Văn nghệ trẻ.... Văn nghệ già

NGUYỄN KHẢI
1. Trước Tết Bính Tý khoảng non một tháng tôi có việc ra Hà Nội, vừa họp vừa đi chơi đây đó ít ngày. Nơi ăn ở tạm là Tuần báo Văn nghệ. Ở lầu hai của tòa báo có một căn phòng ngỏ kẹp giữa phòng làm việc của nhà văn Nguyễn Khắc Trường và tòa soạn báo Văn nghệ Trẻ.
Đã gọi Văn nghệ Trẻ tất nhiên các biên tập viên đều còn trẻ, gọi là trẻ nhưng cũng ngót nghét bốn mươi cả, chỉ vì đám nhà văn già chúng tôi cũng hơi đông, sống cũng hơi lâu nên bọn họ vẫn được gọi là nhà văn nhà thơ trẻ. Họ chẳng những trẻ mà còn hơi quái nữa, đều là những kẻ đất nứt trồi lên, rách giời rơi xuống, đanh đá, đáo để, chưa từng sợ ai.

Văn thơ của họ đã khiếp mà nhìn mặt họ còn khiếp hơn. Trò chuyện với đám già như bị uy hiếp từ râu ria, răng lợi đến ánh mắt, giọng nói, lại còn cười rất to, nói rất lớn, chữ nghĩa bén nhọn, trần trụi, khiến mình ngọng miệng líu lưỡi, đâm sợ, thầm nghĩ: “Làm mất lòng đám này, bọn nó có khả năng nhai tươi nuốt sống mình tại chỗ”.
Tôi là người thích giao tiếp, thích đấu hót với đủ loại người mà vẫn ngần ngại khi bước vào cái hang ổ hấp dẫn, nguy hiểm, nồng nặc mùi đàn ông và khói thuốc lá kề sát ngay phòng mình. Phàm đã khác nhau là rất hút nhau nên một buổi chiều chọn lúc vắng khách tôi cũng liều bước sang.
 Cái cớ làm quen là xin tách trà nóng. Họ lạnh nhạt thì uống xong là bước ra ngay, còn họ chịu bắt chuyện thì ngồi lại vừa trò chuyện vừa thăm dò. Nào ngờ vừa bước chân vào đám râu ria đen kịt, nhọn hoắt cùng với những hàm răng to khỏe, trắng lóa mời chào rất đon đả.
Rồi hai đầu lĩnh Quang Thiều, Quang Lập hỏi tôi tới tấp: nào là chuyến này ra đây định đi thực tế những nơi nào? Nào là tôi đang viết gì và còn định viết những gì? Nào là tôi đang viết thuê cho những báo nào ở TP Hồ Chí Minh, họ trả nhuận bút bao nhiêu?
Đã già còn đi thực tế, đó là một chuyện buồi cười. Đã già vẫn còn ham viết, muốn đua đòi viết lách với đám trẻ còn đáng buồn cười hơn. Còn đã già vẫn phải mưu sinh bằng nghề viết thuê thì có thể cười ra nước mắt. Nghĩ thế nên rất khó trả lời, nói thật nói dối đều khó nên tôi chỉ biết cười và nín lặng. Ra cái vẻ là tôi có biết thân phận của tôi lắm, không có một chút hoang tưởng nào.
Hình như cái thái độ nhũn nhặn của tôi được các bạn trẻ cho là được. Họ tiếp tục mời nước mời thuốc và quay lại bàn với nhau về số báo Tết đang hoàn thành. Có bốn anh đàn ông ngồi bàn với nhau là Thành Phong, Quang Thiều, Quang Lập, Quang Quý, và một cô biên tập phần dịch của tờ báo Văn nghệ chính tên là Hồng.
 Những năm còn trẻ tôi có vinh dự được là bạn vong niên của cụ Thành Thế Vỹ, là ông thân sinh của Hồng. Cụ nguyên là cán bộ cao cấp của Đảng, phụ trách một cơ quan là cán bộ cao cấp của Đảng. Phụ trách một cơ quan của Trung ương Đảng, chỉ vì mê văn quá, mê viết quá mà bỏ cả công danh, xin về Hội tình nguyện làm người giữ thư viện để có thì giờ ngồi đọc và viết.
 Cụ có nhờ tôi đọc và góp ý kiến bản thảo bộ tiểu thuyết “Một cổ hai tròng” cụ đã cặm cụm viết trong nhiều năm. Từng trải thì rất nhiều, tâm huyết cũng rất nhiều, nhưng tài hoa lại hơi ít thành thử đọc dễ nản. Máu tươi, máu đỏ một đời người trút vào từng trang văn mà câu chữ không chịu động đậy là nghĩa làm sao?
Người cha đã ra đi (cụ Vỹ đã mất từ lâu) nay cô con gái lại trở lại, vẫn với nghề văn, với báo văn, với Hội nhà văn. Cái gian truân của người đi trước không hề làm nản chí người bước tiếp sau. Cái ma lực huyễn hoặc của nghề văn cứ nhìn vào người đi trước, người cùng thời và những kẻ đến sau mà sợ.
Nhưng vui nhất cũng là nhờ có sự tự huyễn mị đó, dám hy sinh tất cả cũng là vì nó. Một đời văn dầu thất bại nhưng đã có nhưng năm tháng sống căng thẳng, sống náo nức, sống mê say thì có gì phải phàn nàn nếu nhìn vào những kiếp sống phẳng lặng, nhạt nhẽo khác.
2. Cái phòng khách nhỏ của Tuần báo Văn nghệ kê hai giường và hai cái bàn. Một cái bàn được dùng làm bếp, luôn luôn có một siêu thuốc bắc đang sắc. Và một cái bàn để trống. Tôi đi khắp nơi trong một buổi sáng rồi ăn cơm bụi, về đến nơi nghỉ đã gần hai giờ chiều. Cái bàn bỏ trống của mọi ngày đang có người ngồi viết. Đó là Nguyễn Quang Lập.
Anh ta đang lục lọi một chồng báo, đọc một tí, ghi một tí, hình như Lập đã ngồi đó từ sáng thì phải. Thấy bạn đang bận tôi không dám gợi chuyện, leo lên giường đắp chăn ngủ ngay. Lúc thức gấc nhìn đồng hồ đã là bốn giờ chiều, đèn trong phòng đã bật và Lập vẫn quay lưng cắm cúi viết lách gì đó.
Tôi không được biết Lập nhiều nhưng những chuyện được nghe về hắn thì hắn không phải là người hiền, cũng là tay gớm, có thể sống ở mọi nơi, lăn lội với mọi người mà không sợ bị ai bắt nạt. Vóc dáng của Lập thì cao lớn, giọng nói thì vang to, lại hoạt khẩu, lai có duyên và đẹp trai nữa, ai dám bắt nạt, ai nỡ bắt nạt. Tướng người như hắn là có lắm bạn bè, có thể nhờ cậy hoàn toàn vào bạn bè.
 Tôi vừa ngáp vừa hỏi:
– Ông viết lách gì mà miệt mài thế?
– Viết tin tức thôi chứ không văn chương gì đâu.
– Viết tin mà cũng mê say nhỉ?
– Đây là việc làm của một công chức, ăn lương thì phải làm, không có chyện mê say ở đây.
Tôi đã từng làm một viên chức, tận mắt chứng kiến lúc làm việc của nhiều viên chức. Viên chức làm việc không thể có cái dáng lưng thế kia, có cái dáng cúi thế kia. Làm việc vì đồng lương, vì thói quen có dáng ngồi dáng cúi hoàn toàn khác. Nó thờ ơ, lạnh nhạt lắm.
Đọc thư bạn đọc viết và viết bài trả lời qua mỗi kỳ báo là một việc làm rất tẻ nhạt, rất công chức nhưng những bài viết của Lập đều rất hóm, rất nghịch, đọc vui lắm, buồn cười lắm, không có tâm huyết làm sao có được giọng văn đó. Người như giặc phải làm những việc hiền lành, đòi hỏi sự mẫn cán như có ý ngượng thì phải.
 Anh ta thích xuất hiện như một kẻ hung dữ, phá phách mà nào phải thế. Tính khí nhà văn đến là rắc rối, tưởng là thế mà hóa ra không phải thế. Đúng 5 giờ chiều Lập mới làm xong việc, xếp lại đống báo và tạp chí tra cứu, quay ghế lại nhìn tôi nhe răng cười. Nếu là đàn bà con gái rất không nên nhìn Lập cười, hắn có cái miệng cười đến là nguy hiểm.
 Hắn hỏi tôi:
– Ông anh có vẻ ngạc nhiên thấy thằng em làm việc quá tích cực phải không?
-Xin thú thực là rất ngạc nhiên.
– Em thích sự sòng phẳng. Đã nhận lương của báo thì phải làm hết lòng cho báo. Làm chu đáo, làm cẩn thận như một công chức già để khỏi bị người ta rấy la mình.
– Tối nay ông có đến làm việc không?
– Báo thường có tối đến có tối không nhưng làm báo tết thì tối nào cũng phải đến. Có khi còn phải ngủ lại.
– Tôi đã để ý sáng nào Lập cũng đến từ rất sớm, trưa ở lại, chiều về muộn, các ông công chức đâu có tận tụy với công việc đến thế.
– À, à, quả tình cũng có chút mê say nữa.
Lập nói, làm báo vốn đã là một nghề rất dễ mê, không mê báo không thể làm báo, làm báo cho các bạn trẻ còn mê hơn, lại là các bạn trẻ sính làm văn, làm thơ thì còn mê hơn rất nhiều. Từ đất Quảng Trị ra Hà Nội không phải không tìm ra những việc có thể kiếm được nhiều tiền nhưng nghề báo mới là nghề ruột.
 Nhưng tiếng tăm của ông trẻ này hơi kinh nên các ông chủ báo đều có ý hãi. Nhận hắn vào làm biên tập nhỡ ra hắn nổi cơn muốn chọc ghẹo thiên hạ thì báo sập tiệm liền. Cuối cùng thì ông Hữu Thỉnh, ông biên tập báo Văn nghệ và ông Quang Thiều, trưởng ban biên tập báo Trẻ đồng ý nhận Lập về báo Văn nghệ Trẻ. Ngựa chứng là ngựa hay, cái hay ta dùng, còn các chứng tật sẽ uốn nắn sau. Thật ra cũng phải có tài mới trị được ngựa chứng. Và con ngựa bất kham xem như đang thuần dần.
Nói thế thôi, chứ Lập đã tuyên bố rất rạch ròi:
– Viết ở nơi đã trả lương cho mình dầu là một mẩu tin cũng không nên gây phiền phức. Chỉ có hay chứ không có dở, chỉ có đúng chứ không thể sai. Biên tập cũng thế. Còn ngoài ra tôi viết cho các báo khác thì mấy ông ở đây chớ có nhúng mũi vào. Đó là việc của riêng tôi, tôi tự chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Thật là dứt khoát nhá!
3 . Năm 27 tuổi tôi mới được làm tờ báo lớn, tức là tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ngày ấy chúng tôi duyệt báo lạ lùng lắm, duyệt tập thể, cả tòa soạn non hai chục người cùng ngồi nghe đọc văn, đọc thơ, đọc lý luận rồi lần lượt từng người phát biển ý kiến của mình.
 Duyệt báo tập thể trong vài ngày với tôi là những ngày hội, làm việc cả ngày, làm việc cả tối, làm xong ra đầu phố ăn phở gánh, ăn cháo gà gánh. Mãi mãi về sau này tôi vẫn thèm cái không khí làm báo đêm, nó tết lắm, ấp ám lắm, vui thích lắm.
 Bởi Vậy tôi đã thức liền mấy đêm với các biên tập viên của báo Văn nghệ Trẻ để có dịp được hồi tưởng, được vui ké, sung sướng ké với những người đang làm việc. Có một bài thơ người thì bảo để lại, người thì bảo sửa đi vài chữ, có người lại khuyên nếu đăng phải đăng nguyên văn, mình đã hỏi ý kiến tác giả đâu mà dám hạ bút sửa, lỡ họ kiện lại rắc rối.
Thời đổi mới lề lối làm việc có khác! Xưa kia khi tôi biên tập truyện ngắn cứ thoải mái cắt bỏ những đoạn mình coi là thừa, chẳng ân hận gì cả, chẳng tính toán gì cả. Người viết có thể tiếc, có thể hận nhưng họ không dám kêu, chỉ mong được in ra đã là tốt lắm.
 Bây giờ khác, anh không in ở Văn nghệ Trẻ thì tôi sẽ đưa tin ở tờ Văn nghệ Già – ấy là chữ tôi bịa ra để chỉ ở Văn nghệ Mẹ – thiếu gì nơi đăng mà phải khẩn khoản với các anh. Người viết bây giờ rất khó tính, người viết trẻ lại càng khó tính. Và còn hách nữa. Nhưng vẫn phải cố mà chiều.
 Tôi chưa được chứng kiến những gương mặt vốn thích bắt nạt người hay bị bạn viết trẻ hờn dỗi, quát tháo mà vẫn phải nhũn nhặn, vẫn phải tươi cười, vẫn phải nhỏ nhẻ nó ra sao? Nhìn những kẻ giang hồ lãng tử, rất tự phụ và ích kỷ nay tự nguyện buộc mình vào một tờ báo, nhẫn nhục chịu đựng mọi sự trách móc có lý và vô lý vừa cảm động vừa khâm phục Thì cũng vì sự phát triển của nền văn học nước nhà cả thôi, nghe thì sáo nhưng quả tình là thế.
Đêm đã khuya, các ông biên tập viên đầu bù mắt đỏ ngước nhìn nhau rồi hỏi: “Có gì ăn không nhỉ?” – “Ra chợ Hôm làm bát mỳ vằn thắn là có lý nhất”. – “Ông Thiều chi tiền nhá?” Thiều cười trong hàm râu: “Rỗng túi rồi, các bạn tự chi vậy. Xin chúc mọi người ăn ngon, ngủ một giấc, sáng mai 7 giờ có mặt”.
 Dưới nhà xe nổ máy rầm rầm, cửa sắt mở ra đóng vào ken két. Họ đã đi rồi, đã ra đường rồi, vợ con ở nhà chắc đã ngủ được một giấc. Sáng mai từng người lại đưa vợ đi làm, đưa con đi học, mỗi con một trường rồi lại chạy xe ào ào về đường Trần Quốc Toản.
Chỉ còn mười ngày nữa là phải có báo Tết. Báo ra chậm thì ế, phải ra trước mọi báo thì thiên hạ mới còn tiền để mua báo. Mua vui cho người đời đâu có dễ, moi được tiền từ trong hầu bao của họ càng không dễ. Nó là bát phở bình dân ăn được, là một mẹt bánh cuốn Thanh Trì ăn no, là một bát xôi xéo có rưới hành mỡ đầy tú ụ có thể thay được bữa cơm trưa đấy.
Vậy phải biên tập cho tờ báo Văn nghệ Trẻ hay hơn, lạ hơn, tất nhiên còn phải đúng nữa. Lại phải luôn luôn giới thiệu được những tài năng mới, tài thật, tài lâu bền chứ không phải cái tài chốc lát, tài của quảng cáo. Tôi biết là các bạn đã có một kế hoạch làm việc rất tỉ mỉ để thực hiện những ý định đó rồi với tham vọng, tôi xin được nói nhỏ tôi, vét bằng hết các bạn đọc đủ mọi lứa tuổi khiến tờ Văn nghệ Mẹ phải vắng vẻ, bơ vơ. Vậy thì chúng tôi cũng xin phép được thưa lại rằng, chúng tôi là gừng cả đấy, gừng già đâu đã phải là thứ bỏ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét