Một người vì văn Việt


Một vài người bạn gửi lời chúc mừng cuốn KCVR đã xuất bản ở Mỹ lại còn xuất bản ở EU, “oách quá”, “ Ăn dày quá đấy!”  Thực thì không phải vậy. Không in ở trong nước đành in ở Mỹ thôi chứ in ở Mỹ rất khó bán. Người Việt tại Mỹ, già không thích đọc văn Việt, chỉ thích đọc những sách thiên về chính trị xã hội như ‘Bên thắng cuộc”, “ Đèn cù”;  trẻ thì không biết tiếng Việt, và thực thì cũng như già đều xem thường văn Việt quốc nội. Éo đọc.


Sách KCVR được Người Việt Books xuất bản. Sách mới ra gây được tiếng vang, bạn đọc hỏi mua ầm ầm.  Người Viêt Books không bán sách này qua Amazon, chỉ bán trên trang của họ. Trong khi trang của Người Việt Books bị chặn, chỉ người nước ngoài mới truy cập được thôi. Nhưng người Việt ta ở nước ngoài kêu sách này đắt quá, giá sách bán 20 đô Mỹ, cước chuyển rẻ nhất 23.50 đô Mỹ tổng cộng $43.50 đô Mỹ. Một cuốn sách nửa trăm đô Mỹ, quá đắt. Cho nên  rất ít người Việt ở nước ngoài mua sách này.

 Một số fb trong nước rao bán với giá 750 k , cực đắt nhưng vẫn được nhiều người bấm bụng mua liều vì yêu văn ông bọ. Ước tính cả vạn cuốn đã được bán trên online cho người Việt quốc nội. Cứ tưởng ông bọ có một món tiền to, sau 6 tháng anh Đinh Quang Anh Thái ở Người Việt Books báo: “ Sách bán được hơn trăm cuốn, anh có 210 đô”. Ngao ngán hết mực, chán quá cũng không thiết nhận tiền nữa. Té ra hầu hết sách bán trên thị trường online Việt là sách copy, sách in lậu.

Một ngày đẹp trời tui nhận được tin nhắn fb của một người lạ hoắc, nick là Nguyen Tu Phong đề nghị được tái bản sách KCVR ở Đông Âu. Anh nói vì mua sách ở Mỹ đắt quá, anh muốn tái bản với giá vừa đủ giá giấy công in giúp cho người Việt ở Đông Âu mua được sách này, đồng thời cung cấp cho bạn đọc ở nước nhà những bản sách thật với giá bằng nửa giá vẫn rao bán trên các fb. Tóm lại đây là việc thiện nguyện giúp cho người Việt đọc được  những cuốn sách đáng đọc nhưng khó kiếm và đắt.

Tui cẩn thật tìm hiểu người này là ai, sao mà tốt thế.  Mới biết anh là Nguyễn Hữu Truyền, viết báo làm văn với bút danh Nguyễn Tư Phong sống ở Thuỵ Điển, từng là tổng biên tập tờ Sức Sống của CH Séc. Lại biết anh là em kết nghĩa của nhà thơ Tuyết Nga. Người văn xứ mình, thật thà tốt bụng như Tuyết Nga cực hiếm. Thế là tôi tin ngay, lập tức liên hệ với Người Việt Books xin cho Nguyễn Hữu Truyền được xuất bản ở Đông Âu. Anh Đinh Quang Anh Thái đại diện cho Người Việt Books ok liền.  Thế là KCVR được  in ngay tại CH Séc.  Rủi cái Sách in xong thì bị vụ covd-19  mất 3 tháng bỏ kho không chuyển đi đâu được, gần đây mới bắt đầu được phát hành.

Truyền giữ đúng lời hứa, giá bán vừa đủ giá giâý công in và tiền ship, anh không lấy lời một xu. Sách bán trong nước trừ hết vốn còn thừa được bao nhiêu anh cho tôi tất. Vì xuất bản thiện nguyện nên không có nhuận bút, số tiền anh cho cũng chẳng nhiều nhưng tôi rất cảm động. Dù gì cũng có ít tiền mua rượu đãi bạn, không thì tủi thân lắm. Nói thật nếu KCVR được xuất bản trong nước tôi phải bỏ túi vài trăm triệu. Bây giờ được chục triệu gọi là may. May lớn nhất là KCVR  đến được với bạn đọc ngày càng nhiều, công ấy là của Nguyễn Hữu Truyền.

Truyền làm việc đó không chỉ vì riêng tôi. Anh là người mê văn chương Việt, hết lòng vì văn chương Việt. Anh không giàu, chỉ có 2 công ty nhỏ ở CH Sec và Stockhom nhưng đã không tiếc tiền và công sức để quảng bá văn chương Việt. Truyền lập ra fb Sách Việt EU để thiết lập mối liên lạc với bạn đọc Việt ở Châu Âu. Việc xuất bản KCVR nằm trong kế hoạch đưa người đọc Việt ở Châu Âu đến với văn văn Việt.

Truyền đang huy động bạn bè dịch một số tác phẩm văn học Việt sang tiếng Anh để xuất bản, cho kế hoạch quảng bá văn Việt ra thế giới. Gần đây, dù việc làm ăn rất bận, vừa thoát qua trận ốm vì nhiễm covid-19, anh vẫn đang chuẩn bị tổ chức một buổi giao lưu, gặp gỡ với một số trí thức, độc giả, nhà dịch thuật là bạn bè, những người yêu sách, yêu văn hoá Việt ở EU. Yêu văn Việt đến thế thật hiếm có.

Tôi chưa gặp Truyền, anh cũng không kể gì, chỉ nghe qua Tuyết Nga kể. Anh rất day dứt về chuyện nhà văn Việt nghèo, khó in tác phẩm. Có lẽ vì anh cũng xuất thân từ nghèo khó, thấu hiểu nỗi buồn tủi của kiếp nghèo. Mồ côi mẹ từ lúc 12 tuổi, kiếm sống nhọc nhằn trên các tàu đánh cá người Hàn, rồi lang thang khắp trời Âu cho đến khi thành ông chủ nhỏ ở CH Séc. Bây giờ động lại trong Nguyễn Hữu Truyền hai tình thương, ấy là thương quê nhà và thương văn Việt. Suốt đời Truyền chỉ sống vì hai tình thương ấy.

NGUYỄN QUANG LẬP





0 nhận xét:

Đăng nhận xét