Tự sự của một "con bò"

Nguyễn Thị Thu Thuỷ

Kb là bài tập chung của lớp biên kịch
Tháng chín năm nay, một trường đại học phía Nam liên hệ đề nghị tôi vào giảng dạy một khóa biên kịch phim truyền hình. Tôi bất ngờ, do dự, tất nhiên vì nhiều lẽ. Nhưng có một ý nghĩ cứ trở đi trở lại, lại bám vào trong trí óc, rằng 10 năm trước, khi được mời làm giảng viên khóa biên kịch, không biết thầy tôi có băn khoăn như tôi bây giờ?
Làm thầy, chưa bao giờ là việc đơn giản.

Năm 2006, khóa đào tạo biên kịch, lý luận phê bình điện ảnh do quỹ Ford tài trợ đặt tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chính thức khai giảng khóa đầu tiên. Trong buổi ra mắt, bên cạnh những cái tên quen thuộc Đặng Nhật Minh, Phạm Nhuệ Giang … chúng tôi lần đầu biết đến Nguyễn Quang Lập, người đàn ông với bước chân tập tễnh, đôi mắt biết cười. Người đàn ông ấy, khuôn mặt chẳng chút phật lòng khi cả chục học viên lớp biên kịch mà ông đảm trách, không một đứa nào biết ông là ai, ông viết cái gì. Nhưng ông đã làm cả lũ học trò đang uể oải, lơ đãng lúc đó ngồi thẳng người với câu tuyên bố sấm sét: “Thầy có thể biến một con bò trở thành nhà biên kịch!!!


Bây giờ, khi đã là những biên kịch thực thụ, chúng tôi vẫn luôn tự hào mình là lứa học trò đầu tiên, “lứa bò” đầu tiên của thầy. Trong 1 năm học tập, 3 năm cùng làm việc và 6 năm xa cách nhưng chưa bao giờ đứt đoạn, tôi vẫn nhớ cách thầy nâng niu và trân trọng “sự ngây thơ của người mới vào nghề”. Thầy bảo, kinh nghiệm là thứ quý báu, nhưng sự ngây thơ ban đầu, sự hào hứng, sự tươi mới, sức sáng tạo và ưa khám phá, cái cảm giác không biết sợ hãi của buổi ban đầu, là thứ cực kì đáng giá, vì, nó sẽ bị mai một theo thời gian, và được lấp đầy bởi kinh nghiệm. 
Chúng tôi, như một cơ duyên may mắn, đã gặp thầy trong  sự ngây thơ ban đầu ấy. Cũng như, ở một khía cạnh nào đó, chúng tôi cũng được gặp gỡ sự “ngây thơ” của một nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch, lần đầu làm thầy giáo. Nên chúng tôi đã được trao bao sự hết lòng.  
Tôi nhớ nỗi háo hức vồ ngay từng tờ giáo án rõ ràng khúc chiết mà thầy phát từng ngày lên lớp. Tôi nhớ những buổi cả lớp cãi nhau ỏm tỏi để làm một bộ phim bài tập, mà sau đó, bài tập ấy đã trở thành bộ phim đạt HCB liên hoan phim truyền hình toàn quốc năm 2006. Tôi nhớ cả những khi làm kịch bản tốt nghiệp, thầy âu lo, bạc tóc làm việc với từng học viên. Tôi cũng nhớ cả những tức giận và thất vọng của thầy, khi chúng tôi viết những kịch bản mà theo thầy là “không nên hồn”. Tôi nhớ cảm giác khi thầy rủ rê “muốn rèn nghề và muốn kiếm tiền thì làm với thầy”, hay cảm giác trong lòng trào sôi nhiệt huyết khi lần đầu nhìn hợp đồng kịch bản được kí kết…
Có những thời điểm, niềm vui, nỗi buồn, sự hi vọng đều quá chừng dào dạt. Không chỉ chúng tôi, mà tôi đoán chắc, chính thầy cũng thế.

Sau chúng tôi, thầy trở thành thầy giáo của nhiều học trò khác. Thậm chí, gần đây, thầy còn mở một lớp học kịch bản online. Đều đặn vào 1 ngày trong tuần, thầy post giáo án, cuối tuần trả bài tập. Học phí tự nguyện, ai muốn gửi bao nhiêu thì gửi, tùy theo sự thu nhận tri thức mà họ cảm thấy mình nhận được. Khi tôi hỏi thăm, thầy nói, thầy nhận nhiều thứ từ anh em, bạn bè, đồng nghiệp, từ cuộc đời. Bây giờ, là lúc mà thầy trả lại… Đơn giản là như vậy.

Có lẽ thầy không biết, tôi và những bạn bè của mình, vẫn ngày ngày đọc lại giáo án của thầy. Đọc những gì đã từng quen thuộc, nhưng, cũng đánh thức lại những gì đã từng rơi rụng hay quên đi mất. Giáo án của thầy giờ đây update thêm nhiều những thông tin mới mẻ, nhưng cách tư duy, cách trình bày vẫn như vậy, đơn giản, khúc chiết, khoa học.
Tôi từng được làm việc với nhiều nhà biên kịch trong nước, cũng từng có cơ hội làm việc với những biên kịch đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc… sự tiếp xúc dài lâu trong nghề nghiệp đã cho tôi một lăng kính khách quan hơn để nhìn về thầy. Ngay cả khi không bị lòng yêu quí và sự biết ơn che mờ, thì tôi vẫn biết, thầy là một người dạy về cấu trúc kịch bản hay nhất mà tôi từng gặp.

Khi lớp biên kịch online gần đến ngày hoàn thành khóa học, thì cũng là lúc tôi được tin cuốn sách dạy về kĩ năng viết kịch bản của thầy hoàn thành.  Khi nghe tin, trong lòng chỉ còn hai chữ “mừng quá!”. Đã có biết bao bạn trẻ từng hỏi tôi, em muốn học viết kịch bản, em nên học ở đâu, nên tìm cuốn sách gì. Thì nay, tôi đã có 1 cuốn sách để tôi giới thiệu đến với các bạn ấy. Và, ở 1 khía cạnh nào đó, cũng là tôi giới thiệu đến với các bạn ấy, người thầy của tôi!
Đó là người ngày ngày xức dầu để có thể đủ sức khỏe lên lớp, không bỏ buổi nào.
Là người đã thuê cả chuyến xe về Nam Định, để lũ học trò biết không khí liên hoan phim, để chúng có thêm động lực cố gắng.
Thầy, người từng tặng cho học trò từng tấm thẻ điện thoại.
Thầy, người từng yêu cầu các diễn viên tên tuổi “chào” lũ học trò cho tử tế, với tuyên bố “rồi có ngày chúng mày sẽ cần tụi nó”.
Và thầy, người từng bảo “Các em hoàn toàn có khả năng. Nếu các em không tin chính mình, thì làm sao người ngoài tin các em được”.

Tôi không biết, mai này, khi tôi đứng trên bục giảng, với giáo án là cuốn sách của thầy, liệu tôi có khiến những bạn trẻ ngoài kia nhận được những tri thức, nhận được niềm say mê, háo hức như chính tôi đã từng có với thầy không… Nhưng, chính khi nhận được lời mời này, và khi cầm trên tay cuốn sách này, lòng tôi chỉ lặng lẽ cảm nhận sự may mắn của chính mình, và cả một niềm biết ơn trân trọng. Bởi lẽ, trong  khoảng thời gian đầy biến động, cần có sự lựa chọn quyết liệt trong cuộc đời, tôi và bạn bè tôi đã gặp được thầy. Và được thầy chỉ cho một con đường đi. 
Con đường ấy chẳng dễ dàng. Nhưng, nó thú vị, đầy những trải nghiệm, mà ít nghề nghiệp nào có được. Đặc biệt, trên con đường ấy, chúng tôi có thầy, một người đã cho chúng tôi một một cách  tư duy, một cách làm việc.
Và, một cách sống.

Hà Nội ngày 5 tháng 11 năm 2016

Nguyễn Thu Thủy




0 nhận xét:

Đăng nhận xét