Bình truyện ngắn “Con tin ở Stockhom”

Tập truyện ngắn đầu tay Cõng nhau trong một cõi người  của Hoàng Công Danh đã làm nhà văn Hồ Anh Thái ngạc nhiên về triết lý nhà Phật thấm đẫm trong cuốn sách này. Tôi thì ngạc nhiên Hoàng Công Danh sống khá lâu ở Belarus nhưng không hề ảnh hưởng  Svetlana Alexievich, nữ nhà văn Belarus 67 tuổi vừa đoạt giải Nobel ( 2015), trong khi lại rất gần với Alice Munro, nữ nhà văn Canada cũng 67 tuổi, cũng vừa đoạt giải Nobel ( 2013). Tới tập truyện ngắn thứ hai Chuyến tàu vé ngắn,  dường như ta thấy một Alice Munro ở Quảng Trị. Đến nỗi nhà báo (cũng là nhà phê bình văn học) Lê Xuân Sơn phấn khởi loan tin: “Hoàng Công Danh là một cây bút trẻ hiện đại, giàu tiềm năng.”


            Truyện ngắn này của Hoàng Công Danh cũng vậy. Sức hấp dẫn của nó không ở tiết tấu gấp gáp, văn chương nóng rãy, tình tiết gây sốc. Nhẹ nhàng và chậm rãi gần như là nhẩn nha, Hoàng Công Danh nói về một sự đời đắng ngắt, ấy là con người thật đáng thương trong khát vọng tự do. Để được tự do phải bắt cóc người khác làm con tin hoá ra lại bị bắt cóc. Để được tự do phải trốn chạy khỏi  sự bị bắt cóc hoá ra lại vô tình bắt cóc người khác. Vòng luẩn quẩn đảo điên như con kiến leo phải cành cụt. Ngay cả cái chết tưởng có thể giải thoát mọi nhẽ cũng chỉ là cách  để cho mình bắt cóc chính mình mà thôi.

Người ta có cởi trói cho nhau được không?” Đó là câu hỏi của nhân vật chính. Câu hỏi quá khó nếu như người ta còn muốn trói buộc nhau, muốn bắt nhau làm con tin. Ngược lại thì quá dễ.  Khó khó dễ dễ, được được mất mất, sắc sắc không không, những câu hỏi của tự do đều vậy cả.

Rõ ràng Hoàng Công Danh rất gần với Alice Munro. Gần với bút pháp, gần với trăn trở, cả hấp dẫn, lôi cuốn cũng rất gần. Một sự hấp dẫn, lôi cuốn hiện đại. Chỉ có điều  Alice Munro lôi cuốn bằng nỗi đau của Chúa, còn Hoàng Công Danh phần nào hấp dẫn được bằng nỗi buồn lo của Phật.

Nguyễn Quang Lập




  

0 nhận xét:

Đăng nhận xét