SUMMARY In recent years, Writer Nguyễn Quang Lập has introduced a new literary style by using words of khẩu văn[conversational and literary speech combination]. This contribution investigates and analyzes some conversational word classes that Nguyễn Quang Lập is fond of and has brought into his works. This is a way to create vividity and unpredictable association in his works.
1. Dẫn nhập
1.1. Nguyễn Quang Lập đã khẳng định được tên tuổi của mình qua truyện ngắn, tiểu thuyết, viết kịch, làm phim. Nhưng phải đến Kí ức vụn, mà trước đó là blog Quê choa, ông mới trở nên nổi tiếng, được công chúng và giới phê bình đặc biệt chú ý. Từ blog Quê choa đến Kí ức vụn, Nguyễn Quang Lập đã tái cấu trúc kí ức của chính bản thân mình và những người mình từng gặp gỡ, quen biết bằng một hình thức ngôn ngữ văn xuôi mới lạ, hấp dẫn: khẩu văn.
1.2. Hình thức khẩu văn đã xuất hiện trong một số sáng tác của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan,... nhưng phải đến Nguyễn Quang Lập mới trở thành một hình thức văn lạ, một loại ngôn ngữ văn xuôi mới. Văn chương xét đến cùng là một cuộc chơi của mỗi cá tính nên Nguyễn Quang Lập đã chọn cho mình một lối viết riêng. Khẩu văn Nguyễn Quang Lập có sự pha trộn của lối nói dân gian tự nhiên, sinh động với thể văn hồi kí phóng túng, đầy cảm hứng. Khẩu văn Nguyễn Quang Lập là viết theo lối nói, như tác giả đang nói / trò chuyện trực tiếp với người đọc, do đó, đọc Kí ức vụn, ta khoái cảm như nghe những dòng âm thanh đang chạy rần rật, như thấy những con chữ đang cựa quậy trên trang giấy. Bài viết này góp phần làm sáng tỏ đặc điểm khẩu văn Nguyễn Quang Lập.
2. Đặc điểm khẩu văn Nguyễn Quang Lập
2.1. Nhận xét chung
Từ những mảnh vụn kí ức trên chiếu rượu quê choa, sau này, một phần trong số đó gom thành Kí ức vụn, Nguyễn Quang Lập đã khởi xướng một dòng văn học khẩu văn. Qua lối viết như lời kể bằng miệng, từ miệng với những từ ngữ khẩu ngữ thô ráp, những yếu tố địa phương rặt phương ngữ Quảng Bình, vùng phương ngữ Bắc Trung Bộ, thỉnh thoảng lại văng ra những từ thông tục ngổn ngang, bò, chạy, sấp ngửa nhưng lại níu mắt người đọc; câu văn tuồng như lời nói hàng ngày với những trùng điệp, đan lặp, chuồi lẫn đan xen lời dẫn thoại, lời thoại, người thoại,... tất cả định hình một lối khẩu văn Nguyễn Quang Lập. Đó cũng chính là những đặc điểm nổi trội của một hình thức văn xuôi mới lạ, hấp dẫn của Nguyễn Quang Lập.
2.2. Cách sử dụng từ ngữ
Để tạo nên ngôn từ nghệ thuật, nhà văn có thể sử dụng các lớp từ ngữ khác nhau. Cố nhiên, việc khai thác và sử dụng chủ yếu lớp từ ngữ nào là tuỳ thuộc ở kiểu lựa chọn của người viết. Đọc các mẫu kí ức của Nguyễn Quang Lập, chúng ta thấy ông chủ yếu sử dụng các lớp từ ngữ gồm từ khẩu ngữ, từ địa phương và từ thông tục, biến chúng thành những mã thẩm mĩ có sức ám gợi người đọc, tạo nên nét cá tính khẩu văn. Trước hết, chúng ta tìm hiểu lớp từ khẩu ngữ. Từ khẩu ngữ (còn gọi từ hội thoại) là những từ được dùng ở lời nói miệng trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong đối thoại. Lớp từ khẩu ngữ được Nguyễn Quang Lập sử dụng thường xuyên, dày đặc nhưng có chọn lọc, phù hợp với từng đối tượng cụ thể, gắn với những ngữ cảnh nhất định. Lớp từ khẩu ngữ đã thực sự tạo được những liên tưởng bất ngờ, những hàm nghĩa tinh tế, sinh động, có tác dụng trong việc làm cho đối tượng, sự việc được miêu tả thực hơn, tạo nên những nhận thức mới. Mỗi người đọc, dù khác nhau về tuổi tác, trình độ nhưng khi đọc Kí ức vụn của Nguyễn Quang Lập đều có cảm giác như đang nghe tiếng nói của lòng mình, như đang tiếp xúc với những lời nói quen thuộc hàng ngày, tự nhiên, sinh động. Đó là những từ ngữ dùng để xưng hô thằng, con, mụ, mẹt, thằng cu, anh cu, ông cu,... và cách xưng gọi thằng Á, thằng Tuỵ, thằng Du, thằng Nguyên(Phạm Xuân Nguyên), con Hà, con Sử, con Thuỷ, mụ Cà, mẹt Lạm, cu Cá, cu Đô, thằng cu Hói, anh cu Luật, ông cu Hoi,... một cách bỗ bã, suồng sã nhưng gần gũi thân mật. Chẳng hạn, trong Thằng sứt môi, Nguyễn Quang Lập tái hiện kí ức tuổi thơ với những buồn vui như mình là người trong cuộc: Thằng Hoàn thổi sáo dọc bằng mũi hay cực. Nó cứ ngồi trước nhà con Sử thổi hết bài này sang bài khác. Con Sử thì ngồi ở cửa sổ ngóng ra. Có lẽ nó cũng muốn ra ngồi với thằng Hoàn nhưng sợ ba mạ nó. [2, 13] Còn khi tái hiện kí ức, tác giả tự xưng mình hết sức tự nhiên, tạo được không khí gần gũi thân mật, xem người đọc như những người bạn thân thiết đang trò chuyện với mình. Chẳng hạn, kể chuyện Con ăn ruồi, tác giả mở đầu bằng câu: Đấy là biệt danh của chị Thuận, người cùng thị trấn Ba Đồn, học cùng lớp một với mình. [2, 7]
Trong Kí ức vụn, những từ khẩu ngữ được nhà văn sử dụng như một công cụ lợi hại nhất để kể, miêu tả, tái tạo những mẫu kí ức - chuỗi những câu chuyện khi thì buồn cười hài hước, khi thì thâm trầm xa xót, khi thì kính trọng nể phục, khi thì cảm thông chia sẻ về những con người, những số phận khác nhau đang hiện về trước mắt người đọc. Đó là các từ như: đâm nghiện, đen thui, vàng hoe, trắng bóc, trơn mồm, mót (chồng), buồn thiu, gái gú, gái gẩm, (cười) khậc, (cười) ré, (cười) xoe xoe, è he, ngon ơ, người ngợm, khoẻ re, oách kinh, ỏm tỏi, lón thón (chạy), trơ mép, chắc ăn, tót (vào), (ngồi) chồm hỗm, há mồm, (nói) lia xia, phim trú, loạng quạng, lêu têu, độp (liền), dở ẹc, tắc tị, lác mắt, tí tớn, giải déo, phục lăn, bố nhắng, hổ lốn,... Các từ khẩu ngữ được đặt vào những vị trí mà những từ ngữ sách vở bóng bẩy không thể thay thế được. Chẳng hạn, kể về công việc của người bán nước chè trước cổng Viện văn học, Nguyễn Quang Lập viết: Năm giờ sáng bà dậy, lọc cọc lạch cạch nấu nước pha chè, xách phích nước lón thón chạy ra quán, lại lón thón chạy vào xách cái xô, lón thón chạy vào xách cái ấm, bê cái ghế, bưng cái thau,... cứ từng thứ một như thế, sáu bảy giờ mới mở quán. [2, 111] Các từ lọc cọc lạch cạch, lón thóntrong đoạn văn trên phát huy tối đa khả năng tượng thanh tượng hình mà nó vốn có, lại được nhà văn làm mới về ngữ nghĩa nên có khả năng ám gợi người đọc, giúp người đọc hình dung một bà Thiêm đang hiện diện chuẩn bị cho một ngày mưu sinh được lặp đi lặp lại với những tất bật, lam lũ, nhọc nhằn.
Nguyễn Quang Lập còn sử dụng các tổ hợp từ khẩu ngữ hết sức tự nhiên, tần số cao như: chán ốm, mừng húm, sướng rêm, cười ré, khoẻ re, giỏi cực, hay hè, sướng râm ran, chán mớ đời, trắng gớm hè, trật chỏng vó, sợ bằng chết, nảy đom đóm, hăng máu vịt, mừng tha dép, câm miệng hến, trơ mắt ếch, khoẻ như tru, đập một phát, mặt xanh như đít nhái,... Những kiểu nói lặp từ, những kiểu cấu tạo từ chỉ dùng trong khẩu ngữ hàng ngày xuất hiện dày đặc trong văn Nguyễn Quang Lập: giỏi hè giỏi hè, ừ đo ừ đo, phi công phi keo, sướng cuống cà kê, mừng nha mừng nha, rứa a rứa a, quẹt quẹt ẻ ẻ, thở vô thở ra, trẻ hè trẻ hè, (cười) tít ta tít tít, ê ê trật trật, sai sai ngu ngu, đổi mới đổi méo, bờ lốc bờ leo, cười cái liếc cái, văn nghệ văn gừng, viết sách viết siếc, thủ trưởng thủ triếc, tào lao chi khươn, giới hạn giới heo,.... Chẳng hạn, trong Kí ức năm hào, có đoạn: Mình nhìn đôi núm vú say sưa, nói hay hè hay hè. Nó nói rồi to bằng người lớn tề. Mình nói tởm hè. Nó lườm nói tởm răng mà tởm, phải to bằng người lớn để cho con bú chứ. Mình nhăn răng cười nói tởm. [2, 18] Qua cách dùng các tổ hợp từ bình dân và rất tự nhiên hay hè hay hè, tởm hè, tởm răng mà tởm, nhăn răng cười, nói tởm, người đọc nhận ra tình bạn gắn bó sâu sắc tuổi thiếu thời, một tuổi thơ trong vắt của tác giả, để rồi từ đó nhớ lại những kỉ niệm tuổi thơ của mình.
Bên cạnh lớp từ khẩu ngữ, trong Kí ức vụn còn có sự góp mặt của lớp từ địa phương giàu màu sắc biểu cảm - cảm xúc, có tác dụng làm tinh tế hoá ý nghĩa cho câu văn. Các từ ngữ địa phương thuộc phương ngữ Quảng Bình nói riêng, vùng phương ngữ Bắc Trung Bộ nói chung được sử dụng với số lượng lớn, tần số cao như: bọ (bố), mạ (mẹ), y chang (giống hệt), cạu (rổ), rứa (thế), răng rứa (sao thế), mồm (miệng), mần (làm), ni (này), mi (mày), chi hề(sao thế), nha (nhé), bâu (túi), tra (gác), hà bay (thế sao), trờ (lướt), bụ (vú), tụi bay (bọn bay), đụng sự (có sự cố), con nít (trẻ con), chơ (chứ), tịt (im lặng), phởn (thích thú), chơ răng (chứ sao), nời (này), trốôc (đầu), rị mọ(quê mùa), lòi (thòi), trớ (khạc ra), nớ (ấy), tề (kìa), ở lổ (cởi truồng), mốc xơ (còn lâu), bạ men (lân la), ui ui (ôi ôi), mần răng (làm sao), mô (đâu), ui xời (ôi trời), cột (buộc), trởn (chừa), quặc (cãi lại), nại (kiện), cù nhằng(chẳng vào đâu), phịa (bịa), trợt mặt (chịu đựng),... Các từ ngữ địa phương được sử dụng hết sức tự nhiên như chính lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân quê ông nhằm bộc lộ cách nghĩ, cách cảm của quê choa, định hình một thương hiệu bọ Lập. Trong Kỉ niệm nhỏ về Võ đại tướng, các từ địa phương đã làm nên giọng điệu cho câu văn: Quý Doãn nói cụ đánh thắng hai đế quốc to đã trợt mặt rồi, mình còn đòi hỏi cái chi nữa. [2, 147] Các từ trợt mặt, chi (gì) thể hiện cách nói thô ráp nhưng quyết liệt, trầm nặng nhưng dứt khoát của người miền Trung gió lào cát trắng, khí hậu khắc nghiệt tự hào về chiến công hiển hách, khẳng định tầm vóc của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cũng có trường hợp, việc dùng từ địa phương phải dựa vào ngữ cảnh mới hiểu được nhưng khi đã hiểu rồi thì thấy khó mà thay thế những từ ngữ ấy bằng từ toàn dân. Chẳng hạn: Phim trường nước ta, thằng có tài thì xón tiền như đái dắt, thằng bất tài giỏi múa mép thì ôm tiền cả mớ, quyết làm giàu trước khi làm phim. [2, 215] Từ địa phương xón, có nơi phát âm són, không có từ toàn dân tương ứng, có nghĩa là bậy ra nhưng rất ít, không đáng kể. Người Quảng Bình, người miền Trung có thể hiểu được nghĩa của từ xón trong câu văn trên nhưng người đọc dựa vào ngữ cảnh cũng có thể hiểu được ý nghĩa của nó. Từ xón ở đây, ngoài thể hiện màu sắc khẩu ngữ cho câu văn, điều quan trọng hơn là thể hiện thái độ bất bình, phản ứng gay gắt của người viết đối với cơ chế duyệt phim, duyệt kinh phí làm phim thiếu công minh của cấp có thẩm quyền ngành điện ảnh.
Nguyễn Quang Lập dùng từ ngữ địa phương khá dày đặc, nhiều từ xuất hiện tần số cao như: sướng rêm, hay hè, ui ui, ui chầu, ui xời, chi hề, y chang, rứa a,... tạo nên ngôn ngữ nhân vật rất khu biệt, rất gần gũi đời thường của những người dân quê choa từ cuộc đời bước vào trang văn của tác giả. Từ ua chầu chầu xuất hiện nhiều lần trong Kí ức vụn và đây là từ của Nguyễn Quang Lập. Từ ua chầu chầu, Nguyễn Quang Lập dùng trong những trường hợp: thể hiện sự ngạc nhiên, nghi ngờ: ua chầu chầu, văn thơ chi mà sớn sác rứa hề? (lời Hoàng Phủ Ngọc Tường), biểu thị một thái độ kinh ngạc: ua chầu chầu, mần chi mà dữ rứa hè? (lời của Trần vàng Sao), bộc lộ tâm trạng vui tươi: ua chầu chầu, các anh giỏi hè giỏi hè,...
Có trường hợp, Nguyễn Quang Lập dùng cách phát âm miền Bắc không phân biệt n/l để dựng chân dung: Ông Phong Nê đi đái chỉ chửi bậy một câu mà thấu tận tai cấp trên, sắp kỉ nuật rồi. Mình hỏi có can chi không bà, bà gật đầu chép miệng nói tội Phong Nê, mới nàm có vài năm mà bị thay niền. [2, 112]
Khẩu văn Nguyễn Quang Lập còn được thể hiện qua cách dùng từ thông tục. Từ thông tục khác với từ khẩu ngữ ở chỗ không nằm trong từ vựng của ngôn ngữ văn hoá, chỉ được dùng trong lời nói miệng thoải mái, thậm chí thô lỗ, tục tằn. Những từ thông tục có thể được dùng trong ngôn từ nghệ thuật làm phương tiện tu từ tạo nên đặc trưng lời nói nhân vật. Đọc Kí ức vụn, ta thấy Nguyễn Quang Lập sử dụng khá nhiều từ thông tục, nhờ đó, ta nhận ra cái khẩu khí đặc biệt của nhà văn. Những từ ngữ vỉa hè bặm trợn, bẩn thỉu, thậm chí tục tĩu xuất hiện khá nhiều nhưng đọc lại không thấy tục. Đó là biệt tài của Nguyễn Quang Lập, nét đặc hữu trong khẩu văn của ông. Nguyễn Quang Lập dùng từ tục rất tự nhiên, có duyên, không phải ai cũng dùng được, không dễ học được. Chẳng hạn: Tau chơi gái nhiều, chưa thấy con nào hay như con này, mao nó rẽ ngôi, hai xoáy, giống y chang cái đầu hói xếp tau, khơ khơ khơ. [2, 109] Đây là lời kể của thằng Tuỵ trọc phú học đòi, khoe khoang chiến tích chơi gái thật lố bịch.
Có thể nói, văn Nguyễn Quang Lập trong Kí ức vụn là văn bụi. Ông tự gắn nhãn cho mình là nói tục kẻo nhạt miệng. Do đó, ông có ý thức dùng ngôn ngữ của người bình dân bỗ bã, thô lỗ; nói một câu, có khi chỉ dăm tiếng thì có đến vài tiếng tục. Đó là ngôn ngữ của bác thợ cày, anh xe ôm, chú xích lô, ông khuân vác..., họ văng vào nhau thoải mái, không phải để xúc phạm nhau mà cốt cho sướng miệng, nhằm diễn tả chính xác điều mình cần nói. Dùng từ thông tục, Nguyễn Quang Lập như tự sự với đời, muốn làm người trong cuộc mượn cái tục để chuyển tải những vấn đề bức xúc rất thực, rất đời. Trong Kí ức vụn, các từ rất tục như cứt, ẻ, ẻ vô, cứt ẻ, cứt đái, cứt nác (nước), đú má, đ. mạ, rặp, đéo, nắt,... trở thành từ vựng độc quyền của Nguyễn Quang Lập. Nguyễn Quang Lập dùng chúng đúng chỗ, đặt đúng việc nên người đọc không thấy tục mà lại thanh hoá, thành tín hiệu thẫm mĩ ám gợi cảm xúc người đọc. Chẳng hạn: Ông anh họ cười hậc lên một tiếng, nói è he tau biết nổi tiếng là chi rồi, từ ni tau ẻ vô nổi tiếng. [2, 291] Từ thông tục kết hợp với từ phương ngữ trong câu văn trên thể hiện thái độ dứt khoát từ chối nổi tiếng của ông anh họ Phùng Quán.
Trong Kí ức vụn, cái tục cái thanh hoà làm một. Cái tục được sử dụng không phải để tạo cảm giác, gây ấn tượng mà chủ ý của tác giả là tạo cảm xúc thẩm mĩ, gợi cho người đọc những suy nghĩ, triết lí sâu sắc về phận người, kiếp người trong cuộc mưu sinh dâu bể. Cái tục trong văn Nguyễn Quang Lập đã tạo được những phản ứng thẩm mĩ nơi người đọc.
2.3. Cách tổ chức câu văn
Với Kí ức vụn, Nguyễn Quang Lập thí nghiệm một hình thức ngôn từ nghệ thuật mới: văn nói. Hình thức văn nói còn thể hiện ở hình thức tổ chức câu văn. Chiêu thức nổi trội nhất về cách tổ chức câu văn là: câu mà lời thoại diễn ra liền mạch, không có dấu hiệu phân cách giữa lời dẫn thoại, lời thoại, người kể, người thoại. Kiểu câu này được sử dụng trong tất cả các mẫu kí ức, có tính chất chủ đạo. Chẳng hạn: Con Sử đã lấy chồng, đẻ sinh đôi, suốt ngày ôm con ngóng ra cửa. Mình hỏi thằng Hoàn đâu rồi, con Sử nói chết rồi. Mình hỏi sao chết, nó bảo rắn cắn. [2, 15] Bình thường, trong văn viết, ta thấy lời dẫn thoại, người nói, tham thoại, người nghe có sự phân cách rõ ràng bằng những chỗ xuống dòng, bằng dấu câu, nhưng ở Kí ức vụn, các yếu tố trên của một hội thoại chuồi lẫn vào nhau, đan xen liền mạch. Cách tổ chức câu văn của Nguyễn Quang Lập, như trường hợp trên là tổ chức theo kiểu câu văn nói của giao tiếp đời thường tự nhiên, sinh động, thể hiện sự gần gũi, suồng sã, thân mật giữa các nhân vật. Kiểu câu này lại có sự kết hợp dùng từ địa phương, từ thông tục tự nhiên làm cho người đọc như bị hút hồn. Chẳng hạn: Mụ Cà khóc báo cáo xã đội trưởng oan tui quá. Xã đội trưởng nói răng mà oan, mụ Cà khóc rống lên, nói oan oan, các đồng chí toàn cu, không ai hiểu được bướm. Xã đội trưởng đạp bàn quát câm mồm, xã không có trách nhiệm hiểu cái bướm của mụ (Xóm gái hoang). Đọc những câu văn trên, người đọc hình dung câu chuyện như đang diễn ra trước mặt; người đọc như được can dự vào câu chuyện và sẽ không nhịn được cười buộc phải cười thành tiếng. Câu văn Nguyễn Quang Lập gợi nhiều liên tưởng nơi người đọc, tạo được những cảm xúc vừa hài hước, vừa bi thương, cảm thán vô cùng.
Tính chất khẩu ngữ của câu văn Nguyễn Quang Lập còn biểu hiện ở cách tổ chức theo kiểu trùng điệp. Câu văn Nguyễn Quang Lập giống như kiểu nói đan nói lặp trong khẩu ngữ hàng ngày. Chẳng hạn: Không hiểu sao cứ ra khỏi nhà mười bước thì bà mới quay lại gọi Dư ơi, rồi dặn thằng Dư nấu cái này, nấu cái kia, thằng Dư dạ, bà đi thêm mười bước nữa lại Dư ơi, lại dặn lấy cái này lấy cái kia, thằng Dư dạ, bà lại đi thêm mười bước nữa lại Dư ơi, lại dặn mua cái này mua cái kia, thằng Dư dạ, bà đi thêm mười bước nữa, lại dặn trông em thế này cho em ăn cái kia có đến chục lần như vậy rồi bà mới đi hẳn [2, 9]. Câu văn dài lê thê, trùng lặp một cách cố ý nhằm tạo âm điệu nặng nề, buồn tẻ như chính sự bế tắc, cùng quẩn của phận người.
Nhiều trường hợp, câu văn được lặp đi lặp lại và chỉ được làm mới vài khía cạnh nội dung. Chẳng hạn, trong Kí sự vỉa hè có đoạn: Cô điếm già cười rích rích, bóp ông biết rồi cái, nói nhà mình không ngăn vách, cứ thông thống. Ông biết rồi vỗ cô điếm già cái bép, cười khé khe khe, nói nhà này toàn đui mù ngăn vách làm gì. Cô điếm già lại cười rích rích, bóp ông biết rồi cái, nói dưng mà ló cứ đi qua đi lại, xí hổ chết. Ông biết rồi vỗ cô điếm già cái bép, cười khé khe khe, nói sư bố cái này mà biết xấu hổ, bọn đui mù sáng mắt cả rồi. Cô điếm già cười rinh rích, nói mau ôi mau, ông biết rồi cười khé khe khe, nói hay nhẩy hay nhẩy. Ta thấy, các yếu tố hội thoại chuồi lẫn vào nhau kết hợp với kiểu câu trùng lặp có ưu thế là thu hẹp khoảng cách giữa người đọc và người viết; người đọc như đang đối diện với tác giả, như là người trong chuyện, đến khi hết chuyện thì mới sực tỉnh. Các câu văn trùng lặp này, Nguyễn Quang Lập đã bê nguyên xi câu nói hàng ngày vào các tác phẩm của mình. Trong nhiều trường hợp, kiểu câu này có tính thẩm mĩ cao. Chẳng hạn, trong Kí ức năm hào, Nguyễn Quang Lập viết: Khi đó mình không khóc, mình nhớ như in khi đó mình không khóc. [2, 19] Có lẽ, ai đọc đến đây cũng nhận ra, qua âm điệu của câu văn, Nguyễn Quang Lập đang khóc và nước mắt làm nhoè trang kí ức kể về cái chết thương tâm của người bạn gái tuổi thiếu thời.
3. Kết luận
Từ tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng đến Kí ức vụn, Nguyễn Quang Lập tỏ ra từng trải hơn, chín chắn hơn, hóm hỉnh hơn và thâm thuý hơn. Thị trấn Ba Đồn cùng với lời ăn tiếng nói, tính khí, cốt cách rặt bọ hiện rõ mồn một trong từng trang Kí ức vụn, làm nên một thương hiệu Nguyễn Quang Lập: viết văn mà như nói trên chiếu rượu để khẩu ngữ hoá, tự do hoá ngôn từ nghệ thuật. Với Kí ức vụn, Nguyễn Quang Lập đã chọn cho mình một lối đi riêng, thể hiện sự tự do trong sáng tạo, và chỉ khi có tự do sáng tạo mới đem lại quyền dân chủ cho nhà văn và người tiếp nhận. Với "món ăn" mới lạ này, khẩu văn Nguyễn Quang Lập đã tạo nên một hiện tượng ngôn từ độc đáo, làm phong phú thêm bức tranh ngôn ngữ tiếng Việt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN
[1] Trần Đăng Khoa, Kí ức vụn mà không vụn, Văn học và tuổi trẻ, S. 2, 2009.
[2] Nguyễn Quang Lập, Kí ức vụn, NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2009.
[3] Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Quang Lập đắt sô... nói tục, www.thanhnien.com, 27-11-2009.
[4] Đỗ Cao Sang, Kí ức vụn và dòng văn bạch thoại, www. Blog Quê choa, 12-4-2009.
Nguồn: Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư. Số 4 (18), 7-2012.
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét