NGỌC HÂN/ Tuổi trẻ Thủ Đô
Nhà văn Nguyễn Quang Lập- tác giả của nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch bản điện ảnh xuất sắc vừa ra mắt cuốn sách “Để trở thành nhà biên kịch phim truyện”.
Năm vừa qua, thị trường điện ảnh Việt bùng nổ về số lượng với gần 60 phim chiếu rạp ra mắt khán giả. Tuy nhiên, số lượng không đồng nghĩa với chất lượng khi có rất nhiều phim Việt khiến người xem thất vọng mà nguyên nhân chủ yếu nằm ở kịch bản.
Vì lẽ đó, những kiến thức về biên kịch trong quyển sách Để trở thành nhà biên kịch phim truyện của nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập trở nên vô cùng cần thiết, quý giá đối với những biên kịch đang làm nghề cũng như những ai vừa chập chững bước vào con đường này.
Là tác giả của nhiều kịch bản điện ảnh xuất sắc như: Đời Cát, Thung lũng hoang vắng, Không có Eva, Đảo của dân ngụ cư…, Nguyễn Quang Lập đã chắt lọc rất nhiều kinh nghiệm biên kịch quý giá trong suốt hơn 20 năm làm nghề của ông ở sách Để trở thành nhà biên kịch phim truyện.
Tuy nhiên, Nguyễn Quang Lập không chỉ viết dựa vào kinh nghiệm của mình, ông còn tổng hợp nhiều kiến thức hữu ích về biên kịch từ những sách giáo trình điện ảnh đáng tin cậy như: Ngôn ngữ điện ảnh của Marcel Martin; Làm thế nào sáng tác một kịch bản hay? của Linda Seger; Nghệ thuật viết kịch bản điện ảnh của John W. Bloch, William Fadiman, Lois Peyser; Kĩ thuật viết kịch bản điện ảnh và truyền hình của R. Walter; Nghệ thuật biên kịch phim của Tom Holder, Paul Lucy; Soạn thảo và trình bày kịch bản của Philipppe Perret và Robin Barataud; Thực hành kịch bản điện ảnh của Claude Carrière và Pascal Bonitzer…
Qua 270 trang sách, Nguyễn Quang Lập từng bước hướng dẫn người đọc làm quen với những yếu tố cấu thành một kịch bản như: xây dựng ý tưởng – xây dựng chuyện phim – cấu trúc ba hồi – xây dựng nhân vật – tạo cảnh – thoại – soạn thảo văn bản. Sách còn kèm theo kịch bản phim Đảo của dân ngụ cư để người đọc tham khảo sau khi đã nắm vững các bước cơ bản để viết kịch bản.
Để trở thành nhà biên kịch phim truyện được viết với ngôn ngữ giản dị, hàm súc. Tác giả đưa ra rất nhiều ví dụ từ phim để minh họa cho vấn đề ông trình bày nhằm giúp độc giả, dù đã có nhiều kinh nghiệm biên kịch hay chưa từng viết kịch bản đều có thể dễ dàng hình dung, nắm bắt vấn đề.
Vì vậy, Để trở thành nhà biên kịch phim truyện không tạo cảm giác khô cứng như sách giáo khoa chuẩn mực; ngược lại, quyển sách này có sự hấp dẫn như một tác phẩm tự sự mà ở đó, tác giả không chỉ là thầy giáo mà còn là người bạn tâm tình, nhẹ nhàng trò chuyện, khuyên bảo học trò song vẫn giữ sự nghiêm túc, nhiệt huyết và thuyết phục trong từng lời nói.
Nhà biên kịch Nguyễn Thu Thủy (tác giả kịch bản Gái già xì tin), người theo học lớp biên kịch đầu tiên do thầy Nguyễn Quang Lập đứng lớp nói về sức hấp dẫn của giáo trình do thầy Lập biên soạn như sau: “Tôi nhớ nỗi háo hức vồ ngay từng tờ giáo án rõ ràng khúc chiết mà thầy phát từng ngày lên lớp… Có lẽ thầy không biết, tôi và những bạn bè của mình, vẫn ngày ngày đọc lại giáo án của thầy. Đọc những gì đã từng quen thuộc, nhưng, cũng đánh thức lại những gì đã từng rơi rụng hay quên đi mất. Giáo án của thầy giờ đây update thêm nhiều những thông tin mới mẻ, nhưng cách tư duy, cách trình bày vẫn như vậy, đơn giản, khúc chiết, khoa học.”
Nguyễn Quang Lập cho rằng: “Để trở thành nhà biên kịch cần cả phông văn hóa và kĩ năng biên kịch”. Trong khuôn khổ quyển sách này, tác giả là người hướng dẫn kĩ năng. Việc bổ sung phông văn hóa còn lại phụ thuộc vào người đọc và nhà văn gửi lời nhắn nhủ rằng: “Biên kịch là một nghề sang giá và sáng giá nhưng con đường tới đích lại vô cùng gian khổ, đây là nghề nếu có 75% thất bại nghĩa là bạn đã thành công. Với nghề biên kịch thất bại là chuyện bình thường, bạn chỉ có thành công khi bạn không sợ thất bại… Tôi sẽ không chúc bạn thành công, tôi muốn gửi lời nhắn nhủ tất cả những ai đọc cuốn sách này với mong muốn trở thành nhà biên kịch: Thất bại đang chờ các bạn, hãy cố lên!”
0 nhận xét:
Đăng nhận xét