Nhớ về những người thầy

Tản văn

Thuở nhỏ đi học mình toàn được các cô yêu, chẳng được thầy nào yêu. Chả hiểu vì sao. Có lẽ tính mình hay cãi, mà cãi toàn đúng he he, nên các thầy cho là mình kiêu ngạo, thiếu khiêm tốn. Nhưng mình rất yêu các thầy, bất luận thầy dạy giỏi hay không, thậm chí có thầy cho mình lên bờ xuống ruộng bao nhiêu lần mình vẫn yêu như thường.

          Đến lớp 7 mình mới được học với thầy. Thích nhất thầy Tuất dạy lý. Thầy nho nhỏ trăng trắng xinh xinh giống thằng Khôi VTV, học trò lớp biên kịch của mình. Chả còn nhớ thầy dạy thế nào, chỉ nhớ thầy kể chuyện trinh thám hay kinh hồn. Những chuyện trinh thám nổi tiếng thời đó như Chiếc khuy đồng, hầm bí mật bên sông En Bơ, Nam tước Phôn gôn rin…mình biết là nhờ thầy kể cho cả.


 Mình nhớ như in thứ 3 thứ 6 là có giờ vật lý của thầy vào cuối buổi học, có lẽ thầy xin nhà trường xếp khóa biểu giờ dạy vào cuối buổi để thầy tiện kể chuyện cho học trò. Vào đầu giờ học bao giờ thầy cũng giao hẹn, nói  các anh chị học hành tử tế rồi tôi kể chuyện, nếu không thì thôi nhé. Ngay lập tức cả lớp vỗ tay rào rào, đứa nào đứa nấy háo hức như sắp vào mâm cổ. Giờ thầy Tuất dạy tuyệt không ai nói chuyện riêng, đứa nào đứa nấy hăng hái phát biểu cốt để cho thầy không nổi giận mà bỏ tiết mục kể chuyện. Nhỡ có chuyện gì làm thầy tức, nói buổi này hết kể chuyện nhé. Lập tức cả lớp nhao nhao, nói ôi đừng thầy ôi, đừng đừng.

Con nít đứa nào cũng mê chuyện trinh thám, mình thì khỏi nói, mê tít. Hằng tuần chầu chực đợi đến ngày thứ 3 thứ 6, hễ mai có giờ lý thầy Tuất tối đó đứa nào cũng lo làm bài tập học bài cũ rất chu đáo, không dám khinh suất. Thầy giao hẹn rồi, chỉ cần một đứa không thuộc bài hoặc không làm bài tập là thầy không kể chuyện. Hi hi cái mẹo thầy hay, nhờ thế mà lớp 7b không có đứa nào dốt vật lý, thi tốt nghiệp lớp 7 năm đó điểm vật lý lớp mình cao chất ngất.

Mình nhớ buổi chiều hôm đó làng Đông bị bom, nhà mình bị sạt mất một gốc. Không ai việc gì nhưng sách vở của mình bom giật bay đi đường nào. Mình lo sốt vó, ngày mai đến giờ vật lý của thầy Tuất rồi mà bài tập thầy ra vẫn chưa làm. Mình chạy về nhà thằng Diệp mượn sách, hứa làm xong sẽ cho nó chép. Chẳng may hôm đó bài tập vừa nhiều vừa khó, đến nửa đêm mình vẫn chưa làm xong. Thằng Diệp đến nhà mình đòi chép, mình không cho, còn đuổi nó về, nói cút đi, mi ngồi đây tau làm không được. Thằng Diệp nhăn nhó ra sân ngồi đợi, ngủ gà ngủ gật, cứ mỗi lần ngủ quên giật mình choàng tỉnh là nó lại chửi um lên, nói ngu chi ngu tàn bạo, có chừng đó mà mần mãi không xong. Điên tiết, mình đuổi nó ra ngồi ngoài ngõ. Nó vùng vằng mãi mới chịu đi, nói tao sợ thầy Tuất chứ không sợ mi mô nha, cha tổ mi vơ Lập nời… mần mau cho tau chép với. Hi hi.

Lên cấp 3, chỉ học với hai cô, cô Giao và cô Tuất, còn lại toàn học với thầy. Mình nhớ thầy Tịnh dạy sử hay như thầy Trần Quốc Vượng. Thầy không dạy lớp mình, muốn nghe thầy dạy chỉ có cách bỏ tiết nhảy sang lớp của thầy, đứng nép cửa sổ nghe trộm. Cả năm lớp 10 mình toàn nghe trộm thầy Tịnh dạy. Cái trò nghe trộm sao mà nhớ dai đến thế, nghe tới đâu nhớ tới đó, đến nỗi thi tốt nghiệp mình không hề học ôn chút nào môn sử vẫn được 9 điểm.
 Thầy Lâm đẹp trai, chữ đẹp mê hồn, trăm chữ như một. Thầy viết bảng y như người ta viết bằng khen, nét sổ nét đá đều tăm tắp. Thầy kéo đàn accodion rất điệu, dạy văn cũng  điệu như kéo đàn, nghe rất hay nhưng nói thật chẳng có nội dung gì. Đó là mình khó tính chứ bạn bè trong lớp thì mê thầy lắm. Đặc biệt lũ con gái, chúng nó nghe thầy dạy văn như nghe Minh Vương ca cải lương vậy, hi hi. Nói vậy thôi, dạy văn chủ yếu là làm cho học trò thích văn, yêu văn. Một khi đã thích rồi thì tự khắc chúng nó sẽ có cách để hiểu văn. Con nít bây giờ sợ văn, ghét văn vì thầy cô chẳng cần biết học trò thích hay không, cứ ép chúng nó thành nhà lý luận văn học hết lượt, cái đó người ta bảo hù dọa văn chứ không phải dạy văn, nghĩ cũng phải.

Thực ra làm cho học trò lớp mình yêu văn lại là thầy Hiền dạy toán. Thầy không kể chuyện, thầy lấy văn để dạy toán, rất thích. Ví dụ thầy dạy định đề hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau hoặc gặp nhau ở vô cực, nhân đó thầy tán về tình yêu, những mối tình tưởng hợp mà tan đều hẹn nhau ở vô cực, đó là kiếp sau. Mới tí tuổi đầu nghe mấy chuyện đó đứa nào đứa nấy sướng rêm, đứa dốt mấy cũng không quên được các định lý, định đề của thầy. Cũng nhờ thầy Hiền mình mới biết Đốt, đến Jack London, đến Heminhway…, mới được đọc trọn vẹn Chinh phụ ngâm, kịch Hamlet, cả cái kịch Bắc Sơn của Nguyên Huy Tưởng. Học trích đoạn lắm khi chẳng hiểu gì. Hồi đó mình chẳng hiểu sao cái ông Hamlet cứ lải nhải tồn tại hay không tồn tại. Đến khi đọc được cả vở kịch mới hiểu, hiểu rồi mới thấy hay. Mình mê Sêch- xpia từ đó, thầy Hiền còn tặng cả tuyển tập kịch Sếch-Xpia khổ lớn hơn 800 trang, mình đâm nghiện Sếch- Xpia, đọc ông như đọc kinh thánh, mê đến nỗi sau này đọc nhiều kịch, chẳng thấy ông nào hay hơn ông này.

Chuyện thầy Hiền kể cả ngàn trang không hết, bởi thầy gắn bó với mình không những ba năm học cấp 3 mà còn mãi sau này, khi thầy trò đều đã già. Chỉ một chuyện hơi bị hận thầy là thầy máu thành tích quá, lớp nào thầy chủ nhiệm lớp đó học trò khổ gấp mấy học trò lớp khác.Cả trường cấp 3 Bắc Quảng Trạch của mình nữa, cũng máu thành tích quá. Từ năm 1965 đến 1975 luôn luôn là lá cờ đầu của tỉnh, nhiều lần suýt anh hùng, toàn suýt anh hùng chứ chưa anh hùng lần nào, hi hi.

Vì cái chữ suýt đó mà thầy trò trường mình phấn đấu tướt bơ. Chả biết ai bịa ra phương thức vừa học vừa làm, học sinh vừa học vừa sản xuất y như người lớn, cũng cấy lúa trồng khai, cũng đào hầm dựng nhà. Lại thêm món nấu dầu tràm nữa, vất vả vô cùng. Lớp thầy Hiền chủ nhiệm lại càng vất vả. Nhà trường ra chỉ tiêu mỗi học sinh một tuần phải nhặt đủ 5 yến phân bò, thầy Hiền nâng chỉ tiêu lên một tạ. Cả ngàn học trò rải ra khắp tám xã quanh đấy tìm phân bò, tranh giành nhau phân bò, lắm khi đánh nhau sứt đầu vỡ trán. Hễ thấy con bò nào dạng chân cong đuôi, ba bốn đứa cầm rổ nhào tới tranh nhau hứng, hi hi chết cười. Lắm khi đi học không lo bị điểm xấu chỉ lo không đủ phân bò nộp nhà trường.

Lớp thầy Hiền chủ nhiệm tất nhiên là lớp dẫn đầu, phân nộp nhiều nhất, dầu tràm cất được nhiều nhất, lúa năng suất  nhiều nhất, khoai sắn sai nhất, đến tát ao bắt cá cũng phải bắt được nhiều cá to nhất. Học sinh toát mồ hôi vì cái sự nhất của thầy.

Thầy trồng bí, chả hiểu sao có một quả bí cực to, có đến năm sáu chục cân. Quả bí là câu chuyện hằng ngày của thầy về tính tích cực và tinh thần khoa học trong trồng trọt. Nghe lắm phát rồ, mình hẹn mấy thằng lén cắt trái bí đem  vào chặn cửa nhà thầy, lấy vôi viết lên đó mấy chữ: Thôi rồi bí ơi, ai bảo mày to nhất. Sáng mai thầy đẩy cửa mãi không được, điên tiết thầy đạp mạnh cửa, cửa bung, quả bí nằm chềnh ềnh trước mặt thầy. Nhìn quả bí và dòng chữ, thấy đứng chết giấc. Đến lớp, cả lớp đứng dậy chào, thầy cứ đứng trố mắt nhìn học sinh, nói bây giờ tôi mới thật sự hiểu cái câu: Nhất quỉ nhìn ma thứ ba học trò. Thôi từ nay tôi xin chừa, không dám nói tinh thần khoa học với các em nữa. Dứt lời thầy nước mắt hai hàng.

Lúc đó mình chỉ muốn ôm bụng cười lăn, mấy năm sau học xong đại học nhớ lại chuyện này mới thương thầy. Năm 1982 mình về Quảng Hòa thăm thầy, lúc này thầy về dạy trường Nam Quảng Trạch. Thầy không có nhà, đang ra ruộng lúa tát nước. Mình ra ruộng, thấy thầy ngồi trên bờ, dùng lon sữa bò múc từng lon đổ vào ruộng. Mình cười, nói trời ơi sao thầy không lấy gàu tát cho nhanh. Thầy lắc đầu, nói nguy hiểm nguy hiểm, tát gàu lúa  bật gốc chết hết, chết cây nào thầy đau cây đó. Mình nói thấy vẫn nâng cao tinh thần khoa học nhỉ. Thầy cười như mếu, nói mô có em, tinh thần đói rách, thầy bây giờ chỉ còn tinh thần đói rách thôi. Nói xong, thầy ngó ngước ngước xuôi, nói em đừng có nói lại với ai nha, thầy bây giờ đói lắm.

Rút từ Ký ức vụn 2


0 nhận xét:

Đăng nhận xét