Chân dung
Nguyễn Khắc Phê là nhà văn đầu tiên
mình gặp trong đời. Thủa bé thấy các nhà thơ Hải Bằng, Nguyễn Văn Dinh,
Xuân Hoàng khi các ông về Ba Đồn đọc thơ, chỉ dám đứng xa xa ngắm nghía, không
dám tới gần. Anh Phê đã gặp mình một
ngày mùa đông năm 1975, nói chuyện với mình, lại ôm vai hót cổ nữa, chỉ chừng mươi
phút thôi rồi đi, thế mà mình sướng râm ran cả tuần.
Hồi mình còn là sinh viên, trong lớp có thằng
Minh con nhà thơ Viễn Phương, chỉ cần con nhà thơ là mình đã nể trọng lắm rồi, đi
đâu cũng khoe tao học với con nhà thơ Viễn Phương. Cái thằng nhà quê như mình được
học với con nhà thơ nổi tiếng miền Nam, được đá bóng với con đại tướng, được chơi
thân con gái ngài bộ trưởng, óach cực, về quê khoe với tụi bạn suốt ngày.
Chiều chủ nhật mình đi chơi về,
thằng Hoan thằng Tuất kéo tay mình mặt mày nghiêm trọng, nói, có nhà văn Nguyễn
Khắc Phê tới tìm anh hai ba lần, mình đứng ngây người vừa sung sướng vừa tự
hào. Bảo đảm cả lớp chẳng có thằng nào được nhà văn đến tìm như mình trừ thằng Minh, bố nó tìm nó là đương
nhiên, tự nhiên thấy giá mình lên cao hẳn, hi hi.
Đến chiều tối anh Phê đến, anh mặc
cái áo đại cán đã sờn, đội cái mũ lá, đi đôi dép cao su y chang mấy ông cán bộ
xã, bụng tấm tắc khen sao nhà văn giản dị thế. Té ra anh ăn mang “giản dị” như
thế cho đến già, bất kể lúc nào, ở quê hay ra phố, trên đường hay vào hội nghị,
thời bao cấp hay thời đổi mới... bất di bất dịch. Về sau thì biết đó là mốt của
các ông đồ xứ Nghệ, ai cũng như ai, cứ áo đại cán, mũ lá, dép cao su vào vào ra
ra lóm thóm suốt cả cuộc đời.
Anh vỗ vai mình, miệng thít thít
mắt cười rất tươi, nói, Lập trẻ hè trẻ hè. Rồi anh giao cho mình cái cặp phần thưởng
giải ba thơ Hội văn nghệ Quảng Bình và 22 đồng, nói, đây là tiền nhuận bút, tiền
giải của ông được 80 đồng, ông X. nhận rồi, ông X. nói quen thân ông, ai cũng
tin.
Khi đó mình 20 tuổi, lần đầu tiên
trong đời nhận được những đồng tiền do chính mình làm ra, được nhà văn nổi
tiếng tìm hai ba lần mới gặp, ôm vai hót cổ gọi bằng ông, được nhà thơ nổi
tiếng khoe quen thân với mình, dù khoe là để cuỗm tiền giải của mình thì mình cũng sướng củ tỉ. Tụi bạn học trong lớp nhìn mình ngưỡng mộ lắm.
Thú thật khi đó mình chưa đọc gì
của anh Phê, chỉ cái bút kí viết về trại gà Đồng Hới mình đọc hồi lớp 10, rất
thích, cái ông lù đù vậy mà viết dí dỏm ra phết. Sau mới biết anh là nhà văn
sống chết với đường Trường Sơn, anh đã viết 5 cuốn sách cả thảy, cuốn nào cũng
ghi đựơc dấu ấn một thời. Văn học Trường Sơn thời Chống Mỹ thơ có Phạm Tiến
Duật, văn có Nguyễn Khắc Phê, cả hai hình như đã vắt kiệt tài năng và sức lực
cho Trường Sơn và thu được những thành công không nhỏ, nếu không muốn nói là to
lớn.
Mình không ngờ anh Phê là bạn thân
của ông bố vợ mình, cả hai đã từng ăn cùng mâm ngủ cùng hầm, sống chết có nhau
trên những cung đường chết, toạ độ lửa.
Ông bố vợ nhà mình hình như chẳng biết nhà văn
Việt Nam nào trừ Nguyễn Khắc Phê, hễ ông nói chuyện văn là y như ông
nhắc đến những cuốn sách của Nguyễn Khắc Phê, những cuốn sách ông đã thuộc nằm
lòng thời máu lửa. Cứ mở mồm là Nguyễn Khắc Phê nói thế này, Nguyễn Khắc Phê
viết thế kia.
Qua ông bố vợ mình mới biết cái ông
đội mũ lá, mặc áo đại cán, đeo dép cao su kia té ra thuộc dòng danh gia vọng
tộc, con trai đại thân triều Nguyễn, hai lần Phủ Doãn Thừa Thiên, hàm Thượng
thư cải cách hương ước khét tiếng một thời. Bốn anh em Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn
Khắc Dương, Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Khắc Phê đều có trí lự phi thường, hết thảy
đều nổi tiếng trong trường văn.
Đọc Ngô Minh mới biết cái câu 16 chữ: Tôn
tộc đại quy / Tôn lộc đại
nguy / Tôn tài đại thịnh / Tôn nịnh đại suy ( Tôn trọng nòi giống ắt đại hòa hợp / Tôn trọng bổng lộc ắt đại nguy nan / Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh / Tôn
trọng siểm nịnh, ắt đại suy vong) nổi tiếng hơn trăm năm nay là của Hoàng Giáp
Nguyễn Khắc Niêm, cha
đẻ của Nguyễn Khắc Phê. Kinh. Anh Tường ( Hoàng Phủ Ngọc Tường) nói nên đúc
vàng 16 chữ kia treo trước cửa Quốc hội để răn dạy muôn dân. Anh Phê cười hì
hì, nói chết chết ai lại treo chữ của ông đại địa chủ, vì cha tôi là đại địa
chủ nên tôi mới không lấy được cô Dạ nhà anh đấy.
Chuyện Nguyễn Khắc Phê đòi cưới Lâm
Mỹ Dạ dân văn nghệ Bình Trị Thiên ai cũng biết. Ngày đó chị Dạ 19 tuổi đẹp mê tơi,
mấy ông Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khắc Phê tất nhiên là mê tít. Anh Phê thậm chí còn đòi cưới cho đựơc chị Dạ, kẹt vì mẹ chị Dạ không cho, nói con
Dạ cũng con địa chủ, anh cũng con địa chủ ai cho lấy, mà lấy rồi sống mần răng nổi.
Mình có hỏi chị Dạ chuyện đó có không, chị Dạ
cười cười, nói thì cũng rứa đo, không nói có chẳng nói không. Mình rỉ tai hỏi
anh Phê, nói, anh tán đổ chị Dạ à? Anh cười miệng thít thít, nói, ông chê tôi xấu
trai không tán đổ chị của ông à? Anh Phê có điệu cười thít thít rất vui, quen
anh mấy chục năm rồi, chưa khi nào thấy anh nổi cáu, lúc nào cũng thấy anh cười
tít mắt, cái miệng thít thít, bất kể gặp chuyện gì cũng mắt cười miệng thít vậy thôi.
Dạo này về hưu rồi mới thấy anh
thong dong, để ý đến chơi bời, mình về Huế lần nào cũng vậy, hú cái là anh vọt
tới liền, chứ ngày xưa đừng có hòng, rời cơ quan, hết họp hành hội nghị hội báo
là anh lên xe đạp cắm cổ chạy về nhà ngay. Chưa khi nào thấy anh tụ bạ đàn đúm
với anh em, tuồng như anh thấy việc ngồi quán xá là vô lý hết sức, anh chẳng rủ
ai vào quán cũng chẳng để ai rủ mình, chèo kéo mãi thì anh ghé đít ngồi vào một
chút rồi biến liền.
Đi đâu có khát nước cháy cổ anh cũng cố chạy
về nhà uống nước chứ chẳng chịu mất cho quán nước một xu, còn bảo vào quán uống
chén trà thì anh cười lắc đầu, nói, trà ở nhà mình cũng có, vô đó mần chi. Thằng
Dương Thành Vũ nói, ông Phê kẹt gớm, đến nhân vật ông cũng chẳng cho ăn một bữa
ngon. Mọi người cười ầm, thằng nào lừa được ông Phê chi cho một bữa ngon trời
sập cái đoàng.
Trêu anh cho vui vậy thôi, anh
không thuộc dòng dõi họ nhà kiết, chính xác anh chỉ kiết cho chính anh thôi,
bạn bè ai hỏi mượn tiền anh đưa liền, chẳng khi nào hỏi mượn làm gì, khi nào
trả. Cũng giống như mấy ông đồ Nghệ khác, anh nghiện chữ, sách đắt mấy cũng
mua, mua cả tấn sách miệt mài đọc quanh năm, hết đọc thì viết, viết hết cuốn
này sang cuốn khác. Phàm đã nghiện chơi chữ thì thì thấy chơi mấy thứ khác đều
tầm phào, thậm chí vô nghĩa, anh kiên quyết không chịu tốn tiền cho mấy trò mà
anh cho là vô nghĩa, vậy thôi.
Giống Văn Công Hùng, anh quanh năm
làm phó, hết làm phó cho anh Xuân Hoàng đến làm phó cho Nguyễn Khoa Điềm, Tô
Nhuận Vỹ. Lắm người làm phó chỉ vài năm đã thấy ngứa ngáy khó chịu, anh làm phó
bền bỉ ba chục năm vẫn tươi tỉnh như không, ai hỏi thì miệng cười miệng thít,
nói mình con đại địa chủ được thế này
phúc đức lắm rồi.
Người ta tranh nhau đi nước ngoài
dập dập dìu dìu anh vẫn an nhiên không chút sốt ruột. Mình nói, tại mấy cuốn
sách của anh nó yểm ảnh đấy. Anh hỏi sao. Mình nói Phùng Quán có tập thơ Từ thơ đến huyệt, in xong cái chết liền,
Hữu Thỉnh có tập thơ Từ chiến hào đến thành phố, in xong nhảy
một phát về Thủ đô, lên ngựa xuống xe hai chục năm đã đời, anh cứ hết Đường qua làng Hạ, Đường giáp mặt trận, vì sự sống con đường thì chỉ có suốt đời quẩn
chân chị Rạng vợ anh, đừng có mơ tây tàu mà mệt.
Anh cười hì hì, nói, ông nói
phải phải. Mấy năm sau anh ra cuốn sách
mới có tên là Những cánh cửa đã mở,
in xong cái là được đi tây hai ba chuyến, được lên làm trưởng liền. Mình gọi điện
cho anh, nói, đó... em nói đúng chưa? Anh cười hì hì, miệng thít thít, nói, nhưng sắp hưu
rồi, lại về làm phó cho mụ Rạng thôi, he he.
Rút từ Bạn văn 1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét