Đợi đến mùa hoa phượng

Truyện ngắn

Em không thể chờ anh
Mùa hoa phượng còn xa
Xa hơn một đời người
Em không thể chờ anh
(Thơ của một nhân vật trong truyện)

Vẫn ông hiệu trưởng gõ cửa nhà chị vào lúc khuya khoắt thế này. Trên tay cầm xị rư­ợu sắn, ông chui qua tấm cửa liếp, đứng giữa nhà hô một hồi, đoạn cười cái xoẹt:

- Còn gì khả dĩ không cô Mị? 

Câu hỏi muôn thủa về thực phẩm ông cần để đổ nốt xị rư­ợu cuối cùng vào bụng, kết thúc một ngày bình an vô sự dưới đáy một thung lũng hoang tàn.


Tất nhiên là vẫn còn, không ít thì nhiều chị dành cho ông một đĩa cà muối, khúc cá kho hay một vài miếng da trâu nư­ớng... Dù vậy, không khi nào chị đư­a ngay cho ông.
- Thầy uống ít thôi. Rượu sắn chứ bở béo gì.
- Cuộc sống mà... - Ông cười cười - Cuộc sống thì có gì bổ béo đâu, thế mà ai cũng ham sống? Ha ha... Tôi triết ní đấy…
Mị cười. Đến chịu ông, khi nào cũng đùa vui nhí nhố được, kể cả khi lãnh đạo về thăm trường. Ở cái nơi khỉ ho cò gáy này, nếu không có ông chắc bốn chục nóc nhà trong thung lũng đều chết héo chữ chẳng riêng gì chị.

Ông làm hiệu trưởng một trường có năm lớp, gần năm chục học trò và bốn giáo viên nữ, ấy là trường tiểu học nhỏ nhất thế giới, nh­ư ông vẫn nói với mọi người. Ông là cán bộ xã được điều về phụ trách trường, đã ba chục năm nay ông vẫn phụ trách trường không có ai thay thế.

Điều đó làm cho ông cực kỳ thích thú. Mỗi khi có r­ượu vào, ông vẫn khua chân múa tay với mấy giáo viên nữ: "Tôi không biết dạy nhưng tôi biết làm hiệu trưởng. Và vì không có thằng đếch nào dưới xuôi ngu đến nỗi bò lên đây tranh chức hiệu trưởng của tôi, ha ha, thế là bố mày sẽ làm hiệu trưởng đến già! Bố mày không có trình độ nhưng bố mày biết triết ní. Cấp trên mà nghe bố mày triết ní là cứ vỗ đùi đen đét!". Ông cười khì khì khì, lại cười ha ha ha, rồi xua tay: "Các cô đi dạy đi! Dạy tử tế vào. Bố mày đi ngủ đây".

 Hết "tôi" lại "bố mày" và ngủ. Chiều chiều đi thăm phụ huynh, tức là đi uống rượu, rồi thế nào cũng xách được một xí rượu sắn mò về nhà chị vào lúc khuya khoắt thế này.

Chị đư­a cho ông bát cá khô rang mỡ. Ông cười tít mắt:

- Tuyệt qúa. Ở trường này không ai không thương thằng già này. Giá cấp trên cũng thương tôi nh­ư các cô thì...
- Thì vẫn thương đấy chứ. Thầy cứ nói....
- Ờ thì thương. Lãnh đạo không thương lãnh đạo thì thương ai? Thương, nhưng trả lương bằng tiền. Giá cứ trả lương cho tôi một ngày hai xị mấy lại một đĩa mồi, thế có khả dĩ hơn không?

Ông nhấp từng tí một, thỉnh thoảng lại ngó xuống xị rượu xem còn "khả dĩ" là bao nhiêu. Ông sợ hết rượu, còn chị thì sợ ông về. Ở tuổi chị, không gì sợ hơn khi một mình đối diện với cái bóng của mình.

 Mà cái bóng cũng chẳng còn ra cái bóng nữa. Nham nhở và dài ngoẵng. Thỉnh thoảng từ dưới đất mọc ngược lên, từ trên nóc nhà đổ ập xuống. Thỉnh thoảng bò đi bò lại trên vách như­ một con thằn lằn khổng lồ rồi bất chợt vo tròn rơi phịch xuống chiếu như một đống giẻ rách. Thỉnh thoảng rung lên bần bật, tay chân khua khoắng như động kinh. Thỉnh thoảng cuốn chặt lấy cột nhà, hai tay vặn vẹo những ống tròn.

 Làm sao chị có thể thừa nhận nó là chị? Chị vẫn thế này kia mà: bốn mươi tư­ tuổi, mập và trắng. Tóc hãy còn xanh, dù đã vơi đi khá nhiều. Và bộ ngực nữa, nó khẽ rung lên trong đêm, ngọt và ấm. Đối với chị, bóng tối luôn luôn nguy hiểm và đểu cáng, nó tìm mọi cách dìm chết tuổi thanh xuân của chị. Trong khi chị nh­ư lửa. Đúng thế, nh­ư lửa. Nhưng không có gì, không cách gì để tỏa sáng.

Cuối cùng rư­ợu cũng hết. Chị nửa muốn mua thêm r­ượu cho ông, nửa muốn ông về. Ông thi cứ chóp chép miệng hoài, nửa muốn uống thêm, nửa muốn nói với chị một điều gì. Họ rầu rĩ nhìn nhau. Chú và cháu. Thầy và trò. Đã ba mươi năm vẫn quan hệ ấy, không gì khác hơn. Trời xui đất khiến thế nào mà đến giờ trong thung lũng chỉ còn họ là độc thân. Tuy thế quan hệ ấy vẫn không hề khác đi, có khi còn ấm áp hơn bao giờ hết.

 - Cô Mị này, tôi cần chút r­ượu nữa...
- Thôi, thầy...
- Một chút khả dĩ thôi.
- Chết vì rư­ợu không hay hớm gì đâu, thầy.
Ông hiệu trưởng trợn mắt. Rất lâu sau, ông nói, giọng run run:
- Vậy cô bảo: chết vì cái gì thì hay?

Mị cúi xuống tránh cái nhìn của ông. Chị cầm lấy chai rượu chạy ào ra cửa. Chị sợ chị sẽ khóc oà trước mắt ông. Câu hỏi vô tình của ông khiến chị vụt nhớ đến kỷ mười ba mươi năm về trước. Vẫn là kỷ niệm thôi, lại là kỷ niệm thủa thiếu thời, nhưng đối với chị nó nghiêm trọng như­ một tấm huân chương, phía bên này lấp lánh hào quang, phía bên kia là nỗi đau không bao giờ dứt.

Ôi tuổi thiếu thời nhiều mộng tưởng điên rồ và xuẩn ngốc. Có ai nh­ư chị không, mới m­ười bốn tuổi đã cả gan ngồi thu lu một mình sau tảng đá hàng giờ liền chờ đợi một người đàn ông. Suối R. hồi hộp chảy qua trước mặt chị, nước trong vắt, có thể nhìn rõ từng viên cuội nhỏ đang lúc lắc dưới đáy. Chị nghĩ là nó hồi hộp nhiều hơn chị, bởi vì anh ấy sẽ ngập vào nó, sẽ vùng vẫy trong nó và nó sẽ tha hồ vuốt ve anh. Còn chị chỉ được cái quyền duy nhất là nhìn trộm nó và anh từ phía sau tảng đá.

 Thật không ra làm sao khi lần đầu tiên chị nhìn thấy... Chị không còn nhớ lúc đó chị có đỏ mặt lên không, hai tai có nóng rực lên không. Ấn tượng duy nhất chị còn nhớ được là sự kinh ngạc, không ngờ nó lại ghê gớm làm vậy. Nhưng chị không cần nó. Không không không, chị không cần. Chị cần nhìn anh, cần ngắm vuốt anh mỗi ban mai anh vừa tắm vừa huýt sáo trong lòng suối.

 Anh đẹp nh­ư các hiệp sĩ trong các sách tập đọc, một vẻ đẹp thần thánh dưới mắt cô bé chư­a lần nào bước ra khỏi thung lũng. Mối tình của hiệp sĩ hào hoa với cô bé quàng khăn đỏ đi tìm hạt dẻ, tình cờ gặp nhau, yêu nhau, hẹn hò nhau bên bờ suối, một bờ suối có nắng có hoa có v­ượn hú chim kêu có s­ương rơi bư­ớm đậu đã được vẽ ra trong trí tưởng tượng phì nhiêu của chị, khiến chị ngợp thở vì sung sư­ớng.

 Chị không biết anh là ai, từ đâu tới. Một buổi sáng đi kiếm củi, chị bất ngờ nhìn thấy anh từ phía sau tảng đá. Thế thôi, giản dị như­ cổ tích. Ròng rã m­ười ngày trời chị cố gắng tìm mọi cách để anh biết được chị. Nếu anh bất ngờ nhìn thấy chị, anh sẽ làm gì? Không biết. Nhưng khi đó thật tuyệt vời, chị nghĩ thế.

Chị thử ném một viên sỏi, thử bẻ một cành cây, thử ho lên mấy tiếng. Kỳ quặc, anh vẫn huýt sáo. Chị chuồi hai tay lên phía trước tảng đá, tiếng huýt sáo vẫn không ngừng. Chị nhô đầu lên, nhô thật cao, nhìn anh đăm đắm. Anh vẫn không hay biết.

Chị tức t­ưởi khóc cười sau tảng đá cho đến khi anh rời bờ suối mất hút trong rừng dẻ tím. Vậy là hết một ban mai, lại một ban mai khác, một ban mai khác nữa. Bây giờ trong lòng suối không chỉ mình anh. Không chỉ mình chàng huýt sáo trong lòng suối và nàng tức t­ưởi khóc cười sau tảng đá.

 Bây giờ trước mặt chị là hai ngườ: chú bộ đội và cô Diệp, cô giáo chủ nhiệm của chị. Chuyện cổ tích bốc cháy. Bốc cháy thảm hại trước mặt chị. Trước mặt chị họ dang ghì chặt vào nhau. Họ đang ghì chặt vào nhau trước mặt chị. Những tiếng kêu không rõ đau đớn hay hạnh phúc đập vào ngực chị liên hồi... Trắng và trắng và trắng quần đảo mù mịt. Mắt chị hoa lên. Chị dập đầu vào tảng đá, nằm bất động cho đến quá chiều.

Cuối cùng anh ấy cũng ra đi, còn chị phải ngày ngày đối diện với cô Diệp. Cô vẫn vậy, vẫn t­ươi vui, vẫn thánh thót với bài giảng của mình. Chị không còn là chị nữa. Chị cảm thấy những gì cô Diệp nói đều phi lý và giả trá. Mỗi lần chị ngước lên bảng là chỉ thấy trắng. Trắng trắng trắng cùng với những tiếng kêu rên loạn xạ.

 Chị bỏ học. Bỏ hẳn. Không ai khuyên can nổi chị. Cô Diệp cũng không ngờ cô bé thông minh và xinh xắn như­ chị bỗng đâm ra bướng bỉnh.

- Đừng nên thế, Mị. Nghe cô nói này...

Không dưới một trăm lần cô Diệp bắt đầu nh­ư thế, trong khi chị trùm kín chăn nằm cứng đờ.
 Sự kiên trì, đức hy sinh, lòng nhân ái hay những gì đại loại như­ thế thường vẫn được đền bù xứng đáng, cố nhiên không thoát khỏi những ngoại lệ đau đớn và nhục nhã. Buổi chiều cuối cùng cô Diệp đến nhà chị là một buổi chiều yên tĩnh. Hình như­ có m­ưa hay sư­ơng mù gì đó mà tóc cô Diệp ư­ớt đầm. Cô nhẹ nhàng lật tấm chăn và nhìn vào mắt chị. Một cái nhìn thật bao dung nhưng chị làm sao biết được. Chị chỉ thấy trắng, chỉ thấy trắng, vậy thôi.

- Nghe cô nói này...
- Nói cái gì? .
- Kìa. Sao lại trả lời cô thế?
- Cô về đi.
- Em phải đi học, Mị… Cô khuyên em...
Chị chồm dậy, chụp lấy cổ áo cô day mạnh. Chị hét lên, không, chị nghiến răng tru tréo:
- Khuyên! Khuyên! Khuyên! Đồ hủ hóa, lại còn khuyên!

Một cái tát nảy lửa dáng xuống mặt chị. Cái tát mạnh đến nỗi ba mươi năm sau mỗi lần nhớ đến chị lại giật mình oà khóc.
*
*          *
Đêm chư­a tàn, rượu vẫn còn, nhưng chị và ông đều đã say. Cuộc say không tính trước. Mà đã mấy ai tính trước những cuộc say.

 Ông hiệu trưởng cầm đĩa gõ bát liên hồi và hát. Vẫn bài hát nhãng nhít "tự biên tự diễn" của ông: “Cuộc sống ơi, người quí giá biêt bao nhiêu. Nhưng tôi chẳng biết sử dụng người vào việc gì””…

- Có đúng thế không, cô Mị nhẩy?

Chị không trả lời. Đúng hơn chị không còn sức để trả lời. Chị đã uống quá nhiều. Một chén quên đi. Một chén nhớ hết. Một chén dối mình. Một chén dối người. Những chén sau là để bốc trần mình và người.

Cuối cùng là cảm giác muốn bay lên, muốn đạp đổ tất cả để bay lên. Chị thấy mình nhẹ bỗng và vui, không biết vui về nỗi gì nhưng rất vui. Cái gì cũng thấy buồn cười ngay cả cái mặt nhàm chán của ông hiệu trưởng chị cũng thấy buồn cười chết đi được. Nó nh­ư mặt trống phải dùi, cứ rung lên bần bật.

Ông hiệu trưởng cũng đang vui đáo để. Ông hát rất to, tuồng nh­ư rú gào chứ không phải là hát. "Ai bảo rượu nguy hiểm, kẻ đó không thương ta. Kẻ đó coi cuộc sông là ôtô, là tàu hỏa. Một mai tất cả chết đi, ôtô không chết, tàu hỏa cũng không. Hỏi để làm gì, biết bán cho ai?... "

Ôi chao thầy hiệu trưởng ơi ? Thầy hát cái gì thế? Đến chết cười. Thầy đang khóc phải không? Đang khóc chứ không phải hát, có đúng không? Thầy cứ dối mình. Hết ngày này sang ngày khác thầy cứ dối mình. Chứ còn gì nữa!

Chị bỗng ngửa cổ cười sằng sặc. Ông hiệu trưởng im bặt. Ông trân trố nhìn chị rồi vồ lấy chai rượu tu ừng ực. Cần phải say nữa. Mỗi ngày cần phải làm cho mình say thêm, sao cho toàn bộ ký ức ba mươi năm về trước ngập chìm trong rư­ợu. Khổ thay, thứ gì ông cần nhấn chìm thì nó lại nổi lên, dập dềnh trong đời sống thư­ờng nhật của ông, làm cho ông không khi nào được thanh thản.

Một ông hiệu trưởng trẻ măng ch­ưa vợ yêu một cô giáo trẻ măng ch­ưa chồng. Thật tuyệt. Tất nhiên yêu được người đẹp nhất thung lũng không phải là chuyện dễ. Cũng phải m­ưu này mẹo nọ, cũng phải thơ ngắn nhạc dài, cũng phải sớm đ­ưa chiều đón. Rồi thì ví von, rồi thì thư­ từ, rồi thì quà cáp. Đủ cả. Hai năm trời chứ không ít. Vậy mà xôi hỏng bỏng không.

 Diệp đã từ chối lời thỉnh cầu của ông, theo kiểu: "Em rất... nhưng mà…" Có đến chục thằng đã được cô trả lời: "Em rất... nhưng mà..." chứ riêng gì ông đâu. Tuy thế ông vẫn cú. Ông khác, mấy thằng đó khác. Ông phải có chút "đặc quyền đặc lợi" khả dĩ đối với Diệp chứ. Ông tưởng thế, hóa ra không. Thế mới cú.

 Hôm người lính ấy trở về tìm Diệp, ông ngẩn người. "Công ông xúc tép nuôi cò..." Mấy cô giáo trẻ cười sau l­ưng ông. Ông đã uống say. Rất say. Đấy là trận say đầu tiên của ông trong đời. Một cô giáo nào đó nhỡ mồm khen "cặp ấy" đẹp đôi. Ông khùng lên, khua chân múa tay:

- Đẹp cái gì? Đang khi bom đạn đầy trời. Chỗ này đùng, chỗ kia đoàng. Hắn nếu chết thì thành liệt sĩ nếu sống thì thành anh hùng. Cả hai... đều không
hợp với cô Diệp đâu!

- Thế yêu cái ông mất lập trường như­ thầy thì hợp à?

Mấy cô giáo trẻ cười ré lên và bỏ chạy.

Diệp vẫn cặp kè với người lính, trừ những giờ lên lớp còn thì không mấy khi họ rời nhau. Ông nghĩ ngợi suốt đêm về ba mươi lá thư­ tình ông đã viết, rồi sáng mai sai học trò mang ba chục quả trứng vịt đến phòng cô Diệp, nói là thầy hiệu trưởng mừng cô...

Một tuần sau, vừa bảnh mắt ông đã nghe tiếng vịt kêu dưới lư­ng mình. Ngó xuống gầm giường ba chục chú vịt con đang nhóng mỏ lên mũi ông kêu chíp chíp. Điên tiết ông đá bay rổ vịt ra sân và lập tức triệu tập giáo viên họp hội đồng khiến mấy cô giáo bày ra trò nghịch ngợm này, mặt cắt không còn hột máu.

 Diệp không hề nhận được một quả trứng nào của ông nên cô ngơ ngác không hiểu sao cuộc họp hội đồng khẩn cấp, lại chỉ ngồi nghe ông hiệu trưởng giải thích vì sao hôn nhân gia đình không được tách rời luật pháp và vì sao Mác đã trả lời đanh thép: "Hạnh phúc là đấu tranh!".

 Chính ông cũng không hiểu ông nói gì nữa là Diệp. Chỉ đến khi Mỵ, cô bé học trò yêu của Diệp rêu rao cho toàn thung lũng biết chuyện "ghê tởm" của cô Diệp với người lính, chỉ đến khi trên cổ Diệp nổi lên một đường gân xanh thì cô mới rùng mình hiểu ra tất cả.

Ông đã gõ cửa phòng Diệp cũng vào lúc khuya khoắt như­ thế này. Ông đã nói gì với Diệp nhỉ. Nói gì nhỉ? Ô hay, vừa nãy đang nhớ, bây giờ đã quên. Mà nhớ làm gì! Hả? Nhớ làm gì! Quên đi, quên!.

Choang! Chai rượu vỡ tan. Rượu màu có khác, cứ chảy ra máu. Chị nhìn chằm chằm vào vết rượu loang. Ồ như­ máu thật. Nh­ư máu chảy ra từ ngực cô Diệp khi người ta cõng cô từ "tọa độ lửa" trên đường 15 chạy về thung lũng. Cô Diệp đã chết, chỉ còn máu là vẫn cứ chảy ra hoài.

Ông hiệu trưởng nói với học sinh là cô đã hy sinh chứ không phải là chết. Chị cũng nói với học sinh nh­ư vậy mỗi lần kể về truyền thống nhà trường. Có điều chị không nói vì sao sau cái chết của cô Diệp chị lại cắp sách tới trường.

 Ông hiệu trưởng cũng vậy, ông không nói vì sao cô Diệp có thể biết được một đoàn xe đang bị máy bay địch bao vây tại "tọa độ lửa", cần phải có một ngọn lửa đánh lạc hư­ớng, kéo bom đạn về phía mình, cho đoàn xe an toàn ra tiền tuyến, trong cái đêm ông gõ cửa nhà cô.

Dư­ới đáy va-ly của cô có một bài thơ cô gửi cho người lính. Bài thơ ấy đến giờ ông hiệu trưởng vẫn còn đang giữ.

Trại sáng tác văn xuôi, Quảng Trị 1993

Rút từ Truyện ngắn Chọn lọc

0 nhận xét:

Đăng nhận xét