1.
Hôm
nay có hai ông bạn ở quê đến chơi. Chúng
nó nghe tin mình vào Sài
Gòn mừng
lắm, mình biết chúng nó làm ăm ở Sài Gòn cũng mừng lắm, hẹn hò mãi giờ mới gặp. Nhưng ngồi với nhau chừng một giờ thì chẳng
biết nói gì nữa. Chuyện mình quan tâm thì chúng nó chẳng buồn nghe, chuyện
chúng háo hức thì mình chán ngắt, nghe sốt ruột kinh khủng.
Thuở
bé mình thân chúng nó lắm, không khi nào rời nhau. Đi học ngồi cùng bàn, về nhà
cùng lên rừng hái củi, cùng mò cua bắt ốc, tối tụ tập chơi trò đánh du kích, ù muỗi cho tới khuya. Ngủ cũng không rời nhau, hết ngủ với nhau hầm
nhà thằng này lại mò sang hầm nhà thằng khác. Thế mà bây giờ sau phút mừng vui
gặp gỡ, lòng vẫn yêu quí nhau thôi nhưng nhu cầu ngồi với nhau không còn nữa.
Chẳng
phải hai đứa này, bạn bè hồi học phổ thông, hồi đại học, hồi ở lính… mình cũng
lâm vào tình trạng này. Gặp nhau mừng quá là mừng, ôm vai hót cổ cảm động lắm.
Nhưng ngồi với nhau sang đến buổi thứ hai tự nhiên thấy oải, phần giao thoa ít ỏi
cũng không còn, chỉ còn chút gượng cười cho vừa lòng nhau thôi.
Tại sao thế nhỉ? Chịu.
2. Nhớ
ngày xưa cứ mỗi mùa word cup, mùa Euro, cả hội bạn bè lăn lê với nhau suốt đêm,
khi thì nhà thằng này khi thì nhà thằng khác, tuyệt không biết vợ con là gì, vừa
xem vừa uống vừa cãi nhau ỏm tỏi. Chuyện đó giờ đây tuồng như đã chấm dứt.
Một hôm thằng Nguyên (Phạm Xuân Nguyên) bảo đến
nhà nó xem
trận chung kết Euro, nói bạn bè đến đầy đủ cả,
mày nhớ đến nhé. Mình lo đến thật sớm, thằng Nguyên lo một mâm nhậu to, chờ mãi
mới thấy Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh lò dò đến. Chẳng còn ai đến nữa, lần đầu
mâm nhậu thằng Nguyên bị ế. Mặt thằng Nguyên vẻ buồn buồn, ngường ngượng. May
có em An, con gái anh Điềm (Nguyễn Khoa Điềm), đến chơi, nó chọc ghẹo chú chú
anh anh không thì buồn chết.
Xem bóng
đá chỉ có ba thằng. Ngồi chưa nóng chỗ Bảo Ninh đã nhổm đít ra về, nói tao phải
về nhà kẻo mẹ tao buồn, mụ vợ đi vắng, nhà không có ai. Việt Hà không đến được,
nghe nói có chuyện gì vợ nó cho tan cái mobile. Chả biết trúng trật thế nào,
hay nó chán cái sự đời, ngày nào cũng mấy cái mặt mẹt chán ngắt nhìn nhau. Mấy
thằng em làm báo, viết văn máu bóng đá lắm, tự chúng nó rủ rê trước, đến giờ
không thấy mặt thằng nào. Lâu lâu lại gọi, chúng nó dạ vâng rối rít, nói em đến
đây em đến đây, tóm lại là không đến.
Mấy thằng bạn quan chức buổi chiều hỏi có đến
xem không, chúng nó hồ hởi nói đến chứ đến chứ. Bảo nhớ khuân đến một két rượu
tham nhũng của chúng mày nhé, chúng nó cười hì hì, nói xong ngay thôi, chuyện
nhỏ như con thỏ. Đến giờ bóng lăn gọi thì ờ ờ rồi rồi. Lát sau chúng nó gọi lại,
hốt hoảng như nhà sắp cháy, nói ông ơi chết tôi rồi, các cụ lại gọi đi hầu rượu,
xin lỗi nhé, tôi không đến được. Nghe như chúng nó vừa đi đái vừa gọi điện thoại.
Không đến
được thì thôi, sao phải dối nhau nhỉ?
3. . Ngoảnh
đi ngoảnh lại đã mấy chục năm, thằng nào thằng nấy tóc bạc da mồi, danh phận chẳng
khá lên được chút nào, trong khi sức tàn lực kiệt đã thấy rõ. Bạn bè vẫn đấy cả,
vẫn thăm hỏi nhau, có việc gì cũng chạy đến lo lắng cho nhau, nhưng vẫn thấy cứ
khang khác thế nào a.
Thằng Tiến
(Phạm Ngọc Tiến) bây giờ mới lấy lại phông độ, nhậu nhẹt tưng bừng, chứ cách
đây một năm buồn thảm lắm. Từ ngày bị tiểu đường nó trầm xuống hẳn, nhậu nhẹt
coi như tiệt luôn. Biết nó sợ, giữ gìn là phải, em trai nó chết vì bệnh tiểu đường
sao lại không sợ được, nhưng thấy nó ngồi vào cuộc nhậu như cố ngồi cho bạn bè
khỏi trách, chứ không còn là một nhu cầu, tự nhiên vừa thương nó vừa chán nó.
Bạn bè
già cả rồi, không mệt mỏi cũng ốm yếu, chẳng ra làm sao. Ngày xưa nhậu nhẹt
không có mấy thằng hoạt khẩu thì chưa ra nhậu nhẹt. Bây giờ bày mâm nhậu, có ai
hỏi đã gọi thằng nọ thằng kia chưa thì thế nào cũng có người nói thôi, gọi làm
gì, nó có uống được nữa đâu.
Viết đến
đây bỗng nhớ Hải Kì. Xưa không rượu không thơ không ra Hải Kì, vui lắm. Hễ anh
ngồi vào mâm rượu nào là làm chủ ngay mâm rượu đó, nói cười ồn ào vui như tết.
Gần chục năm vừa rồi, anh ngồi im lặng ngắm người ta uống chứ chẳng nói năng
gì. Bảo uống thì giật mình, nói uống đây uông đây, nhấc chén rượu lên là đặt xuống.
Gọi điện khi nào cũng bảo tôi đang bận trông cháu. Gặp nhau, bắt tay cái, ngồi
uống chưa được nửa ly đã vội cáo lui, nói thôi tôi về với cháu.
Hình như
cuộc của chơi tụi mình sắp tàn rồi.
4. Ngày
xưa chưa viết đã khoe, viết xong thì chạy khắp làng bắt mọi người đọc. Ai khen được
một câu thì sung sướng lâng lâng suốt ngày. Bây giờ thằng nào viết cứ viết, có
khoe cũng chẳng ai quan tâm. Có ai hỏi dạo này viết được không, dù đang viết chết
xác thì cũng chỉ cười nhạt, nói ờ cũng đang chút chút. Chẳng phải khiêm tốn, chỉ
vì không còn hào hứng tí gì về nghiệp
văn của mình nữa.
Đã đến
lúc mình nhận ra nghiệp văn thật nghiệt ngã, cả vạn thằng bỏ ra cả cuộc đời, đổ
mồ hôi sôi nước mắt viết viết viết, tóm lại chỉ còn lại vài móng. Đó là người
ta châm chước cho văn nước chậm tiến, thật sòng phẳng với thế giới chắc chẳng
còn móng nào. Nguyễn Du hai trăm năm hãy còn người nhớ tới và yêu mến, mình có
được hai chục năm sau khi chết không, chắc không. Nguyễn Trọng Tín nói các ông
đừng nhắc đến văn tôi nữa nhé, đừng có mà in đi in lại văn tôi. Tôi đang cố
quên đi, sai lầm một thời nông nổi, càng quên thật nhanh càng tốt.
Tín có
thơ Mười sáu cuộc chiến tranh, tiểu
thuyết Bè Trầm, mình có cái gì nhỉ,
than ôi.
5. Cái xứ
chi kì, quan tâm đến bao bì là chuyện thường nhưng thiêng liêng hoá bao bì thì
có lẽ ở đây chỉ có một. Mỗi lần sang nhà anh Mỹ (Nguyễn Quang Mỹ) chơi, anh cứ
nhắc mày làm cái tiến sĩ đi em, mày có mấy trăm giờ dạy rồi, thế nào cũng được
phó giấo sư. Ôi giời! Giáo sư giáo seo, nhà văn nhà veo, nhân dân nhân deo...
chẳng qua trời hành mà đeo lấy thôi, sung sướng cái gì mà giành giật.
Có thẳng
chỉ đau đáu không biết cha Thỉnh ( Hửu Thỉnh) có cho mình cái giải Hồ Chí Minh,
giải Nhà nước không. Mồm thì chửi mấy cái giải thối inh, bụng thì nơm nớp lo
không đến được phần mình. Có thằng chầu chực chuyện đi Tây, chuyến nào cũng lo
không biết báo tây, đài tây, ti vi tây có nhắc đến mình không. Mốt bây giờ hễ được
tây nhắc thì mới sang, tây nhắc rồi thì thích lắm, lưu hình lưu báo y chang lưu
bảo vật. Nhưng hễ có ai nói tôi nghe đài này đài nọ, báo này báo nọ phỏng vấn
ông đấy thì làm bộ uể oải nói thế à, ừ
cũng có mấy thằng nó đến hỏi, mất thời giờ với chúng nó quá. Có biết đâu thứ tây mà mình vẫn giao du, đa phần cũng chỉ là lũ cowboy.
Đại hội
nhà văn lần thứ mấy không nhớ nữa, anh Phan Vũ khi đó đã 75,76 tuổi, nói tụi
bay chơi đâu cho tao đi với. Mình hỏi bạn anh đâu cả rồi, anh nói chết hết trọi...
đú má. Mình biết bạn anh còn nhiều, chết sao hết được, nhưng rặt chỉ bao bì
không thôi, còn lại thì rỗng không. Bao bì thì tính làm gì, chơi làm gì, phí. Sắp
đến cõi rồi, mười ông thì có đến chín ông ngồi lo bao bì sao cho hoàn hảo, hễ
ai động đến cái là lồng lên như sói.
Ừ nhỉ, bây giờ ngoảnh đâu cũng thấy
toàn bao bao bì, bạn bè một thuở đâu rồi tá?
Rút từ Bạn văn 2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét