Tản văn
Tôi chỉ có một cánh đồng để nhớ, đó là cánh đồng
làng Đông. Quê tôi không có đồng, chỉ có dăm ba thửa ruộng còn lại là sông và
cát. Chỉ đến khi nhà tôi sơ tán lên làng Đông năm 1965, tôi mới thực sự biết đến
cánh đồng.
Cánh đồng làng Đông rất lạ. Ở cái nơi bán sơn địa của
miền Trung, đầu kê núi chân gác cát, lại có một cánh đồng màu mỡ, giống như một
cánh đồng của Nam Bộ còn lưu lại sau cuộc di dời đất và nước vô tận của Tạo
hóa, có bãi tràm và rặng trâm bầu, có mai vàng và lúa trời, và cá ngập nước
và chim đầy trời. Đến khi lớn lên, đọc đi đọc lại Đất rừng phương
Nam, gặp được cụ Đoàn giỏi, ngồi nói chuyện với cụ trong quán cóc đường Bà
Triệu, tôi kể cho cụ nghe về cánh đồng quê tôi, cụ trố mắt ngạc nhiên, chép miệng
nói đi nói lại lạ vậy ha, lạ vậy ha.
Đồng làng Đông chỉ là một phần của cánh đồng
mênh mông của bốn xã làng Phù Lưu, Trung Thuần, làng Đông và làng Xá. Nó rộng đến
nỗi đi một vòng quanh đồng phải mất trọn một ngày. Ấy là đi nhanh, nếu
thong thả rông chơi cũng phải hết ba ngày. Mặt trời mọc từ sau rặng trâm
bầu kéo dài từ làng Đông đến làng Pháp Kệ và lặn ở cuối cánh đồng, sau dãy đồi
đầy sim và ổi làng Trung Thuần. Thế giới tuổi thơ tôi là vậy. Giống như mọi đứa
trẻ làng Đồng khác, thế giới của tôi chỉ có ngôi làng và cánh đồng, chỉ có vậy
thôi mà đi hoài không hết, sống hoài không chán.
Tôi đã sống trọn vẹn cả tuổi thơ với cánh đồng làng
Đông, từ tuổi lên mười đến tuổi hai mươi, từ thuở con gái con trai cởi truồng
nhảy xuống bờ mương bơi lội tung tăng, đến khi ngắt một bông hoa rau muống
đặt vào tay bạn gái đêm trăng non vàng ửng.
Phải nói tôi
và Diệp thì đúng hơn. Người bạn trai gắn bó không rời với tôi từ thuở lên mười
ngày tôi đến làng Đông, cho đến tận bây giờ, cả hai đã tóc bạc răng long. Từ bấy
đến nay Diệp chỉ có một câu, đồng làng mình đẹp nhất. Nó yêu đồng làng đến độ học
hết phổ thông không chịu thi đại học, quyết chí làm anh nông dân để không một
ngày nào rời bỏ cánh đồng. “ Xa đồng làng thì nhớ lắm, chịu không thấu”, Diệp
nhiều lần đã nói với tôi như vậy.
Quả đúng vậy. Nhớ màu lúa non xanh mướt, màu
lúa chín vàng rộm, màu rơm rạ hươm vàng và màu trắng phau những đàn cò trên những
bờ mương, những cồn đất. Trong hầu hết các giấc chiêm bao của tôi và Diệp, dù
là xảy ra ở đâu chúng tôi cũng thấy trời cao xanh ngắt, bình mình rựng hồng,
hoàng hôn chín đỏ, trăng vàng chanh rải khắp cánh đồng, ấy là màu tuổi thơ tôi
và Diệp được hưởng.
Và mùi nữa, trong các giấc chiêm bao tôi
và Diệp cũng có mùi. Mùi ngọt thanh sáng sớm , mùi khê cháy buổi trưa, mùi hoi
nồng chiều tối. Đến khi đêm về, hầu như các mùi đều kết tủa hoặc bay tỏa đi đâu
mất, chỉ còn mùi vỏ chanh, mùi bưởi ngây ngất chim nổi dưới ánh trăng và bóng
cây tình tứ.
Tất nhiên không thể thiếu những âm thanh. Tiếng chim
không bao giờ ngưng nghỉ, rộn lên suốt ngày đêm, cho đến khi cả cánh đồng đã
chìm trong giấc ngủ thì tiếng bìm bịp gọi bầy, tiếng cuốc cuốc gọi bạn vẫn
không hề tắt.
Có một âm thanh rất lạ, có lẽ khắp miền Trung
không nơi nào có, ấy là tiếng cá quẫy. Mùa nước rặc, trong các ruộng lúa đều đầy
ắp cá, mỗi một dấu chân người đều có cá, chúng thi nhau đánh mình lóc bóc. Vào
những buổi chiều yên ắng, khắp cánh đồng nổi lên thứ âm thanh của bộ gõ bị
nhúng nước, ai không quen không thể tin nổi đó là bản nhạc cá của cánh đồng. Lóc
bóc lóc bóc khi thưa thớt gần gần xa xa, lời thì thầm bí mật của đồng quê. Lóc
bóc lóc bóc khi dậy lên những sóng âm trầm kéo dài miên man, khúc xô nát đồng
quê hạnh phúc râm ran mùa lúa chín.
Hễ nhớ đồng là nhớ tiếng cá quẫy. Cá làng Đông nhiều
lắm, người ta bảo cơm làng Xá cá làng Đông. Nhiều nhất là cá rô, cá lóc. Đứng
trên cống đầu làng thấy chúng nó đi từng đàn đen đặc. Mùa khô làm hố nhảy, tát
bờ mương, một ngày có thể thu về cả tạ cá. Mùa nước nổi người lớn cất vó, không
một lần cất vó nào không có cả. Chỉ cần cất vó một giờ có cả một rổ cá. Trẻ con
vớt ốc, câu tôm. Ốc bươu làng Đông thơm ngon như ốc bươu Hồ Tây, khi nước về trắng
đồng cũng là khi ốc bươu không rõ từ đâu kéo về nổi lênh phênh từng đám dọc rìa
làng. Trẻ con tung tăng cầm cái rổ đi vớt ốc, chỉ trong chốc lát là đầy rổ. Vớt
cho vui thôi chứ chẳng mấy ai ăn, tôm cá làng Đông thiếu gì, rồi còn ếch, lươn,
cua đồng nữa, nhiều lắm.
Chim chóc làng Đông cũng rất nhiều, rừng trâm
bầu sau làng giống như sân chim Cà Mau, có vài chục loại chim thường xuyên trú
ngụ nơi đây. Vào mùa trái Trâm bầu chín, chim bay về rợp trời, đậu kín trong
các vòm cây trâm bầu. Nếu quăng một mẻ lưới trùm một khóm cây thể nào
cũng bắt được vài trăm con chim sẻ. Chim đậu đầy rừng trâm bầu, tràn ra cả cánh
đồng, chen nhau trong những cây rưới, cây cừa. Nhớ những buổi trưa chui vào dưới
cây nằm nghe chim rủ rỉ nói những gì rồi thiếp đi, khi tỉnh dậy thấy toàn thân
dính đầy phân chim, vừa tức vừa tức cười. Chuyện có vậy thôi, thế mà bây giờ nhớ
lại chuyện ấy lắm khi không cầm được nước mắt.
Chỉ vậy thôi làm sao khóc? Bởi vì tất cả đã không
còn.
Đầu tiên không còn thấy những đàn cò rợp trắng
trời chiều, chỉ một con thôi cũng không thấy. Diệp mỉm cười nói, yên tâm đi, răng
rồi cò cũng về.
Cò không về, không bao giờ về nữa. Đến lượt những
con sáo ngủ trên lưng trâu, những con quạ ngủ giữa lưng chừng trời cũng không
còn. Diệp vẫn khăng khăng nói,yên tâm đi, răng rồi sáo cũng về.
Sáo không về, không ao giờ về nữa. Mười năm sau rồi
đàn đàn chim sẻ ngủ trong gốc rưới, cả những còn chuồn chuồn vẫn ngủ yên trên bờ
rào cũng không còn. Tới lúc này Diệp vẫn đinh ninh chim sẻ rồi sẽ về, chuồn chuồn
sẽ không bao giờ mất. Đứa nào cãi lại, Diệp gầm lên lao vào đánh, vừa đánh vừa
chửi.
Dù sao chim sẻ cũng không về, chuồn chuồn hoàn toàn vắng
bóng trên bờ rào. Chiều chiều Diệp đứng buồn như khóc, tuổi ba mươi đủ cho Diệp
biết không phải cái gì mình muốn là được, chờ là đến.
Mười năm sau
nữa rừng trâm bầu sau làng biến đâu mất, những rặng mai vàng cũng không còn, cả
bãi tràm cũng biến mất. Cánh đồng tàn tạ bạc phếch một màu, cánh đồng thiếu nước
khô nứt nẻ, không còn tiếng lóc bóc cá quẫy mình, hình như tất cả đã về trời,
tuyệt không ai có thể bắt được một con cá chép, những con cá rô cũng rất khó kiếm.
Ngay cả những con ốc cũng đã biến đi đường nào, đến cóc nhái cũng không nốt. Kì
lạ thay.
Mười năm sau nữa…Buổi chiều đứng với Diệp, rưng rưng
nhìn ra cánh đồng vắng hoe, tôi hỏi, vì sao lại thế? Diệp bỗng giật mình rơi phịch
xuống đất, ôm ngực ho rũ rượi, nói, đồng làng mình già rồi, sắp chết rồi.
Diệp ngồi bó gối ngước lên nhìn tôi, đôi mắt trũng sâu đờ dại, nói, thôi đừng
nhắc chuyện ngày xưa Lập ạ, cũng đừng hỏi vì sao Lập ơi, nếu không lũ trẻ
bỏ làng mà đi hết.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét