Tiền... bạc

Tản văn


Ở đâu không biết chứ ở xứ ta xưa nay đồng tiền là thứ dễ nhận nhưng khó nói, là vấn đề đầu tiên trong mọi cuộc thương thảo nhưng lại được nhắc đến sau cùng, có khi còn không nhắc đến nữa, trăm sự là do hai cái bệnh cực xấu của dân mình, ấy là sĩ và láu.

Hễ thuê ai việc gì đó, ít ai động đến cái chữ thuê, chỉ dám nói đến nhờ. Đã nói nhờ vô lẽ lại xướng tiền công, khéo không người ta tự ái chết. Người ta đã bảo nhờ rồi mà mình lại hỏi tôi làm việc này được bao nhiêu thì vô duyên quá. Thành ra cứ loanh quanh, ú ú ớ ớ ậm ậm ừ ừ , chữ tiền mắc ngang họng khạc mãi không ra.

Chẳng nói đâu xa, ngay trong nghề viết lách cũng vậy. Chẳng ai nói cho ông tác giả biết ông viết bài này được bao nhiêu, toàn thấy nhắc nhanh nhé, hay vào nhé, đừng gửi nơi khác nhé. Toàn nhé ràng buộc chẳng thấy cái nhé nào động đến tiền nong.

  Ông tác giả cũng chỉ biết ok ok, hầu như không có ai hỏi ông toà báo, nói bài này ông trả tôi bao nhiêu, câu hỏi rất chính đáng nhưng hễ mở mồm là thấy khó nói, y như có ai bóp cổ chặn hầu. Nói ra sợ người ta cho mình tinh tướng, chưa viết đã đòi tiền, ngại lắm. Thôi thì tắc lưỡi cho qua, may nhờ rủi chịu, mình cứ cố hết sức, gái có công chồng không phụ, nhỡ người ta phụ mình thì thôi chứ biết làm thế nào.

Viết lách đã trên ba mươi năm, nhiều lần mình nhận được những món tiền công lớn quá bất ngờ, cầm tiền vừa mừng vừa cảm động, không ngờ người ta trọng mình đến thế. Nhưng cũng không ít lần bị mấy ông chủ chơi cho mấy vố đau hơn hoạn.

Năm 1992 có đoàn kịch dựng của mình một lúc hai vở kịch, hồi này nhuận bút chừng ba triệu đồng một vở, tưởng sắp có 6 triệu bạc, cả nhà tiêu xài thoải mái nửa năm mới hết, sướng rêm. Khi đang dựng thì đoàn điện thoại rối rít bảo viết thêm cái này sửa thêm cái kia, hỏi hợp đồng sao chưa thấy gửi vào thì nói rồi rồi, yên tâm đi.

Đến khi dựng xong thì thấy im re, gọi điện tắt máy, viết thư không trả lời, viết thư gửi cả giám đốc sở cũng im lặng đáng sợ. Mình tức, bèn kiện lên Cục bản quyền, Cục bản quyền hăng hái lắm, lập tức vào cuộc ngay. Nhưng rồi người ta giải quyết bằng cách trả nhuận bút theo luật nhuận bút từ năm 1958, tóm lại hai vở được năm trăm ngàn, hu hu.

Thế hãy còn may. Cũng năm 1992 nghe tin một đoàn dựng vở của mình, lập tức đến tận nơi. Gặp mình, lãnh đạo đoàn mừng lắm, đãi một trận tơi bời, tôm hùm con nào con nấy bằng bắp tay cứ gọi tơi tới. Mình khấp khởi mừng thầm, đoàn này giàu chắc nhuận bút người ta trả cho mình sẽ lớn. Ai dè người ta trao cho mình một phông bì hai chục ngàn đồng, nói anh thông cảm đoàn hãy còn khó khăn.

Mình cầm hai chục ngàn mà nghẹn đắng, thương mình thì ít thương Lưu Quang Vũ thì nhiều. Mới hiểu vì sao anh viết đến 50 vở, 150 đoàn kịch dựng mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Nghe nói khi anh Vũ chết, bạn bè lập một ban đòi nợ cho anh, đòi cả năm chỉ được vài triệu, rồi cái ban ấy cũng tan, người chết hết chuyện. Đòi sao được mà đòi, thời đó sân khấu toàn thoả thuận mồm với tác giả, có hợp đồng hợp đeo gì đâu.

Ấy là chuyện đời sơ, thời của xin cho, giới viết lách giống nông dân làm ruộng  thật thà ngu ngơ, được người ta dùng cho đã mừng, để cho mấy ông lý trưởng chánh tổng chúng nó vặt hết, đã thế mình phải mang ơn chúng nó nữa. Bây giờ khác rồi, bên A bên B đều giở trò láu ra, ra sức thổi phồng cái tâm làm bao bì cho mọi mối quan hệ .

Làm dự án văn hoá nào cũng đặt những món tiền cực lớn cho thù lao văn nghệ sĩ trong các dự trù kinh phí, ai hỏi sao lớn thế thì bảo tài năng là của hiếm, ông nọ bà kia là nguyên khí quốc gia, họ là vô giá vô giá. Đến khi chi tiền chỉ được một nhúm, nói bác thông cảm, chúng em thuyết trình mãi mới được chừng này, bọn tài chính chúng nó có biết gì các bác đâu, chúng nó cứ cào bằng, tiên sư bố chủ nghĩa bình quân, tức thế không biết.

Chừng đó cũng chưa xong, người ta còn chìa ra cái chứng từ bảo tiền của bác chừng này nhưng bác kí cho em chừng này, em còn phải chi bao nhiêu khoản không thể làm chứng từ được. Cứ chịu khó vặt khẽ từng khoản một nho nhỏ như thế nhưng gộp lại là cả một đống to đùng, nhà nước ra sưc chi tiền, mấy ông ra sức bòn rút, kinh phí bỏ ra làm có khi không đầy một nửa.

Nhưng vỏ quít dày đã có móng tay nhọn, mấy ông bà nghệ sĩ ngày nay chẳng phải tay vừa. Có sô nào ai gọi là ok liền, nếu có nói tiền nong bao nhiêu thì nói thôi thôi, anh em mình làm một sô kỉ niệm, bác nói chuyện tiền nong làm gì sớm, mất tình mất nghĩa. Đến khi người ta trưng biển kéo tên mình lên rồi mới thủng thẳng ra giá.

Có người còn chờ đến giờ diễn, người ta gọi điện bảo sao chưa đến, khi đó mới nhăn nhó nói ông ơi tôi kẹt cái này kẹt cái kia, dồn người ta vào thế bí buộc phải nâng giá lên trên trời, được khẳm tiền rồi tất nhiên là hết kẹt.

Trong điện ảnh cái việc quay nửa chừng rồi mới làm reo hầu như phim nào cũng có. Mời nhập vai thì hồ hởi phấn khởi lắm, nói tôi bận quá nhưng vai này tôi thích, với lại ai gọi chứ ông gọi thì tôi không thể chối từ. Đến nửa phim khi đó mới giở trò, hết vợ ốm đến bồ ghen, lại mẹ đau con ốm. Chỉ cần cát sê nâng lên gấp đôi lập tức mọi chuyện êm như nhíp.

Xong rồi đua nhau lên ti vi tranh nhau nói về cái tâm, kẻ nói về tình yêu nghệ thuật, người nói về trách nhiệm nghệ sĩ, trách nhiệm công dân… cứ bem bép như thế mà không biết ngượng.

Tiền bạc là thứ xấu xa, cho nên để có nó người ta phải nhân danh những gì cao cả, những gì tốt đẹp. Một ông trưởng đoàn hễ nhắc đến tình trạng sân khấu bao giờ ông cũng khóc, đau lắm các đồng chí ơi. Thế nhưng bất kì vở nào ông cũng đạo diễn, kiêm luôn tác giả, kiêm luôn âm nhạc, kiêm luôn họa sĩ thiết kế, kiêm luôn phục trang. Đến khi ra vở chỉ mỗi mình ông xem, ông khen hay chứ chẳng có ma nào xem. Ông lại khóc, lại nói đau lắm các đồng chí ơi.

Cũng đau lắm các đồng chí ơi nhưng ông đạo diễn khác còn cao thủ hơn, ông nói được nửa câu thì nghẹn lại, cố ghìm không trào nước mắt, ông nói các đồng chí có biết không, chỉ cần một phần triệu số tiền bọn tham nhũng ăn cắp của nhà nước, chúng ta có thể dựng được nghìn vở kịch có chất lượng.

Ông nói đến tiếng chất thì nghẹn lại uất hận, mãi sau mới trút được  tiếng lượng. Mọi người nghe ông nói cứ lo ông uất quá, tăng xông mà chết. Ai biết nhiều lần dựng vở ông mang theo cả đống áo quần cũ của vợ con bán cho đoàn với giá gấp đôi, gấp ba giá mua cái mới, bởi vì ông là giám đốc sở, người cấp tiền dựng vở cho đoàn.

Ôi chao sự đời lắm nẻo, đồng tiền thì lạnh giá cái lưỡi thì không xương, nói dzậy mà không phải dzậy, ai cũng biết vậy cả rồi. Cho nên hễ cứ động đến tiền là nghĩ ngay cái sự bạc ở đời, buồn lắm.



Related Posts:

  • Thằng cu Bợp Tản văn Nó tên Thỉ, hình như Ngô Thỉ thì phải. Năm 1967 mình theo ba mình  lên làng Dói thuộc thung lũng Chớp Ri được mấy ngày, mẹ nó cũng … Xem thêm
  • Con chó Giôn Tản văn Nó tên Giôn, tức Giôn xơn. Hồi chiến tranh, chó mèo đều lấy tên Giôn xơn, Ních xơn, Thiệu, Diệm ra đặt cả. Làm cái nhà vệ … Xem thêm
  • Nhậu nhẹt ba miền Tản văn Dân viết lách thường hay tụ bạ nhậu nhẹt, phần vì ham vui, rời khỏi bàn làm việc, sau khi một mình chống chọi với “ pháp trường trắng”, … Xem thêm
  • Chuyện buồn muôn năm Tản văn Nếu có một lúc nào đó tôi thấy ân hận vì mình đã lỡ ném cả cuộc đời cho văn nghệ thì chính là khi tôi ngán ngẩm vô cùng về cái sự đố kỵ,… Xem thêm
  • Bí mật 30 năm Tản văn Phùng Quán làm bài thơ Lời mẹ dặn khi mình mới một tuổi ( 1957), mặc dù bị cấm đoán lung tung nhưng đến năm 7 tuổi mình đã biết, còn đượ… Xem thêm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét