Nguyễn Quang Lập
1. Một trong những đáng tiếc của tôi khi nhớ về tuổi nhỏ là tôi không được học văn với thầy Phan Xuân Hải, dù tôi gần gũi với thầy từ tấm bé.
Năm ba tuổi tôi đã gặp thầy. Ấy là tết Kỷ Hợi 1959 thầy vào thăm tết nhà tôi. Tôi nhớ là vì lần đầu tiên tôi có được năm hào mừng tuổi. Ba tôi là thầy giáo già, tết nào cũng đón nhiều cô thầy. Tôi nhớ thầy cô nào cũng mừng tuổi cho tôi năm xu hoặc một hào, riêng thầy Hải mừng tuổi cho tôi tờ năm hào mới cứng. Tôi không biết năm hào to nhỏ ra sao. Khi ba thất sắc kêu lên: “Ôi thầy cho cháu nhiều quá!”, tôi đoán chừng đồng năm hào chắc to lắm. Mà to thật, mãi đến chín năm sau tôi mới có lại đồng năm hào lần thứ hai, vẫn của thầy Hải.
Tôi nhớ thầy Hải vì một chuyện khác nữa, có lẽ đây là chuyện khiến tôi nhớ thầy lâu hơn. Ngày tết thấy khách đến nhà tôi thường đứng ôm cột nhà chờ khách mừng tuổi. Con nhà nghèo ba, bốn tuổi chưa đủ tuổi mặc quần, mỗi cái áo mới đeo lấy ba ngày tết không chịu thay. Các thầy đến nhà thường chào tôi bằng cái véo chim thân thiện. Có thầy còn búng một phát đau điếc tai. Tôi rất khó chịu, sợ và ghét nữa, nhưng vẫn để yên cho các thầy búng véo để kiếm lấy năm xu, một hào. Riêng thầy Hải không véo, không búng, thầy bế tôi lên, khen tôi đẹp trai và cho tôi năm hào. Sự kiện đầu đời to lớn thế làm sao tôi quên được.
2. Nhà tôi năm Kỷ Hợi 1959 ở Cầu Phôốc, năm Quý Mão 1963 dời về góc sân vận động sát với con hói chảy ra sông Gianh, phía sau trường cấp 2. Tôi sáu tuổi, về nhà mới chạy loăng quăng và phát hiện ra nhà thầy Hải chỉ cách nhà tôi chừng 100m. Thầy Hải dắt tôi vào giới thiệu với cô Kỳ, thằng Dương ba tuổi và con Thuỷ gần hai tuổi. Lần đầu tôi thấy con nít mà cũng mặc quần, đó là con thầỳ Hải. Thằng Dương còn đi đôi dày ủng nhựa màu trắng, nó trắng trẻo cao ráo lại đi đôi ủng trắng, giống ông tây con, sang quá là sang. Nhà thầy Hải cũng sang quá là sang. Ngôi nhà tranh vách đất ấy ngày nay chỉ là nhà nghèo, chỉ đỡ nhếch nhác hơn nhà tôi. Nhưng dưới cái nhìn thằng bé sáu tuổi con nhà nghèo thời ấy, nó thật giàu sang. Phòng khách đầy tranh và hoa, tranh của thầy Hải, hoa tươi hoa giấy của cô Kỳ. Nền nhà chỉ là nền đất nhưng sạch và láng bóng như nền xi măng, buồng ngủ buông một mành tre mỏng như giấy, hiên sau treo một lồng chim vẹt, bàn ăn đặt một bình hoa tươi… toàn những thứ nhà giàu mới có. Mạ tôi nói, nhà thầy Hải giàu vì thầy vẽ tranh truyền thần, mỗi bức bốn, năm đồng, khắp huyện người ta đua nhau đặt. Thầy còn vẽ tranh Bác Hồ nữa. Đắt lắm. Tranh Bác Hồ đặt trên lầu, ngay cửa ra vào Bách Hoá Tổng Hợp, huyện trả 30 đồng đâý. Tôi được đi chơi với con nhà giàu là thằng Dương và con Thuỷ. Con Bích lúc này đang ẵm ngửa. Cô Kỳ giao nhiệm vụ giữ em, dắt thằng Dương con Thuỷ đi chơi. Chúng tôi thường ra bờ hói sau nhà bắt rạm bè và còng gió. Chẳng bắt được, chỉ đuổi theo chúng cho vui thôi. Bờ hói cách nhà có một đoạn, khi đi không sao, quay về con Thuỷ thường nhõng nhẽo bắt tôi cõng. Dù không thích nhưng tôi vẫn vui vẻ cõng nó về để báo cáo kết quả “giữ em” với cô Kỳ, thế nào cũng được cô thưởng cho một món gì đó thật ngon, đồ ăn “nhà giàu” toàn thứ ngon.
Hôm ấy, cũng là hôm cuối cùng ngày bé tôi đến nhà thầy Hải, tôi cõng con Thuỷ chạy thẳng vào nhà. Chẳng may vấp ngã làm đổ giá vẽ tranh truyền thần, quờ tay làm đổ luôn lọ mực màu, rơi đúng tranh truyền thần thầy Hải đang vẽ dở. Bức truyền thần nhem nhuốc mực màu. Thầy Hải từ trong nhà chạy ra, đứng lặng ngắt mặt tái đi. Bốn mươi năm sau thầy mới kể, đó là tranh truyền thần một ông già vừa mất, con ông dục như cháy nhà, thầy đã hẹn một giờ chiều đến lấy. Thầy cúi mặt vào bức tranh, hình như cố nghĩ cách cứu vãn, ngước lên thấy bộ mặt dúm dó của tôi thầy mỉm cười, nói, không sao đâu, để thầy vẽ lại. Cô Kỳ làm như không có gì xảy ra, vẫn vui vẻ nói cười, cầm cái bánh trung thu đưa cho, tôi không nhận, chạy ù đi. Từ đó không dám bén mảng đến nhà thầy nữa.
Thỉnh thoảng thầy vẫn sang nhà tôi uống rượu với ba. Tôi núp né. Cô Kỳ vẫn sang nhà khi cho tô canh khi cho mớ rau, tôi vẫn núp né. Cô tìm, vui vẻ túm tay hỏi, sao không sang nhà cô chơi? Tôi chẳng biết nói sao. Làm hỏng một bức tranh “truyền như thần” với đứa trẻ ba tuổi tội ấy quá to.
3. Năm 1965 mùi chiến tranh đã dậy khắp Thị trấn, người ta đua nhau làm hầm hào. Thầy Hải làm một cái hầm chữ A thật to, cả nhà thầy có thể ngủ trong đó. Nhà tôi không có hầm, ba đi học chính trị ở Hà Nội, mạ đi theo cơ quan sơ tán ở Quảng Liên. Mấy chị em cơm cháo nuôi nhau, suốt ngày chỉ nghĩ mỗi chuyện ăn, hơi sức đâu nghĩ chuyện đào hầm.
Trận bom Mỹ đầu tiên vào khoảng cuối tháng sáu thì phải, 8 chiếc AD6 thi nhau thả bom xuống Long Thị và Long Hoà. Tôi đang chơi bờ hói. Bom nổ cả chùm xuống trường cấp 2, tôi tụt xuống hói, đứng ôm gốc bụi cây bên bờ. Giá tôi chạy sang hầm nhà thầy Hải sẽ chẳng việc gì nhưng tôi vẫn né nhà thầy. Nhiều người ào ào lội qua hói. Tôi thấy ông Năng đánh kẻng trường cấp 2, bọ thằng Toàn, đang đội rổ áo quần lội qua hói. Ông Năng rất cao, ra giữa hói sâu vẫn cố nhô được cái đầu đội rổ áo quân lên khỏi mặt nước. Ông không sợ chết, chỉ sợ ướt rổ áo quần, hi hi. Một quả bom nổ gần bờ thổi bay rổ áo quần. Ông Năng đứng giữa hói khóc hu hu. Tôi ôm gốc bụi cây đứng nhìn ông Năng khóc. Một khối đất đập xuống lưng tôi đẩy tôi chìm nghỉm xuống hói, một quả bom khác đẩy tôi lên, văng ra giữa hói. Tự nhiên tôi biết bơi ngửa và bơi sang được bờ bên kia. May thế không biết. Tôi chạy sang đồng khoai Xóm Cầu, núp trong bụi cây rưới nhìn máy bay thả bom Ba Đồn thêm một giờ nữa mới ngưng. Máy bay đi rồi dân Ba Đồn không dám về, sợ nó quành trở lại. Khoảng ba giờ chiều tôi đang moi trộm khoai sống, chợt một bàn tay vỗ nhẹ lưng, ngước lên, là thầy Hải. Thầy ôm chặt lấy tôi, nói, thầy tưởng bom vùi em rồi!
Mới biết khi tôi ở bờ hói, thầy Hải chạy sang nhà tôi, thầy biết ba mạ tôi đi vắng, anh Huy chị Nghĩa đi làm xa, để mấy đứa con nít ở nhà, hầm hố không có. Thầy thu gom anh Tường, anh Thắng đưa sang hầm nhà thầy. Thằng Vinh theo mạ lên Quảng Liên, còn tôi không thấy đâu. Mọi người tưởng tôi đã bị bom vùi.
Thầy Hải lầm lũi cõng tôi một mạch từ Xóm Cầu ra Lòi Dài là nơi dân Thị trấn vừa kéo nhau ra đấy sau trận bom khủng khiếp. Sau lưng to bè một vòng tay tôi không xuể, thốt nhiên tôi thấy thầy gần gũi vô cùng, gần gũi như một người cha.
4. Chiến tranh đã đẩy hai nhà ra rất xa. Trong suốt cuộc chiến tranh chưa một lần tôi biết đến nhà thầy. Dầu vậy thầy vẫn rất gần gũi. Năm học lớp ba, năm 1967, bài tập làm văn học kì một tôi được 9,5 điểm. Đó là điểm văn cao nhất của tôi trong suốt thời học phổ thông. “Hãy tả con gà chống Mỹ của em”, đề do cụm (3 xã) ra. Cô Ngoan nói điểm văn của tôi cao nhất cụm. Tôi sướng âm ỉ suốt tuần.
Một chiều tôi bắt rạm về. Thấy tôi ở ngõ mạ đã kêu to, thầy Hải vừa lên đây tìm mi! Tôi giật thót, sợ có chuyện gì. Mạ vui vẻ kể. Thầy Hải lên phòng giáo dục họp giáo viên dạy giỏi cấp 2, nghe mấy thầy cô dạy giỏi cấp một khen “Thằng cu con thầy Đạng có bài văn hay lắm”, thầy quyết tìm cho ra bài văn, đọc xong thầy lên đây thưởng cho mi năm hào. Thầy chờ mi không được, về rồi. Tôi cầm năm hào mới cứng vân vê, hỏi, thầy có nói chi không mạ? Mạ cười hả hê, nói, thầy nói với mạ, “Em mà chấm thì em cho bài văn mười chín điểm rưỡi.”, he he thầy nói quá, văn chi lại có thứ văn mười chín điểm rưỡi. Tôi thêm một tuần âm ỉ sướng.
Cuối năm lớp 3, thi học kỳ hai môn văn đề thi “Trường em”, tôi quyết viết thật hay cho được 10 điểm, hy vọng kiếm được một đồng từ thầy Hải. Kết quả chỉ có 7 điểm bọ. Thầy cô trong trường chẳng ai khen cũng chẳng ai chê. Tôi hơi buồn một chút nhưng cho qua rất nhanh. Sang năm lớp 4 xuống Pháp Kệ thi học sinh giỏi, đang đứng lớ ngớ cổng trường bỗng thầy Hải đứng ngay trước mặt. Thầy coi thi bên khu học sinh giỏi cấp 2, biết tôi thi ở đây thầy chạỵ sang tìm. Hỏi chuyện ba mạ đôi câu thầy xoay sang hỏi, em biết vì sao bài văn học kỳ hai được có bảy điểm không? Tôi trợn mắt há mồm, té ra thầy lại tìm đọc bài văn của tôi. Thầy nói, em viết được, câu kéo đâu ra đấy, tu từ giỏi, có điều không thật bằng bài trước. Văn muốn hay thì phải thật. Tôi cúi đầu xấu hổ, quả thật bài đó tôi “ khua môi múa mép” hơi bị nhiều. Thầy ôm đầu tôi, nói, đừng buồn, cố lên, khó mấy cũng đừng bỏ cuộc.” Rồi thầy vội vã quay về khu học sinh giỏi cấp 2.
Thầy không cho tôi hào nào, chỉ cho hai lời khuyên ấy. Tôi mang lời khuyên thầy Hải vào cuộc thi, đề thi “Em hay tả cô dân quân quê em”, đề thì quá khó vì tôi chẳng biết dân quân cũng chẳng thấy cô dân quân nào, chỉ nghe nói. Nhớ lấy thầy dặn “Khó mấy cũng đừng bỏ cuộc.” tôi đã cố làm xong. Bài chỉ đạt 6,5 điểm nhưng chiếm giải nhì huyện. Nếu không có lời khuyên “Văn muốn hay thì phải thật”, tôi lại “khua môi múa mép” chắc giải rút cũng không có.
5. Bốn mươi năm sau tôi trở thành bạn văn, đồng nghiệp của thâỳ. Thầy có chục vở kịch, tôi có chục cuốn sách. Khi về quê trưa nào tôi cũng đến nhà thầy ngủ trưa và tán gẫu vì nhà thầy gần con hói rất mát. Thầy chẳng nói gì về chuyện văn chương, viết cái gì viết thế nào. Tôi cũng thế. Thầy trò chỉ nhậu và nói chuyện đời, xong rồi tôi viết văn thầy viết kịch, gặp nhau cũng chẳng khoe nhau có cái này được cái kia.
Cho đến một ngày tôi bị tai nạn, chấn thương sọ não, liệt nửa người, vào năm 2001. Thầy ra Hà Nội thăm tôi, ngồi rất lâu, chỉ nói một câu: Mình đọc sách Lập rồi, toàn bộ văn Lập có thể tóm một chữ, là chữ THẬT. Tôi kể lại lời khuyên của thầy năm 1968 ở Pháp Kệ, “Văn muốn hay thì phải thật”. Thầy trố mắt lên, hỏi, mình có khuyên Lập thế à? Rồi thầy ngồi lặng đi, cảm động. Trước khi ra về thầy nắm tay tôi thật chặt, nói, cố lên nhé, khó mấy cũng đừng bỏ cuộc. Tôi ứa nước mắt. Thì ra cả đời văn tôi chỉ làm theo hai lời khuyên của thầy Hải.
Củ Chi ngày 13/11/2021
NQL
0 nhận xét:
Đăng nhận xét