TỪ PHAN KHÔI NGHĨ VỀ NGUYỄN QUANG LẬP

TRẦN KỲ TRUNG



Phan Khôi và Nguyễn Quang Lập, hai nhà văn ở hai giai đoạn, hai bối cảnh lịch sử xã hội khác nhau. Nhưng có một điểm chung, nhắc đến giai đoạn lịch sử văn học mà hai ông từng sống, tôi tin, đều phải nhắc tên của hai ông. Điều đặc biệt nữa, bằng ngòi bút của mình, cả hai đều tiêu biểu một thế hệ nhà văn chân chính. Đó là đứng về lẽ phải, về sự thật để viết, đứng về quyền lợi của người dân để bảo vệ. Cả hai ông, lại có một điểm giống nhau, đều bị chính quyền không ưa, cho dẫu các ông đều là nhà văn có tài, có đức, được dư luận đúng, đánh giá cao.

Tháng 10.2014 vừa qua tại thành phố Tam Kỳ - Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam và Viện Sử học đã tổ chức một hội thảo lớn về Phan Khôi. Mặc dù hội thảo chỉ giới hạn đề tài:

“Phan Khôi và những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc”,

nhưng với 45 bản tham luận về cuộc đời và những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc của nhà văn hóa Phan Khôi, hình ảnh của nhà văn hóa lớn Phan Khôi hiện về lừng lững, sáng bạch, chói lòa xua tan mọi bóng tối hắc ám toan khỏa lấp hình ảnh của ông trong quá khứ.

Với nhà văn Nguyễn Quang Lập, chưa từng có cuộc hội thảo lớn về thân thế, sự nghiệp. Mặc nhiên, cho dù hiện tại, có những ý kiến bảo vệ đảng, chính quyền phê phán, lên án ông gay gắt, dẫu thế, không thể phủ nhận, nhân cách của một nhà văn lớn như Nguyễn Quang Lập, đã dành được sự cảm tình của rất đông bạn đọc, đủ mọi tầng lớp, mọi chính kiến trong và ngoài nước. Biên độ về uy tín của ông trên văn đàn, trước và sau ngày bị bắt ngày càng sâu rộng, ngày càng lớn.

Cả hai ông, Phan Khôi và Nguyễn Quang Lập trong suy nghĩ chỉ muốn có một xã hội hoàn thiện, con người sống đúng với phẩn giá của mình, nhà văn, nhà thơ… được tự do nói lên tiếng nói mà không sợ bị truy chụp, đàn áp, hoặc bôi bẩn… Nhưng tiếng nói yêu nước đó của hai nhà văn trên những tờ báo “chính thống” do chính phủ quản lý, xét duyệt… không được phổ biến, thậm chí còn bị quy là “phản động, chống lại nhà nước, chính phủ”. Với Phan Khôi là sự trả giá quá đắt. Với tuổi xế chiều, ông gần như sống trong sự “ghẻ lạnh” của mọi người vì bị quy vào thành phần “Phản động, cầm đầu nhóm Nhân văn - Giai phẩm”. Đám tang của ông, một đám tang có thể nói buồn nhất của những nhà văn Việt Nam.

Một nhà văn lớn tuổi sống trong thời kỳ này cho tôi biết, đám tang của ông chỉ có bảy người trong gia đình đưa đi trong im lặng. Những đồng nghiệp của ông, kể cả những người từng ca ngợi ông, được ông dìu dắt… đều vắng biệt vì sợ hãi, vì sợ liên lụy. Duy nhất chỉ có một nhà văn (?) đi theo xe tang ra nghĩa trang. Cho đến tận bây giờ vẫn chưa tìm ra ngôi mộ của ông.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập được sống trong một xã hội ít nhiều thông thoáng hơn về sự nhận thức, hơn nữa, cũng là một điều may, những giá trị thực của văn học qua thời gian, qua dòng chảy lịch sử đã trả về giá trị đích thực. Một bộ phim Đời Cát, Thung Lũng Hoang Vắng... được dựng dựa trên kịch bản của nhà văn Nguyễn Quang Lập, giành giải thưởng lớn trong những liên hoan phim quốc tế. Một tiểu thuyết Những Mảnh Đời Đen Trắng gây chấn động dư luận bạn đọc. Những kịch bản sân khấu Mùa Hạ Cay Đắng, Những Linh Hồn Sống… được nhiều đoàn kịch dàn dựng, diễn không biết bao nhiêu đêm, khán giả hoan nghênh…

Vậy mà, rất đau, vì tâm nguyện là “người lái đò” chuyên chở” sự thật” đến với mọi người, mong mọi người không thờ ơ, mà phải có trách nhiệm với xã hội chúng ta đang sống, làm sao để người dân sống tốt hơn, luật pháp được thực thi một cách nghiêm minh thì nhà văn Nguyễn Quang Lập bị khởi tố và bắt vào tù!

Tuy nhiên, nếu so với nhà văn Phan Khôi, nhà văn Nguyễn Quang Lập số phận đỡ nghiệt ngã hơn. Cuối đời nhà văn Phan Khôi sống trong sự cô đơn. Một con người có bộ óc chứa một lượng kiến thức “khổng lồ” về văn hóa, thể hiện bằng những tác phẩm đã được xuất bản, nhưng có lúc những tác phẩm này nhà nước cấm xuất bản, cấm liên hệ. Còn nhà văn Nguyễn Quang Lập, dù không được lòng lãnh đạo, nhưng những tác phẩm của ông vẫn được truyền bá rộng rãi, trên đủ các phương tiện, bạn đọc đã đón nhận, còn đón nhận trong tương lai.

Và điều đặc biệt nữa, cho dù nhà văn Nguyễn Quang Lập bị bắt, bị quy vào những “tội” như một “tên phản động” nhưng những nhà văn, trí thức, người dân yêu dân chủ, tự do chân chính… trong và ngoài nước không bao giờ tin vào điều đó. Họ không bỏ, càng thương, kính trọng nhà văn Nguyễn Quang Lập hơn. Rõ nhất lá đơn có hơn một ngàn chữ ký của đủ mọi tầng lớp gửi lãnh đạo đảng, nhà nước yêu cầu trả tự do ngay cho nhà văn Nguyễn Quang Lập. Một điều không thể có thời nhà văn Phan Khôi sống cuối đời. Điều này chứng tỏ, một nhà văn đi với nhân dân, nói lên nguyện vọng của người dân, đứng về lẽ phải bảo vệ người dân người dân sẽ biết ơn và không bao giờ quên. Người dân sẽ là điểm tựa vững chắc, bảo vệ khi nhà văn gặp bão tố.

Nhà văn Phan Khôi và nhà văn Nguyễn Quang Lập ở hai thời kỳ, hai giai đoạn lịch sử khác nhau. Tưởng như không có sự liền mạch, chi ít tuổi đời, tư tưởng, tác phẩm, văn phong… nhưng đó chỉ là hiện tượng, điều chính, tấm gương, khí phách, nhân cách lớn của nhà văn Phan Khôi, nhà văn hóa Phan Khôi đã được các thế hệ nhà văn chân chính ở thế hệ sau, tiêu biểu là nhà văn Nguyễn Quang Lập, vẫn tiếp nối liền mạch như lời đánh giá của PGS.TS Đỗ Lai Thúy:

“Con - Người - Trách - Nhiệm - Phan - Khôi này được bộc lộ rất rõ trong bài thơ Nắng Chiều:
Nắng chiều đẹp có đẹp
Tiếc tài gần chạng vạng
Mặc dù gần chạng vạng
Nắng được thì cứ nắng.
Và Phan Khôi đã nắng lên được bằng thứ nắng quái chiều hôm, một lần nữa nhất quán với bản thân mình, Phan Khôi lại chuyển từ chính trị sang văn hóa, nhưng lần này không phải vì ông làm chính trị mà nhằm thoát khỏi chính trị, để trở thành một nhà văn hóa thực sự. Sống trong một đất nước chính trị, cuộc sống của Phan Khôi, vì thế, không tránh khỏi hệ lụy, kể cả cái chết và những cái sau chết. Tuy vậy, cái bước chuyển từ chính trị sang văn hoá mà ông thực hiện luôn sống lại ở những thế hệ kế tiếp để trở thành một con đường, thậm chí một con đường rất lớn".
Trung Tran
---
Tác giả và nhà văn Nguyễn Quang Lập.
Đại hội Nhà văn Trẻ Toàn quốc - Hà Nội, 1994.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét