Chân dung
Mình quen thằng Nguyên ( Phạm Xuân
Nguyên) năm 1986. Hồi đó mình chỉ có mươi lăm bài thơ, dăm bảy cái truyện ngắn,
nó cũng thế, cũng dăm ba bài phê bình, mươi lăm bản dịch, giới thiệu sách, thế
mà gặp nhau xưng danh như các đại gia, mình nói tôi là Nguyễn Quang Lập, nó nói
tôi là Phạm Xuân Nguyên, oách kinh hi hi.
Kéo nhau vào quán, chỉ nửa tiếng
sau là thân thiết, cảm thấy khó rời nhau được, chơi với nhau bền bỉ một phần tư
thế kỉ, càng lâu càng thân thiết. Bây giờ kiểm điểm lại, thấy mình với nó ngược
nhau trăm phần trăm về mọi chuyện, bất kì chuyện gì cũng cãi nhau như mổ bò,
thế mà vẫn gắn bó như thường, nghĩ cũng lạ.
Nó làm gì mình cũng ngứa mắt, mình
làm gì nó cũng khó chịu. Mình chê nó sến, nó mắng mình quê, động cái là cãi
nhau, việc nhỏ bằng cái tăm cũng trương gân búng má cãi nhau ầm ầm. Có lần chỉ
vì một câu ca dao mà cãi nhau đến 3 giờ sáng, ầm ĩ cả khu tập thể Viện văn.
Gã đầu bạc cãi nhau hay lắm, mình
đang cãi A, cu cậu thấy bí liền nhảy phốc sang B bắt lý mình, y chang đám phê
bình nước Nam xưa nay cãi nhau hi hi. Nhưng hễ cứ động đến cứ liệu, cái gì cần
huy động đến trí nhớ thì mình thua nó là cái chắc.
Nó có trí nhớ phi phàm, bất kì cái
gì hễ đọc qua là nó nhớ tất. Đầu nó như một thư viện, ngăn nào ngăn nấy rõ ràng
sáng sủa, rất đáng phục. Mình với Nguyễn Việt Hà làm báo thường xuyên hỏi nó,
đôi khi hỏi nó còn nhanh và chắc ăn hơn gõ google.
Có lẽ trời cho nó có trí nhớ phi
phàm nên nó học ngoại ngữ rất nhanh. Nó đi bộ đội 3 năm xơi gọn hai món Nga,
Pháp. Nó đọc báo Nga không khác người ta đọc báo Việt, ít khi thấy nó vấp phải
dừng lại tra từ điển. Tiêng Pháp cũng thế, chỉ có tiếng Anh là cu cậu hơi có vẻ
lúng túng chút thôi.
Không phải như người ta mài mòn
đũng quần mới kiếm được một món ngoại ngữ, nó chẳng đến trường lớp, cũng chẳng
mua giáo trình, chỉ một cuốn từ điển một cuốn sách Tây nó đánh lấn từng từ từng
dòng từng trang, với một lòng kiên trì vô biên, nó dịch xong cuốn sách cũng là
khi nó kết thúc môn ngoại ngữ đó với vạn từ bỏ túi như không.
Nhưng học thế thì chỉ đọc được
thôi, nó gặp Tây cũng được xếp vào diện câm điếc, nghe Tây nói mặt cứ nghệch
như ngỗng ỉa. Nhiều khi tức quá nó tính học nghe nói tiếng Tây, mình xoa đầu
nó, nói thôi đi em ơi, em nói tiếng Việt còn chưa sõi, đòi nói tiếng Tây.
Nó được mời dự hội thảo văn học ở
Pháp, người ta bắt đọc tham luận bằng tiếng Pháp. Nó viết tham luận xong rồi
bắt đầu học đọc, đọc đi đọc lại có vẻ suôn sẻ lắm, mới cười he he he, nói này,
mày nghe tao đọc nhá. Nó đọc xong, mình nói mày vừa đọc tiếng gì, nó nói tiếng
Pháp. Mình cười khì khì, nói ua chầu chầu, nãy giờ tao tưởng mày đọc tiếng Cẩm
Xuyên.
Thế mà trót lọt cả, bao nhiêu hội
nghị hội thảo Tây mời nó đều tham giá xuôi chèo mát mái. Nó gặp ông Cao Hạnh
Kiện, ông nói tiếng Tàu nó nhăn răng cười, nói tiếng Anh tiếng Pháp nó cũng
nhăn răng cười, thế mà thân nhau được mới tài.
Khi Cao Hạnh Kiện biết nó dịch
Kundera thì ông trợn tròn mắt lên, văn Kundera thuộc loại khó dịch thế mà nó
xơi tái mấy cuốn rồi, chẳng ngờ cái ông câm điếc ngoại ngữ này dám dịch
kundera. Từ đó Cao Hạnh Kiện quí nó lắm, mấy ngày hội thảo ở Pháp đi đâu hai
anh em cũng cặp kè, ông còn ủy quyền cho nó quản lý sách ông dịch từ tiếng Tàu
ra tiếng Việt.
Phạm Xuân Nguyên có tài đọc sách,
nó đọc nhanh kinh hoàng, nói như Đoàn Tử Huyến là đọc từng mảng chứ không đọc
từng câu, nó cầm cuốn sách lật trang roạt roạt lướt rất nhanh, y chang con nít
đọc truyện tranh, nhoáng cái là xong
cuốn sách mấy trăm trang.
Đọc đâu nhớ đấy, nhớ rất kỹ, rất
chi tiết thế mới phục. Cùng một cuốn sách, mình nhằn mất cả tuần, nó chỉ xơi
vài giờ là xong, thế mà động đến chi tiết nào mình đều lại phải hỏi nó.
Mỗi tuần nó ôm về một chồng sách,
từ thượng vàng đến hạ cám xơi tái hết. Mình cứ nằm khểnh chờ nó đọc xong, hỏi
nó cuốn nào đáng đọc thì thì mới tha về đọc, khỏe, hi hi. Chẳng phải riêng
mình, có đến vài trăm người từ Nam ra Bắc, làm việc gì cần phải tra cứu sách vở
đều hỏi nó.
Hỏi nó vừa nhanh vừa chính xác, nó
lại cất công tìm kiếm cho, tóm lược tóm
tắt những gì cần phải chú ý, sướng thế ai không muốn nhờ. Thành thử không khi
nào không có người nhờ nó. Bao nhiêu người có bằng nọ bằng kia, công đóng góp
của nó không nhỏ, chẳng những nó tìm kiếm tài liệu cho mà còn góp ý đề cương,
sửa sang chương này chương nọ. Nó đóng vai trò phản biện bao giờ cũng tuyệt
hảo.
Vì thế nó khách khứa lía chia, điện
thoại réo suốt ngày. Phòng làm việc của nó hễ có chuông điện thoại, ai nấy cứ
ngồi yên vì cầm chắc điện thoại của Phạm Xuân Nguyên chứ không còn ai khác. Hôm
nào vắng điện thoại, mọi người cứ ngơ ngác hỏi nhau ơ hôm nay không có ai gọi
cho thằng Nguyên cả nhỉ.
Nó chẳng bằng cấp gì, trọc lóc mỗi
bằng cử nhân, mình nói cả Viện văn chỉ còn mày với bà Thiêm bán nước là chưa
tiến sĩ thôi đấy, không biết xấu hổ à, nó nhăn răng cười. Mình với cái Yến vợ
nó ép mãi rồi nó cũng cắp cặp đi học lấy bằng tiến sĩ, được vài ba bữa thì bỏ,
hỏi sao lại bỏ nó cứ nhăn răng cười.
Mình nhớ có lần mình hỏi anh Trần
Quốc Vượng, nói giả sử người ta bắt anh làm tiến sĩ anh có làm được không, anh
lắc đầu nói không. Anh nói muốn tiến sĩ thì phải đi học, tôi mà đi học, ngồi
nghe mấy thấy trẻ nói mấy câu đã nổi khùng rồi, học làm sao được. Thằng Nguyên
chắc cũng tâm trạng y chang anh Vượng. Giúp người ta làm tiến sĩ thì dễ như trở
bàn tay, tự mình làm lấy thì không được, khốn thế.
Từ ngày vợ nó bỏ, giá nó lên kinh
khủng, gái gọi suốt ngày, đến nhà nó giờ nào cũng có vài ba em nói cười toe
toét. Các em xinh đẹp làm thạc sĩ tiến sĩ nheo nhéo suốt ngày anh ơi, anh nè
lấy cho em cuốn này, mượn cho em cuốn kia. Rồi các em nhà báo chân dài hết cô
này đến cô khác í ới anh ơi viết cho em cái này, anh ơi viết cho em cái nọ.
Lắm khi nghe nó đu đưa với gái mà phát điên,
sến không ra sến quê chẳng ra quê, sốt ruột. Tán gái cù lần kiểu đó mà cũng xô
đổ người đẹp lừng danh, tài.
Mình nói mày tính đánh đu với đàn
bướm bướm cho đến bao giờ, coi chừng hết đời chẳng thấy nghiên cứu gì, chỉ toàn
nghiên cứu bươm bướm thì bỏ mẹ, nó chẳng nói gì chỉ nhăn răng cười. Bảo Ninh
nói được thế đã phúc, bướm nó lượn vè vè nhử vậy thôi, còn lâu mới chụp được
nó.
Cái tính cả nể, ai nhờ gì cũng làm,
chưa bao giờ thấy nó nói không. Nhiều người thấy nó dễ tính việc gì cũng nhờ,
kể cả mấy việc con nít phẩy cái là xong cũng nhờ, rất tệ. Không phải không biết
người ta lợi dụng mình, nó cứ sấp mặt hầu người ta vì đơn giản nó không biết
nói không. Mỗi lần mở mồm nói không mặt nó đỏ lựng, lạ thế.
Kể cả việc đi nhậu cũng không biết
nói không, mỗi ngày nhận năm bảy cuộc, chạy sô hết chỗ này sang chỗ khác. Nó
ngồi nhậu rất tức cười, mặt mày nhớn nhác, hết gọi chỗ này nói đến ngay đến
ngay, lại gọi chỗ kia nói đến ngay đến ngay. Nhiều lần mình nổi điên gầm lên,
nói đ. mẹ, mày không biết mở mồm nói
không được hả thằng kia. Nó nhăn răng cười, nói không.
Rút từ Bạn văn 1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét