Nguyễn Nhật Ánh sinh năm Ất Mùi 1955, tuổi con dê, anh sinh cùng ngày 7.5 với Pyotr Ilyich Tchaikovsky, cách nhau hơn một thế kỷ. Tchaikovsky nổi danh từ năm bốn tuổi, tuổi ấy Ánh chưa đi học, ngày đêm tha thẩn chợ Đo Đo ở đầu làng cùng tên1. Chợ Đo Đo họp đêm. Anh kể: “Tôi có thể lượn lờ hàng tiếng đồng hồ không chán trước các sạp tạp hóa, mê mẩn nhìn ngắm những vòng xuyến xanh đỏ, những hộp chì màu luôn luôn có sức thu hút đối với tôi và những viên bi sặc sỡ nằm chen chúc trong các hộp giấy vuông vức với dáng vẻ hấp dẫn đặc biệt.” “Ban ngày chợ vắng ngắt, chỉ còn trơ lại cây bàng già giữa chợ và những căn lều trống trải, ọp ẹp…”2 Đấy là “ trận địa” của tụi nhỏ làng Đo Đo đánh nhau với tụi nhỏ làng khác. Chỉ cần đứa nào kêu to, chén đo đo là chó đen đen!, tụi nhỏ làng Đo Đo xông vào liền. Cái cớ đánh nhau muôn thuở của con nít. Tchaikovsky con nhà quý tộc bốn, năm tuổi có khúc ứng tấu trên đàn dương cầm Mẹ chúng tôi ở St. Petersburg. Như bao con nhà nghèo thôn quê tuổi đó, Ánh ngày nào cũng lấm lem đất cát, sưng đầu u trán.
Mười ba tuổi Nguyễn Nhật Ánh có bài thơ đầu tiên đăng báo với bút danh sến sẩm: Hoài Mộng Diễm Thư. Thơ tình chàng trai tuổi mới lớn làng quê Quảng Nam: “Có những lúc buồn không muốn khóc. Thấy lòng như một quả táo sâu. Nhớ em mắt ướt ngày thôi học. Từ đó tôi ngồi thương bể dâu”. Ba năm sau, tạp chí Văn của chủ bút Trần Phong Giao (1932-2005) đăng bài thơ Xa lạ của Ánh lúc Ánh mười sáu tuổi, rất may lúc này Ánh đã ký bút danh bằng tên thật.
Hoài Mộng Diễm Thư, ý là mơ hoài về những trang văn đẹp, bút danh Ánh học theo ông thầy nhà thơ Nguyễn Văn Bổn - Tần Hoài Dạ Vũ, cũng là người khuyên Ánh ký tên thật chứ đừng bắt chước mình. Những năm 60-70 thế kỷ trước các nhà văn Sài Gòn thích những bút danh Hán Việt kiểu đó, như Đinh Hùng: Hoài Điệp Thứ Lang, Lê Trường Hận: Sa Chi Lệ, Lý Thừa Nghiệp: Trầm Mặc Nghệ Thế, Nguyễn Tất Nhiên: Hoài Thi Yên Thi, Lê Minh Quốc: Thiên Bất Hủ, Linh Phương: Chiêu Linh Phượng…. Dần dà rụng hết các bút danh “phông tên mari sến”, còn lại mỗi Du Tử Lê (Lê Cự Phách), Thanh Tâm Tuyền (Dzư Văn Tâm).
Mươi tám tuổi Ánh rời làng vào Sài Gòn, yêu và đã ngấm chữ tình. “Tình như áo cũ lâu không mặc”. “Ta chợt biết/ Ta là người quá dại/ Muốn thôi yêu/ Thì đã,/ Lỡ yêu rồi!” Những câu thơ dễ thương chưa đủ tỏ một văn tài thiên bẩm. Tchaikovsky có tuổi hai mươi làm mưa làm gió ở Nhạc viện Saint Petersburg. Nguyễn Nhật Ánh có một tuổi hai mươi bầm dập - đói nghèo, gian khổ và bế tắc. “Có buổi chiều nằm chết/Trên đồi thông cỏ dày/Chắc hôm sau chỗ ấy/Mọc lên một sớm mai.” Bế tắc nhưng phải cố vươn tới “một sớm mai”. Ráng sống. Đi TNXP và làm thơ yêu nước. “Em ơi lắng tai/Nghe thành phố thở/Bằng tiếng sóng vỗ/Dưới những thân tàu/ Bằng hương rừng già/Trên vai bộ đội/ Bằng hương đồng nội/ Thanh niên xung phong…”
Thành phố tình yêu và nỗi nhớ được Phan Thao rồi Phạm Minh Tuấn phổ nhạc làm rung động tuổi hai mươi gian khó xứ sở gian lao thời hậu chiến. Nguyễn Nhật Ánh đang ở những năm cuối tuổi hai mươi. Tập thơ Thành phố tháng tư in chung với Lê Thị Kim, kết thúc một chặng đường thơ, dầu không mấy tiếng vang cũng có được cái name khắc dấu trong lòng người hâm mộ.
Hai mươi ba tuổi, truyện ngắn Cô gái thủ thành được coi là truyện ngắn đầu tay mở đầu thời kỳ văn xuôi chín tới của Nguyễn Nhật Ánh, cũng mở đầu cho cuộc hôn nhân bất trắc của anh. Nhân vật chính truyện ngắn này tên Thu, cô TNXP đào kênh ném bắt những tảng bùn điệu nghệ như một thủ môn bóng đá tài ba, có nguyên mẫu là người đẹp Ánh say đắm. Thật oái ăm người đẹp đó là đảng viên Phó phòng chính trị Đoàn TNXP Thành phố, thủ trưởng trực tiếp của Ánh. Chàng trai trẻ, nhà thơ TNXP mới nổi, có gương mặt luôn trẻ hơn tuổi với cái răng khểnh duyên ngầm được “người đẹp thủ trưởng” yêu thương, khốn thay là người có “lý lịch xấu”. Chông gai được dựng lên khi hai người dắt tay nhau báo cáo tổ chức. Người đẹp thủ trưởng buộc phải lựa chọn giữa đảng viên - chức vụ và hôn nhân. Sau đám cưới, cô dâu nhận quyết định kỷ luật của đảng với tội danh “lập gia đình không có quan điểm lập trường”. Cũng may tổ chức không phát hiện ra đơn xin “xác nhận hộ khẩu bổ túc hồ sơ xin đăng ký xe” trình Phòng tổ chức xác nhận được đôi vợ chồng trẻ láu lỉnh sửa từ “đăng ký xe” thành “đăng ký kết hôn”. Nếu không vĩnh viễn sẽ không có đám cưới.
Ba mươi tuổi hết bĩ sang thái, Cú phạt đền tập truyện ngắn thiếu nhi đầu tay tiếp liền tập truyện dài thiếu nhi đầu tay Trước vòng chung kết gây ngạc nhiên bạn văn cùng thời, “Không ngờ Nguyễn Nhật Ánh viết văn rất có duyên!” Ánh vẫn đăng thơ nhưng thiên hạ đã gọi anh là nhà văn, Chúa đã rủ rê anh trở thành nhà văn từ lúc nào không biết. Từ đó đến Mắt biếc, Thằng quỷ nhỏ tròn 5 năm 12 cuốn sách đóng đinh vào nền văn học thiếu nhi nước nhà, đặc biệt đặc sắc Bàn có năm chỗ ngồi nhưng Chú bé rắc rối mới đoạt giải A của Trung ương Đoàn. Đội ngũ bạn đọc của Nguyễn Nhật Ánh bắt đầu hình thành, từ dăm ba ngàn đột khởi phát triển tới vài chục vạn, điều mà chính Ánh cũng không ngờ.
1990 ba lăm tuổi Nguyễn Nhật Ánh đứng đầu bảng các nhà văn thiếu nhi. Văn học thiếu nhi nước nhà dường như anh không có đối thủ. Nguyễn Quang Thân - Chú bé có tài mở khoá, Dương Thu Hương - Hành trình ngày thơ ấu, tưởng có thể đua được với anh, chẳng dè nửa đường gác giáo “bỏ chạy” sang văn học người lớn. Ngày ấy vỉa hè 64 Bà Triệu Hà Nội, trụ sở của Trung ương Đoàn và Nhà xuất bản Kim Đồng, luôn có tác giả của Dế mèn phiêu lưu ký và Đất rừng phương Nam, họ vẫn ngồi uống trà, uống bia hơi bán dạo với các biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng. Anh em biên tập Kim Đồng lúc nào gặp hai cụ đều giục các cụ viết. Cụ Tô Hoài cười như mếu, nói, ép dầu ép mỡ ai nỡ ép văn. Cụ Đoàn Giỏi gật gù nói, phải phải, nhất là văn học thiếu nhi. Một ngày đẹp trời năm 1988 hai cụ chìa ra hai cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh cho các biên tập viên. Tô Hoài chìa ra Bàn có năm chỗ ngồi, nói, có ông Ánh này tôi nghỉ được rồi nhé. Cụ Đoàn Giỏi chìa ra Còn chút gì để nhớ, nói, tôi chết được rồi nhé. Tưởng các cụ nói đùa. Năm sau cụ Đoàn Giỏi về trời, cụ Tô Hoài đóng cửa viết hồi ký.
Xưa nay nhà văn có chục cuốn sách nổi tiếng là ghê lắm rồi. Với Nguyễn Nhật Ánh 12 cuốn sách mới chỉ là “5 năm lần thứ nhất”. Sang “5 năm lần thứ hai”, 1990-1996, tổng số sách lên tới 25 cuốn. Bồ câu không đưa thư, Những chàng trai xấu tính, Trại hoa vàng, Út Quyên và tôi, Đi qua hoa cúc, Buổi chiều Windows... Truyện Nguyễn Nhật Ánh và báo Mực Tím được học trò cấp 2, cấp 3 sắp hàng chờ mua mỗi sáng thứ ba, thứ năm. Thời ấy tôi có shop sách ở đường Lý Thái Tổ - Hà Nội, trong hàng dài các học sinh “loắt choắt” có các cô cậu sinh viên “cao lêu đêu” kiên nhẫn đứng chờ mua sách mới của Nguyễn Nhật Ánh.
Tới đây người lớn bắt đầu “vào cuộc.” Thoạt tiên đọc vì tò mò, để biết vì sao trẻ em say văn Nguyễn Nhật Ánh, sau đọc vì ưa thích. Từ thích đến say chẳng mấy chốc. Lev Tolstoy từng nói đại ý: Một cuốn sách trẻ nhỏ đọc thấy hay, nhất định người lớn đọc cũng sẽ thấy hay. Quả thật tất cả sách viết cho thiếu nhi của ông đều được người lớn toàn thế giới ưa thích. Đó là lý do tira sách Nguyễn Nhật Ánh tăng vọt từ năm 1996. Orhan Pamuk, nhà văn đứng đầu các nhà văn được giới trẻ hâm mộ ở Thổ Nhĩ Kỳ, từng nói: “Để vui sống, hằng ngày tôi phải dùng một liều văn chương.” Thực đơn văn chương hàng ngày của người Việt từ đây có văn Nguyễn Nhật Ánh. Nhà xuất bản Kim Đồng nơi tôi công tác ở 55 Quang Trung - Hà Nội, thỉnh thoảng Ánh từ Sài Gòn ra Hà Nội kí tặng các em nhỏ. Trong hàng ngàn người chờ chực xin chữ kí Nguyễn Nhật Ánh, bên các con nghiện văn Nguyễn Nhật Ánh “loắt choắt” và “lêu đêu” có nhiều những bạn đọc tuổi trung niên và ông bà già.
Triết lý sống vì nhau xuyên suốt trục sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh, với các em là bài học luân lý, là sự khám phá về tình quê, tình người; với người lớn nó là chìa khoá mở ra biết bao nỗi nhớ thương và ân hận trong dòng sông ký ức đời người.“Đi tới tận cùng người lớn ta sẽ gặp tuổi thơ”. Đọc kỹ Nguyễn Nhật Ánh người ta hiểu vì sao Orhan Pamuk nói vậy. Người ta cũng hiểu và yêu Ánh hơn khi anh nói: “Mỗi dân tộc đều có treo một quả chuông trước cửa sổ tâm hồn của mình. Nhà văn có sứ mạng phải rung những quả chuông đó lên, bằng văn chương.”
Thêm hai lần “5 năm” nữa tới năm 2008, Ánh 53 tuổi. Tchaikovsky về trời ở tuổi 53, tuổi ấy Nguyễn Nhật Ánh đạt đỉnh văn chương. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là cuốn sách đánh dấu đỉnh ấy. Vẫn viết cho thiếu nhi nhưng cuốn sách thực sự hướng tới người lớn, quyến rũ người lớn. Tới nay Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đạt trên sáu trăm ngàn bản. Thế giới có chừng vài chục vạn nhà văn, số nhà văn có nửa triệu bản trên một đầu sách có lẽ không quá trăm người. Đó là tính đầu sách lẻ, bộ sách Kính vạn hoa của Ánh đến nay đạt trên hai triệu bản.
Nói năm 2008 là năm Nguyễn Nhật Ánh đạt đỉnh văn chương là so với mặt bằng văn chương Việt, với riêng Ánh đó chỉ là một nửa chặng đường. Từ đó đến nay sách và sách. Tira và tira, giải thưởng và giải thưởng. Chóng mặt. 108 cuốn sách cho thanh thiếu niên của Nguyễn Nhật Ánh không cuốn nào tái bản dưới 20 lần. Nhiều cuốn trên 50 lần, khủng nhất là các cuốn: Hạ đỏ: 62 lần; Bàn có năm chỗ ngồi: 63 lần; Còn chút gì để nhớ: 60 lần, Cô gái đến từ hôm qua: 65 lần; Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ: 80 lần… Chưa dừng lại ở đó, vì năm nào cũng có tái bản.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng từ khi chơi thân với Ánh tôi luôn thấy hình bóng Tchaikovsky ở phía sau anh, họ rất giống nhau về tính cách sáng tạo. Tchaikovsky nói:“Cảm hứng là vị khách không thích viếng thăm những kẻ lười biếng. Nó chỉ đến với những ai mời gọi nó.” Theo đó bất kỳ lúc nào Tchaikovsky cần thì “vị khách cảm hứng” có mặt, với Nguyễn Nhật Ánh cũng vậy. Nhờ “vị khách cảm hứng” luôn có bên bàn viết mà Ánh có được 180 đầu sách đủ các thể loại - truyện, thơ, tạp văn, truyện tranh, bình luận thể thao và tư vấn tâm lý…
Có hai nhà văn có sách cao quá đầu người, đó là Tô Hoài và Nguyễn Trần Thiết. Giới nhà văn nghe nói thảy đều thè lưỡi. Nhưng họ cũng không quá 60 cuốn. Số sách của Ánh nhiều gấp ba, thu nhập gấp ba mươi lần. Dưới gầm trời nước Nam này không một nhà văn nào có nhuận bút văn chương mỗi năm trên một tỷ như Ánh, chưa kể tiền bản quyền chuyển thể kịch, phim và các loại hình khác. Tính sơ sơ Ánh có 12 tác phẩm được chuyển thể sân khấu, 7 tác phẩm chuyển thể truyền hình nhiều tập, 5 tác phẩm chuyển thể điện ảnh (phim nhựa), chưa kể 4 tác phẩm khác đã được các Hãng phim mua bản quyền đang chờ dàn dựng. Nhiều tác phẩm đồng thời chuyển thể cả phim lẫn kịch, nhiều nhà hát, đoàn kịch cùng chuyển thể một tác phẩm của Ánh.
Tchaikovsky nói: “Hãy nhớ rằng ngay cả người có dấu ấn tài năng thiên phú, nếu không lao động điên cuồng, thì ngay những chuyện bình thường cũng không làm nổi, chứ nói gì tới những việc lớn”. Xuất phát không “tài năng thiên phú” như Tchaikovsky, để có được như ngày hôm nay Ánh phải lao động trên cả điên cuồng. Nếu tính cả hai tác giả nổi tiếng không kém Nguyễn Nhật Ánh là Chu Đình Ngạn bình luận thể thao báo Sài Gòn Giải Phóng và Anh Bồ Câu tư vấn tâm lý trên báo Thanh niên thì lao động của Nguyễn Nhật Ánh là lao động của nhà văn ngoài hành tinh.
Năm nay Nguyễn Nhật Ánh vào tuổi bảy mươi. Không như tôi và nhiều bạn già của Ánh “sống qua ngày chờ qua đời”, anh vẫn sống trẻ và viết khỏe, vẫn lao động trên cả “điên cuồng” như đang ở tuổi ba mươi. Bởi vì bạn đọc đang chờ đợi ở anh - người bán vé về tuổi thơ, người rung chuông đánh thức những ai ngủ quên trong quá vãng, người gác ghi trỏ lối vể ký ức. Tài năng và nghị lực người đó chưa có ai thay thế.
…………………..
1. Thôn Đo Đo xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
2. Rút từ truyện dài Mắt biếc của Nguyễn Nhật Ánh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét