Hoàng Cầm đã đi tìm cõi mơ khác

9h12 phút ngày 6/5/2010  thi sĩ Hoàng Cầm đã nhẹ bước ra đi sau chặng đường dài 88 năm bền bỉ đánh giặc và viết, yêu và viết, sống và viết. Cầm bút từ năm 15 tuổi, 18 tuổi có Hận ngày xanhbông sen trắng (1940) đã làm ngạc nhiên giới văn bút nước nhà; 20 tuổi có Hận Nam Quan ( 1942) vở kịch thơ lịch sử, tiếng vọng đắng cay và bi tráng nơi biên cương phía Bắc vẫn còn nguyên giá trị tận ngày nay. Cho đến cuối đời ông còn cho ra 99 tình khúc ( 2007) trước khi trút hơi thở cuối cùng để đi về cõi Thiên Thai.

Suốt cuộc đời thi sĩ chỉ gói gọn trong hai chữ tìm và về. Ông tìm về nơi ông sinh ra, nơi trọn đời ông nhớ thương day dứt: Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa giẻ quạt voi lồng/ Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông…” Ông Tìm về bên kia sông Đuống: “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”  nơi ông đánh giặc và yêu. Tìm về với chính tuổi thơ ông: Ta con chim cu về gù rặng tre/ đưa nắng ấu thơ về sân đất trắng/đưa mây lành những phương trời lạ/ Về tụ nóc cây rơm. Và tìm cả những gì không có, những gì chỉ có trong giấc mơ như chiếc lá diêu bông kia: Từ thuở ấy /Em cầm chiếc lá /Đi đầu non cuối bể. /Gió quê vi vút gọi. /Diêu Bông hời… /ới Diêu Bông! 
Ông về nơi cõi thực, tìm nơi cõi mộng. Cũng giống như Trần Dần và biết bao thi sĩ thế hệ của ông- Mỗi người  thăm  thẳm   một chiêm bao (thơ Trần Dần). Cuộc kiếm tìm của khát vọng tự do: Người sau  kẻ trước lao vào giặc/ Giữ vừng nghìn thu một giống nòi; của khát vọng làm người tự do: Ta con bê lạc ráng chiều xanh/ đi mãi tìm sim chẳng chín; của những mặc cảm Oedipe , những cơn khát của tình yêu: Váy  Đình Bảng buông chùng cửa võng… 
Tìm và không thấy không có, hoặc thấy đấy có đấy nhưng không phải của mình, mãi mãi không . Như hạnh phúc vậy, ta vẫn đi tìm suốt đời tóm lại vẫn chỉ là một giấc mơ, đó là bi kịch người cũng là bi kịch thi sĩ thế hệ ông. Phùng Quán đã ra đi, rồi Trần Dần, Lê Đạt, Hữu Loan và bây giờ đến lượt ông. Giống như thời kháng Pháp ông đã từng thảng thốt kêu lên: Trong tiểu đội của anh/ Những ai còn ai mất?/ Không ai còn, ai mất/ Ai cũng chết mà thôi.
Những ông không chết, cũng như Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt, Hữu Loan… không ai chết cả. Tất cả chỉ chấm dứt một cõi mơ này để tìm về một cõi mơ khác.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét