Tôi bắt đầu viết truyện ngắn như thế nào

Ghi chép

Hồi còn bé tôi đã mơ  trở thành nhà văn, thấy mấy đứa cùng lứa như Trần Đăng Khoa, Hoàng Hiếu Nhân hỉ chưa sạch mũi đã nổi tiếng như cồn, lại càng háo hức tợn.

 Thời đó người ta còn náo nức với văn chương, thơ phú lắm. Trẻ con đứa nào biết làm thơ, viết văn đều được mọi người yêu quí ngưỡng mộ. Chẳng như bây giờ, bố mẹ thấy con cái nghiện ngập thơ ca thì lo sốt vó như lo con nghiện hút vậy.

Tôi chọn thi vào Đại học Bách Khoa Hà Nội vì nghĩ rằng phải đi vào công nông trường, xí nghiệp, nhà máy mới hiểu biết cuộc sống một cách sâu sắc để phục vụ công việc viết văn. Bây giờ nghĩ lại thấy ngây ngô, chứ khi đó ba mạ anh em ai cũng khen còn nhỏ mà đã biết suy nghĩ chín chắn.


Năm thứ hai Bách khoa, tôi viết truyện ngắn Tình hoàng hôn. Viết xong sướng mê mẩn. Đưa cho bạn bè đọc, ai cũng khen, lại càng ngây ngất. Tôi tung tăng đưa cho anh Thái Bá Lợi (hồi đó ở trại viết văn Vân Hồ). Một tuần sau thập thò ngoài cửa phòng, chỉ mong anh nhìn thấy và  a, mình đọc rồi, hay lắm, hay lắm.

 Ai dè, tôi ngồi chờ khá lâu mà anh vẫn không đoái hoài gì. Anh nói đông nói tây không hề nhắc đến cái truyện ngắn của tôi dù chỉ một câu. Đến lúc sắp về, tôi rụt rè hỏi, anh mới thở dài, hắng giọng ba bốn cái, khịt khịt muĩ ba bốn cái nữa mới chịu nói  ờ hà ờ hè…thú thật, nó là cái gì chứ không phải truyện ngắn. Nhìn mặt tôi tím tái vì buồn thì ít xấu hổ thì nhiều, anh lại ờ hà ờ hè, nói Lập còn trẻ, lo gì, cứ cố đi, thế nào cũng thành.

Tôi lại đưa truyện đó cho anh Xuân Đức. Để tránh phải đọc tác phẩm dở hơi của tôi, anh làm bộ quan trọng, thò tay vào quần gãi ghẻ quẹt quẹt, nói Thái Bá Lợi đã nói thì chắc đúng. Tay ấy viết truyện bợm lắm. Tôi nhăn nhó, nói thế anh bảo truyện ngắn là cái gì? Xuân Đức lắc đầu cười khì, nói mày hỏi thế bố tao trả lời cũng chẳng được.

 Tôi ngao ngán hết chỗ nói. Đến như nhà văn Xuân Đức, viết tiểu thuyết Cửa Gió, bản thảo dày đến một gang, nhà cháy không thèm cứu thứ gì, chỉ xả thân lao vào lửa ôm cho được bản thảo, lại không biết cắt nghĩa truyện ngắn, nữa là tôi.

Lúc đó, tôi đinh ninh rằng Xuân Đức muốn giấu nghề. Như đoán được ý nghĩ của tôi, anh phủ nhận ngay, nói tao không biết thật, nếu biết tao đã viết mẹ nó rồi, đợi đến lượt mày à.
 Rồi anh vừa gãi ghẻ quẹt quẹt vừa thì thầm với giọng điệu rất bí mật, nói  truyện ngắn như là một con gì đó. Thật đấy. Một con gì đó rất kỳ khôi ở trong rừng văn học, mày cứ liều mạng chịu vào rừng tìm kiếm, thế nào có ngày cũng thấy. Chỉ mày thôi nhé, không thằng nào thấy đâu. Hoặc giả chúng có thấy cũng thấy khác mày.

Mười năm sau, khi có vài chục truyện ngắn trong tay, tôi mới hiểu cái kiểu cắt nghĩa tức cười của anh Xuân Đức thế mà hay. Nhưng lúc đó tôi hoang mang ghê gớm.

Mãi đến năm 1984, giải ngũ về công tác tại sở VH-TT Bình Trị Thiên tôi cũng chưa dám thò bút viết truyện nào, ngày hai buổi nấu cơm hầu hạ thằng em ruột Nguyễn Quang Vinh viết tiểu thuyết.

 Không thuộc diện lười biếng, nhưng có ba việc tôi cực kỳ căm thù, ấy là nấu cơm, giặt quần áo, rửa bát. Vậy mà phải cắn răng làm đủ ba việc đó cho thằng em chỉ vì nó viết tiểu thuyết! Tôi rất cú.

 Nhìn nó vừa viết vừa rung đùi, thỉnh thoảng châm điếu thuốc, ngửa mặt lên trời nhả khói ra chiều tư lự lắm! Nó là cái gì? – tôi nghĩ – học hành chẳng đến đầu đến đũa, đọc điếc chẳng bao lăm mà cứ rung đùi “chơi” hết gang bản thảo này đến gang bản thảo khác. Khốn thay, viết ra là được in ngay. Đài Tiếng nói Việt Nam trích đọc hết đêm này sang đêm khác.

 Cú quá, tôi hỏi tại sao mày không viết truyện ngắn? Nó  không thèm  ngước lên, cứ rung đùi cắm cổ viết, trả lời nhát gừng, nói em không biết viết truyện ngắn thì viết tiểu thuyết chứ sao. Tôi ngạc nhiên quá trời, trố mắt nhìn nó, nói thế mày biết tiểu thuyết là gì? Nó ngước lên ném cái nhìn khó chịu “ hỏi gì ngu thế?”, nói chẳng cần biết là gì, cứ viết, thế thôi.

À ha, nó không biết là cái gì mà cứ viết liều lại thành, in được ba bốn cuốn dày cộp còn tôi vì không có cái máu liều lại phải thúc thủ hầu hạ nó viết văn. Không được, không chơi kiểu đó được. Cứ viết ra cái gì cũng được, còn hơn là nấu cơm rửa bát giặt quần áo!

 Vậy là viết. Tôi vẽ một cái đầu đề mất sáu trang giấy, viết đi viết lại cái mở đầu mất vài chục trang, hí hoáy cả tuần, cuối cùng truyện ngắn Người lính hay nói trạng cũng hoàn thành. Tôi đưa cho Quang Vinh xem. Nó đọc xong, vươn vai ngáp dài, uể oải nói cũng được đấy. Anh thử gửi sang Sông Hương xem họ có đăng không.

Đối với tôi, lúc đó “cũng được” là tuyệt vời lắm rồi. Tôi gửi đi, cũng chỉ gửi bưu điện không dám đến toà soạn. Ba ngày sau, bỗng nhiên có điện thoại anh Nguyễn Khoa Điềm mời sang toà soạn. Tôi vù sang ngay. Anh Điềm thấy tôi nhếch mép cười lạnh lùng. Tim tôi quặn thắt, không biết tin lành hay dữ.

 Anh Điềm gọi hai cốc cà phê sữa, nói ông viết truyện ngắn được đấy, khá là đằng khác. Tôi nghĩ ông viết văn xuôi khá hơn làm thơ rất nhiều. Khi đó tôi sướng muốn ngất. Được Nguyễn Khoa Điềm nhà thơ khét tiếng khắp ba miền gọi bằng ông, được anh khen “ khá là đằng khác”. Sương rêm, ngây ngất suốt ngày. Từ đó hạ quyết tâm bỏ thơ ca, nghe theo anh Điềm chỉ giáo, viết một lèo hơn chục truyện ngắn liền, truyện nào cũng được khen he he


Nẻo vào văn học của tôi là vậy. Có thể nói thế này: Tôi quyết tâm viết văn chỉ vì biết căm thù nấu cơm, rửa bát, giặt áo quần. Đến nay, tôi cũng không biết truyện ngắn là gì, nhưng vẫn tiếp tục viết. Có lẽ truyện ngắn cũng giống như tình yêu. Chẳng ai biết tình yêu là gì, nhưng cứ yêu rồi khắc biết. Yêu người này thì biết nó thế này, yêu người nọ thì biết nó thế nọ …chẳng biết có đúng không

Rút từ Bạn văn 1

0 nhận xét:

Đăng nhận xét