Đọc trường
ca
Cổ Tích Làng Cát của Mai Nam Thắng.
1. Tui biết
Mai Nam Thắng nung nấu viết Cổ tích Làng
Cát cách đây đã mười năm. Trong suốt mười năm nung nấu ấy, anh đi về không
biết bao nhiêu lần những làng chài miền Trung, sống hết mình với những ngôi
làng nghèo đến nỗi không thể nghèo hơn : “Đơn sơ chiếu lác chõng tre/ sải lưới
ngăn vườn/ mảnh buồm vá áo...”, để tìm kiếm trong “rong rêu kí ức/ lạo xạo thời
gian sỏi đá trơ mòn” tất cả những gì cho cuốn biên niên sử làng bằng thơ của
anh.
Và
đây rồi, một ngày đẹp giời Cổ Tích Làng Cát
đó có trong tay tui.
Mai Nam Thắng sinh ra và lớn lên dưới chân núi
Phượng Hoàng chín mươi chín ngọn phía Tây Quảng Bình, nhưng đọc Cổ Tích Làng Cát không ai không nghĩ anh
là đứa con đích thực làng chài miền Trung. Bởi vì anh cảm được cái lạnh lẽo rờn
rợn tiếng “ quạ kêu ngày/chim lợn kêu đêm” trong hoang vu cát trắng. Đấy là
tiếng cát buồn như khóc, tiếng cát tang tóc và cô đơn: “Chim lợn kêu váng óc cả
trời khuya”.
Bởi
vì anh cảm được cái đói cát, chỉ có cát mới có cái đói này, tuyệt không nơi nào
có: “Lát xương rồng ngâm vôi bầm như máu/ lát xương rồng xát muối/ trẻ già đỏ
mắt nhìn nhau”. Nếu không cảm được đói cát, cái đói đắng cay, cái đói tủi hờn,
làm sao anh có thể nhìn thấy: “cây mưng trụi trơ/ đọt chát đọt chua không kịp
mọc”? Và có gì đâu một cây dừa cụt ngọn vẫn hằng hà sa số trên những làng chài
qua bao nhiêu bão lụt đạn bom nửa thể kỉ qua để đến nỗi thơ anh phải bật lên một tiếng khóc nghẹn đắng: “tức
tưởi thân dừa cụt/ trổ lên trời một tiếng khóc câm”
Khóc
câm ấy là khóc cát, cát mênh mông thế, hoang vu thế, khóc rống lờn phổng có ích
gì. Khóc câm là tiếng khóc ngàn đời của “những cuộc đời úp mặt vào sông/ quăng mình
ra biển”, những con người suốt đời “áo vá, nón cời ngoi ngóp cửa sông”.
Một
khi anh đã thấm được tiếng cát, đói cát, khóc cát thì tất nhiên anh nhận ra
ngay niềm vui của cát, ấy là niềm vui sau một trận mưa lành, một thứ mưa đền
cây ở đâu cũng có, vì thế chẳng mấy ai quan tâm. Chỉ có những đứa con của cát
mới biết đó là trận mưa hiếm hoi, mới reo lên, reo lên như một tiếng khóc oà: “Phải vì muôn đắng ngàn cay/ Giời đền cho trận mưa nay mát lành?” Sau tiếng reo
trào nước mắt ấy là những líu ríu mừng vui, tức tưởi: “Đền cho ai những màu
xanh/ bao nhiêu mái tóc đó thành phù vân/ Đền cho những tối giao quân/ mẹ lần
xóa sạch dấu chân con về/ Đền cho cơn khát đêm hè/ gối đầu lên sóng nằm nghe
biển gào/ Đền cho dây bí dây bầu/ bao năm lầm lụi bên rào kẽm gai”.
Ta
sống quá lâu ở thị thành, vơ vét hết phù hoa đến độ tâm hồn đã nhiễm độc. Như Nguyễn Thành Phong đã có lần
thốt lên trong thơ anh: “Ta ăn gạo thị thành như là ăn phải bả”. Một khi như
thế khó lòng ta cảm được tiếng reo mừng mọc mạc, hồn hậu thế kia và nhanh chóng
bỏ qua. Rồi một ngày vào lúc ta thấy mình đơn độc giữa phố phường, một mình
ngồi im trong xó tối nhớ về nơi ta đã sinh ra, khi đó ta mới thấm hết niềm vui
đau của cát.
2. Cổ tích làng cát khắc họa nhiều số phận,
số phận nào cũng xót xa. Một O Bê sống sót sau trận dịch đậu mùa làng cát.
Những trận dịch đậu mùa tai ác đã vùi trong cát không biết bao nhiêu đứa con của cát
và “cấy chằng chịt trên mặt người sống sót.” Cấy chằng chịt vào tâm hồn trinh
nữ của cô gái làng cát khiến O Bê một mình một đêm một thui thủi : “gánh rau chợ
gần/ gánh cá chợ xa”, một mình cay đắng đối diện với gương mặt đau đớn của mình:
“ Sùm sụp nún cời/ bưng mặt khóc mỗi lần ra giếng nước.” Phàm là đàn bà, ai
không thèm những tiểng ru. Trẻ trung thì ru tình, tìm được người tình thì ru
con. O Bê không có, không thể có cả hai thứ ru ấy, chị lặng lẽ ru đêm: “Kẽo
kẹt ru hời đêm vá vào đêm” . Bóng người đang bà một mình ôm lấy bóng đêm kẽo
kẹt ru hời mới xót làm sao!
Ta xót cho O Bê một thì xót cho ông Xờng gấp
năm gấp mười. Ông Xờng là nhân vật được Mai Nam Thắng kì công gây dựng bởi vì số phận của ông gắn bó không rời với số phận với Làng Cát, ngôi làng chết đi
sống lại không biết bao nhiêu lần. Ông Xờng suốt đời cặm cụi làm mỗi việc chôn
cất người chết của làng. Ông làm cái việc cực nhọc, buồn thảm đó từ lúc mười
lăm tuổi. “Năm đó ông Xờng mười lăm tuổi/ loắt choẳt như thằng bé lên mười.” ấy
là năm 1945, năm đói rách nhất của Tổ quốc ta.
Ông bắt đầu nghiệp chướng bằng việc lần lượt
chôn cất sáu đứa em chết đói: “Mỗi đứa cách nhau hai tuổi/ đứa nào cũng đi lúc
nửa đêm”. Cái chết của đứa em út cho đến già ông cũng không quên. Làm sao có
thể quên được cái chết một đứa bé chưa đầy tuổi tôi: “ lẩy bẩy trên ngực mẹ
tong teo/ giọt sửa chắt ra đắng nghét giọt xương rồng/ nó nấc lên tiếng cuối
cùng hờn dỗi”. Ông không khóc, cả sáu đứa em chết ông không khóc. Ông lẳng lặng "bó nó vào tàu lá chuối", “ôm ra chân động cát”, lẳng lặng “đánh dấu các em
bằng những bụi xương rồng”. Từ đó ông trở thành người chôn cất người chết duy
nhất của làng. Một mình ông mang vác gánh nặng tang thương của cả làng: “Ngày
ngày bóng ông nhòa trong bóng cát/ xiêu vẹo đi về từ bãi tha ma”. Với ai ông
cũng đánh dấu trước nấm mồ của họ bằng những bụi xương rồng.
“ Xờng không sợ ma, không sợ bóng tối, chỉ sợ
nhất những người hấp hối, mắt trợn trừng ám ảnh hằng đêm”. Đấy là ám ảnh nặng nề
nhất đời ông. Đối với người đời, ám ảnh đó thật ghê rợn. Không ai cay cực như
ông Xờng, con người suốt đời đối diện với cái chết của người thân: “ Người lớn,
trẻ con đen ngòm hố mắt”. Ám ảnh đến độ thất thần, ngày ngày ông “ngẩn ngơ...
trước những nấm mồ vừa chôn”. Ám ảnh đến nỗi đã biến ông thành một người cô độc
giữa cuộc đời: “Cuốc xên đào huyệt đã mòn/ trái tim tội nghiệp vẫn còn nguyên
sơ”.
Tưởng
như ông Xờng không nước mắt, ông đã chai lì trước những cái chết tang thương.
Đôi mắt ráo hoảnh trên gương mặt khô rang, ấy là gương mặt cát. Không gì thấm
nước nhanh như cát, chẳng khi nào nước có thể để lại dấu vết trên cát. Nước mắt
thấm vào gương mặt cát nhanh đến nỗi người ta nhầm ông Xờng không biết khóc.
Chỉ một lần, duy nhất lần ấy, ngày Làng Cát giải phóng, nghĩa là Làng Cát sẽ
được tự do, Làng Cát từ nay tránh được những cái chết oan ức, đau thương cũng
có nghĩa là ông có thể trốn được cái nghiệp trời đày. Niềm vui sướng vô biên
của con người suốt đời chôn người chết đó vỡ oà ra thành tiếng khóc đau: “ Ông
Xờng chạy ra động cát quỳ sụp xuống vạt xương rồng/ khóc hu gọi mạ/ hạnh phúc
lớn như trời như bể/ nước mắt lăn trên cát ngời ngời...” Niềm vui
vỡ oà như trận mưa đền cây trên gương mặt cát bỏng rát thương đau ấy khiến
ta không thể quên được. Vì thế ông Xờng còn mãi trong cảm thông chia sẻ của
người đời.
Văn
chương có thể làm ra nhiều thứ nhưng thứ mà người đời luôn luôn nhớ, ngay cả
khi đã quên sạch những gì anh viết ra, ấy là nhân vật, nếu như anh đủ tài tạo
dựng ra nó. Ta nhớ chị Dậu của Ngô Tất Tố, Chí Phèo của Nam Cao, Xuân tóc đỏ
của Vũ Trọng Phụng anh Sài của Lê Lựu, lão Quềnh của Nguyễn Khắc Trường...
trong văn. Ta nhớ Lượm của Tố Hữu, cô láng giềng của Nguyễn Bính, chị của Hữu
Thỉnh, mẹ của Thanh Thảo, mẹ của Trúc Thông, cha của Trần Anh Thái, con Vàng
của Trần Đăng khoa ... trong thơ. Giờ đây ta sẽ không quên ông Xờng của Mai Nam
Thắng, dù mai sau có thể người đời sẽ quên sạch thơ anh.
3. Cổ Tích Làng Cát trước hết là cổ tích những cái
chết. Chết đói rét, chết đạn bom, chết bão lụt, chết bệnh tật. Mai Nam Thắng dám viết về những cái
chết buồn thảm kia cũng chỉ vì anh nhận ra nỗi khát sống của Làng Cát. Nỗi khát
sống đến làm ta kinh ngạc. Một khi cái chết bủa vây sự sống thì sự sống sẽ trỗi
dậy không ngừng. Con người tự bảo vệ mình trước cái chết bằng chính sự hồi
sinh quật cường của họ . Và đấy chính là
những gì Mai Nam Thắng muốn gửi gắm. Vì thế trong thơ anh, cái chết lại
có tên Hồi Sinh. Ba chương nói về ba trận chết kinh hồn: Chết đói, chết đạn
bom, chết bão lụt lại có tên Hồi Sinh 1, Hồi Sinh 2, Hồi Sinh 3. Những Hồi Sinh
rớm máu.
Một trận bão lớn chưa từng có trong lịch sử
Làng Cát và những cơn sóng thần chưa từng có trong kí ức của người đời đó ập
vào Làng Cát. “Làng trắng rợn những ngõ hoang quạnh quẽ/ những ngôi nhà nền trơ
váng đỏ/ không chốn bơ vơ không chốn đi về...”.Chút nắng vàng sau cơn bão chỉ
làm cho tang tóc được khắc sâu vào tâm khảm người đời: “Nắng hiu hắt trước
hoàng hôn góa bụa/ bóng mồ côi lẫm chẫm, nhạt nhòa...”
Sau cơn bão,
hình ảnh duy nhất ta thường gặp ở những làng chài miền Trung là bóng những
người thân đi tìm xác những người thân trên bờ biễn hoang tàn. Nhìn bóng anh
Thứ vật vờ trên bờ biển, không ai không khỏi ngậm ngùi: “ Anh bơ phờ đi tìm xác
người thân/ lần theo ngấn bùn/ lần theo vệt sóng/ lần theo tiếng quạ chao đầu bãì
cuối ghềnh.” Cuộc tìm kiếm trong vô vọng. Tất cả đã đi về trời không để lại dấu
tích, anh Thứ trở về làng trước “những cái nhìn hộc gió trân trân”. Nhưng đứa
con của cát không chịu sụp đổ, không chịu khuất phục trước cái chết, anh đã làm
một chuyện bất ngờ, quá bất ngờ với những ai đang chìm trong tang túc: “Anh
chọn ngày cưới vợ/ cô gái cùng chung cảnh ngộ/ hai mảnh đời nương tựa vào nhau”
Phải nương tựa vào nhau để hồi sinh sự sống, đấy mới là điều quan trọng, đấy
mới chính là triết lý hồi sinh của Làng Cát, triết lý của những ngọn nến trên
quan tài của người chết thốt lên lạnh lùng và quyết liệt: “Những ngọn nến cháy
những lời gan ruột:/ chiếc lá cuối cùng phải xanh chồi biếc lộc/ cây gỗ cuối
cùng phải nên rường cột/ cơ nghiệp nhà ta xin kể từ đây”.
Ta bỗng cay cay đầu sống mũi khi thấy đám rước
dâu lặng lẽ đi trong đổ nát: “ Hạnh phúc dìu hai trái tim đau/ qua ngõ những ngôi
nhà chưa kịp ngày lành lặn/qua hàng rào...tím vào khuất lặng/ qua ánh nắng đầu
tiên nhen nhúm ánh ngày...” Hãy tưởng tượng xem nếu ta được dự vào đám cưới đau
buốt ấy, chứng kiến “hạnh phúc cầm tê dại bàn tay”, chứng kiến “mâm cơm cúng
ngả ra làm cỗ cưới/ những giọt nến bàn thờ tan chảy về đâu...”, ta sẽ thế nào?
Thì ta sẽ hệt như người làng cát “đến chật nhà sao mà yên lặng quá/ không ai nỡ
chúc mừng/ không ai nỡ khóc...”. Một tâm trạng đến Chúa cũng không thể thốt nên
lời.
Không thể thốt nên lời nhưng Chúa lòng lành đã
thấu hiểu nỗi khát sống của con người. Con người trong Cổ tích Làng Cát không đợi Chúa ban cho sự sống, chính họ đó đứng
lên giằng lấy sự sống từ tay Thần Chết. Tiếng khóc của đứa trẻ sinh ra trong
tang tóc tràn ngập chương cuối cùng trường ca Mai Nam Thắng là thông điệp niềm
tin về sự sống vĩnh hằng của con người. Tiếng khóc vỡ òa “lay chuyển cả trời
đất” trong đêm tối, trong chết chóc đau
thương, trong hoang vu, trong cay cực nhọc nhằn: “ Tiếng khóc chào đời như thét/
cứ khóc nữa đi cho trời biển biết/ Làng Cát vừa sinh hạ một chàng trai...”.
Tiếng khóc khởi đầu của sự sống, là “sợi
dây bền chặt/ neo giữ ngôi làng trước bão tố phong ba”, là tiếng reo niềm tin tất thắng của con người, rằng không
một thế lực hắc ám nào có thể đè bẹp được sự sống của con người, bởi vì con
người đã làm ra những “cuộc hồi sinh vĩ đại nhất”.
Cổ tích Làng
Cát
đó khuất phục chúng ta bằng niềm tin cháy bỏng ấy, khuất phục những ai vẫn
chuộng chữ nghĩa, coi chữ nghĩa là cứu cánh của thơ ca bằng sự hồn hậu chất
phác một hồn thơ. Sự hồn hậu chất phác thường không hấp dẫn người đời bằng hào
hoa nhưng chính nó lại sống bền hơn mọi hào hoa, tôi tin thế, suốt đời tôi tin
thế.
Bắc
Linh Đàm, 13/12/2004.
Nguyễn
Quang Lập.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét