Vài ý nghĩ lan man sau ngày Bọ Lập bị bắt

Lê Công Tư

Chắc chắn là trước khi thực sự bị bắt Bọ Lập đã phải sống thường xuyên với cái tâm trạng là một ngày nào đó công an sẽ tới dẩn đi, sống thường xuyên với một tâm trạng như vậy cũng là một cách tự nguyện vác thập giá.
Cây thập giá nào cũng thế, sự cứu chuộc chỉ có cơ may mở ra lúc chết, còn với sự sống nó là một gánh nặng, một hoạn nạn, tai ách của một kiếp tồn sinh mà không phải ai cũng chịu đựng được.
Xin được nghiêng mình cảm phục.

Trước lúc rời khỏi nhà Bọ Lập nói với gia đình “nếu 9 ngày mà chưa thấy về thì 3 năm sau sẽ về”, sự tỉnh táo lạ thường này chỉ có thể có được ở một con người hàm dưỡng một nội lực thâm hậu .Sự thản nhiên chấp nhận chỉ có thể có được ở những ai tin chắc rằng công việc mình làm là đúng, Trước công an cũng vậy mà trước tòa án cũng vậy.Với Bọ Lập thì, hình như 9 ngày hay 1095 ngày thì cũng vậy, Thái độ thản nhiên của con người này cho phép ta tin như vậy.
Người ta có thể giam cầm một thân xác, còn tinh thần thì không thể, nó vĩnh viễn bay lượn như chim giữa những bầu trời, ngay cả khi thân xác đã chui xuống mồ, nó lượn giữa trời tựa một cánh diều, tẩm nhuận đất trời, làm phong nhiêu cuộc sống, nó là mây trắng, trời xanh, những thứ có cơ may làm nên ý nghĩa cõi đời này.
Một chuỗi dài của lịch sử nhân loại là lịch sử của vùi chôn, nó vùi vào lòng nó hết đế chế này đến đế chế khác, hết chế độ này đến chế độ khác, những chiếc ngai vàng nằm lăn lóc đâu đó trong những bờ bụi, Vẫn còn có thể nghe ra đâu đó, dưới lòng đất, tiếng thở dài ngu xuẩn của những thứ quyền lực nhất thời. Trong cuốn Dân sự bất phục tùng (Civil Disobedience) của Henry David Thoreau, một triếtgia, đồng thời cũng là một văn hào người Mỹ, có một đoạn ghi lại tâm trạng của ông, lúc ngồi trong nhà tù, vì cái tội không đóng thuế để phản đối chính quyền vẫn chưa chịu bỏ chế độ nô lệ, rất đáng để chúng ta suy gẫm:
“Nhìn 4 bức tường đá, dày non một thước, nhìn cánh cửa gỗ nặng và sắt, nhìn chấn song, ánh sáng chỉ le lói chiếu vào một chút xíu, tôi không khỏi ngạc nhiên về một chế độ ngu xuẩn, coi tôi là một cây thịt có xương, có máu để nhốt khám, tôi ngạc nhiên rằng sao người ta không dùng tôi vào một việc gì đó có lợi hơn, tôi nhận ra rằng có một bức tường đá ngăn cách tôi với đồng bào tôi, nhưng còn có một bức tường khác còn khó vượt hơn nữa, ngăn cách họ, không cho họ được tự do như tôi, không có một phút nào tôi có cảm giác bị nhốt cả”
(Nguyễn Hiến Lê dịch)
Đến Thánh Gandhi thì cánh cửa của những trại giam lại được tô hồng thêm chút nữa:
“Chúng ta yêu cầu mở rộng khám đường để chúng ta bước vào, hân hoan như chú rể vém rèm vào buồng cưới, Khám đường chính là nơi để chúng ta rèn luyên ý chí đấu tranh”
(Henry David Thoeau một lương tâm nổi loạn – Nguyễn Hiến Lê)
Tôi không quen biết gì với BỌ LẬP, cũng chưa từng đọc bất cứ tác phẩm nào của nhà văn này, trừ đoạn truyện “Ngày 30 tháng 4 của tôi” của anh, mà tôi đọc trên Văn việt, Tôi chỉ thực sự cảm thấy quý mến con người này. Cái làm nên một thằng đàn ông là cái khí phách cùng dũng chí, cả hai đức tính đáng quý này đều có đủ nơi BỌ LẬP.
Lịch sử của nhân loại nói chung, và của một dân tộc nói riêng, lúc nào cũng dành một chỗ
đứng cho những con người này, chỗ đứng của một nhà văn như một con người, và của một con người với tư cách một nhà văn.
Đà Lạt 9/ 12/ 2014

0 nhận xét:

Đăng nhận xét