Kiến, chuột & ruồi của Nguyễn Quang Lập nhìn từ những ký hiệu


Nhà thơ, nhà phê bình Hoàng Thuỵ Anh

Kiến, chuột & ruồi bắt đầu từ đũng quần. Đũng quần vá chằng vá đụp là Đời. Vì hầu hết chúng ta đều sinh ra bên trong chỗ chắp vá ấy (tất nhiên, nói thì nói vẫn chừa những kẻ ra đời cách một gang). Đũng quần là nơi hứa hẹn những mầm sống, sinh sôi nảy nở. Nhưng nó cũng gợi mở những phận số nghèo khổ, cùng cực, tăm tối. Chọn góc nhìn Đời qua đũng quần, Nguyễn Quang Lập dựng lại thời kỳ cải cách ruộng đất đầy tăm tối, mông muội, bi thương. Trong truyện, Thị trấn Kô Long chính là một xã hội thu nhỏ, gói trọn những năm tháng đầy máu và nước mắt.

1. Tôi - hài nhi, là người kể chuyện. Tôi kể một cách hồn nhiên. Mọi thứ đối với tôi đều bất ngờ, lạ lẫm như cách tôi đón nhận Đời. Tôi nhìn Đời qua đũng quần nên tôi đếch sợ ai, kể tuốt luột, kể bất chấp không bỏ sót đường khâu mũi vá nào, kể cả chuyện riêng tư thầm kín của mình. Vì thế, đọc Kiến, chuột & ruồi, độc giả như đang tự mình trải nghiệm, cùng dấn thân vào tấn bi kịch của Thị trấn Kô Long.
2. Kiến biểu tượng cho phận người mỏng manh, lầm lũi, lam lũ. Kiến là biểu tượng của sự may mắn, gắn với lần Phạm Vũ thoát án tử, được vàng ở Hói Ma, thăng chức. Kiến còn là âm hồn, bóng ma. Kiến đen đặc dòng chữ “Tôi bị oan” như chất dày hơn nỗi oan ức của 26 người bị chém với tội danh thành phần gián điệp cho Quốc dân Đảng, tiểu tư sản phản động.
3. Chuột là ký hiệu của âm ty, của những kẻ lén lút ban đêm, thích lục lọi, soi mói. Chuột xuất hiện báo hiệu Phạm Vũ rơi vào tình huống tréo ngoe. Từ quan lại cho đến dân Thị trấn Kô Long, đám trẻ con,… đều như muốn lục tung cả cái chuồng bò mà gia đình Phạm Vũ đang ở. Những đôi mắt tinh chuột luôn rình mò nhất cử nhất động của Phạm Vũ. Chuột còn là ký hiệu của dịch bệnh. Dịch bệnh moi móc, tọc mạch để hãm hại nhau này truyền từ Thị trấn lên Huyện, Tỉnh và đến cả Trung ương, rồi từ Trung ương truyền về lại như một vòng tròn khép kín.
4. Ruồi thường sinh sôi ở nơi thối rữa, bẩn thỉu. Sự phát triển bầy đàn của chúng thách thức những phòng vệ của con người, cho nên, ruồi là ký hiệu của sự rượt đuổi không ngừng. Phạm Vũ rượt đuổi ruồi, tránh ruồi nhưng ruồi càng bu lấy. Làng Kô Long đầy ruồi. Huyện, Tỉnh và Trung ương cũng đầy ruồi. Chi tiết ma ruồi bám hai ống quần căng phồng và hành động bỏ chạy thục mạng của Phạm Vũ, chi tiết lằng nằm sau gáy Phạm Vũ trùng khớp với cái chết đột tử sau gáy của bác Đông trai như bóc mẽ cái dây thòng lọng vô hình đen tối khủng khiếp của xã hội, sẵn sàng xiết cổ người dân mọi lúc mọi nơi; như tố cáo nỗi sợ hãi, lo lắng, luôn tìm cách đề phòng, co mình lại của Phạm Vũ.
5. Kiến, chuột & ruồi thực chất là những bóng ma ám khói lên cái chuồng bò chứa 12 người (đứa sau cùng, 13, chỉ nghe kể lại, chứ chưa được “tận hưởng” cái không gian đầy bi kịch ấy). Kiến, chuột & ruồi cùng với “ma người” thiết kế nên cái chuồng bò đặc biệt - ký hiệu của một giai đoạn lịch sử đặc biệt đầy bi thương - cải cách ruộng đất. Cái chuồng bò trở thành nơi trú ngụ hỗn tạp của người, kiến, ruồi, chuột. Hôi hám, bẩn thỉu nhưng cái chuồng bò là tấm thẻ căn cước tồn tại, để Phạm Vũ rời bỏ thành phần trung nông làm dân nghèo thành thị. Là bệ phóng để Phạm Vũ chứng tỏ tình yêu, lòng trung thành với cách mạng. Là bệ phóng để Phạm Vũ thăng chức, tìm cách chống chọi, đè bẹp đám âm binh. Nhưng đó cũng là nơi để Phạm Vũ che dấu những run rẩy, hèn yếu của mình trước những bóng ma thời cuộc hắc ám.
6. Hói Ma với 3 màu diệp lục, đỏ, đen đặc mang những ký hiệu khác nhau: sự sống, điềm báo và cái chết. Hói Ma đúng như tên gọi của nó, là không gian sống & chết của các loại ma: ma kiến, ma chuột, ma ruồi và ma người. Cuộc sống của các nhân vật thường gắn liền với Hói Ma. Hói Ma có thể là nơi kiếm sống của kẻ này nhưng lại là nơi chết của kẻ khác. Hói Ma cũng là ký hiệu thăng - giáng trong cuộc đời Phạm Vũ. Hói Ma đổi thay màu bí ẩn, bất ngờ như chính cuộc đời của các nhân vật. Các nhân vật trong truyện lúc ma lúc người, chẳng biết đường nào mà lần. Cách mạng cũng như Hói Ma. Chẳng biết đường nào chứng tỏ tình yêu cho đúng đắn, hợp lẽ, hợp tình với cấp trên. Không cẩn thận thì bị chặt đầu oan như bà Mai và 25 người khác hoặc may mắn thoát chết thì cũng bị dập xuống nảy lên như Phạm Vũ.
7. Giấc mơ là ký hiệu của ham muốn, biểu thị những dục vọng bị kìm nén của con người. Giấc mơ của Thu - mạ tôi - vợ Phạm Vũ, về lũ chuột ở Hói Ma dự báo điềm xấu. Giấc mơ hình trụ của ba tôi - Phạm Vũ, thể hiện những khoảnh khắc nghiệt ngã, cận kề cái chết. Giấc mơ của dị nhân Kiểm Hát gắn liền với phận số Phạm Vũ. Lão mơ gì thì ngày sau Phạm Vũ nhận như thế. Giấc mơ của Kiểm Hát vì thế có chức năng dự báo. Kiểm Hát là dị nhân, say khướt, say lại chửi, nên có thể nói, giấc mơ là nơi lão mới được sống, được nghĩ thực sự. Trao giấc mơ tiên đoán cho kẻ dị nhân, phải chăng nhà văn muốn chứng minh rằng: cái giai đoạn đau thương, xáo trộn này, rốt cuộc, chỉ kiểu dị nhân như Kiểm Hát mới tồn tại, mới song hành một cách “an toàn” với cách mạng được.
8. Sex, trong giai đoạn cải cách ruộng đất, hẳn nhiên là điều cấm kỵ. Sex trong tiểu thuyết Kiến, chuột & ruồi hôm nay, đúng là xả sex. Nhà văn viết sex cởi mở, táo bạo, dữ dội nhưng đầy chất tưng tửng, trào lộng. Ngọc hành, bánh ú chúm chím trở đi trở lại chứng thực sự giao phối hết sức tự nhiên, bản năng của con người. Nhưng theo tôi, cái mà nhà văn muốn nói thông qua sex mới chính là vấn đề cốt lõi. Tiếng rên rỉ của chị Hiên khi làm tình như tiếng mèo kêu hoang, rú ngược lên, là ký hiệu của khát vọng đam mê quyền lực danh vọng. Bằng chứng là chị Hiên đã dùng nguyên lý khép mở của con bướm, vịn vào đó mà bay lên. Con bướm của chị bay từ Phạm Vũ sang Đội trưởng, rồi từ Đội trưởng sang Thủ trưởng. Sau này bị Lâm Thủ trưởng, vợ Thủ trưởng, đẩy chết sông, nhưng cuộc đời chị Hiên xem như cũng đã vận hành khá tốt bộ máy nguyên lý khép mở mấy đời nhà chị: khép khi chờ thời cơ, mở khi lợi dụng uy quyền. Ngọc hành của Đội trưởng dập chị Hiên, rồi tiếp tục dập Lâm Thủ trưởng. Để “sửa sai”, Đội trưởng sẵn sàng cắt cu. Cắt cu rồi cu lại càng hăng hơn sau khi nối. Nhờ cu nối mà Đội trưởng lên làm Thủ trưởng đó thôi. Sex của mạ tôi và ba tôi thì khác. Nhờ sex mà mạ tôi luôn giữ được hạnh phúc với ba tôi, và còn phôi thai thêm thằng thứ 11. Nhờ sex, ba tôi trở lại người bình thường sau một thời gian dài “căng mình” làm Chủ tịch Tỉnh.
9. Tiếng rít điếu cày và cái xe biển số 2211 đều là ký hiệu của những bóng ma đen tối, đại diện cho những kẻ ghen ăn tức ở, lấy tố cáo làm lẽ sống. Tiếng rít điếu cày của Đội trưởng cứ vây bủa, thọc vào cuộc sống Chủ tịch Tỉnh Phạm Vũ, khiến Chủ tịch ăn ở không yên, lo lắng đến độ sinh ra tật giật mình, đái ra quần. Cái xe biển số 2211 cũng thế, như là mắt tai của Đội trưởng, Thủ trưởng, theo Phạm Vũ mọi lúc mọi nơi, càng khiến Phạm Vũ rơi vào tình trạng ngột ngạt, căng thẳng, áp lực. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề lại khác, thông qua tiếng rít điếu cày và cái xe biển số 2211, Nguyễn Quang Lập như muốn khẳng định cái tàn bạo không bao giờ ngừng đeo bám người dân; như muốn giễu cợt, mỉa mai cái nhút nhát, sợ sệt, mặc cảm của Chủ tịch Tỉnh Phạm Vũ. Là Chủ tịch Tỉnh rồi vẫn chưa tự tin trước quyền lực mà mình đang có.
10. Cái chuồng bò là trung tâm của mọi góc nhìn. Nơi này từng chứa 12 sinh mệnh (đã chết 3 đứa con). Tạm bợ. Bẩn thỉu. Cũng là chỗ trú của kiến, chuột và ruồi. Truyện đắt ở cái chuồng bò này. Các bóng ma: ma người, ma kiến, ma chuột, ma ruồi nhìn cái chuồng bò một cách thèm thuồng, muốn ăn tươi nuốt sống, dẫu hôi hám, nhơ bẩn. Phạm Vũ quyết không rời cái chuồng bò. Chuồng bò là cứu cánh, giúp Phạm Vũ hạ thành phần và thăng chức. Vậy ra, cái chuồng bò rất có giá trị: hôi mà ngon, bẩn thỉu mà cần thiết. Xa hơn, cái chuồng bò là sân khấu nhỏ của Thị trấn Kô Long, Thị trấn Kô Long là sân khấu lớn của xã hội. Bi kịch trong cái chuồng bò như một dấu chấm đen không bao giờ gột rửa được.
11. Mỗi nhân vật trong Kiến, chuột & ruồi ký hiệu cho một cách sống.
* Thủ trưởng, kẻ xuất hiện và biến mất luôn đột ngột. Đột ngột, bất ngờ như cách mạng. Chín chữ “Đồng chí rất tốt, tôi tin tưởng đồng chí” mà ai cũng thầm được khen nhưng ai cũng sợ. Vì Thủ trưởng là kẻ hai trong một, như lời bà Mai. Thủ trưởng là hai người: Thủ trưởng này và Thủ trưởng kia. Sống với Thủ trưởng, Phạm Vũ từ chỗ tin cậy, vô tư đến chỗ đề phòng, dè chừng tuyệt đối. Nhưng chẳng thể nào đề phòng nổi. Đề phòng Thủ trưởng này thì lại gặp Thủ trưởng kia. Ngay cả bà Lâm vợ Thủ trưởng cũng vấp phải, huống chi Phạm Vũ. Bóng ma Thủ trưởng có mặt khắp mọi nơi. Cuộc cải cách ruộng đất đã đẻ ra những Thủ trưởng như thế.
* Đội trưởng dưới trướng của Thủ trưởng nhưng lộng quyền, xảo quyệt, ăn chơi. Thủ trưởng ban quyền sinh quyền sát cho Đội trưởng. Đội trưởng thực thi bốc lột, sát hại người dân. Những hành hạ, bắt Phạm Vũ làm gần 60 cái điếu cày và đạp xe 40 cây số mỗi ngày mua 2 lạng thuốc lào chỉ để chứng tỏ cái uy quyền đầy ngu dốt, để thử lòng, xem Phạm Vũ có trung thành với Đội trưởng không. Mà trung thành với Đội trưởng là trung thành với Thủ trưởng, trung thành với Thủ trưởng là trung thành với cách mạng. Đội trưởng là một kẻ thừa thắng xông lên. Có cơ hội là tìm cách triệt tiêu ngay. Không có cơ hội thì tạo ra cơ hội để xử lý. Như trường hợp Phạm Vũ. Tổng số 26 người chết oan trong truyện đã tố cáo tội ác tày trời của cấp trên mà Đội trưởng là kẻ trực tiếp thực thi mệnh lệnh. Luật bất thành văn: Dân sai thì chém ngay. Cấp trên sai thì sửa sai. Thực chất, luật sửa sai của cấp trên chỉ là trò hề mà thôi. Sửa sai kiểu gì, mà rốt cuối, Đội trưởng vẫn là “người kế cận” của Thủ trưởng, vẫn thay mặt Thủ trưởng ngầm theo dõi, áp đảo người dân. Cả cuộc đời Phạm Vũ như hình với bóng với Đội trưởng. Phạm Vũ bị bắt bỏ tù cũng vì mắc mưu Đội trưởng. Thoát thân cũng nhờ Đội trưởng quá thèm thể hiện cách xử trảm độc địa, duy nhất của mình. Kể cả khi Đội trưởng bận đi nối cu ở phương xa thì cái điếu cày của hắn tiếp tục thay mặt hắn làm nhiệm vụ theo dõi Phạm Vũ.
* Chị Hiên, một người đàn bà hám của, tham vọng bất chấp. Cái bánh ú chúm chím của chị là mồi nhử. Chị là kẻ gió thổi chiều nào theo chiều ấy, lấy việc tố cáo kẻ khác làm nguyên tắc sống, lấy rình mò hòng kiếm lợi. Cũng vì nghe lóm Phạm Vũ có 200 cây vàng mà chị quyết lặn lội mò về Kô Long kiếm chác và tố cáo. Cũng vì Phạm Vũ là Chủ tịch Thị trấn mà chị quyết đưa cái bánh ú chúm chím khiêu gợi, mồi chài. Cũng vì Đội trưởng quyền uy hơn Phạm Vũ nên chị theo bằng được Đội trưởng, bám vào Đội trưởng, kích động người dân hoan hỉ với cách xử trảm man rợ đồng loại mình. Cũng chỉ vì mong có được Thủ trưởng, vì Thủ trưởng to hơn Đội trưởng, mà chị vĩnh viễn chấm dứt cuộc đời cùng cái giống khép mở.
* Phạm Vĩ và Phạm Phú Huệ, hai anh em chung tinh trùng nhưng khác chỗ đẻ. Phạm Vĩ nhận Phạm Vũ làm con nuôi, để lại một túi vàng 200 cây cho Phạm Vũ, sẵn sàng cung cấp, phục vụ mọi thứ cho cách mạng nhưng luôn tìm cách bỏ trốn khi cách mạng thành công. Riêng Phạm Phú Huệ thì không rời triết lý “không liên quan”, ăn chắc mặc bền. Ai ngờ đâu thời thế thay đổi, Phạm Vũ ra nước ngoài với một mớ tài sản kếch xù, còn Phạm Phú Huệ bị mất trắng. Theo hay không theo cách mạng, ai được ai mất, lại chẳng biết đường nào mà lần.
* Đọc cả truyện, tôi thích nhân vật dị nhân Kiểm Hát nhất. Dị nhân nhưng không dị tâm. Kiểm Hát chả sợ ai. Lão đan nơm kiếm sống sau 8 lần trừ gian diệt ác bị cụt hai chân. Rượu và cái loa là niềm vui lẽ sống của lão. Nhưng đằng sau con người dở dở ương ương ấy là cái tâm vô cùng trong sáng. Lão tìm cách cứu Phạm Vũ và gia đình Phạm Vũ khi khó khăn hoạn nạn. Lão được gửi gắm 200kg vàng từ Phạm Vĩ nhưng không hề sứt một mẻ nào. Phải chăng say và dở dở ương ương, làm trò cười cho mọi người là cách lão đối phó với cuộc sống? (Mà cuộc sống đang được cai trị bởi những bóng ma chập chờn như Đội trưởng, Thủ trưởng). Và chỉ có lão mới nghĩ ra chuyện đốt cái chuồng bò, giúp Phạm Vũ lấy lại nhà cũ. Phải chăng hành động lão đốt chuồng bò là cách lão tống tiễn những gì hôi hám, nhơ nháp và cùng khổ, đau thương nhất của gia đình Phạm Vũ nói riêng và cái giai đoạn lịch sử đặc biệt này nói chung. Trong Thị trấn Kô Long, không ai tự do như lão. Lão chửi đù má, cặc, ẻ quẹt... một cách sung sướng mà chẳng lo ai dòm ngó, nhiêu khê.
* Vợ Phạm Vũ đại diện cho mẫu người phụ nữ thuỷ chung, cam chịu, nhẫn nhục, yêu chồng thương con vô điều kiện. Bà biết hết những quan hệ bên ngoài của Phạm Vũ nhưng không một lời giận hờn, trách móc. Bà chấp nhận những thương tổn trong tình cảm vợ chồng chỉ mong giữ gìn mái ấm. Bí quyết của bà là kích thích ham muốn của Phạm Vũ mỗi đêm. Phạm Vũ dù bên mấy chục người phụ nữ khác cũng không thể quên bà.
* Phạm Vũ là một lãnh đạo trong sạch, trung thành với cách mạng, yêu thương quần chúng. Phạm Vũ không loá mắt vì tiền của ba nuôi mà xa rời cách mạng. Ông đứng về phía nhân dân, về phía cách mạng, tuyệt đối tin yêu. Song sự tin yêu của ông đặt không đúng chỗ. Thủ trưởng, Đội trưởng luôn hai mặt với ông, thậm chí, đẩy ông vào đường cùng. Sau càn quét, truy sát, đấu tố địa chủ đầy khốc liệt, ai nghèo nhất, bần cùng nhất thì được làm quan, cho nên việc Phạm Vũ giữ cái chuồng bò là đương nhiên, là cần thiết. Muốn tồn tại phải giữ chuồng bò. Muốn tồn tại phải giữ lấy cái nhơ bẩn, hôi hám, nghèo khổ. Chấm dứt ngày tháng sống cùng cừng cực, Phạm Vũ vẫn giữ nguyên tâm thế lúc ở chuồng bò: sợ hãi, lo lắng. Lên làm quan lớn, Chủ tịch Tỉnh vẫn hoang mang, khiếp sợ. Như vậy, hoàn cảnh đồng loại tận diệt nhau đã đẻ ra con người Phạm Vũ: muốn tiến thân chặn những bóng ma nhưng bóng ma này mất đi lại có bóng ma khác thay thế. Do đó, cuộc đời Phạm Vũ luôn trong tư thế trườn lên rồi tụt xuống và ngược lại. Phạm Vũ đi theo cách mạng, nhưng cách ông ứng phó với cuộc thế, cho thấy, ông không ủng hộ quan điểm “hạnh phúc là đấu tranh”, cũng không theo lối sống “nửa vời”. Phạm Vũ nhận thức được cái khủng khiếp đang đè nén lên người dân, đè nén lên mình. Bề mặt của hai từ “đồng chí” là “ngọt ngào” xóa bỏ bất công, áp bức bóc lột cho người dân nhưng bề sâu là trận địa tranh giành, hằn thù đầy khốc liệt. Phạm Vũ khát khao thăng chức đè bẹp đám âm binh, nhưng đám âm binh lại giăng khắp, trỗi lên, tìm cách giẫm đạp Phạm Vũ. Cuộc chiến của Phạm Vũ tuy đơn độc nhưng không vì thế mà đánh mất mình, sa lầy vào đám âm binh. Như vậy, tất thảy mọi người, từ bần, cố nông cho đến cấp trên đều nằm trong cái guồng đảo điên của cải cách ruộng đất.
* Nhân vật đám đông. Bị kìm hãm trong đói nghèo, cực khổ, bần cùng nên người dân Thị trấn Kô Long luôn bị những bóng ma cải cách ruộng đất lừa bịp, kích động, xúi giục, dắt mũi. Họ như những cái máy ăn theo nói leo, mù quáng, mông muội. Bảo làm cách mạng thì làm cách mạng. Bảo hô muôn năm, đả đảo thì hô muôn năm, đả đảo. Chứ thực tình chả hiểu cách mạng là gì, Quốc dân Đảng là gì, đả đảo là gì,... Truyền thống đùm bọc, yêu thương đã bị biến mất vì cái sự đấu tố nhau, chứng minh thành phần. Vòng tròn rình rập, theo dõi nhau trở thành lẽ sống của người dân Thị trấn Kô Long. Những đứa trẻ ngây thơ cũng bị đầu độc, học vẹt, bắt chước người lớn vang hô các khẩu lệnh. Cùng với đó, sự ít học, chân quê và tâm lý “con ong cái kiến” khiến hành động của họ đổi thay thất thường, lúc cuồng loạn, lúc ngây thơ, cả tin, lúc kéo sát vào lúc dãn ra theo quy luật thăng trầm của đời Phạm Vũ.
Các ký hiệu trong Kiến, chuột & ruồi liên thông, liên đới, liên kết với nhau dựng nên tấn bi kịch của một giai đoạn lịch sử mang tên CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT. Nơi nhất cử nhất động đều bị những bóng ma Đội trưởng, Thủ trưởng tàn sát hết thảy. Không loại trừ cá thể nào. Kể cả hai con chó trung thành như con Ba Đốm và con Lu.
Mỗi nhà văn có một cách viết riêng về lịch sử. Kết hợp thực và ảo, Nguyễn Quang Lập đã “bạch hoá”, đối thoại lịch sử hết sức thẳng thắn: Cách mạng luôn luôn đúng. Làm sai thì phải sửa sai. Nhưng cách mạng luôn luôn đúng thì làm sao có thể có chuyện bắt oan? Hiện nay, nhiều tác phẩm phơi bày sai lầm của quá khứ nhưng chưa đủ đánh thức người đọc. Chúng ta cần những tác phẩm như Kiến, chuột & ruồi, để con người học cách tự điều chỉnh mình, nhân ái và thánh thiện hơn. Văn học song hành với đời sống xã hội, có chức năng cảnh tỉnh và dự báo. Vì vậy, chúng ta không nên trốn tránh hay đánh đổ những tác phẩm tưởng như trái chiều, mà cần tìm trong ấy, chắt lọc trong ấy những tiếng nói chân thực và tâm huyết.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét