Nhớ Phan Tứ

Chân dung

Mình đọc văn Phan Tứ thời bé, đọc vì tò mò muốn biết chuyện chiến đấu miền Nam, chuyện chiến đấu ở Lào, anh ra cuốn gì đều đọc ngấu nghiến cuốn đó. Sướng nhất vẫn là cuốn Trước giờ nổ súng.Văn chương thời đó mà tả yêu đương lãng mạn, lại còn nói chuyện phản bội là ghê lắm, có lẽ trong vòng chục năm, kể từ năm 1960, đó là cuốn tiểu thuyết hay nhất.

Thời đó Phan Tứ lấy tên thật là Lê Khâm, kể từ cuốn Về làng anh mới lấy bút danh là Phan Tứ, dù thế nào mình cũng tiếc cái tên Lê Khâm, nó hay hơn tên Phan Tứ, nhất là sau cuốn trước Trước giờ nổ súng cái tên Lê Khâm đã đóng đinh vào trí nhớ nhiều thế hệ bạn đọc miền Bắc rồi.

Vì thế mới có chuyện thầy giáo của mình khoe là bạn học với Lê Khâm, mình biết ông nói phét chứ Lê Khâm học Đại học tổng hợp từ năm 1958 còn thầy thì học sư phạm Việt Bắc năm 1968. Mình nói thầy có quen Phan Tứ không, thầy nói Phan Tứ học trước tớ hai năm, nhưng quen thân nhau lắm.


Bốc lên thầy còn khoe một hôm thầy ngồi uống rượu nói chuyện với Lê Khâm và Phan Tứ, thầy phê bình Lê Khâm về tính tiêủ tư sản trong tiểu thuyết Trước giờ nổ súng. Thâỳ nói Lê Khâm không chịu nhưng Phan Tứ thì gật gù khen tớ nói đúng.

 Hi hi thầy bà nước mình vui lắm, nhiều người chỉ chờ lên lớp là tán phét tôi ngày xưa thế này, tôi ngày xưa thế kia, kì thực dạy Kiều không đọc hết Truyện Kiều, dạy Chinh phụ ngâm không biết cuốn Chinh phụ ngâm ngang hay dọc. Thôi không nói chuyện này nữa, kể chuyện Phan Tứ cho vui.

Năm 1982 mình đóng quân ở Phước Tường ( Đà Nẵng) vẫn hay qua lại Hội Văn nghệ tỉnh chơi, quen anh Quốc ( Bùi Minh Quốc), anh Quế ( Thanh Quế) chị Cúc ( Ngô Thị Kim Cúc) đã lâu nhưng Phan Tứ thì chưa gặp. Một hôm đang ngồi quán cà phê cạnh Hội, thấy một ông già già nho nhỏ gầy gầy, áo bỏ vào quần gọn ghẽ, đi dép cao su đeo đủ bốn quai, cái ca táp khóac chéo quai ngang ngực lúi húi đi vào, anh Quế nói Phan Tứ đó kià, mình quá ngạc nhiên.

Đọc Mẫn và tôi mình cứ hình dung anh như nhân vật Thiêm, đẹp trai  sang trọng, nhã nhặn ôn hoà, linh lợi hoạt bát, chẳng ngờ anh y chang ông trưởng thôn lên tỉnh họp. Anh bắt tay mình, nói Lập còn trẻ quá nhỉ rồi quay sang bàn việc Hội với anh Quốc, anh Quế, bàn xong thì đi, không hề nói chuyện văn chương. Nói chung bốn năm gần anh chưa bao giờ mình nghe anh tán gẫu được dăm câu, lúc nào anh cũng có vẻ vội, không hề thích đàn đúm.

Anh Quế nói ông Phan Tứ làm cái gì cũng lên kế hoạch, thời gian biểu kẻ bảng, hôm nay đi đâu mấy giờ, làm việc đến mấy giờ, tạt qua thăm ai, nói chuyện cái gì, mấy giờ thì về nhà…  cứ thế răm rắp.

Anh Quốc nói ở nhà ông còn răm rắp hơn, thức dậy giờ nào, thể dục  giờ nào, ăn sáng giờ nào, uống thuốc bắc giờ nào, nghe đài ta giờ nào đài địch giờ nào, vào bàn viết giờ nào… tuyệt không sai một khắc.

Mình cười hì hì, nói ngủ với vợ chắc cũng đúng giờ luôn nhỉ. Anh Quế nói chớ sao, đến vệ sinh giờ nào đi xia giờ nào đi tiểu ông còn rèn cho đúng giờ được nữa là. Mình thè lưỡi rụt cổ, nói sợ quá sợ quá.

Anh Quốc đập tay cười kha kha kha, nói được rồi, khi nào tôi chuốc ông Phan Tứ món rượu kích dục xem thử ông có đúng giờ được không. Anh Quế  nhăn răng cười, nói hay hay, nhưng mà thua ổng thôi, ổng lập trường vững vàng lắm, chưa đúng giờ thì có dí bướm vào mũi ổng vẫn không xao xuyến.

Có lẽ nửa đời trong quân ngũ, sống trong môi trương gian khổ khắc nghiệt đã rèn cho Phan Tứ một nếp sống rất lính, chặt chẽ ngăn nắp đến từng li. Anh đặt chỉ tiêu một tháng một cái truyện ngắn, hai mươi trang tiểu thuyết cứ thế mà răm rắp. Nhờ thế anh có gần chục ngàn trang in, chưa kể 50 cuốn nhật kí dày cộp, nếu in ra cũng chục ngàn trang in là ít.

Anh viết nhật kí đều đặn đúng giờ như người ta phải ăn cơm đúng bữa, viết bằng ba thứ tiếng Lào, Nga và Pháp, thêm tiếng Việt nữa là bốn. Mình đến nhà chơi, thấy chồng nhật kí cao ngất của anh mà hoa mắt, lại còn viết bằng ngoại ngữ mới thất kinh. Anh nói viết ngoại ngữ để rèn kĩ năng ngoại ngữ, với lại nhỡ có rơi vào tay địch hay tay ai cũng đỡ phiền. Phục anh quá chừng.

Nghe nói trước khi viết cái gì anh đều làm đề cương chi tiết đưa bạn bè đọc, cấp trên  xem xét, cho góp ý xong thì mới bắt tay vào viết, rất nghiêm túc. Có lẽ vì thế văn anh càng về  sau càng thấy hợp lý, mọi thứ đều  đâu vào đấy nhưng mà đọc mất sướng.

Đối với lớp trẻ anh rất ân cần thương mến nhưng ít khi anh nói chuyện văn chương, chưa khi nào anh hỏi mình cậu thấy truyện này truyện kia của tớ thế nào. Tuồng như anh biết văn anh là thế nào, đang ở đâu, có hỏi cũng chỉ nghe nói dối mà thôi.

Một hôm mình nói anh Tứ chẳng khi nào nói chuyện kinh nghiệm viết lách cho tụi trẻ các em nghe cả. Anh mỉm cười, nói các cậu bây giờ thành sư cả rồi, cái mà mình cho quan trọng thì các cậu cho vớ vẩn, cái mà các cậu cho là ghê gớm thì mình coi chẳng ra gì. Cho nên mạnh thằng nào thằng đó cứ viết, thằng hót thằng hét thằng hát văn đàn Việt mới hay lên được.

Thích nhất vẫn cái tính kĩ lưỡng chi tiết của anh. Trong cái tạp dề của anh có hộp kim với năm bảy loại kim dài ngắn to nhỏ. Chỉ cũng năm bảy loại và một hộp cúc có đến mấy chục cái cúc khác nhau. Mình nói biết là anh có tính phòng xa nhưng anh mang theo nhiều loại kim chỉ làm cái gì, lại còn cúc mấy chục loại nữa, không lẽ áo quần anh nhiều loại cúc thế à. Anh nói mang phòng nhỡ có ai tuột chỉ đút cúc thì có dùng chứ áo quần mình có mấy đâu.

Đi đâu mà có Phan Tứ đi cùng khỏi lo gì hết, kể cả chuyện vặt ít ai nghĩ tới anh cũng đã tính rất kĩ. Mình nhớ mãi chuyến đi chơi dọc sông Thu Bồn có anh đi cùng. Hôm ấy có đông người lắm, mấy chục người cả thảy văn thơ nhạc hoạ đủ hết, danh sĩ Bắc Trung Nam ngồi đầy một chiếc thuyền lớn.

 Đến khúc sông cạn, nước trong vắt, mọi người cắm thuyền giữa dòng, ai thích tắm thì tắm. Nhiều người nhảy xuống tắm, tắm xong leo lên bờ, lúng túng không biết thay áo quần ở đâu. Phan Tứ chìa ra một cuộn vải với ba cái cọc móc sẵn cho mọi người làm cái quầy che tạm thay đồ. Thì ra anh đã tính trước cuộc chơi có những mục gì, tại đó cần cái gì, anh lẳng lặng lo cho anh em trước cả.

Đêm neo thuyền ven bờ ngủ lại men sông, mình ngồi trên tảng đá to phẳng lì với Bùi Minh Quốc, Thanh Quế, Cao Việt Bách, Thuận Yến, Nguyễn Trọng Oánh uống rượu tán phét rất vui. Giữa chừng hết rượu trong khi hãy còn thòm thèm. Rượu mang theo khá nhiều nhưng đoàn đông người, đi chơi hai ba ngày, anh Thâm ( Nguyễn Bá Thâm) sợ hết rượu nên quản rất chặt.

Biết xin thêm anh Thâm chả cho, anh Quốc nói các vị trên thuyền  ngủ rồi đấy, thằng Lập khoẻ trẻ đẹp trai, mày xông vào ăn trộm một bình tông nhanh lên. Mình lĩnh ấn tiên phong mò vào thuyền sờ soạng tìm rượu, chẳng may đụng phải chân Ngô Thị Kim Cúc, bà Cúc tưởng ai định sàm sỡ kêu ầm lên, thế là lộ chuyện.

Anh Thâm chẳng những không cho rượu lại còn mắng cho nữa. Mình vừa ngượng vừa tức nhảy ra khỏi thuyền thì Phan Tứ gọi giật, nói Lập Lập đây đây, anh dúi vào tay mình một bình tông rượu đầy, nói rượu mình mang theo dự phòng đây. Mình cảm động quá, anh còn tính trước cho cả mấy ông sâu rượu, hiếm có ai chu đáo đến như thế.

Phan Tứ là vậy, đi đâu nhỡ đói có anh mang sẵn tiền, nhỡ khát có anh mang sẵn nước, giấy lau miệng, tăm xỉa răng, dao cạo râu… đủ cả, đến cả giấy vệ sinh nhỡ khi đau bụng anh cũng chả quên. Hôm nghe tin anh mất, hình như là một ngày mùa thu năm 1995, mình đang ở Hà Nội, lảng lặng ra quán rượu ngồi một mình nhớ anh. Chỉ nhớ mấy chuyện lặt vặt ấy thôi mà ứa nước mắt.

Rút từ Bạn văn 1


0 nhận xét:

Đăng nhận xét