Câu chuyện cô giáo tiếng Anh mắng chửi học trò, thiên hạ bàn tán chưa xong, lại đến chuyện cô giáo tin học chửi mắng học trò, gây một cú sốc lớn trong xã hội. Người ta không thể tin được cô giáo lại có thể nói năng kiểu hàng tôm hàng cá, mày mày tao tao với học trò, lại còn đòi vả vỡ mồm học trò, thật là kinh khủng!
Thực ra chuyện trên chỉ là chuyện nhỏ trong vô vàn những ví dụ về vấn nạn “thầy không ra thầy” đang là nỗi bức xúc toàn xã hội. Nếu vào Google gõ ba chữ “thầy tham ô” sẽ thấy trong 0,18 giây có 2.060.000 kết quả, còn nếu gõ ba chữ “thầy đánh nhau” thì trong 0,12 giây sẽ có 3.020.000 kết quả, vân vân.
Tất nhiên những kết quả nói trên là của toàn thế giới, nhưng nếu đi sâu vào tìm kiếm “đặc sản nội địa” ta sẽ thấy hàng trăm, thậm chí hàng nghìn những câu chuyện thầy đánh nhau, thầy tham ô, thầy hủ hoá, thầy gian lận bằng cấp, thầy gạ tình lấy điểm..Ôi chao, vô thiên lủng!
Vẫn biết thầy cô cũng là con người, cũng có kẻ xấu người tốt. Có vô thiên lủng kẻ xấu thì cũng có hằng hà sa số người tốt. Coi như huề. Nhưng không. Đừng nghĩ thầy cô là con người thường, họ là những tấm gương cho con trẻ. Phàm đã là tấm gương thời phải chịu đựng sự chọn lựa khắt khe của cuộc sống. Cô thầy phải là tấm gương và phải chịu búa rìu dư luận một khi tấm gương ấy có vết nhơ. Ai không chịu được xin out ngay, đừng ở đó mà phân bua “ ai cũng là con người”.
Thời tui còn học cấp 2, cu Vinh ( Nguyễn Quang Vinh) còn học cấp 1, lớp 4. Một đêm hội trường cả cấp 1, cấp 2. Không biết cu Vinh nghịch gì mà thầy D. xách tai nó kéo ra khỏi đám đông. Cái tai nó bé xíu mà thầy xách bổng lên rách cả tai, chảy máu ướt cả cổ áo. Bốn chục năm qua cu Vinh đã quên, thầy D. chắc cũng quên nốt. Nhưng tôi không làm sao quên được. Thầy sống cùng Thị trấn, tôi vẫn gặp thầy và lúc nào chúng tôi cũng vui vẻ chào hỏi, nhưng thú thật tôi không làm sao vui vẻ thật với thầy, cả nụ cười cố gắng mấy cũng không hết giả tạo.
Nếu kẻ kéo rách tai em tôi là ai đó chắc tôi quên rồi, kéo rách tai tôi chắc tôi cũng quên luôn. Đằng này là một người thầy, người luôn đứng trước lớp dạy chúng tôi bao điều nhân Nghĩa. Tôi nhớ khi đó tôi đã rùng mình vọt cả nước tiểu ướt quần. Có lẽ vì thế mà đến chết tôi cũng không quên…
Sở dĩ clip ghi lại cảnh cô giáo mắng chửi học trò được tung lên mạng gây xôn xao dư luận, bởi vì chỉ hơn một phút thể hiện trên clip, người ta thấy rất rõ ba điểm căn bản của người thầy đã bị đánh mất. Thứ nhất là tính mô phạm của người thầy đã biến mất tiêu, thay vào đó là hình ảnh cá mè một lứa. Thứ hai là việc cho điểm không còn là việc đánh giá chất lượng, nó như là sự ban thưởng hay trừng phạt theo ý muốn của người thầy, đúng như cô giáo này quát nạt: “Còn lâu tôi mới tha cho lớp này”. Thứ ba là sự thiếu văn hóa đã toát lên từ hành vi và lời nói của cô giáo.
Sẽ có người nói, chuyện đó có nhưng chỉ là thiểu số thôi, đa số cô thầy không phải vậy. Một lối lấp liếm rất đạo đức giả. Khó nghe lắm. Thiểu số nếu không ngăn chặn sẽ thành đa số. Hơn ở đâu hết, cái câu “con sâu làm rầu nồi canh” thật quá đúng với ngành giáo dục. Chỉ một con sâu cũng đủ hoen ố chữ THẦY. Khi chữ THẦY hết cao sang thử hỏi nói có ai nghe nào? Đừng tưởng con nít muốn phỉnh thế nào thì phỉnh. Hơn nữa, một khi ở đâu cũng xảy ra những chuyện trên, mấy vạn trường học to nhỏ khắp cả nước đều có những chuyện đó, làm sao có thể vặn lưỡi nói to hai tiếng “ thiểu số” được nhỉ? Ô hay!
Trong tất cả các xung đột giữa học trò và người thầy xưa nay, thường học trò phải hứng chịu mọi nguyên nhân, ấy là do học trò hư thân mất nết, dốt nát, lười biếng, gian dối v.v. Chỉ có qua những clip như thế này, người ta mới thấy rõ, lỗi trước hết là ở người thầy chứ không phải là học trò.
Tìm hiểu hai trường hợp cô giáo Anh văn và cô giáo tin học chửi mắng học trò, ta thấy nguyên nhân đầu tiên là chính các cô chưa đủ chuyên môn để đứng trên bục giảng. Cô giáo tiếng Anh thì liên tục phát âm sai, sai đến nỗi học trò phải kêu lên: “Lớp nào cũng phản đối khi cách phát âm của cô là không chuẩn: good-s-morning, writ-s-ting, part-s-ty, to-picture (two pictures)…”. Cô giáo tin học lại không quản được lớp, “để cho lớp ồn ào mất trật tự.” Khi học trò xúm lại xin điểm, cô chẳng biết làm gì hơn là xua đuổi, chửi mắng.
Chuyên môn yếu kém cùng với tư cách dưới chuẩn, một khi bị học trò phản ứng, họ sẽ không cách nào hơn là dùng điểm để thị uy hoặc chửi mắng dọa dẫm, thậm chí đánh đập để lấy lại cái gọi là “uy tín”. Sự đời tất phải thế.
Một phụ huynh nghe nhà trường thông báo con mình dọa đánh thầy giáo đã rụng rời chân tay, không hiểu tại sao con mình lại ra nông nỗi ấy. Tìm hiểu kỹ thì biết ông thầy quá kém, giải toán sai bét nhè, trò chỉ ra cái sai thì chống chế quanh co, trò vẫn không chịu thì chửi mắng, đánh đập. Trò chịu hết nỗi, điên lên mới nói: thầy còn đánh em nữa em sẽ đánh lại. Thầy đã không giật mình tỉnh ngộ, xin lỗi mình đã quá tay mà còn lấy đó làm bằng chứng về sự mất dạy của trò, báo cáo lên nhà trường, đòi đuổi trò cho bằng được.
Kể nốt chuyện này. Xưa tui học lớp 6, thầy B. dạy toán rất yếu. Những bài toán “nhà lầu”- loại toán tổng hợp 4 phép tính- nếu không có sẵn trong giáo án hầu như thầy đều giải không được. Một hôm thầy B. đang loay hoay giải mãi không ra bài toán “nhà lầu”. Thằng Thuỷ cười khịt khịt. Thầy quay lại, nó im. Thầy tiếp tục giải nó lại cười khịt khịt. Ba bốn lần như thế rồi thầy cũng phát hiện ra thằng Thuỷ. Thầy ném cả cục phấn trúng trán thằng Thuỷ. Cục phấn chứ không phải viên phấn. Thời chiến tranh phấn cũng không có, phải đào đất trắng vo viên làm phấn. Cục phấn trắng cứng như đá đã làm cái trán thằng Thuỷ sưng vù. Tưởng thầy xin lỗi nó, nhưng không, thầy đuổi nó ra khỏi lớp, sáng thứ hai tuần sau. Thầy hiệu trưởng còn bắt nó đứng dưới cờ bêu xấu nó trước toàn trường, can tội hỗn láo với thày giáo. Thằng Thuỷ bỏ học ngay sau đó, cho đến chết gặp các thầy cô nó đều đi vòng lẫn tránh, không thèm chào.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét