Thương nhớ gì lại đi thương nhớ vỉa
hè, có mà dở hơi. Nhưng mà thương nhớ thật, nhiều khi tay chống cằm nhìn qua
cửa sổ thấy vỉa hè nhốn nháo ngày nay bỗng nhớ thương da diết vỉa hè ngày xưa.
Nhớ thương vỉa hè là nhớ thương của những kẻ
chân quê. Xứ mình là xứ nhà quê, nơi đô hội cũng chỉ rặt dân quê cả mà thôi, dù
có hóa trang đến giời thì cái chất quê kiểng không sao bỏ đi được.
Hà Nội có cây xanh có ao hồ có vỉa
hè, thiếu ba thứ đó không ra Hà Nội. Cái chất quê nghìn năm xứ Việt tụ cả lại
nơi đây, tạo nên vẻ đẹp thuần Việt mê hồn. Phố xá bây giờ ở đâu cũng nhung nhúc
đám giả cầy, nhờ có ba thứ đó Hà Nội vẫn nguyên bản sắc. Nói Hà Nội thanh lịch
là nói cái vẻ dịu dàng nền nả kín đáo e ấp chân quê của nó chứ không phải thói
trau tria tô lục chuốt hồng cả áo quần lẫn ngôn ngữ, kiểu như ông tiến sĩ ngôn
ngữ X. từng nức nở Hà Nội thanh lịch không nói ăn mà bảo là xơi, đừng có mà
nhầm.
Người Việt ở xứ Tây sở dĩ được
người ta quí mến vì tư chất thông minh cộng với chất quê Á Đông đổ ra cả tấn
vàng cũng không sao mua được, đừng có tưởng bở mà giở dói thói thị dân nửa mùa
ra, ăn cứt với chúng nó có ngày.
Trước đây mình ở Lò Sũ, tít ở trong
ngõ sâu, nhà chật người đông, thiếu sáng thiếu khí, thành thử hai phần đời tha
thẩn với vỉa hè. Vốn dân quê quen sống thông thoáng rồi, ngồi ở đâu mà thấy gò
bó khó chịu lắm.
Vào nhà hàng sang thấy mình bân bẩn
tồ tồ thế nào a. Lại thêm nhạc nhéo, người nói tắt nhạc đi, người nói vặn to
lên, người nói cho nghe bài này, người nói ê ê đổi bài kia… Ôi thôi mệt người.
Nhào vào các quán bia hơi chật ních người, vừa nói vừa hét, chẳng ai nghe ai,
đinh tai nhức óc.
Hồi trẻ mình cũng thích nhào vô mấy
chỗ đông đúc ồn ào, giờ già rồi không thích nữa. Giờ nhậu đâu quan tâm đến cái
view nhiều hơn là đắt rẻ ngon dở, quan tâm đến cái để chuyện trò hơn là cái để
ăn uống. Vỉa hè tĩnh mà không vắng, thoáng mà không thưa, ngồi quán cóc vỉa hè
thấy mình đúng là anh dân quê đang ngồi ở sân nhà mình, tự nhiên thấy yên tâm
thoải mái hẳn.
Vỉa hè đêm thường dành cho đám cần
lao. Hàng Cót chân gà, Quán Thánh bò nướng, Cát Linh chim quay. Phố Đinh Tiên
Hoàng có quán chân gà nướng rượu Vân, trải chiếu cả dọc dài, ngồi xếp bằng nhai
chân gà rau ráu. Có đêm mình với Bùi Thanh, Lê Đức Dục ngồi nhậu đấy đến ba,
bốn giờ sáng mới chịu ra về.
Xưa hai vỉa hè phố Lò Sũ, bốn gốc vỉa hè ngã
tư Nguyễn Hữu Huân - Lí Thái Tổ cũng là phố ăn đêm, vui lắm. Khách chủ yếu là
đám dân quê tứ phương về Hà Nội kiếm sống, kẻ xích lô người xe ôm, kẻ thợ mộc
người phụ nề, kẻ tầm quất người ăn xin, cả trộm cướp đĩ điếm nữa… chừng nửa đêm
tụ về trải chiếu kê gạch lót báo, tụm năm tụm ba ăn ăn uống uống, đã!
Lam lũ suốt ngày, giờ là lúc thảnh
thơi nói chuyện trên trời dưới biển, toàn chuyện trên trời, tuyệt không ôn
nghèo kể khổ, than vắn kể dài. Người nói, cụ K. về nghỉ uổng quá nhỉ? Người nói, thôi... cho cụ nghỉ, cụ tẩm bổ tắc kè cá ngựa hầu vợ chút, chứ bắt cụ làm cách
mạng hết đời a! Mọi người nói, phải phải! Cứ thế mà râm ran. Người nói, thằng Bin
Clinton sang mình, nó đi ăn cơm bụi như tụi mình nhé! Người nói, phét!.... Tổng
thống mà đi ăn cơm bụi, là nói diễn chơi vậy thôi. Cứ thế mà ồn ào.
Mình viết lách đến nửa đêm lại tót
ra đấy ngồi chầu rìa hóng chuyện, ối chuyện hay mót được từ những đêm như thế.
Sáng ra vỉa hè hứng hết dân phố,
đâu đâu cũng có quà sáng, quán nước chè. Pha chè uống ở nhà dù ngon mấy cũng
không thể bằng ngồi quán cóc. Hớp chén chè nóng, ăn cái bánh rán cái kẹo lạc,
hút điếu thuốc lào, vếch mày ra phố nhả khói… sao mà thấy đời thật thong dong.
Dọc phố Bà Triệu các cụ đồ Nho ngồi
bán chữ. Thỉnh thoảng mình vẫn lang thang tán chuyện các cụ chơi vui. Cụ nói, 10
người đến xin chữ thì có đến tám người xin chữ nhẫn, chẳng hiểu sao. Cụ nói, sao nữa.. xin phúc lộc thọ làm gì, mấy thứ đó trời phân phát hết
rồi còn đâu nữa mà xin. Cụ nói, phải
phải!... Xứ mình muốn yên phận thì phải biết nhẫn, không nhẫn không xong đâu.
Người nói, ông Nguyễn Văn Thiệp tịt văn chương
rồi, vừa xây cái tượng Phật to lắm. Người nói, ông Ngô Bảo Ninh viết Nỗi buồn chiến tranh, sao không viết Nỗi buồn hòa bình nhỉ. Người nói,ngu
ngu... Ngô Bảo Ninh à, Phạm Bảo Ninh chứ! Người nói, ngu ngu… ông này Hoàng Bảo
Ninh con ông Hoàng Tuệ. Người nói, tôi biết Bảo Ninh nhé, ông hay ra mua rượu
quán vợ tôi, vợ ông là giáo viên đẹp lắm, chân dài cực. Vui ghê, không đến đấy
cắt tóc thật phí cả nghề văn.
Dọc đường Hùng Vương, Lý Thái Tổ, Phan Đình
Phùng… ôi, nhiều đường lắm, cứ vài trăm mét lại gặp mấy ông hưu trí ngồi đánh
cờ, lúc lúc lại thấy một ông bày cờ thế ngồi chồm hổm thách khách bộ hành.
Ở góc phố nào cũng có tụi con nít chạy loăng
quăng đá bóng, nhảy dây. Mấy thiếu phụ vắng chồng, dắt con nhỏ tha thẩn đứng
hết góc này sang góc nọ, gió thổi tóc bay váy lộng, vào mùa lá rụng cảnh ấy đẹp
lịm người.
Bây giờ thì không còn nữa, một khi
hàng hóa túa ra, vỉa hè teo lại nhuờng chỗ cho mưu sinh. Ô tô chiếm hết lòng
đường, xe đạp xe máy nhảy lên hết vỉa hè. Mỗi đường phố chỉ còn vài khúc
thảnh thơi, còn thì mất sạch, mai mốt có lẽ không còn cái vỉa hè nào cho đúng
nghĩa vỉa hè Hà Nội.
Không còn vỉa hè cũng tắt luôn
tiếng rao đêm. Tiếng quất ơ ông già mù tầm quất, tiếng lộn ơ chị Mến phố Hàng
Than, tiếng bánh bao nóng giòn đê, bánh mì nóng giòn nào vẫn rỉ rả vang lên đêm
tĩnh mịch… Khắp chốn kinh kỳ, ở đâu thị trường thời mở cửa bao vây ở đó văn hóa
Việt chỉ còn ngắc ngoải sống, không phải chết tức tưởi là may, văn hóa vỉa hè
thì cũng thế.
Nhớ mãi một chiều Trần Dần chống gậy đứng phố
Nguyên Du lom lom nhìn ra đường, mấy sợi râu rung rung như sợ hãi như giận dữ.
Thốt nhiên ông ôm ngực ho, vừa ho vừa chỉ ngón trỏ lên trời, nói, tôi muốn nuốt
Hà Nội vào lòng, trớ ra đô thành dởm. Đó là câu thơ cuối cùng mình nghe Trần
Dần đọc, ông bỏ Hà Nội về trời năm 1997, năm mà vỉa hè chính thức bị thương
trường thời mở cửa xâm lăng.
Thế nên mới nhớ. Nhớ Phùng Quán
guốc mộc áo cánh lui cui đi dưới mưa phố Phan Đình Phùng. Nhớ Bùi Xuân Phái
ngồi dưới cây phượng già phố Hàng Buồm gật gù chén rượu Vân. Nhớ Tào Mạt chân
nam đá chân chiêu đường Hoàng Diệu, Lưu Quang Vũ đứng tè góc phố Yết Kiêu. Nhớ
cả Trịnh Công Sơn thỉnh thoảng ra Hà Nội, trắng đêm tiệc tùng lại trở về góc
đường Lê Phụng Hiểu với chén rượu trắng cầm tay, rưng rưng hát một câu gì.
Ôi không còn vỉa hè, danh sĩ nước Nam ta biết
ẩn nấp vào đâu…
Rút từ Ký ưc vụn 1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét