Khí chất Quảng Bình


BÙI HUY HỘI

Tôi mới chỉ qua Quảng Bình ba lần. Quá ít khi đã ở tuổi này. Trong 63 tỉnh thành cả nước, chả hiểu như nào mà tôi lại ít chơi với người Quảng Bình.

Rất tự nhiên, tuy đến mấy tỉnh có chữ đầu là Quảng: Quảng Ninh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi..., riêng khí chất người Quảng Bình để lại nhiều ấn tượng nhất với tôi.

Hồi học đại học, trong lớp có thằng bạn tên Tròn, quê Quảng Bình. Tên gì mà như một đường cong, không góc cạnh, chán thế.

Chả ấn tượng gì nhiều, ngoài việc nó rất chăm học. Có hè, nó ở lại trường, không về quê. Nó nói rất nặng, khó nghe hơn cả mấy thằng Nghệ An, Hà Tĩnh líu lo, từ nào cũng thêm dấu nặng. Tròn kể, quê nó nghèo lắm, đi lại chủ yếu bằng hai cẳng, chuyện đi bộ vài chục cây số là thường. Không thể tưởng tượng nổi, cuối năm 1974, nó đã đi bộ là chính trong suốt quãng đường từ Quảng Bình ra Hà Nội nhập học. Ra trường, nó về lại quê, hành nghề kiến trúc, thật đáng quí.

Hôm tháng trước, đại hội KTS toàn quốc, thằng Trường Lưu, chủ tịch hội KTSSG kể, ra Quảng Bình làm ăn, dân Quảng Bình gọi thằng Tròn là ông 33. Các công trình nó vẽ, xây ở quê nó, tất cả đều có modul 3 nhân 3, hehe.

Hồi trẻ nghịch ngợm, chưa biết thế nào là "chém cha không bằng pha tiếng". Chúng tôi hay trêu thằng Tròn, chuyện các chú bộ đội đi B ở nhờ nhà Bọ. Trước khi vô chiến trường, Bọ bảo: "...3 chủ vô, rứa thệ nào củng một chủ chệt, cho bọ xin một cại nỏn cội".

Chuyện các chú bộ đội bày trò mất lương khô 702, lừa con gái Bọ ra vườn hôn, bị bọ bắt quả tang, nhanh mồm thanh minh, chúng con mời em ăn lương khô, xong bọn con chỉ ngửi mồm con Bọ thôi, tụi sinh viên cứ đem kể để chọc nó suốt, hihi.

Xin lỗi các anh, chị quê Quảng Bình. Chỉ là chuyện vui tếu táo của lũ xếp sau quỉ và ma, không có ý gì.

Năm 79, tốt nghiệp đại học, tôi về viện qui hoạch, bộ XD. Cơ quan tôi cũng có vài anh, chị quê Quảng Bình. Ra Hà Nội lâu, tiếng Quảng gốc nhẹ đi nhiều. Chả nhớ ai cụ thể, chỉ nhận thấy các anh, chị ấy đều sống đơn giản, chân chất, hơi khắc khổ. Người Quảng Bình gọi cha là Bọ, gọi mẹ là Mạ, xưng hô với nhau mi mi tau tau nghe rất vui.

Cách đây nhẽ khoảng ba chục năm, đi công tác miền Trung, lần đầu tôi dừng nghỉ ở Quảng Bình. Mùa hè, nóng kinh khủng, đến ở vườn hoa thị xã Đồng Hới, mới biết thế nào là cái nóng của Quảng Bình.

Thích cái cảm giác tận mắt thấy và cảm nhận thế nào là "chang chang cồn cát, nắng trưa Quảng Bình".

Nhìn sang bán đảo, hình như thuộc huyện Bảo Ninh, thấy những rặng phi lao ven biển, những cồn cát trắng loá cả mắt. Nhớ những cơn gió Lào táp cái nóng hầm hập vào mặt. Chỉ nhớ được thế thôi, rồi lại đi...

Bẵng đi khoảng chục năm, hồi chín mấy, do công chuyện làm ăn, bắt đầu đi lại nhiều. Bay qua miền trung biết bao lần nhưng không đi đường bộ.

Cuối năm 1998, tôi tổ chức một chuyến đi bằng xe hơi vào khu lọc hoá dầu đang sắp triển khai ở Quảng Ngãi. Rủ thêm thằng bạn Minh Chiet FPT, thằng em Cường + ông anh mới tai qua nạn khỏi đi cùng. Cho hai thằng Trí cá và Tuấn mèo theo, thay phiên nhau lái. Chuyến đi nhiều kỉ niệm, có chuyện cười mãi tận hôm nay.

Tò mò về huyền thoại Mẹ Suốt, cả đi lẫn về, đều chủ ý dừng ở Đồng Hới. Nghỉ ăn trưa bên bờ sông Nhật Lệ. Mùa đông bỗng lại nhớ cái nắng chói chang, trắng xoá...

Mãi 2002 mới tổ chức được một chuyến xuyên Việt bằng đường bộ. Tất nhiên dừng ở Quảng Bình.

Bảo tài xế - trung tá Phâu, ra chỗ phà sông Nhật Lệ cho tôi xem lại, nơi ngày xưa mẹ Suốt, 60 tuổi vẫn chèo đò chở bộ đội qua sông dưới làn mưa bom, lửa đạn.

“Gió lay như sóng biển tung, trắng bờ.../ Gan chi gan rứa, mẹ nờ?/ Mẹ rằng: cứu nước mình chờ chi ai?..."

Lãng mạn, bay bổng tí thế thôi, thực ra chả cảm nhận được điều gì vọng về từ quá khứ, dù có bao nhiêu thành công lực đều vận hết cho hình dung, tưởng tượng.

Dòng Nhật Lệ vẫn chảy, nắng vẫn chang chang và gió vẫn thổi nhưng chắc không phải từ Lào nên không nóng như lần dừng nơi đây mười mấy năm trước. Bên kia sông vẫn cồn cát trắng xoá phía Bảo Ninh. Nghe nói đang có dự án, sẽ xây cây cầu lớn bắc qua sông Nhật Lệ...

Kể trước về anh Chiến - bạn tôi, tuổi Quí Tỵ, mới chỉ thân nhau khoảng hơn chục năm. Thời gian thế chưa gọi là nhiều. Chính anh lại là một trong ít ỏi Bạn đúng nghĩa, giờ vẫn vô cùng yêu quý, trân trọng.

Chả nói chuyện làm ăn, vì chuyện này luôn bị tiếng va chạm của kim khí và mùi tanh của tiền bạc dẫn người ta đi xa chuyện tình, chuyện đời.

Năm 2012, chúng tôi đi Cuba và Mỹ cùng một đoàn công tác với bộ trưởng xây dựng. Đây là dịp hiếm hoi để anh em gần nhau, chia sẻ, hiểu biết hơn về nhau, khi xa nhà, bay liên tục, cả mấy chục ngày.

Anh Chiến khái tính, thẳng tuột và rất nóng. Không quyết liệt, chắc TCty CC1 do anh làm TGĐ không làm nổi cây cầu Thủ Thiêm bắc qua sông Sài Gòn. Năm 2004, 2005 chuẩn bị đại hội, doanh nghiệp và lãnh đạo ngành GTVT gặp tai nạn đổ như rạ, không đơn vị nào dám nhận việc xây cầu. Cầu Thủ Thiêm được giao cho BXD.

Ba lần trong chuyến công tác, tôi rủ anh trốn họp đi chơi gôn, La Habana, Washington DC và San Francisco. Chúng tôi giống nhau, không thích những cuộc họp hình thức và cũng không bao giờ coi cái gì là quá quan trọng.

Ngày đến Washington DC, sáng sớm cả đoàn được đưa ra thăm Nhà Trắng. Trời se lạnh, cảnh mùa thu ở Mỹ khá đẹp. Mọi người thi nhau chụp hình. Có mấy chú nhà báo đi cùng tác nghiệp. Hơn hai chục TGĐ, CT doanh nghiệp, ai cũng muốn chụp hình với bộ trưởng. Riêng anh, chỉ chụp chung vài tấm hình với bạn bè. Ông bộ trưởng quan sát thấy, kêu anh Chiến, anh Chiến vào đây. Thằng Dũng chánh vp bộ chen vào đẩy phát làm anh tí ngã, anh chỉ đứng nhìn, lắc đầu...

Năm 2013, đúng ngày, đúng giờ tròn 60 tuổi, anh nghỉ hưu, không một chút nấn ná, câu giờ. Trước khi nghỉ, anh cho xe chạy từ Sài Gòn, đón gần năm chục bạn bè học chung với anh cấp 1, cấp 2 ở Quảng Bình ra Hà Nội chơi.

Hôm ấy đúng ngày 19/8, tôi mời anh chơi gôn ở Tam Đảo. Tôi gọi điện dặn vợ đặt chỗ ăn buffet ở Sen Hồ Tây, xin lỗi anh vì kẹt chương trình lỡ hẹn từ trước. Về nhà nghĩ lại, tôi thay đồ, ăn mặc chỉnh chu, kêu thêm hai thằng em, chạy ra nhà hàng Sen.

Thử nghĩ mà xem, bạn bè học chung cấp 3 giờ nhớ được tên tuổi bao nhiêu đứa? Đây là bạn cấp 1, cấp 2, như nguyên văn lời anh, "lũ bạn hồi chăn trâu cắt cỏ đúng nghĩa". Vừa cảm phục trí nhớ vừa ngưỡng mộ cách anh cư xử với bạn bè. Nhiều người từ quê ra thành phố, sống độ một hai chục năm quên bố cả quê hương. Ai hỏi, nhanh nhảu trả lời, tôi quê Hà lội, như thể cái quê thật kia, nếu nói ra, là một sự thấp kém, tội lỗi. Bọn rởm đời mất gốc này, ngày nay không phải ít.

Thật đáng buồn.

Tôi gọi điện cho anh, báo sẽ đến.

Chắc anh kịp giới thiệu trước đôi điều về tôi với bạn bè. Tôi xuất hiện, mấy anh rất vui, còn mấy chị thấy như lấn cấn điều gì.

Có vài chị lần đầu ra thủ đô, thỉnh thoảng liếc nhanh về phía tôi đang đi lại bắt tay, chào từng người, to nhỏ thì thầm. Tôi dự là các chị đang tò mò, xét nét về cái đầu trọc lốc của mình. Xong màn thủ tục, tôi xin 3 phút, được nói vài câu. Nội dung phát biểu bất đắc dĩ của tôi thế này: “Xin cho phép tôi tự giới thiệu, tôi vừa là bạn, vừa là em anh Chiến. Chắc các anh, các chị cũng nghe anh Chiến nói sơ sơ, trước khi tôi đến. Giờ tôi xin tự bổ xung, một vài thông tin chính thức cần thiết.

- thứ nhất, tôi chưa đi tù lần nào và tôi cũng không phải nhà sư.

- thứ hai, tôi cũng không phải dân xã hội đen.

- thứ ba, tôi không bị bệnh hiểm nghèo, không chạy xạ, không truyền hoá chất.

Chắc do tôi ăn ở chẳng ra gì, nên tóc tai tự nhiên bỏ đi hết ạ."

Mọi người nghe xong, phá lên cười, không khí cực thoải mái, hết sức vui vẻ. Các chị thôi không to nhỏ, thì thầm về tôi nữa, hihi.

Một lời tự giới thiệu ngắn, rất rõ ràng về lí lịch, sức khoẻ và đạo đức (đáng ra phải giấu), còn gì nữa đâu mà thắc mắc, thì thầm.

Nghỉ hưu chưa được nửa năm, kiểm tra sức khoẻ, anh mắc bệnh hiểm nghèo. Hai năm qua, hết trị xạ, hoá trị, mổ đi, mổ lại. Nhờ Trời, nhờ phúc đức Ông Bà Tổ Tiên, tốt thuốc, lại gặp thày gặp thợ, hai tháng nay, anh quay lại chơi gôn được rồi. Hôm đi kiểm tra lần cuối ở Singapore về, coi như chính thức thoát án tử, anh lại tổ chức một cuộc gặp với bạn bè ở Thái Nguyên - thời anh công tác ở công ty đá, cát, sỏi.
Tôi chạy lên chơi, chia sẻ niềm vui của gia đình anh cùng bạn bè. Hầu hết các anh, chị cùng công tác với anh từ những năm 70, đều đã hưu. Thêm một cuộc gặp nữa, đầy tình nghĩa, nhiều kỉ niệm, dù hơn 40 năm đã qua.

Mỗi khi đi lễ chùa ở Wongtaishin HK, lần nào tôi cũng viết tên anh lên một bức tường đỏ. Nghe người dân mộ đạo bản xứ nói, cứ viết tên những người thân yêu mà bạn đang nhớ đến, nghĩ tới lên đó, Trời Phật và các Đấng tối cao, sẽ phù hộ cho họ.

Tôi thường viết 6,7 cái tên, những bạn bè yêu quí và tên của một vài người phụ nữ không trọn vẹn hạnh phúc đã vô tình đi ngang cuộc đời tôi. Ngay cả Vu Vu và con cháu dâu Phương, lần nào cùng đi lễ cũng không biết tôi viết tên ai, trên bức tường màu đỏ ấy. Hai cô cháu chỉ biết, rằng tôi đang cầu xin sức khoẻ cho những người bạn, anh Chiến, anh Ba, và ít ỏi bạn bè thân thiết...

Có ai nghĩ là tôi đang phét không nhỉ?

Ghi tên bạn trai đã đành. Chả nhẽ tôi không viết tên một vài cô nào lên bức tường đỏ đó? Thôi khỏi thanh minh, tin cũng được, không tin cũng chẳng sao. Đời sống của tôi, tuy không thuộc loại quá phong phú, cũng không đến nỗi nhạt nhẽo, khô khan - xung quanh rặt một lũ đàn ông, rượu chè đàn đúm đâu, hì hì.

Tháng 6 năm 2005, trong chuyến hóng hớt theo đoàn Thủ Tướng chính thức thăm Mỹ, sau 30 năm kết thúc chiến tranh và 10 năm bình thường hoá quan hệ giữa 2 nước, tôi quen thêm một doanh nhân Quảng Bình tên Hoài. Anh bạn này làm một dự án du lịch rất to, tiêu chuẩn quốc tế ở quê. Hình như là Sun Spa Resort, nằm trên bán đảo phía Hải Ninh, bên kia dòng sông Nhật Lệ, trải dài cát trắng thì phải.

Hàng tháng đều đặn, anh cho nhân viên gởi giấy mời gia đình tôi về Quảng Bình nghỉ miễn phí, với lời giới thiệu không bao giờ quên, cầu qua sông Nhật Lệ to lắm, đi lại rất thuận lợi, hihi.

Đểu nhất là cứ mỗi lần nhớ đến Quảng Bình, ngay lập tức trong trí nhớ hỗn độn của tôi lại vọng về đầy đủ, lời của bài hát nổi tiếng đã bị xuyên tạc. Thỉnh thoảng tụ tập nhau rượu chè, đàn đúm, tôi vẫn hát:

"...Quảng Bình quê ta ơi/ ở đây không tắm sinh ra hắc lào/ ai đã về đây, nhớ mang theo cồn i ốt/ ngứa lắm anh ơi, không cồn thì chết mất thôi/ thuốc để đầu giường, khi nào ngứa em lại bôi..." Hehe, may mà tôi chưa bị ai quê ở Quảng Bình, cho phát tát nào.

Loanh quanh cũng 10 năm rồi, định suốt mà chưa đi được Quảng Bình lần nào nữa. Tôi hứa với anh Chiến, hôm nào về Quảng Bình thăm ông bà già anh, thăm các bạn yêu quí, chân chất của anh, những người dù chỉ gặp một lần, uống với nhau vài chén rượu, nhưng tôi vô cùng ấn tượng.

Ông già anh, mấy năm trước, ngã từ tầng hai xuống đất, có các cụ đỡ, không hề hấn gì. Bây giờ gần 90, vẫn đi xe máy, từ làng nọ sang xã kia. Bữa trước về thăm Ông, anh gọi điện cho tôi nói chuyện với Ông. Tôi bảo, vâng con đây, con ở Trung ương, vâng Trung ương ông ạ. Trung ương đã có nghị quyết số 090...6688/QĐ-TU, vâng, số chuẩn ạ,(số điện thoại của mình, tôi bịa cho cái qđ kia, phải chuẩn chứ), hehe. Ông để con xem lại ngày, dạ kí hôm đầu tuần, vâng Trung ương yêu cầu Ông, không được đi xe máy ra đường quốc lộ nữa, chỉ được đi quanh làng thôi. Ông nhớ đấy nhé, vâng, con hẹn với anh Chiến rồi, hôm nào con sẽ thay mặt trung ương, về thăm Ông..., hehe.

Anh nói mãi chuyện không được đi xe ra đường lớn, Ông chả nghe. Chỉ nghe thấy Trung ương có nghị quyết, Ông chấp hành ngay. Lạ là, các cụ già, vẫn nguyên vẹn lòng tin vào Trung ương như vậy đấy.

Nhẽ biết trước thế, tôi đã bảo con ở Đại ương, chắc yêu cầu Ông bỏ xe máy, chạy bộ quanh làng thăm bà con họ hàng hoặc chạy bộ lên xã, lên huyện họp chi bộ, Ông cũng nghe, hehe.

Người thứ ba là Nguyễn Quang Lập, một người Quảng Bình mà tôi vô cùng trân trọng và yêu quí, mặc dù tôi chưa được gặp anh lần nào.

Tôi đã rất thích thú, đọc sách anh viết. Mấy năm nay, tập toẹ vào nét, tôi còn mò vô blog của anh.

Rất thích cách anh viết, vừa giản dị, vừa như nói, vừa hài. Nhân vật anh tả trong cuốn "Bạn văn", vài người là bạn và một số là quen. Năm ngoái nghe tin anh gặp nạn, rất buồn và thương anh. Ngày anh được tại ngoại, mừng cho anh, cho gia đình và bạn bè. Biết anh gặp nạn mà bất lực, chẳng giúp được gì. Tôi cũng chỉ là công dân hạng 2, dưới cả dân ngu khu đen, ở tận đít lọ. Kể cũng buồn.

Hôm rồi uống rượu, chuyện với một anh bạn là thượng nghị sĩ, đang họp ở Hà Nội, tự nhiên anh ấy nhắc đến Bọ Lập. Nhìn nhận về anh, về cách hành xử của chính quyền, mỗi người một đánh giá, nhận thức. Anh ấy bảo, để tôi xử lý, sẽ khác. Rủ Bọ đi uống một trận rượu, là êm.

Chúng tôi thống nhất với nhau, rằng anh sống rất tử tế. Riêng tôi, là độc giả của anh, tôi thêm, Bọ Lập viết rất hay, rất hài, rất lạ, rất sâu và rất tình.

Nhà văn phải do độc giả và nhân dân đánh giá. Đại diện nghề nghiệp là hội nhà văn chỉ có quyền kết nạp hoặc gạt bỏ tên họ, trong cái danh sách vô cảm và vô nghĩa của anh Hữu Thỉnh kia thôi. Hồi xưa tôi không chỉ quí mà rất ngưỡng mộ anh Thỉnh, nghĩ anh là người sáng tác chân chính. Anh là niềm tự hào của đám học sinh mơ mộng, trong sáng, có dính tí đam mê văn chương. Tôi gặp anh Thỉnh rất nhiều lần, quê anh ở Tam Dương, Vĩnh Phúc. Năm chẵn, hội trường Trần Phú, anh đều về dự, nói chuyện. Biết anh từng là lính tăng thiết giáp. Lại biết, anh đã từng được coi như cánh chim đầu đàn của thơ ca thời chống Mĩ.  Từng là TBT tuần báo văn nghệ nổi tiếng, đáng đọc nhiều năm...Đại loại thế.

Ba khoá chủ tịch hội danh giá kia, tiểu sử anh rõ như nắng trưa Quảng Bình. Làm chủ tịch hội nhiều năm, nay tuổi anh đã trên  70. Anh bị cuốn theo chức vụ, bổng lộc, rồi quen mồm, nói như đài. Tôi từng nghĩ, làm sao thay đổi được bản lĩnh CTHNV, làm sao bẻ bắt ngòi bút nhà thơ HT, một cây viết đã từng thế này, đã từng thế kia...Đừng đùa, chuyện "giá áo túi cơm" nhé. Nghe thế thôi, giữa cao sang và hèn kém, chỉ mỏng như làn khói. Kẻ thù, bom đạn, gian khổ có thể đã không khuất phục được HT, nhưng cám dỗ của tiền tài, hào quang của danh vọng và lẩm cẩm của tuổi già đã làm anh mờ mắt, ảo tưởng, đánh mất mình lúc nào không biết. Giá ngày xưa, ông Tố Hữu chỉ làm thơ thôi? Rất nhiều người đã tiếc như thế. Ở ta, ngẫu nhiên nhiều nhà thơ, nhà báo nổi tiếng có chữ cái HT thế, Hoàng Tùng, Hữu Thọ, Hữu Thỉnh...

Tôi đơn giản chỉ là một người đọc, ít hiểu biết về văn chương, chữ nghĩa, không dám bàn đến lãnh vực cao sang này. Thật sự chỉ muốn nói với các anh nhà văn, nhà thơ, nhà báo, chuyển sang làm chánh trị: rằng tôi đéo phục ! Thật thế, đéo phục !

Khí chất của người Quảng Bình thật đáng ngưỡng mộ. Chỉ là với riêng tôi đã cảm nhận như thế. Ai đó có thể cho rằng, tôi đang khen một vài người bạn của mình, rồi cao hứng, bốc đồng, nâng thành khí chất của một vùng, một tỉnh. Cũng là quyền tự do, quyền nghĩ của mỗi người. Quyền tôi, viết điều tôi nghĩ, tôi cảm nhận.

Tôi yêu khí chất của người Quảng Bình !

P/S. Quảng Bình, còn là quê của một vị tướng lừng danh họ Võ. Đám tang của Ông, hàng triệu người đưa tiễn, hàng triệu người khóc thương.

Bao nhiêu năm rồi mới có cảnh một người ra đi, để lại sự thương tiếc vô cùng như thế?
Khó đấy, chẳng ai, chẳng nghị quyết nào, hướng dẫn và ép được tình cảm yêu ghét trong lòng dân...

Hà Nội 2/6/2015.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét