Ông bán vé về tuổi thơ


Chân dung
Tối qua nhậu về, mở mobile thấy tin nhắn của Ánh (Nguyễn Nhật Ánh) tới từ lúc nào: “Đang đọc lại bài Bạn bè một thuở giờ đâu tá của Lập, thấy chính xác đến mức rờn rợn”, tự nhiên sực nhớ đã lâu lắm rồi mình chưa gặp Ánh.

Mình biết Ánh, đọc thơ nó từ năm 1980, nhưng mãi đến năm 1998, khi nó viết cho Kim Đồng bộ Kính vạn hoa thì mình mới gặp, từ đó chơi với nhau cho đến bây giờ. Ánh giống mình, làm thơ từ năm 13 tuổi, đến năm 1984 mới chuyển sang viết văn xuôi. Thoạt kỳ thủy nó lấy bút danh: Hoài Mộng Diễm Thư, he he sến chảy nước, ý là mơ có những trang văn đẹp, ặc ặc. May có Nguyễn Văn Bổn, tức anh Tần Hoài Dạ Vũ, nó mới rũ sến đứng dậy sáng lòa, hi hi… Anh Bổn nói tao tên xấu mới bịa ra cái bút danh dài loằng ngoằng vậy chớ, cái tên Nguyễn Nhật Ánh hay bỏ bà, Hoài Mộng hoài meo, Diễm Thư diễm theo làm cái dzầy!  Từ đó nó mới chịu lấy bút danh tên thật.


Ánh viết văn khỏe lắm, hồi làm bộ Kính vạn hoa, nó viết một tuần một tập sách, chưa thấy ai viết một tuần một tập sách được như nó. Mà có phải viết văn không đâu, nó còn phải viết báo. Tuần nào cũng có bài bình luận bóng đá với cái tên Chu Đình Ngạn trên báo Sài Gòn Giải  Phóng và mục Vườn hồng với cái tên Anh Bồ Câu trên báo Thanh Niên. Ngoài ra người ta đặt bài tứ tung, nó cũng viết tứ tung, ký đủ các tên Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông… Kinh hoàng!

Đến nay Ánh viết trên trăm cuốn sách, nó cũng không nhớ là bao nhiêu cuốn. Mình hỏi Ánh, nói ông nói chính xác là bao nhiêu cuốn, nó nhăn răng cười, nói đại khái hơn trăm cuốn. Sách Ánh bán chạy khủng khiếp, tái bản liên tù tì, hiếm có cuốn nào in dưới vạn bản, làm nhà văn được như vậy thật sướng. Trẻ con bây giờ đứa nào không biết Nguyễn Nhật Ánh chắc chắn đó là đứa cực dốt văn. Xưa có Tô Hoài,  Xuân Sách, Trần Đăng Khoa giờ có Nguyễn Nhật Ánh, chỉ mỗi Nguyễn Nhật Ánh không còn ai. Bảo Ninh có lần vỗ vai mình, buột miệng nói này, nói ra dại mồm chứ thằng Ánh mà chết thì nước Nam này chẳng còn ai viết sách cho bọn trẻ không nhỉ. Mình cũng chẳng biết nói thế nào, nghĩ mãi không ra ai có thể thay thế được Nguyễn Nhật Ánh.

Mình có ông bạn rất ngạo, sách trong nước không thèm đọc, sách viết cho thiếu nhi lại càng không. Một hôm nó xin mình mấy cuốn thiếu nhi cho đứa cháu. Mình đưa mấy cuốn của Nguyễn Nhật Ánh – Bàn có năm chỗ ngồi, Chú bé rắc rối, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Thằng quỉ nhỏ. Tuần sau ông này gọi điện cho mình, nói tao đưa cho thằng cháu, nó bảo mấy cuốn này cháu đọc từ lâu, bác chưa đọc à. Tao bảo chưa. Nó xì một cái, nói xời, thế thì bác không biết đọc sách rồi. Tức chí tao nằm đọc một lèo cả bốn cuốn sách… Được, khá, hay! Thằng cha này đúng là ông bán vé về tuổi thơ mày ạ, người lớn không đọc thật phí.

Mình nghiệm ra sách viết cho thiếu nhi mà người lớn đọc thấy thích thì trẻ con nhất định mê li. Phải nói trẻ con mê Ánh như điếu đổ. Hễ nó đến giao lưu chỗ nào là trẻ con xúm đen xúm đỏ xin chữ ký. Phạm Ngọc Tiến khoe, một hôm thấy quá đông trẻ con vây quanh Ánh, nó đứng ra giữ trật tự, chỉ định từng đứa vào xin chữ ký. Lũ trẻ nhìn Tiến ngưỡng mộ lắm, thì thầm với nhau, nói bác này quen Nguyễn Nhật Ánh đấy. Tiến trừng mắt lên, nói không phải quen, tao là bạn, bạn thân, rõ chưa. Lũ trẻ lại càng ngưỡng mộ, Tiến sướng, cười tít mắt.

 Nguyễn Trọng Tín còn vui hơn. Tín đưa cuốn sách Ánh tặng cho thằng cu con, nói Nguyễn Nhật Ánh tặng mày đó. Thằng cu soi đi soi lại chữ ký của Ánh, nói thiệt giỡn ba. Tín cười, nói ủa, mày không tin tao quen Nguyễn Nhật Ánh à. Thằng cu trố mắt nhìn Tín, nói ba mà quen được Nguyễn Nhật Ánh à. Mình còn thảm hơn. Có lần mình và Ánh gặp lũ nhỏ, chúng nó ùa ra vây quanh Ánh, chẳng thèm để ý đến mình, đứa nào đứa nấy nhìn mình như nhìn cục đất. Ánh giới thiệu đây là nhà văn Nguyễn Quang Lập, bạn anh. Chúng nó trợn mắt há mồm, nói ủa vậy ta, bác này mà cũng bạn anh à , hi hi. Mình thua Ánh một tuổi, thế mà mỗi lần cùng với nó gặp mấy em u – chíp – hôi, mấy em gọi Ánh bằng anh, còn gọi mình bằng bác. Ưu tiên lắm chúng nó mới gọi bằng bác, nếu không chúng gọi bằng ông, hi hi, khổ thân ông bọ.

Ánh có gương mặt búng ra sữa, gần sáu chục tuổi rồi vẫn trẻ trung như thanh niên mới lớn. Ánh trẻ cũng vì cái tính, chả biết ở nhà viết lách thì thế nào, ra đường lúc nào cũng phơi phới niềm tin, bạn bè với trẻ nhỏ, chơi bời nghịch ngợm buồn buồn giận giận, cười cười nói nói rất vô tư. Lắm khi rượu say nó nhảy nhảy múa múa y chang thằng con nít. Chỉ duy nhất một lần mình thấy nó khác hẳn những ngày thường, là khi nghe tin anh Nguyễn Thắng Vu bị bạo bệnh. Khi đó đang hò hét tưng bừng ở Đo Đo, chợt nó đứng sững, rơi xuống ghế ngẩn ngơ, nói thiệt vậy ta.

 Anh Vu vốn là giám đốc NXB Kim Đồng, gắn bó với Ánh hơn hai chục năm, hiếm ai chăm sóc Nguyễn Nhật Ánh được như anh, nhờ thế 54 tập Kính vạn hoa, 28 tập Chuyện xứ Langbian và nhiều cuốn khác của nó mới có mặt giữa đời, có thể nói chắc như vậy.

 Nó ra Hà Nội thăm anh Vu, quay vào Sài Gòn gọi mình ra quán rượu, nói anh Vu chắc không qua khỏi đâu. Nói vậy rồi ngồi im cả giờ, uống hết chén này sang chén khác. Đến khi say, nó nhìn xuống đáy chén rượu thì thầm, nói ở đời hiếm ai được như anh Vu, văn học thiếu nhi hiếm ai được như anh Vu… Nó rưng rưng nhìn ra cửa sổ, nói Lập nói những người tốt thường hay chết, đúng không. Thôi từ này đừng nói thế nữa, sợ lắm… Khi đó mắt nó thẳm sâu một nỗi đau đời, chỉ những người chịu nhiều tủi nhục đắng cay mới có đôi mắt ấy.

Rút từ Bạn văn 2

0 nhận xét:

Đăng nhận xét