NGUYỄN QUỐC TUÝ
Thu về bỗng nhớ…Bọ Lập, thủ lĩnh của blog Quê choa nổi tiếng. Không nhớ ai lại đi nhớ bọ Lập, mà lại nhớ bọ Lập mùa thu nữa mới lạ he he.
Dân tộc này nhớ về một mùa thu “sao vàng cờ bay”; Trịnh Công Sơn nhớ mùa thu Hà Nộivới “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, bầy Sâm Cầm nhỏ vỗ ánh mặt trời”; với mình mùa thu đánh dấu cái duyên gặp bọ Lập và đến với blog Quê choa.
Dự định viết một chút gì đó về Bọ Lập và Quê choa nhưng bắt tay vào viết thì sao thấy khó thế. Quả là “văn dốt võ dát”, viết có mấy chữ mà đặt bút từ Hạ thu tới tận Trung thu mới xong, thế mới thấy mấy lão nhà văn tài thật, viết hết quyển nọ tới quyển kia dễ dàng cứ như lấy chữ trong túi ra vậy.
KỶ NIỆM NHỎ VỚI BỌ LẬP
Thu 2005 lần đầu tiên mình gặp Bọ Lập. Thực ra, mình đã có loáng thoáng nghe về Nguyễn Quang Lập vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, khi mình còn là sinh viên sư phạm Huế. Dạo ấy mình hay đọc tạp chí Sông Hương nên thi thoảng bắt gặp cái tên Nguyễn Quang Lập bên cạnh một số truyện ngắn. Thú thực là cho đến lúc ấy cái tên Nguyễn Quang Lập chưa để lại ấn tượng nào trong kí ức, thậm chí mình còn quả quyết Nguyễn Quang Lập và Nguyễn Quang Hà (hay xuất hiện trên Sông Hương) là hai anh em ruột. Cũng có thể hồi ấy Bọ Lập chưa nổi tiếng như bây giờ hoặc do thời sinh viên mình lo quan tâm đến…giống cái nhiều hơn là tới văn chương, hoặc do cả hai.
Vậy mà năm 2005 lần đầu tiên mình gặp Bọ Lập. Vào khoảng cuối thu 2005 mình có dịp ra Hà Nội. Mình nhớ sắc thu HN khi ấy ấn tượng lắm, trời se lạnh, sương giăng đầy trên các con phố dài. Mình được dịp thả bộ lang thang khắp các đường phố Hà thành ngắm nghía các dáng kiều thơm Hà Nội chân dài miên man và nghêu ngao nhạc Phú Quang. “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nỗi một con đường…”, mình chả phải là nghệ sĩ nghệ siếc gì nên nhớ rất rõ những con đường nhuộm lá vàng vừa đi qua. Đang thơ thẩn phố phường thì nhận được phone của anh bạn nhà báo Lê Thanh Phong (sau này mới nghe Bọ Lập bảo Phong cũng là người bạn vàng của Bọ). Thì ra Phong cũng đang công tác ở Hà Nội, biết mình cũng vừa ra HN Phong bảo chiều ra hồ Thiền Quang tham gia cuộc nhậu với một nhân vật đồng hương Nguyễn Quang Lập rất tuyệt, rất đáng gặp.
Chiều mình ra muộn, đã có ba nhân vật ngồi bên bàn nhậu rồi: Lê Thanh Phong, Lưu Quang Định và…còn ai vào đây nữa: Bọ Lập vĩ đại, tác giả của Quê choa blog. Mình hơi tò mò ngắm nghía lão: ồ thì ra là Nguyễn Quang Lập – ngươi đấy ư! Một gã trung niên rât khó đoán tuổi, không trẻ mà cũng chẳng già (giống Chí Phèo he he); mặt mũi trông có vẻ bất cần đời, ăn nói văng mạng và chửi tục như hát hay, chim bướm cứ lăn lông lốc trên bàn nhậu. Mình hơi bất ngờ nhưng rất thú vị, kinh nghiệm cho thấy rằng trước mặt mình là một người sống rất thật, bạt mạng nhưng tốt bụng .
Ngồi vào bàn mình mới để ý thấy lão ăn uống cũng nhiệt tình như nói năng (mà thực ra thì lão uống nhiều hơn ăn) với lại lão lấy thức ăn chỉ bằng một tay rất khó khăn, mình không tiện hỏi ngay vì sợ chạm đến nỗi buồn của lão (tan buổi nhậu mình hỏi Phong mới biết là lão bị tai nạn giao thông nên gần như liệt mất một bên cơ thể, sau này đọc một entry lão kể chuyện này chi tiết hơn, thương lão quá đi mất). Mình ngồi một bên bàn với lão (bên kia là LTP và LQD) thấy lão ăn uống khó khăn nên mình luôn gắp thức ăn cho lão thậm chí còn đút cho lão ăn nữa (không ngờ lại có ngày mình còn được xúc cho NQL ăn cơ đấy).
Được vài tuần bia, đột nhiên lão nhìn chằm chăm vào mặt mình rồi phán một câu tỉnh khô: “Nếu trước 50 tuổi mi không giàu hoặc làm quan to thì tau bú c…cho mi”. Mình chưa hiểu ngô khoai gì thì lão tiếp “Bà Dương Thu Hương dạy tau xem tướng, tau xem cho gần 100 người và đến nay hơn một nửa trong số đó nghiệm đúng rồi đó. Lão còn dặn thêm “Sau này mi có nghiệm đúng hay không thì cũng nhớ báo cho tau biết”. À thì ra lão lại còn có nghề xem tướng nữa.
Tan nhậu, thấy lão loạng quạng vừa vì quá chén vừa vì cái chân tật, mình dìu lão ra tận taxi đóng cửa xe rồi nhìn theo xe chở lão về nhà mà cứ cảm thấy lạ lùng. Một cuộc nhậu không lâu lắm nhưng lão mang đến cho mình rất nhiều cảm xúc, rất nhiều ấn tượng. Có lẽ mình “phải lòng” bọ Lập kể từ đó, đọc blog Quê choa rồi tập Kí ức vụn mình càng củng cố “mối tình đầu” với bọ Lập.
Sau này trong một lần còm, mình có nhắc về cuộc nhậu vô tiền khoáng hậu với lão ở hồ Thiền Quang nhưng lão bảo không nhớ nổi, “chắc tại mình say quá” lão nói. Ở vị trí của lão có lẽ lão có rất nhiều cuộc nhậu với nhiều người tiếng tăm trong khi mình thì lại chả có tí gì đặc biệt với lão: uống ít mà nói cũng ít, lão chả nhớ cũng phải thôi. Mình cũng chẳng lấy điều đó làm buồn có điều cũng hơi áy náy không hiểu lão có nghĩ là mình “thấy kẻ sang bắt quàng làm họ” rồi bịa ra chuyện nhậu với lão hay không. Mình ở xã Quảng Thanh cách cái thị trấn Ba Đồn của lão có cái cầu Kênh Kịa; mình với lão còn học chung một trường cấp ba Ba Đồn nữa (tất nhiên là mình học sau bọ Lập) thế thôi thì mình cũng đã cảm thấy tự hào rồi, đâu cần phải “bắt quàng làm họ nữa” bọ Lập hè.
Đã bốn năm sau lần gặp lão năm ấy, điều đáng nói thêm là năm nay “tuổi 50 đã mỉm cười ngoài ngõ” nhưng mình vẫn nguyên vẹn là một anh chuyên viên quèn. Tháng tháng nộp lương cho vợ rồi xin lại mớ tiền lẻ ngồi cà phê cóc phì phèo điếu thuốc, lòng những muốn tin rằng bọ Lập là người xem tướng giỏi nhất thế giới, mong lắm thay…
HÀNH TRÌNH VỀ VỚI QUÊ CHOA
Bẵng đi hai năm, câu chuyện với bọ Lập tưởng như chỉ có thế thôi thì…Mùa thu năm 2007 mình có dịp đi công tác Sài Gòn. Chính xác là sắp Trung thu vì mình còn nhớ là mình có đi qua nhiều con phố SG ngập lồng đèn và bánh trung thu. Tình cờ lại gặp ông anh ruột từ Đồng Hới vào thăm cậu con trai đang làm kiến trúc sư ở SG. Không ngờ cả hai bố con đều đang là fan của bọ Lập trên blog.
Thú thật là cho đến lúc đó mình chẳng có chút khái niệm gì về bờ lốc bờ leo cả. Hay nói đúng ra là mình chẳng cảm tình với món này nên chẳng quan tâm. Nhắc đến bờ lốc là mình cứ nghĩ đến mấy cái phòng net ngoài phố nơi đó ngập tràn khói thuốc với mấy cái đầu teen bù xù “cá bảy màu”, những đôi mắt ngái ngủ đang chơi trò chát chít bờ lốc bờ leo thâu đêm, mình rất dị ứng với hình ảnh này. Cho nên khi ông anh quảng cáo với mình “nên vào đọc blog bọ Lập, thú vị lắm” thì mình phải nhờ anh cháu phụ đạo cho một buổi chiều về blog.
Tối hôm đó mình khai trương blog Quê choa bằng entry đầu tiên của bọ Lập về bạn văn (không nhớ số mấy) nhưng mình nhớ nói về diễn viên Tiến Hợi chuyên đóng vai Bác Hồ. Lại một bất ngờ nữa về NQL kể từ sau lần gặp ở HN. Mình bị cuốn hút ngay vào blog Quê choa hết bài này đến bài khác và nếu không ngại làm ồn cả nhà đang ngủ vì chốc chốc phải phá lên cười thì có thể mình đã thức sáng đêm với Quê choa.
Kể từ đó, hàng ngày mình lại có thêm một niềm vui là lên net click vào blog Quê choa với tần số ngày càng tăng. Ai đó gọi blog Quê choa là “Trung tâm gây nghiện” quả là không sai tí nào. Mình đọc không sót một entry nào của lão và nhận ra rằng, cũng như suy nghĩ của mình hai năm trước, lão là người sống rất có tấm lòng, rất có trách nhiệm với đất nước quê hương – những phẩm chất thật đáng quý biết bao. Và vì thế lão có rất nhiều người ngưỡng mộ tìm đến cũng chẳng có gì lạ.
Có lẽ mình là người đầu tiên có được tập Kí ức vụn của lão ở thành phố Tây nguyên này, không phải một mà vài cuốn để tặng những người khoái món đặc sản Quê choa. Phần lớn nội dung của KUV mình đã đọc trên blog của lão, nhưng rồi mình vẫn đọc lại từ đầu đến cuối cuốn sách một cách thích thú. Điều đáng nói là bà xã nhà mình cũng bị KUV cuốn hút. Chưa thấy bà ấy đọc cuốn sách nào say mê đến thế, lại còn gối sẵn đầu giường để đọc cho tiện. Đọc xong KUV thì bà xã tuyên bố một câu làm mình mừng rớt nước mắt: hiểu và quý trọng chồng cùng người quê bọ hơn! Mà quả thực là sau đó nàng có vẻ thương yêu và chăm chút mình hơn, hay ít ra thì cũng bớt càu nhàu khi thu dọn chiến trường nhậu của chồng, sướng rêm! Thì ra văn chương của bọ Lập còn có công năng làm cho các cặp vợ chồng xích lại gần nhau nữa he he.
KUV với công năng làm cho các cặp vợ chồng xích lại gần nhau.
Đã có qua nhiều những bài bình luận tuyệt hay về KUV, về bọ Lập cùng Quê choa blog, mình có tán thêm cũng bằng thừa, chưa kể làm sao mà so được với các đại ca văn chương. Mỗi người đến với blog Quê choa có lẽ đều có lí do của mình. Riêng mình ngày càng gắn bó với blog Quê choa vì hai nhẽ. Thứ nhất, như bọ Lập từng nói “Cuộc đời thật bây giờ quá nhiều giả dối, người ta thích mình bởi mình rất chân thật trong blog”, mình cũng tìm đến blog QC như tìm về một không gian sống trong cái THẬT, thật từ mọi thứ: bài viết, nhân vật, tác giả, kể cả các fan cùng các comments của họ. Vào blog Quê choa để tìm một chút Thật, một chút Chân tình sau thừa mứa những điều giả dối trở nên là một nhu cầu đối với mình. Ai dám chắc cái bể giả dối khổng lồ ấy lại không dìm mình xuống nhân một ngày đẹp trời nào đấy. Hóa ra văn chương bọ Lập lại còn giúp cứu rỗi nhân loại nữa cơ đấy. Thứ hai, đọc Quê choa, nhất là về những kí ức về quê hương mà Kí ức vụn gom thành các phần NHỮNG NGƯỜI BẠN KHÓ QUÊN, NGƯỜI TỪNG GẶP, THƯƠNG NHỚ MƯỜI BA, là mình cứ thấy bao nhiêu những kí ức tuổi thơ ùa về nguyên vẹn như mới hôm qua, đọc chuyện nào cũng thấy bàng bạc một chút mình trong đó, nhiều khi đọc xong cứ ngồi ngẩn tò te. Làng mình ở cách thị trấn Ba Đồn có ba cây số, những nhân vật, những địa danh trong những câu chuyện của lão sao mà thân thuộc quá. Hết ba năm cấp ba Ba Đồn là mình rời cái làng quê đẹp như tranh vẽ bên bờ sông Gianh ấy đến giờ cũng đã gần ba chục năm trời. Một thời con nít, rồi tuổi học trò, thậm chí cả cái tiếng bọ thân thương cũng bị mai một tưởng như bị vùi lấp mất theo thời gian cùng những bộn bề lo toan cuộc sống. Bọ Lập đã giúp mình sống lại với Quê hương với tuổi thơ bằng những kỷ niệm, những thổ ngữ tiếng bọ tưởng như đã tuyệt chủng với mình. Vì thế mà mình muốn lấy tên bài viết là “Hành trình về với Quê choa” chứ không phải “đến với Quê choa”. Mà đúng thế thật đọc Quê choa là mình đang trở về với mình, về với nguồn cội chứ không phải đang đi đến du lịch ở một xứ sở xa lạ nào. Ôi, cám ơn bọ Lập. Nhà văn muôn năm!
Cứ thử hình dung công việc của lão mới thấy đáng phục bọ Lập. Lão lấy đâu ra thời gian và sức lực mà hoàn thành được một khối lượng công việc khổng lồ thế. In sách, viết kịch bản, viết báo, viết blog, đã thế hàng ngày lão trả lời hàng trăm cái còm, không sót cái nào, quá nể. Đó là chưa kể lão còn có biết bao mối quan hệ khác từ thượng vàng tới hạ cám cần phải để tâm, sắp xếp. Rồi thì lão cũng phải kiếm tiền để sống và để…nhậu nữa chứ. Với một người hoàn toàn lành lặn, khỏe mạnh hoàn thành được mớ công việc vĩ đại ấy cũng đủ mướt mồ hôi, huống chi…
Đôi khi cứ nghĩ bâng quơ không biết động lực nào đã khiến lão hao tổn thời gian sức lực cho từng ấy công việc. Lão tích cực kiếm tiền làm giàu ư? Mình không tin, những người như lão chắc không màng đến chuyện làm ông trọc phú. Để kiếm sống cũng không có lí, cái thời bao cấp cơ cực mới cần đến điều đó, nay lão có thể không giàu nhưng chắc cũng không đến nỗi phải lăn lộn vì miếng cơm manh áo. Thế lão đang muốn kiếm cái danh ư? Để nổi tiếng ư? Càng không tin. Đến phỏng vấn trên đài truyền hình Trung ương (điều mà khối kẻ mơ ước) lão còn chả thèm; Kí ức vụn của lão thành công vang dội là thế mà lão coi cũng như không. Mình nhớ như in trong một entry lão có giả sử có Bụt hiện lên đề nghị lão chọn giữa việc trở lại lành lặn và được giải Nô-ben thì lão sẽ ôm chân Bụt mà xin làm người lành lặn.
Trong “Ua chầu chầu Nguyễn Quang Lập”, Ngô Minh nhận xét bọ Lập là “đứa mau nước mắt” mình nhất trí liền. Đằng sau vẻ hì hợm của lão có thể là một Nguyễn Quang Lập mềm yếu mong manh? đằng sau những câu chửi vung vít bạt mạng kia bao trùm con người lão có thể là nỗi buồn, là sự cô đơn? Đến đây lão có thể quát vào mặt mình “Vô duyên, tau buồn với cô đơn khi mô”. Vâng! Thưa bọ Lập, bọ từng tuyên bố rằng niềm vui của bọ tỉ lệ thuận với số còm nhận được, rằng sau mỗi entry được post lên bọ lại đau đáu chờ nhận được một số còm rồi mới đi ngủ ngon được. Hàng đêm cho tới khuya, sau một ngày chấm phẩy mọi nơi vì những hỉ nộ ái ố của đời người, bọ lại đối diện với chính mình bên cái bàn phím máy tính khi mọi người trong nhà đã yên giấc để vỗ về những nỗi buồn cô đơn mà một người sống với tấm lòng như bọ không thể nào không có.
Trên mọi cương vị, đôi khi nỗi buồn, sự cô đơn là những xúc tác rất tốt để giúp người ta làm việc, mà thậm chí là làm được nhiều việc hơn người. Chả hiểu sao nghĩ tới bọ Lập là mình lại cứ bị ám ảnh bởi suy nghĩ này. Vì thế bọ ạ, dù bọ có phản đối thì mình vẫn tin vào cảm nhận của mình
“Mùa hạ bâng khuâng đi rồi, Hà nội ơi có nghe thu về…”- câu hát mở đầu của bài hát Hà nội mùa thu sớm của Ngô Thế Hiếu mà mình rất thích. Những bài nhạc về thu thật diệu vợi, nghe mênh mang thế nào, thường phảng phất buồn nhưng thật ngọt ngào. Mùa thu luôn có một cái gì đó thật lãng mạn, và luôn làm tâm hồn người ta chùng xuống dành một chút suy tư về đời, về chính bản thân ta. Bước chân của mùa đi có lẽ cũng giống hành trình của phận người. Mùa hạ sung sức nhiệt huyết của bất cứ ai rồi cũng sẽ qua đi, để đến một ngày mùa thu đời người sẽ ghi dấu hoa râm lên mái tóc. Bọ Lập chưa già nhưng cũng không còn trẻ, cũng vào mùa thu của đời người rồi. Bọ vẫn hăng say viết, hăng say phục vụ hàng ngàn fan hâm mộ lúc nào cũng háo hức chờ mong những đứa con tinh thần kháu khỉnh của bọ. Liệu có lúc nào bọ dành thời gian chăm sóc cho mùa thu của mình không nhỉ?
Lê Thanh Phong có lần đề nghị bọ Lập phải đi đây đi đó để sạc năng lượng cho mình. Nên lắm đó chứ bọ. Để ít nhất thì bà con blogger của Quê choa còn được thưởng thức dài dài nét đẹp lãng mạn của mùa thu trước khi mùa đông nghiệt ngã kéo đến chứ.
Nếu thế thì tại sao bọ lại không nghĩ đến một lần lên thành phố hoa Đà Lạt để bổ sung năng lượng nhỉ? Hoa trái Đà Lạt, những đôi má hồng đào, những đôi môi dâu, cái lạnh của thành phố cao nguyên là những xúc tác tuyệt vời để “nạp” năng lượng đó bọ nờ. Nghĩ thế thôi cũng đã thấy vui vui, biết đâu một ngày đẹp trời nào đấy lại chẳng được nhậu với bọ Lập trên phố núi mộng mơ này nhỉ?
Biết đâu lại cũng vào một mùa thu…
Đà Lạt, mùa trăng tròn 2
( Nguồn:Blog Kenhkia- http://vn.myblog.yahoo.com/quoctuydl)
Advertisements
0 nhận xét:
Đăng nhận xét