trong khoảng thời gian vài ba năm đó, chúng tôi từng là nguồn gốc của những cơn thịnh nộ của thầy, nỗi thất vọng của thầy, sự bực bội của thầy. Nhưng, chúng tôi cũng biết, chúng tôi hẳn cũng từng là niềm vui của thầy, sự trìu mến của thầy, sự hi vọng của thầy…

Ấm áp là những khi vừa kí kết hợp đồng, lúc tiền nhuận bút về, những lúc nghe tin phim bắt đầu bấm máy… thầy trò lại ngồi uống bia, hát hò vui vẻ bên nhau. Lũ chúng tôi toàn con gái, giỏi ăn chứ không giỏi uống, lần nào cũng chỉ nhìn thầy uống bia rồi há hốc mồm nghe thầy kể những câu chuyện thâm cung bí sử trong làng văn. Những kinh nghiệm làm nghề. Những ứng xử trong đời sống, rồi nghe thầy lắc đầu tặc lưỡi “Bọn con gái ăn nhiều thật” hay thỉnh thoảng tư vấn tình yêu “Mấy cái đứa này ngốc quá, chọn đàn ông là phải thế này này…”

Thầy trở thành người cha, người anh, người bạn lớn của tất cả chúng tôi. Vậy nên, khi các bạn của khóa biên kịch thứ 2 muốn thầy giảng dạy thêm, chúng tôi thậm chí còn giận thầy, vì thầy đã không coi chúng tôi là những học trò duy nhất.

Nhưng cuối cùng, tất cả những học viên từng được thầy dẫn dắt đều làm việc với nhau, gắn bó với nhau. Vì chúng tôi có chung đam mê nghề nghiệp. Và vì chúng tôi có chung một người mà chúng tôi cùng yêu quý. Là thầy.

5. Sau này, khi bắt đầu có thể tự đứng vững bằng đôi chân của mình, ra ngoài làm việc, va chạm, chúng tôi mới nhận ra, thật may, trong giai đoạn đầu tiên, chúng tôi đã có thầy đỡ đầu, đã có thầy che chắn. Bởi lẽ, khi bước vào môi trường quá nhiều tráo trở, bị lừa lọc, bị ăn chặn, bị quỵt tiền… chúng tôi mới hiểu ngày đó, nếu không có thầy, chúng tôi đã không dễ dàng đến thế, để có được những dự án đầu tiên, những bộ phim đầu tiên.

Thầy, người ngày ngày xức dầu để có thể đủ sức khỏe lên lớp, không bỏ buổi nào.

Thầy, người rút tiền chia cho từng đứa, khi nhận nhuận bút kịch bản. Thầy bảo thầy phát lộc. Thực ra là bởi thầy biết có mấy đứa đang hết tiền.

Thầy, người từng thuê cả chuyến xe về Nam Định, để lũ học trò biết không khí liên hoan phim, để chúng có thêm động lực cố gắng.

Thầy, người từng tặng cho học trò từng tấm thẻ điện thoại.

Thầy, người từng yêu cầu các diễn viên tên tuổi “chào” lũ học trò cho tử tế, với tuyên bố “Sau này chúng mày rồi sẽ cần tụi nó đấy”.

Thầy, người từng bảo “Các em hoàn toàn có khả năng. Nếu các em không tin chính mình, thì làm sao người ngoài tin các em được”.

Thầy, người đã khiến chúng tôi có sự tự trọng khi làm nghề. Bởi lẽ, chúng tôi được dán một cái mác, là học trò thầy Lập.

Được là học trò của thầy, với chúng tôi, là cơ duyên. Là may mắn.

Và hẳn, cũng là một thương hiệu. Một thương hiệu mà chúng tôi luôn trân trọng với riêng mình!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét