KIẾN, CHUỘT VÀ RUỒI Vừa đọc vừa ngẫm

Trần Tuấn
• ĐỜI
Một “nhân vật” kỳ thú có tên là Đời, chữ Đời viết hoa, ngay từ những trang đầu tiểu thuyết. Chất minh triết dân gian từ đây, xoay quanh “nhân vật” đặc biệt không – phải - là - người này, dụng ý tác giả là thế chăng?
Chuyện Tôi ra Đời từ bụng mẹ trong cơn đau đẻ vật vã nhìn qua cái háng của mụ đỡ đẻ để thấy cái chuồng bò là ngôi nhà ở đời chờ sẵn. "Từ trong khe hẹp, tôi mở mắt nhìn ra Đời, tức là cái chuồng bò. Không nhìn thấy gì ngoài cái háng bà đỡ đang dạng ra choán cả tầm nhìn. Lúc đầu thấy một vệt sáng chói đổ xuống, tôi nhầm đó là Đời. Không phải. Vệt sáng chui sau háng bà đỡ, bất kỳ cái gì chui sau háng mụ này đều không phải là Đời, tôi đinh ninh như vậy".
Một "cái háng mông muội" án ngữ cái nhìn đầu tiên vào Đời. Chẳng phải thứ “Chúng diệu chi môn” gì ghê gớm huyền mật theo thuyết Lão Tử, mà chỉ thô thiển và bẩn thỉu vậy đấy.
Cái nhìn đầu tiên của Tôi là thấy những con chuột nhắt đáng ghét và ghê tởm, "hình như chúng chui ra từ cái háng mông muội kia". Khiến "Tôi" co mình lại tụt sâu vào cái xà lim tăm tối của mình" (bụng mẹ). Một thứ phản kháng đầu tiên với Đời. Khiến mụ đỡ phải dùng đến cái bóc- xép cưỡng chế lôi ra, gọi là "chuyên chính sinh sản". Và cuối cùng khi Tôi chính thức chui ra đời, thì nơi "chôn nhau" của "Tôi" là cái bình rượu 4 lít của ba!
Thì ra Nguyễn Quang Lập không hẳn chủ tâm xây dựng nhân vật Đời với một “âm mưu” triết lý/minh triết gì (vốn ít là thuộc tính phổ quát trong văn Nguyễn Quang Lập). Có chăng là một thứ triết lý tối giản không màu mè, nhưng lại bất ngờ và hết sức đắc dụng.
Bởi tôi chợt phát hiện ra, rằng Nguyễn Quang Lập không chỉ viết văn, mà còn là một tay viết kịch bản sân khấu/điện ảnh cực “mả”. Đời, bà đỡ, cái háng, những vệt sáng, … - đó chính là những thứ đạo cụ, được tác giả bài trí, sắp đặt bởi thủ pháp sân khấu. Để tạo ra một không gian, một khí quyển đầy bất thường. Như ngôi làng cát, chiếc hầm cát của “Người đàn bà trong cồn cát” của Kobo Abe; như những cái giếng cạn quen thuộc của Murakami. Một ngôi làng Macondo của “Trăm năm cô đơn”, hay Cao Mật – Đại La, từ Marquez đến Mạc Ngôn...
Điểm tập trung, khiến mọi ánh sáng đèn pha chiếu vào, cho những chương hồi tiếp theo, đó là cái chuồng bò 14m2 giữa cái thị trấn Kô Long nhỏ bé miền Trung Việt Nam những năm đầu 1950 đầy biến động của thế kỷ trước…
• TÔI
Nguyễn Quang Lập khá tinh quái khi chọn nhân vật trần thuật “Tôi". Dù chưa đủ tuổi để trần thuật câu chuyện với tư cách tôi/người trong cuộc. Tác giả dùng một cái "tôi" đầy biến ảo. Với thủ pháp có phần huyền ảo, "tôi" là người quan sát siêu thực, từ mọi góc độ, kể cả khi chưa chào đời. Như khi "tôi" còn ở vị trí 105 buồng trứng bên phải. Rất lâu trước cái đêm được thụ thai "nhận chứng chỉ làm người".
Bởi Lập vốn mạnh nhất khi sử dụng chữ "tôi", trong mọi tác phẩm. Từ “Ký ức vụn”, “Bạn văn”,... tưởng như Lập có cả một kho chuyện về “tôi” ấy, muốn viết gì chỉ việc thò tay vào túi lấy ra. Có lẽ ông muốn “thật hóa” tối đa những câu chuyện mình sẽ kể?. Như lời đề từ đầu sách: "Những chuyện có thật và bịa đặt của tôi...". Cho dù nhiều tình huống được cho là “bịa đặt”, nhưng văn Nguyễn Quang Lập vẫn luôn đậm đặc cái “tôi”: tôi thấy, tôi biết, tôi nghe, tôi nói, …
Nên dẫn chuyện ở đây không hẳn kiểu như nhân vật tên Khẩn trong tiểu thuyết “Ngồi” của Nguyễn Bình Phương. Lập muốn làm một người kể chuyện thực sự, chứ không muốn gián cách.
• THỦ TRƯỞNG/ĐỒNG CHÍ
Lạnh người với Thủ trưởng, một nhân vật hai mặt đến kỳ lạ. Nhân vật Thủ trưởng đầy ám dụ - Thủ trưởng “kia” và Thủ trưởng “này”, cũng chỉ một con người ấy. Không biết đâu mà lần. "Cả hai đều có thật và không có thật".
"Chúng ta đang sống với một người rất tốt, nhưng phải hết sức cảnh giác với người này" - lời nhân vật bác Đông nói về Thủ trưởng. Khiến tôi nhớ tới một cựu Ủy viên Bộ chính trị mà tôi từng gặp, trong chuỗi thời gian làm báo đi giải oan cho những số phận ngặt nghèo. Tôi còn nhớ như in câu mà ông bật thốt ra: "Người cộng sản rất tốt. Nhưng nhiều người khi độc ác thì họ độc ác hơn ai hết!".
Chiếc xe biển số 2211 của Thủ trưởng như một thứ bóng ma, cùng lũ âm binh thoắt ẩn thoắt hiện. Cũng như Đội trưởng, thất thế sau “Sửa Sai” mà cũng vẫn như bóng ma đáng sợ, chập chờn đe dọa. Khiến một quan đầu tỉnh như Phạm Vũ phải liên tục tè ra quần. Cái bóng ma không chỉ của Cải Cách, mà trong tiểu thuyết này, đó còn là nỗi ám ảnh giữa những người vẫn gọi nhau là “đồng chí”.
Phạm Vũ làm quan đầu tỉnh mà vẫn nơm nớp cái chết rình rập trên đầu. Kể cả lúc 3 giờ sáng khi một nhóm người xông vào nhà "áp tải" lên tỉnh không kịp mặc áo quần. Cuối cùng vỡ lẽ đó chỉ là cách “bảo vệ đồng chí Chủ tịch tỉnh ra khỏi vùng nguy hiểm". Nhưng là cảnh báo thường trực nỗi bất an. Luôn phải cảnh giác, đề phòng, lên phương án… Nhớ lại, từ thời đi học cho đến khi là đồng đội trên chiến trường, chính Phạm Vũ đã bị Thủ trưởng giết hụt mấy lần!
"Lên tới chủ tịch tỉnh mới sợ một đêm đã kêu. Báo cho biết, từ nay ông phải sợ hãi suốt đời" - lời bác Đông - Phó ty công an.
Nhưng rồi cái chết đột ngột của Phó ty công an Lê Đông là minh chứng cho điều đó. Khi 3 giờ sáng ông bị đột quỵ, mà như lời thú nhận của bác sĩ trực cấp cứu là ông bị tai biến ở... sau gáy!
Sau cái chết của Lê Đông, Phạm Vũ đêm ngày thất thần, nơm nớp giật mình hoảng sợ mọi tiếng động. Ai gọi tên cũng giật mình, són ướt đũng quần.
Cuối cùng Thủ trưởng cũng chết vì bị "rắn cắn". Bởi tay của Lâm Thủ trưởng. Trên Thủ trưởng còn có Lâm Thủ trướng, chính là bà vợ hai của Thủ trưởng…
• KIẾN, CHUỘT VÀ RUỒI
Ba nhân vật đáng kể trong tiểu thuyết này, đó là kiến, chuột và ruồi. "Kiến bầu cho ba đó", những đứa con nói với Phạm Vũ sau khi ông được toàn thể một vạn hai dân thị trấn Kô Long bầu vào HĐND huyện. Rồi sau đó cũng đứng đầu phiếu bầu vào HĐND tỉnh. Kiến đen và kiến đỏ. Phận kiến bé mọn…
Trước đó, khi nhân vật Phạm Vũ bị Đội trưởng bắt nhốt vào “xà lim cải cách”, trong bóng tối, trên nền xi măng lạnh, ông lần tay theo đường rãnh kiến bò, đột nhiên nhận ra dòng chữ “Tôi bị oan” ai đó đã rạch sẵn. Đến khi có ánh sáng, ông nhìn thấy rất nhiều dòng chữ như vậy được viết trên tường. Của 26 người trước đó đã bị quy tội, bị nhốt tại đây và đã bị xử bắn.
Còn chuột? Chuột là chúng nó? Những bầy chuột gớm giếc bám đầy những vách tường nhà phía nam phía bắc. Chuột nhung nhúc đầy Hói Ma. Bên mấy trăm cái mặt cái đầu đang dập dềnh trên Hói Ma, mang gương mặt của Phạm Vũ.
Còn ruồi? Khi Phạm Vũ trở thành quan đầu tỉnh, cũng là lúc ruồi xuất hiện. Ruồi bua bám lấy ông. Chúng tấn công ông. Chúng bịt mắt ông. Một thứ "Ma ruồi". Mà chỉ Phạm Vũ mới thấy, mới bị vây khốn, mới hoảng sợ, còn người ngoài tịnh không thấy gì.
Có phải Nguyễn Quang Lập trong tiểu thuyết đề tên ba “nhân vật” này, thực sự muốn tách bạch thân phận chúng theo “luồng tuyến” như vậy?
Tôi nghĩ chắc là không. Bởi bi kịch nhân thế, bi kịch quan nghiệp, đâu dễ rạch ròi. Càng leo cao, Phạm Vũ càng bám chặt cái chuồng bò. Thân cô thế cô, ông "chỉ còn có cái chuồng bò hôi hám đầy kiến, chuột và ruồi làm bệ phóng". Ông cố leo cao, bởi sợ bọn âm binh hại mình, như sau lần chết hụt.
Nhưng dân dân, thì luôn rạch ròi, công tâm. Cho dù có lúc tác giả cay đắng thốt lên "Không biết không nghe không thấy" trở thành "phép phòng thân truyền kiếp", để "đất nước luôn sản sinh những thiên tài hai mặt". “Hai mặt” ấy của những người dân làng Hống, đó là dùbề ngoài ầm ào truy sát “tên phản động” Phạm Vũ, vẫn âm thầm bí mật giúp đỡ ông. Gói khoai, cái bật lửa vứt xuống cái giếng ông đang ẩn nấp ...
Đó chính là lòng dân mà Phạm Vũ hơn hai chục năm theo cách mạng, lần đầu tiên mới hiểu được.
• NGOA
Với “Kiến, chuột và ruồi’, thủ pháp ngoa dụ, phóng đại có thể nói chưa bao giờ đậm đặc như vậy, so với hàng loạt tác phẩm trước đó của Nguyền Quang Lập. Kể cả trong văn xuôi hiện đại Việt Nam.
Có thể bắt gặp điều đó trong những chương về cuộc diễu hành, về Đội trưởng điếu cày, và bất cứ trang nào.... Chất ngoa dụ, ngoa ngôn, ngoa ngữ ngày càng đậm đặc ở Lập, nhất là khi ông trải qua một hành trình khá dài với "Ký ức vụn". Điều cốn càng ít thấy trong "Những mảnh đời đen trắng", đặc biệt là trong truyện ngắn.
Không biết đã có ai làm chưa, nhưng tôi nghĩ riêng về chất ngoa dụ trong văn Nguyễn Quang Lập có thể làm những đề tài nghiên cứu, luận án nghiêm túc và hấp dẫn.
Tôi cho rằng nó khác với sự giễu nhại của lối viết hiện đại. So sánh thế nào giữa chất hiện thực huyền ảo của Marquez, với hiện thực ngoa dụ, phóng đại kiểu này?
Ngoa, nhiều chỗ thú vị, và độc. "Đồng chí (đội trưởng) đặt trang trọng tờ báo tỉnh đăng "Mô hình ba giai đoạn điếu cày" lên bụng chị Hiên, mắt không rời khởi tờ báo, ngọc hành không rời khỏi bánh ú, đánh nhịp cùng chị hơn một giờ không nghỉ".
Nhưng một tác phẩm khi nhà văn “ngoa” một cách thái quá, điều gì sẽ xảy ra? Người đọc dễ cười phá lên nhưng ít "tin" hơn? Chất hiện thực bị pha loãng, chất "mua vui" nhiều hơn chăng?
Bạn đọc cần tỉnh đòn không, để cần nhận ra/đối sánh với những gì trên thực tế? Như cảnh họp xét xử, tuyên án của Đội trưởng điếu cày, …
o Trần Tuấn 
__________
ps/ Những dòng note nhanh trên điện thoại khi đọc “Kiến chuột và ruồi” của Nguyễn Quang Lập. Chưa theo một chỉnh thể nào. Còn nhiều điều để nói về tiểu thuyết này.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét