Tôi không biết nhiều về Phương Nam
Book. Nói chung tôi không mấy quan tâm các nhà sách và nxb. Chủ quan
vì luôn có các nxb chờ đợi sau lưng, tôi chỉ lo làm sao viết cho hay, in sách ở
đâu tôi không mấy quan tâm. Tôi biết tới Phương Nam vào năm 1997, khi đó chưa
có Phương Nam Book, có lẽ khi đó
Phương Nam đang là công ty văn hoá gì đó của Quận 11 chuyên xuất bản sách văn học
và làm phim cho thiếu nhi thì phải. Một người bạn của tôi, người quen thì đúng
hơn, là anh Trần Trọng Thức khi đó vừa rời báo Lao Động về đầu quân cho Phương
Nam. Tình cờ gặp nhau ở đầu phố, không một
ly cà phê một cốc rượu, chỉ nói chuyện suông dăm ba câu chúng tôi đã nhất trí với
nhau về một tập truyện ngắn của Tứ quí
Văn Việt ( bốc đồng mà tự xưng cho oai chứ chẳng có ai gọi) là Trung Trung
Đỉnh, Bảo Ninh, Nguyễn Trọng Tín, Nguyễn Quang Lập.
Sở dĩ tôi ok nhanh như vậy vì thái độ
rất tôn trọng cộng tác viên của Trần Trọng Thức. Vốn rất ghét các biên tập viên
quen thói ban ơn thời bao cấp, chỉ cần nghe biên tập xuất bản nào nói ra hai tiếng
“in cho” là tôi bỏ qua ngay, không bao giờ cộng tác. Ngay cả nxb nơi tôi công tác cũng vậy. Một hôm
anh trưởng ban gọi điện cho tôi, nói: Mày có cuốn nào ném cho anh, anh in cho.
Dù biết anh rất quí mình mới nói vậy nhưng tôi đã nổi khùng, nói ngay: Tôi éo
vào nhé!
Nhà văn, nhà báo đã sống qua thời bao
cấp mang một mặc cảm bị ban ơn rất nặng nề. Thành ra khi gặp thái độ trọng thị
của nhà sách họ rất phấn khởi, vồ lấy ngay. Tôi khen Trần Trọng Thức rất biết
tôn trọng cộng tác viên, thực sự coi “khách hàng là thượng đế”. Thức nói: Không phải riêng tôi đâu, người của
Phương Nam đều vậy cả. Chỉ có câu nói đó
thôi là tôi ok liền, không cần bất kì thủ tục nào khác. Thậm chí hợp đồng cũng
chỉ kí cho vui, tôi chẳng để ý.
Không
còn nhớ tên tập truyện ngắn 400 trang ấy là gì, hình như Đêm nguyệt thực thì phải, nhưng tôi lại rất nhớ bốn điểm rất mới về
cuốn sách. Thứ nhất là sách có cái bìa rất Sài Gòn. Hồi đó rất Sài Gòn đồng nghĩa với rất modern (tiếc thay ý niệm ấy giờ đã
không còn). Bốn anh em chúng tôi ai cũng
có dăm ba cuốn sách, cho tới lúc đó chưa ai có một cái bìa sách ưa ý như bìa
sách này.
Thứ hai, nhuận bút đúng là… nhuận bút.
Chỉ có 4, 7 triệu đồng thôi nhưng hồi đó là một cái gì rất khủng. Không có bất
kì một nxb nhà nước nào trả nhuận bút cho một cuốn sách 400 trang được như thế.
Chúng tôi đập phá một trận chết bỏ, còn thừa ra chia đều mỗi đứa 700 ngàn đồng.
Sướng đến nỗi anh Trung Trung Đỉnh nói đi nói lại: Từ này chịu khó viết đi chúng mày ơi, giàu chứ
không bỡn đâu nhé!
Thứ ba, lần đầu tiên được biết nhuận
bút chúng tôi là 10% giá bìa. Cách tính nhuận bút rất rõ ràng, không ai ơn huệ
ai. Chúng tôi không phải nghe nói giọng vừa chia sẻ vừa ban ơn: Nhuận bút bây
giờ đang thấp quá, chúng tôi đã ráng châm chước đưa sách lên loại A, cố nâng
lên mấy bậc mới được thế này đây. Nghe mà đỏ cả mặt. Có một chế độ trả nhuận
bút có từ năm 1958, các nxb cứ thế mà vận dụng, vận dụng nửa thế kỉ vẫn không biết
nhuận bút nhà nước được trả theo tiêu chí nào. Giờ đây khác rồi, 10% giá bìa
nhân với số lượng được 4 triệu 7 trăm 26 ngàn đồng. À ha, thế là từ nay sách chưa in mình cũng có
thể biết nhuận bút của mình là bao nhiêu. Qua rồi cái thời đến cửa phòng tài vụ
ruột vẫn còn quặn thắt, không biết nó trả cho mình bao nhiêu.
Thứ tư là chúng tôi không ơn huệ ai,
không lại quả ai. Buổi sáng tôi hẹn Trần Trọng Thức cà phê. Thức đến đưa phông
bì, nói: Tiền của các anh đây. Tôi nhận, kí vào hoá đơn là xong, êm như nhíp.
Tôi không phải lại quả cho Trần Trọng Thức một xu. Tiền cà phê Thức cũng giành
trả lấy. Trước đó thì còn lâu nhé. Nộp bản
thảo cũng rón rén đến với giỏ hoa quả. Tới khi sách ra cũng lại một giỏ hoa quả
kèm thêm một phông bì nho nhỏ. Tới phòng tài vụ nhận tiền cũng một giỏ hoa quả,
miệng cười rất tươi bụng thì thắt lại mong sao tiền lẻ của mình in ít thôi cho
đỡ xót, vì tiền lẻ là “ để lại cho các chị uống nước”.
Sách ra tất nhiên biên tập viên phải
có quà của tác giả. Ấy là luật bất thành văn. Tôi đã nhìn thấy nhà thơ Xuân Diệu
tặng anh biên tập cuốn thơ mới ra lò của ông một cái đồng hồ báo thức (ngày ấy
có giá lắm). Chính tôi cũng được một nhà văn đàn anh tặng cái bình cổ chỉ vì
tôi vừa biên tập cuốn sách tái bản của ông. Biên tập sách tái bản chỉ là đọc
chính tả, công lao gì đâu. Nhưng tôi chối mãi không được.
Với cuốn sách này tôi không phải lại
quả ai, ra về còn được biên tập viên bắt tay cảm ơn. Tôi tí tởn cầm phông bì ra
Hà Nội khoe với mọi người: Chẵn 4 triệu 7 trăm 26 ngàn , không mất một trinh
nhé. Tưởng được khen không ngờ bị ăn chửi. Anh Đỉnh chửi ngay: Thằng này ngu.
Ít ra mày phải bỏ phông bì mấy chục ngàn đưa cho thằng Thức chứ. Ngu thế không
biết. Sau đó vào Sài Gòn tôi kể lại cho Trần Trọng Thức, Thức cười phì, phun cả
cà phê vào áo trắng của tôi.
Những
gì tôi kể giờ đây là chuyện cổ tích. Giờ đây cả xuất bản tư nhân lẫn xuất bản
nhà nước đều có đủ bốn điều trên. Kể vậy để nói rằng, Phương Nam sinh sau đẻ muộn,
lại là xuất bản tư nhân, vào thời điểm cả ngành xuất bản đang sống trong cơ chế
“in cho”, Phương Nam đã thoát ra được cơ chế ấy. Chỉ cần thay đổi triệt để một
vài quan điểm về kinh doanh, dập tắt ngay hai tiếng “in cho” , thực bụng coi cộng
tác viên là thượng đế, Phương Nam đã lớn
mạnh không ngờ.
Sau cuốn sách in ở Phương
Nam, tôi bỏ văn chương làm sân khấu, điện ảnh hơn chục năm sau mới quay trở lại
với văn học và gặp luôn hai nỗi buồn. Cuốn Ký
ức vụn của tôi bán chạy, best seller 2009, mọi người cứ tưởng tôi thu tiền
tỉ, có ai ngờ tôi chỉ được hai chục triệu không hơn. Tệ hơn nữa, một tập truyện
ngắn của tôi được giám đốc một nhà xuất bản rất thân quen gọi điện: Cho cháu in
chú nhé. Vì thân quen chỉ nói mồm, tới khi sách ra cháu gửi cho chú không đầy bốn
triệu. Tôi không biết số lượng thực cuốn sách là bao nhiêu, tôi cũng không làm
như một nhà biên kịch đêm đêm đến rạp đếm từng ghế có người ngồi. Với kinh nghiệm
làm sách 30 năm, tôi biết cuốn sách của tôi sẽ có bao nhiêu tiền, bốn triệu đồng
cho một cuốn sách 250 trang của một nhà văn đang được bạn đọc quan tâm, là cái
gì như là sự sĩ nhục.
Vào lúc tôi đang phẫn chí tính bỏ văn
chương quay lại với sân khấu, điện ảnh thì bà chủ xinh đẹp của Phương Nam xuất
hiện. Những người đẹp không chịu ngồi nhà cho chồng hầu, thế nào cũng làm được
cái gì đó rất được thiên hạ thán phục, tôi vốn rất nể. Sự xuất hiện của bà chủ
Phương Nam khiến tôi nhớ cuốn sách hơn
mười năm trước. Vào khi đang bị “thất tình” gặp lại cố nhân khác nào hạn hán gặp
mưa rào, tôi đồng ý ngay bán toàn bộ bản quyền sách của mình trong vòng sáu
năm. Bán xong rồi cứ lo lo, không biết Phương Nam hơn mười năm trước với Phương
Nam ngày nay thế nào, vội vàng quá khéo không bị hố.
Nhưng tôi không phải lo lắng quá lâu.
Loạt sách của tôi được Phương Nam xuất bản lần đầu đều xuôi chèo mát mái. Tôi
không gặp phải khó chịu nào từ khâu biên tập cho tới khi sách ra. Có thể tất cả
các sách của tôi xuất bản ở Phương Nam tôi chỉ làm một việc duy nhất là ngồi
rung đùi chờ sách ra để đem sách tặng biếu bạn bè, người thân quen. Đôi khi
email, nhắn tin hỏi cái này cái nọ, Phương Nam chưa kịp trả lời, vốn tính nóng
tôi quát mắng loạn cả lên. Anh em biên tập vẫn đối đãi với tôi nhẹ nhàng đằm thắm
trong tình thương mến thương, theo cách nói của người Sài Gòn.
Sự hợp tác mới hơn một năm thì tôi bị “bắt
quả tang” đang khi đọc báo tuổi trẻ online. Dù chỉ là bắt “nhầm”, vụ án đình chỉ sau bốn tháng rưỡi,
tôi được tự do hoàn toàn, nhưng hầu như tất cả những nơi tôi đã cộng tác đều
coi như không quen biết tôi, thậm chí có nơi còn không dám trả lời cả email của
tôi. Chỉ có Phương Nam vẫn gần gũi bên tôi, động viên giúp đỡ tôi. Cuốn tiểu
thuyết Tình cát của tôi được xuất bản
là nổ lực không biết mệt mỏi của Nhà sách Phương Nam trước rất nhiều các cú điện
thoại. Phương Nam không những bảo vệ Tình
cát mà trước hết là bảo vệ tôi, một tác giả chưa đưa đến cho họ lợi lọc gì
nhiều , đơn giản vì tôi là cộng tác viên của họ, một “thượng đế” như mọi “thượng
đế” khác.
Đó là điều làm tôi cảm động khiến tôi xích lại
gần hơn với Phương Nam, làm được nhiều việc hơn cho họ. Ở đời thường mọi sự được giải quyết bằng những
triết lí rất đơn giản. Phương Nam coi trọng và bảo vệ khách hàng thì khách hàng
sẽ coi trong và bảo vệ Phương Nam. Trải qua rất nhiều phong ba bão táp, không
ai làm gì được Phương Nam có lẽ nhờ vậy
chăng?
Sau 35 năm viết lách cả báo chí, văn chương,
sân khấu, điện ảnh, giờ đây tôi chỉ còn lại những cuốn sách. gọi là của tin còn
lại chút này, tôi đã gửi cho Phương Nam. Một kẻ cao ngạo và khó tính như tôi
quyết định gửi của tin cho ai không phải chuyện dễ dàng. Vậy mà tôi đã gửi cho
Phương Nam, dù có nơi đưa ra giá cao hơn.
Tôi kể nốt chuyện này. Cách đây ba tuần
nhân viên Phương Nam đưa đến cho tôi kí hợp đồng cuốn “ Để trở thành nhà biên kịch phim truyện.” Tôi kí ngay mà không đọc hợp
đồng. Bạn tôi ngồi cạnh hoảng hốt kêu lên: Sao ông không đọc xem hợp đồng viết
thế nào đã rồi kí? Tôi mỉm cười không trả lời, vì trả lời sẽ rất dài. Dài như
bài viết này đây.
Nguyễn Quang
Lập
0 nhận xét:
Đăng nhận xét