Chân dung
Mình quen anh Châu ( Nguyễn Minh
Châu) đã lâu lắm rồi, hình như từ thủa mới ti toe viết văn đã biết anh. Nói
thật đọc văn anh cứ hình dung anh hoành
tráng lắm, nếu không oách thì cũng linh lợi hoạt bát, sắc sảo có thừa, té ra
không.
Khoảng năm 1980 gì đó mình đến Hội
nhà văn chơi với mấy ông nhà văn quen. Hồi này Hội nhà văn còn ở 65 Nguyễn Du. Mình ra nhà tiểu đúng
lúc mọi người tan họp, chen nhau đi vào. Mình thấy một ông nhà văn đội mũ bê rê
đen, mặc áo đại cán màu cháo lòng, dáng lọ mọ khóm róm, biết ngay là ông nhà văn
xứ Nghệ, đoán mãi không ra nhà văn nào.
Anh đứng thập thò ở cửa nhà vệ sinh, rụt rè như
đứng trước cửa quan, có người vừa ra, anh định vào, người khác nhanh chân hơn
tót vào, anh lại đứng vậy, cái mặt vừa lo sắp vãi ra quần vừa ngượng khi tính
phải chen ngang người khác. Có người tre trẻ nhác thấy anh, nói Châu vào đi,
gớm, đi đái mà cũng rụt rè. Anh nhoẻn miệng cười, cái mặt đỏ kè xấu hổ, y chang
ông con rể chuẩn bị ôm vợ bỗng gặp ông bố vợ.
Phải nói mình quá ngạc nhiên, không
ngờ người viết Dấu chân người lính, Cửa
sông, Miền cháy lại là anh. Mình chào, bắt tay anh, anh nhìn mình cái nhìn dè chừng, nói xin lỗi ông viết gì
nhỉ. Nói xong anh cười ngượng ngập như nói năng thất thố với cấp trên. Khi đó
mình chỉ là thằng con nít, dăm ba bài thơ làm vốn, có gì mà anh làm như mình
nhà văn lớn, gọi mình bằng ông bằng vai phải lứa, lại ngượng ngập khi chưa đọc
cái gì của mình.
Mình nghĩ anh diễn vai khiêm tốn
vậy thôi, người viết văn cao sâu đâu phải tay vừa, trong làng văn ai ai cũng
kiềng nể, nếu chọn 5 nhà văn viết truyện ngắn hay nhất chắc chắn có tên anh,
riêng mình thì mình xếp anh số 2 sau Nam Cao, sau mới biết tính anh vậy, ngồi đâu
cũng rụt rè cả thẹn như gái mới về nhà chồng.
Ngồi đâu anh cũng chỉ lắng nghe, ít
khi tranh luận đôi co, có ai nói gì thì
mắt trố miệng há, nói a thế a, rồi gật gù, rồi im lặng lắng nghe bất luận người
ta nói hay dở thế nào. Có người nói gì đó hay, hơi độc chiêu một chút, kìm không nổi anh cười phá lên rồi ngay lập
tức ngậm ngay tiếng cười. Thật tinh ý mới thấy thái độ của anh qua ánh mắt khi
vụt sáng khi tối sầm khi lờ đờ như kẻ mất ngủ, nếu thoáng qua dễ thấy anh nhạt,
khó chơi nữa.
Xưa mình ở quê, lâu lâu ra Hà Nội,
gặp anh lần nào cũng vậy, cái bắt nhẹ không, nói ông mới ra à, rồi im, tuồng như
anh chẳng có gì mà nói nữa. Mình có mời anh vô quán thì anh vô, anh chẳng bao
giờ mời. Quen tính anh rồi, mình nói anh hay nhỉ, khi nào cũng sợ mình nói
chẳng ai nghe, mình có mời vào quán cũng chẳng ai vào. Anh cười khì khì, nói
cáí tính mình nó khỉ thế, sợ từ con giun
con dế sợ đi, đã thế lại còn đi viết văn, bố khỉ.
Mấy anh văn trẻ đi cơ sở nói chuyện
văn thơ rất thích kéo Nguyễn Minh Châu đi, có tên anh trong đoàn mới oách. Chèo
kéo năm lần bảy lượt anh mới đi cho một lần. Trước khi đi bao giờ cũng ra giá
trước, nói các ông nói nhé, tôi không nói đâu nhé. Xe dừng, mọi người chạy ra đón,
mặt mày nhớn nhác nhìn quanh, nói Nguyễn Minh Châu đâu Nguyên Minh Châu đâu ,
mắt cứ tìm kiếm nơi mấy ông hoành tráng, có khi đứng trước mặt anh rồi vẫn cứ
nhớn nhác nói Nguyễn Minh Châu đâu Nguyễn Minh Châu đâu.
Vào cuộc người ta nói đông nói tây,
anh cứ ngồi khóm róm, nơm nớp sợ người
ta gọi đến tên mình, y chang cậu học trò không thuộc bài.
Anh nói ông ạ, trên đời này tôi hãi
nhất là người ta bắt tôi đi nói chuyện. Có lần tôi về Nghệ An, người ta nói mãi
mình cứ chối thì người ta cho mình kiêu, nhận lời rồi thì lo mất ăn mất ngủ,
không biết nói cái gì, cái đầu khi đó như cục vôi sống, không nghĩ ra được cái
gì, khỉ thế.
Nghe nói Nguyễn Minh Châu nói chuyện người ta
kéo đến đông lắm, mình hãi quá, nhìn đâu cũng thấy mắt là mắt, giống như người
ta sắp ăn thịt mình, hãi chết. Mình nói năng ngậm rờ, người ta chán, nói chuyện
riêng ồn ào như vỡ chợ. Mình ngồi nhăn răng cười. Mấy ông tổ chức lo hoảng, sợ
mình buồn, buồn cái gì, người ta không nghe mình là phúc chứ buồn cái gì. Anh cười
khì khì, nói bố khỉ.
Mình kể cho anh nghe có ông ở Đà
Nẵng đóng vai Nguyễn Minh Châu đi nói chuyện nhiều nơi, bất kì tác phẩm nào của
Nguyễn Minh Châu ông này đều thuộc nằm lòng, ông nói rất hay, ra giá với nơi
nói chuyện cũng rất tài, mỗi lần nói chuyện chí ít một tạ gạo dăm bảy cân đường. Nói chuyện cả năm
trời người ta mới phát hiện ra Nguyễn Minh Châu giả. Anh Châu cười khì khì,
xuýt xoa nói chà chà, cái thằng tài, mình không bằng cái móng tay của nó.
Thành ra khi anh viết bài Ai điếu, đọc sướng rêm, gặp anh mình ôm
chầm lấy liển, nói trời ơi không ngờ Nguyễn Minh Châu nói năng dũng mãnh thế
này. Anh mặt mày nghiêm trọng, kéo mình vào một góc, nói trong kia có ai nói gì
mình không. Mình nói không ai làm gì anh đâu, thời buổi đổi mới rồi anh ơi.
Anh cười, thở hắt ra, nói không viết thì không
nhịn được, mà viết rồi lại cảm thấy mình có lỗi, dù sao mình ăn nằm với người
ta quá nửa đời. Hiếm nhà văn nào đựơc như
anh, phẩm tiết trước sau như một nhưng cái lòng thương người thương chế độ thật
mênh mông.
Xưa nay ai anh cũng thương, kể cả
những người ghét anh, chỉ chực anh hở ra câu gì là nhảy lên cục lên ban tâu liền,
anh cũng chả thù hằn, ghét bỏ gì. Tính
anh vốn cả nể, sợ mất lòng. Con kiến cắn anh cũng chỉ phủi đi chứ không giết,
nghĩ mà thương.
Nguyễn Minh Châu nhút nhát nhưng
nghịch ngầm, năm 1984 anh vào Huế, một hôm gặp mình anh nói tôi vừa phát hiện
ra quán cháo gân bò hay lắm. Mình nói ngon hả anh, anh cườì khì khì, nói không
ngon lắm nhưng mà hay.
Mình đi theo anh, chị bán cháo gánh
béo trắng mượt mà, ngực lớn trắng hồng phồng căng, quần lụa mỏng đứt một đường
thẳng khít đũng quần. Chị làm như không hay biết gì, cứ múc múc chan chan, khi
cúi xuống khi ngước lên, ngực rất vừa tầm mắt người ngồi ăn, cặp đùì khi khép
lại khi xoè ra, đường chỉ đứt đũng quần nứt ra một đường trắng bóng. Anh ghé
tai mình cười khì khì, nói hay không hay không, tụi mình viết văn đéo câu khách
giỏi bằng bà này.
Đến khi anh đi xa rồi, mỗi lần nhớ
anh, không nhớ gì chỉ nhớ mỗi chuyện ấy. Anh ra đi năm 1989, đúng năm đất nước đổi
mới thế giới đổi thay, suốt đời viết văn khóm róm chỉ mong có một ngày nhìn
thấy cái sướng nó méo hay tròn, đúng lúc sướng rồi thì anh lại ra đi, nghĩ mà
ứa nước mắt.
Cứ tưởng anh sống như thế thì bạn
bè anh, những người sống cùng anh dọc cả đời lính lẫn đời văn nghe anh mất thì đau
lòng lắm, hoá ra cũng có kẻ không như thế. Buổi tối anh ra đi ti vi đang phát
phim Đơn giản tôi là Maria, phim này
một thời hút hồn cả nước, đám nhà văn cũng bị hút hồn theo.
Anh Đỉnh ( Trung Trung Đỉnh) nghe
tin anh mất chạy ào xuống báo, nói anh Châu mất rồi. Không một cái đầu nào
ngẩng lên. Anh Đỉnh tưởng người ta không nghe, lại nói anh Châu mất rồi. Vẫn
không ai ngẩng đầu lên, phim đang đến đoạn hay. Anh Đỉnh nói to hơn, gay gắt hơn,
nói ơ kìa anh Châu mất rồi mọi người không nghe à. Có người nhăn mặt cáu kỉnh,
nói biết rồi, và lại dán mắt vào ti vi.
Rút từ Bạn văn 1
Cảm ơn A. Lập, NMC, một trong số ít những nhà VN mà mình đọc lại lần 2, lần 3...
Trả lờiXóaChoáng nhất là 08 câu cuối, như 08 gậy đập vào đầu;
Mà kể ra cũng hay thật: phim hàng chợ thế này mà "hút hồn" một số "nhà văn" VN???