Ba Đồn quê tôi ở giữa Đèo Ngang và Sông Gianh, cả hai đều là những địa danh nổi tiếng, nguồn cảm hứng thơ ca của nhiều danh sĩ nước Nam, cả hai đều đầy ắp kỉ niệm trong tôi. Đặc biệt sông Gianh, nó gắn bó với tôi sâu sắc đến nỗi, nhiều khi đi xa tôi không nhớ Ba Đồn bằng sông Gianh, giống như tôi nhớ mạ tôi nhiều hơn ba tôi vậy.
Sông Gianh bắt nguồn từ đỉnh Cô- Pi thuộc dãy núi Hoành Sơn hùng vĩ, chảy theo hình chữ V đi hết 160 km, tuôn ra biển. Nó là dòng sông không phù sa, hình như nó là dòng sông lớn duy nhất chỉ chảy cắt ngang qua một tỉnh, không chung chạ với tỉnh nào. Xưa kia nó được gọi là Đại Linh Giang. Theo Đào Duy Anh, cái tên này có từ thế kỉ 3, thời Tây Tấn bên Tàu. Sau này dân gọi tắt là Linh Giang nên có người nhầm với Linh Giang ở Huế, là sông Hương ngày nay.
Không hiểu vì sao và từ lúc nào nó có tên là sông Gianh. Có người nói xưa sông này nhiều cỏ tranh, dân ở đây gọi là sông Tranh, dân Bắc gọi trại ra là sông Gianh. Không chắc. Khắp miền Trung sông nào xưa không có nhiều cỏ tranh. Có người nói vì nó là ranh giới cuộc chiến lần thứ 8 chiến tranh Nam- Bắc triều (1774-1775) nên gọi là sông Gianh. Cũng không chắc. Dân Bắc nói âm r ra âm d chứ không phải âm gi. Vả, Trịnh- Nguyễn phân tranh chủ yếu dân miền Trung choảng nhau, dân Bắc cũng có nhưng rất ít. Không nơi nào nói âm r chuẩn như dân miền Trung, chẳng ai gọi ranh giới là gianh giới cả.
Nhưng dù cái tên sông Gianh có nguồn gốc xác đáng đi chăng nữa thì tôi vẫn thích gọi nó là sông Linh, bởi vì nó là cái tên đẹp của người con gái . Giống như đời người con gái quê tôi, sông Linh có ba vị, đầu nguồn nó là sông nước ngọt, nửa sông về cuối nó là sông nước lợ, và khúc cuối cùng, chỗ giáp nối với biển nó là sông nước mặn. Ba khúc đời ba vị, đầu đời yêu đương ngọt lịm, giữa đời nhẫn nhịn thờ chồng hầu con, cuối đời mặn mòi với hết thảy.
Từ thủa bé thơ cho đến lúc khôn lớn, không chiều nào tôi không đến với sông Linh.Dường như bao giờ sông Linh cũng chờ đón tôi, chẳng cứ gì tôi, từ bao đời nay nó vẫn dịu dàng chờ đón với tất cả. Nó bắt nguồn từ phía bên kia dãy Hoành Sơn chín mươi chín ngọn *.Nhìn từ Thị trấn Ba Đồn, dãy núi giống như một bức tranh hoành tráng miêu tả một cuộc khởi nghĩa nào đó. Nó, dòng sông, nhẹ nhàng men theo những làng mạc trù phú chảy về xuôi. Trước khi trôi về Thị trấn, sông Linh ngoái lại thượng nguồn nhiều lần như nuối tiếc vì một nghĩa vụ chưa thành về nơi đã sinh ra nó, hoặc là thương nhớ và day dứt về những gì nó sống với thượng nguồn…
Những vòng tròn mở rộng của dòng sông do “ngoái lại” nhiều lần đã tạo nên những cù lao đứng trầm ngâm giữa dòng sông. Gặp Thị trấn, dòng sông bỗng vỡ ra, chảy tràn trề không thành dòng, dập dềnh mọi bãi bờ men Thị trấn. Lần đầu tiên dòng sông biết đến một miền quê đông vui, nhộn nhịp, lấp lánh ánh điện và âm vang những âm thanh náo nhiệt mà suốt 160 km từ thượng nguồn nó không hề bắt gặp. Dòng sông không muốn chảy tiếp nữa, cứ dùng dằng quanh Thị trấn cho đến lúc nó sực nhớ nó là dòng sông, đích của nó là biển cả, thế là nó vội vã lao đi. Trước khi tạm biệt Thị trấn, nó ngoái lại hai lần: Chào, chào… và lao như điên về biển cả. Bắt đầu từ Thị trấn, sông Linh chảy xiết hơn, ầm ào, hùng hục… Hình như nó sợ nếu dừng lại, ngoái lại một lần nữa, dù chỉ trong giây lát, là nó không thể đi được, không cách gì rứt ra mà đi được…Đấy là những gì tôi đã viết trong cuốn Những mảnh đời đen trắng.
Đấy cũng là những ấn tượng bé thơ của tôi về dòng sông, cho đến quá nửa đời người ấn tượng ấy không hề phai nhạt, càng ngày càng thẫm đẫm trong tôi. Và kỉ niệm, những kỉ niệm rưng rưng trên dòng sông mưa nắng đời người. Tôi nhớ những chiều vàng nắng ngụp lặn tha hồ bắt những cua càng. Tôi nhớ những ngày mưa lui cui đem lờ đi đơm cá ngạnh. Ngày tôi chín tuổi lần đầu tiên trong đời thấy cá ngạnh nối đuôi nhau bơi đen đặc dòng sông. Một cuộc diễu binh hùng vĩ của cá ngạnh mà tôi không thể gặp lần thứ hai, đến chết cũng không thể nào quên. Mười hai tuổi biết thế nào là rạm bè. Đấy là những con cua nước lợ. Chúng nhỏ bằng cua đồng, nâu nâu đen đen. Ngày thường chúng vẫn đào hang trong hốc đá ở trên bờ, sống lẻ loi từng cặp một. Đến mùa nước lũ chúng kết nối với nhau, “xóm” này vài ba trăm con, gặp “xóm” khác vài ba trăm con. Những chiếc bè nhỏ kết nối với nhau thành chiếc bè lớn vài ngàn con, có khi vài vạn con. Mùa lũ năm 1968, dân Thị trấn quê tôi sững sốt thấy một bè rạm bè to lớn, đến vài chục mét vuông chứ không ít. Chiếc bè vĩ đại, chừng vài chục vạn con rạm bè đang dập dềnh giữa dòng sông. Từ đó về sau, dù ở nơi đâu cứ đến mùa lũ là tôi nhớ đến những con rạm bè và chiếc bè vĩ đại ấy. Nhớ để tin vô cùng dù khốn khó thế nào dân quê tôi cũng quyết không buông xuôi, gục ngã.
Năm nào lũ cũng về, năm nào dân hai bờ sông Gianh cũng điêu đứng vì lũ lụt. Lũ năm nay là cơn lũ thế kỉ, cả mấy ngàn ngôi nhà trôi sông, mấy vạn con người ngập ngụa trong nước lũ. Nhưng không ai bỏ quê mà đi, hoàn toàn không. Cũng như hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sông Gianh là đầu mối giao thông chiến lược, bom đạn cày xới quê tôi trắng đến từng tấc đất theo đúng nghĩa đen của nó, vẫn không ai bỏ quê mà đi. Người sông Gianh như những con rạm bè cố kết với nhau để mà sống giữa bao nhiêu hoạn nạn.
Nhà văn Văn Linh tác giả cuốn Mùa hoa dẻ nổi tiếng một thời, anh quê Hà Tĩnh nhưng quá nửa đời đã sống với người dân quê tôi, khi nào anh cũng nói anh là người sông Gianh với niềm tự hào khôn xiết. Bộ tiểu thuyết Sông Gianh ba tập hơn nghìn trang sách vừa ra đời cách đây ít năm, anh đã dành bộ sách cuối cùng của đời mình cho sông Gianh quê tôi. Một ngày mùa thu Hà Nội anh ngồi với tôi ở quán cóc bên đường, nhìn lá vàng rơi đuổi nhau trên đường phố, bỗng dưng anh hỏi tôi, nói Lập có nhớ rạm bè sông Gianh không. Tôi không trả lời, nhìn anh chờ đợi. Rất lâu sau anh rưng rưng nhìn tôi, nói những con rạm bè khát sống nhưng chúng khát sống để sống vì nhau, có phải không em?
Khi đó tôi ứa nước mắt nhìn anh. Tôi nhớ đến vụ chìm đò ở Quảng Hải tết năm kia, hơn bốn mươi người chết. Trong số đó có một cô bé mười ba tuổi. Khi biết mẹ đã kiệt sức vì vừa bơi vừa phải dìu mình, cô bé đã buông mẹ ra, nói mẹ phải sống để nuôi em, rồi lặng lẽ chìm xuống đáy sông sâu.
Ôi những con rạm bè Sông Gianh, làm sao tôi quên được.
Rút từ Chuyện đời thường vớ vẩn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét