Chặng cuối của tuổi thơ

(Nhân đọc tiểu thuyết Ngày xưa có một chuyện tình của Nguyễn Nhật Ánh)

  Nếu tính một tập sách là một ga tàu, hành trình về tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh đã qua ngót nghét 100 ga. Đó không phải là hành trình ngẫu hứng, nó được hoạch định rõ ràng từng chặng đường thích hợp với từng lứa tuổi. Nhà văn tự biết mình đang đưa các em về đâu. Con tàu đang đi tới xứ mộng mơ nhưng đường ray của nó vẫn bám chắc thực tại.
Chặng đường đầu tiên là những ga mộng mơ, với tuổi lên mười thế giới là thiên đường, cuộc sống chỉ cần một vị ngọt là quá đủ. Những Đảo mộng mơ, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng... cuộc sống ngòn ngọt dễ thương, lung linh kỳ ảo. Nếu có gì thêm là một chút chua chua  đủ nhăn mũi cười với nhau. Chỉ vậy thôi không cần nhiều hơn.

Chặng đường tiếp theo là những ga rắc rối, tuổi mười ba gây dựng cái tôi vụng về nông nổi, tự mình gây rắc rối cho mình. Bây giờ đã thấy cuộc sống có cả buồn vui sướng khổ. Những Chú bé rắc rối, Bàn có năm chỗ ngồi, Thiên thần nhỏ của tôi, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.... chua chát nhiều hơn ngọt ngào nhưng chua chát cũng chỉ để cười xòa, nhiều lắm cũng chỉ một tiếng thở dài. Chặng đường này đã cho thấy thế giới không chỉ có mộng mơ và thần tiên, có cả  rủi ro, đói nghèo, khổ đau, oan ức nữa. Nhưng tất cả cũng chỉ để buồn không để hận, để nhớ thương không để ghét bỏ.
Những ga tình thuộc về chặng đường  của tuổi mười lăm. Một ngày đẹp giời bỗng thấy mình đã lớn. Và bỗng dưng buồn, bỗng dưng yêu, bỗng dưng thương nhớ... Những Đi qua hoa cúc, Còn chút gì để nhớ, Mắt biếc, Ngồi khóc trên cây... là những ngỡ ngàng. Thì ra bên cạnh tình bạn còn có tình yêu, thì ra tình yêu khác rất xa tình bạn vì nó có thêm vị đắng, dường như không có vị đắng sẽ không có tình yêu. Cuộc sống đã có thêm hai chữ phức tạp và khó lường, đời không chỉ có hoa thơm và quả ngọt như ở chặng đầu tiên.
Ngày xưa có một chuyện tình là ga đầu tiên thuộc chặng đường cuối của tuổi thơ, tuổi hai mươi bắt đầu làm người lớn. Mối tình tay ba Phúc, Miền, Vinh cho thấy cuộc sống thực ra có đủ vị chua ngọt đắng cay, đắng cay bao giờ cũng chiếm phần nhiều, thực ra “làm người lớn gần giống như là làm nỗi buồn vậy”. Và, “thoạt đầu cuộc sống vẫn trong veo như viên bi ve dưới ánh mặt trời, nhưng rồi càng lăn theo vòng quay số phận, viên bi tuổi thơ càng xây xát, trầy trụa để rồi mờ đục qua từng ngày.” Đó là bản sơ kết hành trình 100 ga và biển chỉ đường trỏ lối về chặng cuối, lối về  thế giới của người lớn.
Tới đây tác giả không muốn giấu điều gì. Mộng mơ hãy còn đấy nhưng chỉ là góc nhỏ nhoi trong đời. Và đời của mỗi người thực ra là, “vui vẻ, bình yên, hạnh phúc chắc chỉ gói ghém trong vỏn vẹn một năm... còn lại là “buồn khổ, toan tính, lo lắng, ưu tư và vô vàn những thứ mệt mỏi khác.” Lần đầu tiên các nhân vật của Nguyễn Nhật Ánh buộc phải lựa chọn được và mất, sự lựa chọn thật đau và rõ đắng mà 100 ga vừa qua ta chưa hề thấy. Cũng từ đây ta vào ga đầu tiên có tên là bi kịch.

Bi kịch của Miền hóa ra tình không chỉ yêu và say, còn có “cái gì đó mù lòa, điên rồ, ảo giác...”. Bi kịch của Vinh hóa ra đàn ông không chỉ là cái nạng chống, cần cả sự quyến rũ và lãng mạn nữa mới thực là đàn ông. Bi kịch của Phúc hóa ra tình không chỉ có cho và nhận, còn có cả hy sinh và mất mát nữa mới thực đúng là tình. Họ tự mình gây ra bi kịch cho mình và bi kịch của nhau. Đó là bi kịch tuổi thơ, khởi nguồn từ những ga rắc rối.

Tuổi hai mươi đã giúp họ nhận ra sự thật này: “Đôi khi cuộc sống chảy theo cách nó muốn”, và “tình yêu là câu chuyện của trái tim”. Từ đó Phúc, Miền, Vinh mỗi người có lý do để hy sinh cho người khác, cũng là để giành cho mình sự thanh thản. Bi kịch tuổi thơ nhưng cách giải quyết bi kịch rất người lớn. Chỉ có người lớn mới hiểu giá phải trả cho sự thanh thản mà người xưa gọi là chữ nhàn. Nhưng nói như Orhan Pamuk “Đi tới tận cùng người lớn ta sẽ gặp tuổi thơ”, ở đấy Tình Bạn là trước hết và trên hết. Những chương cuối cùng của cuốn sách mới thấy bộ ba Phúc, Miền, Vinh giải quyết bi kịch của họ hay đến nỗi không thể hay hơn.

Ngày xưa có một chuyện tình là bi kịch của những người tốt, do chính những người tốt gây ra, đó là bi kịch của tuổi thơ. Tuy vậy bi kịch tuổi thơ không chỉ do chính chúng gây ra, phần nhiều do cái ác gây ra. Có lẽ chặng cuối tuổi thơ này, tới lúc nhà văn  sẽ cho lứa tuổi đã lớn khôn thấy hết bi kịch do cái ác gây ra. Và cũng như Julius Fucik, tới lúc Nguyễn Nhật Ánh cũng sẽ phải kêu lên: “ Này hỡi các em, hãy cảnh giác!” Có lẽ thế chăng?

Nhà văn NGUYỄN QUANG LẬP


0 nhận xét:

Đăng nhận xét