Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi
NGUYỄN
TRỌNG TẠO
Chương một
NGUYỄN
QUANG LẬP,
NGƯỜI
THUỐC THANG CHO VẾT THƯƠNG CHIẾN TRANH
Năm
truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Quang Lập thì ba truyện (Cây sến
lửa, Tiếng lục lạc, và Đò ơi) đều được trao
giải thưởng, cho đến nay vẫn thuộc về những truyện ngắn hay trong vài ba năm
trở lại đây. Từ đó đến này, Nguyễn Quang Lập đã in hai tập truyện ngắn, viết và
phóng tác hai vở kịch, xong bản thảo tiểu thuyết Những mảnh đời đen
trắng, tất cả đều nhất quán trong một thế giới hình tượng và tư tưởng,
khiến cho Nguyễn Quang Lập nổi lên như một cây bút viết về chiến tranh sâu sắc
và mới lạ, được công chúng tìm đọc với lòng yêu mến.
Đọc
Nguyễn Quang Lập, thoạt đầu người ta đều tưởng rằng tác giả phải là một người
lính già đã từng trải trận mạc, và chất chứa bên trong biết bao nhiêu kỷ niệm
đau đớn về chiến tranh thì mới viết như thế. Té ra Nguyễn Quang Lập chỉ mới
trên ba mươi tuổi, và chỉ sống những năm nghĩa vụ quân sự trong binh chủng bộ
đội tên lửa để trở thành nhà văn. Và chính vì thế, để phát hiện ra những nhân
vật của mình, Lập đã không nhìn lên bầu trời, mà cúi xuống lòng mình, đào bới ở
đó những điều thấy cần nói với mọi người và quả nhiên, công chúng đều chăm chú
nghe Lập nói. Trước đó chưa ai nói về chiến tranh giống như Nguyễn Quang Lập
cả.
Chính
cái tuổi cầm bút mới mẻ này của Nguyễn Quang Lập đã mang dấu ấn riêng cho cả
một thế hệ nhà văn trẻ lớn lên sau chiến tranh: họ bắt đầu cầm bút ở thời điểm
bản lề của lịch sử đất nước vừa chuyển từ chiến tranh sang hòa bình, và trên
tất cả những gì đổ nát mà cuộc chiến còn để lại, họ tìm cách kiểm nhận lại quá
khứ, không phải dưới con mắt của người lính đánh giặc, mà bằng cái nhìn thao
thức của những người trẻ khao khát hòa bình, nhân phẩm và hạnh phúc chân thật.
Nguyễn
Quang Lập viết về chiến tranh, nhưng không để ca ngợi chiến công, mà để bày tỏ
nỗi lo lắng về vết thương. Dưới con mắt của nhà văn trẻ này, mỗi nhân vật đều
mang theo trong bản thân nỗi bất hạnh mà chiến tranh để lại cho con người: sự
mất mát về hạnh phúc, nỗi cô đơn khi trở lại cuộc sống bằng hào quang của lửa
bom, và nhiều trạng thái méo mó về nhân cách, bằng cái nhìn phân tích khá sắc
bén và mang giọng hài hước dân giã để chế ngự bớt nỗi đau đớn, tác giả đã soi
mói tận gan của từng nhân vật của mình để chỉ ra những thương tật chiến tranh
để lại trong tâm hồn, những thương tật mà dù trong truyện hoặc ngoài đời người
ta vẫn muốn giấu kín.
Có
thể nhìn thấy cách đặt vấn đề như vậy trong từng truyện ngắn Nguyễn Quang Lập,
và ngay trong một vở kịch đang gây xúc động cũng của Lập: vở Mùa hạ cay đắng, trong đó một Chủ tịch
thị trấn đào nhiệm, một người lính đào ngũ, một cô gái bội tình và một gã cán
bộ Đoàn dùng mọi thủ đoạn gian trá để ngoi lên địa vị, tất cả bốn con người đó
đã gặp nhau trong một túp lều nhỏ trong khói lửa, qua đó, tác giả lần lượt lột
trần bộ mặt thật của họ một cách không thương xót.
Có
điều quan trọng là Nguyễn Quang Lập đã không dừng lại trong thái độ của một
người tố cáo chiến tranh, qua cách giãi bày của một người muốn nhìn thẳng sự
thật, người ta vẫn cảm nhận được cái tâm của tác giả: đó là nỗi căm ghét cái
ác, sự đòi hỏi về nhân phẩm và lòng khát khao hòa bình và hạnh phúc cuộc sống.
Cách viết của Nguyễn Quang Lập là như vậy, là làm thương tổn lương tâm trong ý
đồ làm cho lương tâm trở nên hoàn thiện hơn.
Quê
hương của Lập là một mảnh đất đã phải gánh chịu quá nặng cuộc chiến tranh, và
có nhiều thương binh trở về sau chiến tranh. Có lẽ vì thế mảnh đất đau đớn này
đã sinh ra một cây bút đau đáu về vết thương chiến tranh, bằng cách nêu lên những
đạo lý mà con người phải nhận ra và sống theo, để xứng đáng với sự hy sinh của
nhân dân, xứng đáng với những thương tích có thật của những người đã chiến đấu
cho Tổ quốc.
Luôn
luôn là thế, người đọc cám ơn nhà văn và nhà văn cám ơn quê hương của mình.
Huế, 1988
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Viết năm 32 tuổi |
Chẳng ai hơi sức đâu mà ngồi tính toán như
Hoàng. Quá lắm người ta cũng chỉ day dứt về vài lần nói dối nào đó trong vô vàn
lần nói dối với đủ các hạng người, từ thuở biết nói tiếng người cho đến lúc
lưỡi rụt lại khô cứng trong miệng và vĩnh viễn im lặng. Thì cũng tốt lắm rồi,
còn hơn có người nói dối mà không biết mình nói dối, nói đi nói lại mãi về một
điều dối trá nào đó, rốt cuộc lại tưởng điều đó là có thật, sung sướng nghĩ
mình đã làm được cái điều mà cách đó ít lâu chính mình đã bịa ra. Hoàng cũng
vậy chẳng hơn gì người khác, thậm chí còn tệ hơn, nhưng riêng với Thùy Linh thì
anh không muốn và không dám.
Hoàng
nhớ vào lúc mười sáu tuổi, mặc dù mặt đã lấm tấm trứng cá anh vẫn khờ khạo như
một thằng nhóc. Thùy Linh thì ngược lại. Những nét đàn bà trong cô xuất
hiện
rất sớm, phát triển nhanh chóng, đến tuổi mười sáu gần như đã hoàn chỉnh. Thùy
Linh biết tránh va chạm (theo nghĩa đen) với đàn ông, với cả Hoàng cô cũng
tránh, biết kéo kéo gấu áo, mắt chớp chớp nhìn xuống mỗi khi đối diện với đàn
ông. Đôi khi vì sung sướng về một điều gì đó, Hoàng hét rống lên, ôm chặt lấy
cô, đã bị cô nhăn mặt đẩy ra, cảnh cáo anh bằng cái nhìn nghiêm khắc và
"tự cao tự đại". Cô vẫn đi theo anh nhưng chỉ đứng nhìn đám con trai
đùa nghịch với đôi mắt dịu dàng của cô bảo mẫu trước lũ nhóc. Thùy Linh biết
tuổi thơ của mình coi như đã chấm dứt, còn Hoàng như một con bò đực vẫn chẳng
biết gì cả. Tuy vậy, Thùy Linh vẫn bám sát theo anh trong các cuộc chơi
"long trời, lở đất" dọc bờ sông Linh hoặc trên các bãi cát phía sau thị
trấn. Tuổi thơ coi như đã chấm dứt nhưng quán tính của nó thì vẫn còn. Họ vẫn
nắm tay nhau tung tăng dọc bờ sông Linh vào những chiều mùa hạ như những con
còng gió vẫn thường líu ríu dưới chân họ. Đến nỗi chính Hoàng có cảm tưởng: dù
là quán tính thì tuổi thơ của họ vẫn kéo dài đến vô tận nếu không có chuyện Họa
sĩ Tư, chú ruột của Thùy Linh bỗng nhiên lù lù trở về thị trấn, nói là về nghỉ
hưu non, cất ngay một túp lều nhỏ dưới chân đê, ngày hai buổi ra ra vào vào, lờ
đờ như một tên thất trận. Mặc dù Họa sĩ không hề phá đám bất kỳ cuộc chơi nào
của họ, thậm chí chẳng thèm ngó họ đang làm trò gì, nhưng họ bỗng nhiên cụt
hứng. Cái cảm giác có người theo dõi làm họ khó chịu và ngứa ngáy rồi rã đám,
một sự rã đám không tuyên bố.
Đấy
là Hoàng nghĩ vậy chứ thực ra đã đến lúc thiên nhiên buộc họ phải nhường chỗ
cho một lũ trẻ khác kề tuổi họ. Bằng chứng là lũ trẻ "tiếp theo" ấy
vẫn mê say với các cuộc chơi của chúng mà không hề có cảm giác bị theo dõi.
Chúng còn chạy vòng quanh túp lều của Họa sĩ, có đứa chui tọt vào túp lều nằm
im thin thít để trốn bạn, có đứa mải chạy đã húc đầu vào bụng Họa sĩ, vẫn chẳng
việc gì hết. Đôi khi lũ trẻ đã bò cả vào túp lều, tranh nhau giở tung đống tranh
của Họa sĩ ra xem, vừa xem vừa thì thào rồi cười ré lên. Các bức tranh đặc tả
những mặt người méo mó, những con bò chạng háng choán cả bức tranh, những cái
mông đàn bà, những con cò hai cổ, những đứa trẻ mặt đầy nếp nhăn và lún phún
ria mép, nhiều vô kể. Đặc biệt có
rất nhiều bức vẽ đàn bà trần truồng, những người đàn bà không có đầu, loạn xạ
các kiểu đứng ngồi. Lũ trẻ đứng ngồi tùm hum, thích thú chỉ trỏ và cười và
chẳng hiểu gì cả.
Trong
khi đó, Họa sĩ tự giễu cợt mình bằng cách uống rượu thật say, mặc độc chiếc
quần lót, chân nam đá chân chiêu ngất ngưởng đi dọc bờ sông hát váng lên các
bài hát bằng tiếng Pháp. Khi nắng tắt, lũ trẻ bỏ túp lều Họa sĩ ba chân bốn
cẳng chạy về nhà thì Họa sĩ đã thấm mệt, anh tìm đến hòn đã to đặt ở mép sông,
đánh một giấc cho đến sáng.
Ngủ
ở đây thật sướng, mát rượi, không có muỗi lại yên tĩnh tuyệt đối. Chỉ sợ trúng
gió mà chết thôi chứ hòn đá to, rộng, phẳng và gió, tha hồ là gió. Nằm dạng
háng trên tảng đá vĩ đại này vào mùa hạ nóng nực, thật không chê vào đâu được.
Người thị trấn Linh Giang không ai biết đích xác vì sao có tảng đã lớn như vậy
"mọc" lên ở đây. Người ta đồn rằng, hòn đá này có từ xa xưa, hình như
từ thời "Trịnh-Nguyễn phân tranh", nó được đem về bằng hai mươi tám
đòn khiêng, dùng để khắc bia mộ hay ghi chiến công quân lính chúa Trịnh. Đó là
người ta nói vậy, thực tế mặt tảng đá nhẵn lì, sáng bóng như một cái trán vĩ
đại. Trước khi Họa sĩ về đây và mặc nhiên làm chủ hòn đá này suốt ngày đêm, nó
chỉ dùng cho lũ trẻ lăn lê vào ban ngày - thường là các buổi chiều mùa hạ, còn
buổi tối nó được các cặp tình nhân sử dụng làm ghế ngồi hay làm giường ngủ tùy
theo mục đích "Các cặp đối tượng". Danh từ "Các cặp đối
tượng" là của Đại úy Thìn, bố của Thùy Linh, anh cùng cha khác mẹ của Họa
sĩ. Đại úy dùng từ này khi cần phải huy động lực lượng dân quân du kích thị
trấn vây bắt một vụ "hủ hóa" nào đó. Trong mười năm, kể từ ngày hòa
bình lập lại (1954) cho đến ngày Họa sĩ trở về (1963), có mười bốn vụ hủ hóa
xảy ra trên tảng đá này bị dân quân du kích thị trấn, dưới sự cố vấn của Đại úy
Thìn, hoặc tóm gọn hoặc đuổi chạy bán sống bán chết. Họa sĩ trở về, vô tình vô
hiệu hóa tác dụng của hòn đá đối với "Các cặp đối tượng" kia, các vụ
hủ hóa coi như chấm dứt tại đây và nhanh chóng dịch chuyển ra bãi cát phía sau thị
trấn. Tại đấy, công việc vây bắt của dân quân du kích, dưới sự cố vấn của Đại
úy Thìn, gặp nhiều trở ngại. Bãi cát rộng, phải mất hai ngày một đêm mới đi hết
chu vi của nó, lại mọc lên hằng hà sa số bạch đàn, phi lao do phong trào “Trồng
cây gây rừng” của thị trấn đạt hiệu quả cao. Điều này làm "Các cặp đối
tượng" mừng rơn, họ thoát hầu hết các vụ vây bắt quyết liệt của dân quân
du kích, dưới sự cố vấn của Đại úy Thìn. Do đó người ta mau chóng lãng quên hòn
đá, nó không được nhắc đến trong các cuộc họp kín của dân quân du kích, hòn đá
lại trở thành hòn đá.
Trong
khi đó, người nằm trên hòn đá lại được người ta nhắc đến khá nhiều: xì xầm, rì
rầm và cười ha hả với nhau trong các bữa cơm, các cuộc họp nhóm dân thị trấn.
Ấy là chuyện Họa sĩ Tư vì sao buộc phải nghỉ hưu non, vì sao thấy Họa sĩ chẳng
làm gì cả mà tiền cứ tiêu như nước và vì sao trong thời buổi văn minh lịch sự
này mà Họa sĩ cứ chằm hăm vào các thứ đã được người đời che đậy cẩn thận để mà
vẽ?...
Đại
úy Thìn nói:
-
Nghệ thuật là rất phong phú: văn học có, ca múa có, nhiếp ảnh có, vân vân.
Nhưng hội họa là loại nghệ thuật được tôn thờ, trọng vọng nhất. Vì vẽ cho giống
là việc rất khó, không phải ai cũng làm được.
Đại
úy nói câu này khi đứng trước Chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy đang ngồi trên chiếc
xe đạp được treo lên như cái xích đu, cắm cổ đạp. Đại úy ngạc nhiên: "Tay
này làm cái trò gì thế này nhỉ?". Chủ tịch thị trấn vẫn hăm hở đạp, bánh
sau quay vo vo, ý chừng chưa muốn ngừng cái công việc kỳ quái này để tiếp Đại
úy. Lát sau, Đại úy hiểu ra: "Hà, tay này tập xe đạp!" Đúng thế. Chủ
tịch thị trấn vừa tậu được chiếc xe đạp Thống Nhất một trăm hai mươi sáu đồng
năm hào, cộng với năm hào thuốc lá ông mua để khao các đồng chí trong Ủy ban
Hành chính thị trấn. Ra khỏi cửa hàng tổng hợp, mặc dù ông đã nghiến răng dắt xe,
làm bộ như dắt xe hỏng, nhưng cái xe cứ
nghiêng nghiêng bắt lưng ông phải vẹo theo, trông rất khó coi. Tức khí, ông vác
một mạch từ cửa hàng tổng hợp, tắt qua lối ruộng để không ai trông thấy. Rồi để
không ai trông thấy, ông lại đi vòng giữa đám bạch đàn, phi lao phía sau thị
trấn, tổng cộng là sáu cây số đường vòng, trong khi cứ đi thẳng đường tỉnh lộ
mà bước thì chỉ mất chừng tám trăm mét là đến nhà, không hơn. Rồi ông treo
chiếc xe đạp lên như cái xích đu, rồi ông ngồi lên, rồi ông đạp...
Chủ
tịch thị trấn vẫn gò lưng đạp, đưa mắt nhìn Đại úy, tủm tỉm cười:
-
Chỉ huy chiếc xe đạp là cả một nghệ thuật. Tôi đã mần một buổi sáng mà vẫn
không xong đây.
Đại
úy thở dài, lắc đầu. Ông tìm ghế ngồi, đợi Chủ tịch thị trấn xuống xe. Đại úy
đợi khá lâu vẫn thấy Chủ tịch thị trấn không chịu xuống, bèn nhắc lại luận điểm
của mình:
-
Nhưng đấy là nói hội họa chân chính, chứ cái thứ hội họa của thằng Tư thì phải
coi chừng! Dư luận quần chúng phản ánh khá nhiều, anh có nghe thấy không, anh
Huy!...
Đại
úy nhìn Chủ tịch thị trấn đang gò lưng đạp, nhấn mạnh câu này thêm một lần nữa
thì Chủ tịch thị trấn ngừng đạp, ngước lên tươi tỉnh nói:
-
Hội họa là vẽ chứ gì! Tôi còn lạ gì thứ đó. Hồi theo "Bình dân học
vụ" tôi biết món này rồi. Vẽ cho được một chữ toát cả mồ hôi hột.
Đoạn,
ông nhảy xuống đất, vỗ vai Đại úy:
-
Uống nước đã anh. Chuyện đâu có đó, anh yên tâm.
Lúc
này khoảng ba giờ chiều. Đúng giờ Đại úy làm việc với "Ủy ban Hành chính thị
trấn". Đại úy là con đẻ của thị trấn, dù là quân của Bộ không liên quan gì
đến công việc ở đây, nhưng Đại úy luôn luôn nhìn thấy trách nhiệm của mình ở
khắp mọi nơi. Từ ngày trung đoàn pháo "năm bảy ly" do Đại úy chỉ huy
về đóng bờ bên kia sông Linh, cứ thứ Bảy là ông đạp xe về nhà. Lịch trình làm
việc của Đại úy từ chiều thứ Bảy đến tối Chủ nhật bất di bất dịch những việc
sau:
1.
Buổi chiều thứ Bảy, Đại úy tiếp một vài cán bộ cấp dưới của ông đã phục viên,
về hưu hoặc vài thương binh quen biết trong thị trấn. Cuộc tiếp kiến này kết
thúc vào khoảng sáu giờ tối, khi các chiến hữu của ông đã ngà ngà say, rất dễ
nói năng mất lập trường. Sau đó, Đại úy dành hẳn một giờ để hỏi chuyện học tập,
lao động, tu dưỡng của Thùy Linh - con gái cưng của ông. Kết thúc cuộc hỏi
chuyện bao giờ cũng có mươi lăm phút ông nhắc lại, có mở rộng và đào sâu hơn, với
Thùy Linh, thế nào là con người mới Xã hội Chủ nghĩa. (Cuộc trao đổi về
"đạo đức học" giữa hai thế hệ này, vào những ngày đầu Đại úy mới trở
về đóng quân bờ bên kia sông Linh, Hoàng cũng có mặt. Anh chơi ở nhà Thùy Linh
suốt ngày. Về sau, khi đã nắm được quy luật về giờ giấc của Đại úy, Hoàng căn
đúng sáu giờ là chuồn về). Số thời gian còn lại tối thứ Bảy, Đại úy sang
nhà Hoàng để nói chuyện thời sự trong
nước và quốc tế và các vấn đề nóng bỏng của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội
ở huyện nhà với ba Hoàng, ấy là Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh, cũng là bạn
thiếu thời của ông.
2.
Sáng Chủ nhật, Đại úy dậy cực sớm, một mình lủi cúi ngoài vườn cho đến trưa.
Ông tích cực tổ chức lại khu vườn, cố cải tạo nó thành một "vườn cây kinh
tế" nhằm nâng cao đời sống gia đình và làm gương cho các chiến hữu của ông
đang phục viên tại gia noi theo.
3.
Buổi trưa Chủ nhật, Đại úy ngồi thu lu một mình ở góc học tập của Thùy Linh,
nghiên cứu bài nói chuyện với bộ đội sáng thứ Hai hàng tuần.
4.
Buổi chiều Chủ nhật, trọn cả buổi chiều, Đại úy làm việc với các vị lãnh đạo thị
trấn, chủ yếu là Chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy, về tình hình trật tự an ninh và
an toàn xã hội của thị trấn. Tại đây, Đại úy liên tiếp đưa ra các biện pháp có
hiệu quả nhằm ngăn chặn và đập tan các âm mưu "hòng làm ô nhiễm bầu không
khí trong sạch của thị trấn nói riêng, huyện nhà nói chung" và tiểu trừ
nhanh chóng một nhóm phản cách mạng nào đó vừa ngóc đầu dậy. Về mặt này, Đại úy
đủ uy tín cần thiết để thuyết phục ban lãnh đạo thị trấn phải hành động theo
ông. Nhờ các biện pháp này: hai mươi bốn vụ trộm cắp được giải quyết, mười sáu
sòng bạc đã giải tán, hai mươi chín vụ hủ hóa (trong đó có mười bốn vụ xảy ra
trên hòn đá "Trịnh - Nguyễn phân tranh") bị truy bắt, bốn mươi chín
lò rượu lậu bị dập tắt, một nhóm mười chín học trò cấp ba có mặt trong tổ chức
"Tự do thiêng liêng" bị tóm cổ, một danh sách hai trăm mười tám người
- gồm những người có lý lịch xấu hoặc ở tầng lớp tiểu tư sản thành thị, các trí
thức ăn nói ngang ngạnh, mất lập trường, có tư tưởng chống đối chủ nghĩa xã
hội... được thiết lập kèm theo kế hoạch phong tỏa và bắt giữ khi cần thiết.
Thế
là xong. Buổi tối Chủ nhật Đại úy vui vẻ tí chút với thím Hoa (vợ của Đại úy),
sáng mai đạp xe về đơn vị lòng thanh thản như không.
Lịch
trình của Đại úy nổi tiếng khắp thị trấn, được coi là "chuẩn mực
vàng" cho các cán bộ noi theo. Ngay cả Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh cũng có lần vỗ đùi kêu lên: "Tay ấy
khá!" Chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy thì mê Đại úy như điếu đổ. Ông nói với
vợ con rằng ông luôn luôn có quý nhân phù hộ.
-
Chứ không à? - Ông Huy nói với bà Hiền, vợ ông. - Tôi được cái tích cực năng nổ
chứ văn hóa quá yếu, không có bác Thìn thì kỳ bầu Ủy ban Hành chính khóa sau là
tôi toi!
Trong
một cuộc nhậu tại nhà ông, Họa sĩ Tư gõ đũa xuống mâm, nói lè nhè:
-
Bác Huy này... Tức là tôi ấy mà... tôi muốn nói bác ngu nhưng ngu chân thành.
Tôi chỉ căm ba đứa ngu bố láo thôi bác Huy ạ...
Chủ
tịch thị trấn nuốt vội miếng thịt bò, tợp một ngụm rượu, gật đầu lia lịa:
-
Đúng! Đúng! Cứ chân thành là được, ngu hay thông không quan trọng lắm!
Mọi
người ngồi quanh ông đều lên tiếng:
-
Phải quá! Phải quá!
Trừ
bà Hiền, khi tan cuộc đã nguýt Chủ tịch thị trấn, nhiếc:
-
Người ta chửi cho là ngu mà cũng sướng.
-
Ai chửi tôi ngu?- Chủ tịch thị trấn trợn mắt hỏi vợ.
-
Chú Tư chứ còn ai!
-
À... - Chủ tịch thị trấn cười hề hề: - Thằng ấy kinh lắm, tiếng Pháp nói làu
làu. Hắn chỉ khua vài khua là bà hiện ra rành rành trên giấy: tóc, tai, mồm,
mũi... đủ hết!
Nhưng
khi Đại úy Thìn chỉ rõ cho Chủ tịch thị trấn biết tính chất nguy hiểm của các
bức tranh lố lăng đang cất giấu trong túp lều Họa sĩ Tư thì ông mới ngã ngửa
người ra. Chủ tịch thị trấn nghĩ thầm: "Mẹ kiếp, hèn gì nó gọi mình là
thằng ngu. Ngu chân thành hay ngu bố láo thì cũng là ngu".
Đại
úy Thìn sau khi kể ra một số dư luận quần chúng xung quanh "đống tranh
phản cách mạng" của Họa sĩ Tư, bình thản châm lửa hút, chân tình phát
biểu:
-
Mặc dù tôi với nó là anh em... nhưng trong cuộc đấu tranh "ai thắng
ai" này, tôi phải tẩy rửa hết các nọc độc tư sản trong đầu nó.
-
Vâng, phải. - Chủ tich thị trấn gật đầu, im lặng bẻ ngón tay.
-
Hội họa là loại nghệ thuật được trọng vọng, được tôn thờ nhất vì việc vẽ cho
giống là rất khó. Tuy vậy, hội họa phải phục vụ nhân dân lao động chứ không
phải thứ hội họa nhăng nhít vẽ l. c. và đ...
Đại
úy nói rất nghiêm túc, thỉnh thoảng dừng lại để hắng giọng ở những chỗ ngắt
câu. Chủ tịch thị trấn nghe cũng rất nghiêm túc, nhanh chóng nhất trí:
-
Chứ sao! Thứ hội họa ấy là nguy hiểm lắm, tôi còn lạ gì thứ đó. Bác cứ để đó
cho tôi!...
Thế
là xong, làm việc với Chủ tịch thị trấn thật dễ chịu, bao giờ cũng dễ chịu. Đại
úy đứng dậy vươn vai, nhìn chiếc xe đạp của Chủ tịch thị trấn đang treo lên như
cái xích đu, ngáp một cái, nói:
-
Anh đem cái xe đạp ra ngoài đường mà tập, ai lại treo lên thế.
Chủ
tịch thị trấn xoa xoa tay, báo cáo rất thật thà:
-
Anh tính với cương vị của mình lại ngã sấp ngã ngửa trước mắt quần chúng nhân
dân thì còn ra cái gì. Tôi tính cứ ngồi đạp thế này cho nhuyễn chân, khi đem ra
đường là đi được ngay.
Đại
úy ái ngại, định nói: "Không được đâu" nhưng lại nghĩ đó là quyền tự
do cá nhân của mỗi người cần phải tôn trọng, nên thôi. Ông cáo lui ra về, vừa
đi vừa nhẩm lại bại nói chuyện với bộ đội sáng thứ Hai tuần sau mà ông vừa nháp
lúc trưa.
Đại
úy về, Chủ tịch thị trấn trèo lên chiếc xe đạp tập thêm một giờ nữa rồi túc tắc
đi thẳng ra bờ sông Linh.
Tính
ông vốn vậy, đã nói là làm, làm ngay, làm năng nổ hơn người, không biết mệt mỏi
là gì.
Ông
có một quá khứ vừa đau khổ vừa buồn cười.
Xưa,
ông tên là Cu Lùn, nay gọi là Huy, Lê Đức Huy. Ông nội của Cu Lùn, quanh năm ăn
xin ở đình chợ và chết đói bên đống rác lớn của thị trấn (nay là cửa hàng bách
hóa tổng hợp) để lại đứa con trai mười bốn tuổi cũng tên là Cu Lùn. Cu Lùn tiếp
tục ăn xin ở đình chợ và tán luôn một mụ đàn bà hai mươi chín tuổi cùng hành
nghề ăn xin ở đình chợ và đẻ ra Cu Lùn ngày nay. Hai vợ chồng chết đói năm
1941, không kịp để cho Cu Lùn ngày nay một hào để sinh sống. Một nhà giàu đã
thương hại cảnh côi cút của Cu Lùn bèn gọi về nhà, cho tắm rửa sạch sẻ, ăn uống
no nê một tuần liền không phải làm gì. Sau, giao cho Cu Lùn ba nhiệm vụ: chẻ
củi, chăn lợn và giữ chó. Công việc tiến hành trôi chảy bởi Cu Lùn nhanh thoăn
thoắt, lại khỏe, càng lớn càng khỏe. Công việc sẽ tiếp tục trôi chảy như thế
nếu như Cu Lùn không dại dột nhảy bổ vào buồng tắm con gái mười sáu tuổi của
ông chủ và bị túm tóc dúi đầu vào nồi cám lợn nhiều lần.
Ông
chủ quát:
-
Mày không muốn ăn cơm thì tao cho ăn cám.
Bà
chủ quát:
-
Mày dại!
Ba
ngày sau, bà chủ bảo Cu Lùn đun nước sôi cho bà tắm. Đun xong, bà bảo:
-
Mày đưa ra nhà tắm cho tao.
Cu
Lùn dạ to một tiếng, hì hục bê cả nồi nước sôi ra. Vì nồi nước nặng quá, đầu Cu
Lùn cúi gằm, khi ngẩng lên đã thấy bà chủ ngồi thong dong trên tảng đá, toàn
thịt là thịt, trắng bóc. Cu Lùn hoảng quá, nhảy lùi một bước, ù té chạy. Bà chủ
ngồi trong buồng tắm cười khanh khách. Tắm xong, bà vắt khăn đi qua mặt Cu Lùn,
nguýt một cái, nhiếc:
-
Đồ ngu!
Cu
Lùn đứng đực ra không hiểu mình ngu cái gì, vì cái gì mà ngu. Mười ngày sau,
ông chủ đi mừng một "ông bạn nối khố" vừa cất xong cái nhà ngói mười
tám gian, nói là ba ngày mới về thì Cu Lùn mới vỡ nhẽ vì sao mình lại bị bà chủ
nhiếc cho là ngu. Suốt ba đêm ông chủ
vắng nhà, Cu Lùn được hưởng thụ thứ thịt trắng bóc của bà chủ. Mỗi bận "hoàn
thành nhiệm vụ" bao giờ Cu Lùn cũng được bà âu yếm. Bà xoa đầu Cu Lùn,
cười hơ hơ hơ và nói:
-
Mày khá đấy, chỉ tổ hôi như cú.
Nói
xong, lại cười hơ hơ hơ. Cu Lùn cũng nhăn răng cười.
Ông
chủ trở về nhà đường đột, bắt quả tang Cu Lùn đang tùm hum trên bụng bà chủ.
Một cú đạp và một cái dùi cui dáng xuống mồm Cu Lùn, hai cái răng cửa vỡ tan.
Để trả thù, đáng lẽ phải tống cổ Cu Lùn ra khỏi nhà, ông chủ bắt Cu Lùn làm
việc gấp bốn lần trước kia và phải ăn cơm cùng đàn chó ba mươi sáu con, nằm ngủ
trên gác chuồng lợn mười bảy con của ông chủ. Đây là thời kỳ khốn khổ nhất của
Cu Lùn. May thay tiểu đoàn chủ lực của Việt Minh do Đại úy Thìn (hồi này chỉ có
chức chưa có cấp) dẫn đầu đã về giải phóng toàn bộ thị trấn. Cuộc chiến đấu
diễn ra một đêm, sáng mai ba cái đồn Pháp cùng với toán lính dân vệ biến mất.
Bà chủ bám theo trung tá Môn-đa-vi cao chạy xa bay. Ông chủ bị treo cổ. Cu Lùn
nhập vào đội dân phòng của thị trấn. Từ đó, cuộc đời Cu Lùn toàn có quý nhân
phù hộ. Cu Lùn tự đặt tên mình là Huy, lấy họ là Lê. Một năm sau, khi đã đọc
thông viết thạo lại lấy thêm tên lót là Đức. Vậy là đủ một cái tên để kê khai
lý lịch, chấm dứt ba đời Cu Lùn khốn khổ. Bây giờ Lê Đức Huy đã gần ba mươi
tuổi, có lẽ thế, và mọi người nhất loạt gọi là anh Huy. Thật tuyệt. Huy nhiệt
thành tham gia tất cả các hoạt động nhằm xây dựng bảo vệ thị trấn. Bây giờ mọi
người nhất loạt gọi là đồng chí Huy.
Thật tuyệt. Hầu như mọi thứ Huy đều đi đầu: học bổ túc văn hóa, lao động xây
dựng trụ sở Ủy ban lâm thời thị trấn và suốt đêm ôm súng K44 bảo vệ thị trấn,
kiên quyết không bỏ sót một cuộc họp nhóm nào. Đến khi thị trấn tổ chức
"ôn nghèo, kể khổ", đấu tố bọn áp bức bóc lột thì toàn dân thị trấn
run lên khi nghe Lê Đức Huy kể lại anh đã bị nhúng đầu vào nồi cám lợn như thế
nào, bị đánh vỡ răng cửa ra sao, lại còn ăn cơm với chó, nằm ngủ với lợn...
toàn những chuyện thất kinh. Người ta tin ở Huy vì rõ ràng anh đã có một lý
lịch thật trong sạch: ba đời cùng khổ. Rồi cấp trên cử anh đi tập huấn ở huyện
ba mươi ngày, học thêm bổ túc văn hóa sáu mươi ngày, lại lên tỉnh tập huấn ba
tháng nữa. Trở về, anh được đề cử làm xã đội trưởng. Công tác an ninh trật tự
của thị trấn tốt không chê vào đâu được. Đồng chí Huy làm việc suốt ngày đêm,
ngày càng mở rộng mạng lưới dân quân du kích. Đến năm
1961,
anh được cử đi học lớp quản lý ngắn hạn trên tỉnh và sau đó được bầu vào Ủy ban
Hành chính thị trấn. Khâu cuối cùng là lấy vợ. Đây là khâu khó nhất. Lần này
ông lại gặp may. Ủy ban Hành chính thị trấn, sau một cuộc họp kéo dài hai tiếng
đồng hồ, quyết định chọn vợ cho ông. Người ta chọn chị Hiền bán bánh đa nướng,
dù chị không phải là Đảng viên nhưng là cơ sở tốt của Việt Minh hồi "tạm
chiếm". Bố trí ba lần, bảy lượt đều hỏng. Lần cuối cùng ông Huy đánh liều
chui vào nhà chị. Chị đang ngồi xổm nướng
bánh. Ông cũng ngồi xổm, đối diện với chị.
-
Chị Hiền này... - Ông nói.
-
Dạ... - Chị nói và cúi thấp xuống, hai tai đỏ nhừ.
Ông
cúi xuống quan sát nét mặt của chị. Chị cúi xuống thấp hơn. Ông cúi xuống thấp
hơn nữa...
-
Chị Hiền này... - Ông nói.
-
Dạ... - Chị nói.
Ông
cầm bánh đa nướng đưa lên ngắm nghía một hồi lâu. Chị ngừng quạt than, thở dốc.
Cuối cùng ông nói liều:
-
Chị Hiền... tức là Ủy ban giới thiệu tôi với chị đó...
Chị
ngồi im. Hai thái dương giật giật. Lát sau chị òa khóc. Ông sợ quá, ngã dúi ra
sau, mồm há hốc.
-
Vâng... - Chị bật ra lời trong tiếng khóc.
Ông
rướn cổ hỏi:
-
Chị vừa "vâng" phải không?
-
Dạ...
Ông
đứng dậy, đi lại quanh chị, không tài nào cắt nghĩa tại sao chị vừa khóc vừa
"vâng", “ vâng” xong lại “dạ”.
Làm
sao ông biết được, chuyện này chỉ mình chị biết. Bởi vì chị xấu, vừa xấu vừa
quá lứa lỡ thì. Vậy mà có người lại dến hỏi chị làm vợ, người đó là trai tơ và
cao hơn "sự trai tơ" là Chủ tịch thị trấn! Ối trời cao đất dày thế mà
có mắt... Chị khóc rưng rức, thỉnh thoảng đưa mắt liếc trộm ông. Ông lúng ta
lúng túng như gà mắc tóc. "Lúng
túng thế mới đúng là trai tơ", chị vừa khóc vừa nghĩ vậy...
-
Chị Hiền!
-
Dạ?
-
Chị ưng tôi thiệt không... để tôi báo cáo Ủy ban.
-
...
-
Chị Hiền?
-
Dạ thiệt... hu hu hu!
Chị
lao qua đống bánh đa chạy đến quỳ sụp xuống chân ông mếu máo.
-
Dạ anh cứ báo cáo Ủy ban đi...
Thế
là xong. Bây giờ họ có hai mặt con, đẻ cách nhau mười một tháng. Thế là ông có
đủ: nhà cửa, vợ con và cương vị.
May
mắn làm sao, từ ngày ông nhận chức chủ tịch thị trấn thì Đại úy Thìn kéo quân
về đóng bên bờ sông Linh. Đại úy là con đẻ của thị trấn, dù là quân của Bộ,
không liên quan gì đến công việc ở đây, nhưng Đại úy luôn luôn nhìn thấy trách
nhiệm của mình ở mọi nơi, Đại úy mặc nhiên trở thành cố vấn đắc lực cho Chủ
tịch thị trấn về mọi mặt. Đại úy nói: "Việc này anh cần phải...", Chủ
tịch thị trấn đáp: "Anh cứ để đấy cho tôi”, chắc như đinh đóng cột. Không
có gì phải bàn cả. Đôi khi Đại úy phải giải thích cho rõ thêm chứ không bàn
cãi. Ví như "vụ hội họa" của Họa sĩ Tư chẳng hạn. Đại úy phải giải
thích hơi lâu Chủ tịch thị trấn mới vỡ nhẽ tính chất nguy hiểm của thứ
"văn hóa nô dịch" hiện còn rơi rớt trong lòng Xã hội Chủ nghĩa, cụ
thể là tại túp lều bên bờ sông Linh mà bây giờ ông đi đến đó.
Ông
đến, túp lều vắng hoe. Lũ trẻ con đã tẩu tán đi đằng nào. Ông đứng tần ngần một
lát rồi tắc lưỡi chui vào trong. Chẳng có gì ngoài ba cái soong nhỏ, hai đôi
đũa, một lọ nước mắm, một hũ muối, một lọ mắm tôm, một cái đèn và một đống to
tướng các bức tranh. Ông giở đống tranh ra, lần lượt xem kỹ lưỡng các bức tranh
vẽ những mặt người méo mó, những con bọ chạng háng choán cả bức tranh, những
cái mông đàn bà, những con cò hai cổ, những đứa trẻ mặt đầy nếp nhăn và lún
phún ria mép...
-
Thế này thì nguy hiểm thật!
Ông
chặc lưỡi và giở tiếp hai chục bức cuối cùng vẽ đàn bà trần truồng, những người
đàn bà không có đầu, loạn xạ các kiểu đứng ngồi. Ông nhìn kỹ từng bức một, rất
kỹ: "Tình yêu" - "Nỗi đau các bà mẹ" - "Hỡi nhân loại
hãy chấm dứt chiến tranh" - "Khát vọng sống"... Ông không chú ý
đến các dòng chữ ghi dưới bức tranh mà nghiên cứu "nội dung" các bức
tranh qua các "bộ phận bôi bác" của đàn bà được Họa sĩ đặc tả khá dày
công.
-
Chỉ có đàn bà hàng tỉnh, thứ nào thứ nấy mới như thế này chứ nhân dân lao động thị
trấn làm gì có. - Ông kêu to.
Ông
đặt số tranh vừa xem trở lại y nguyên rồi chui ra. Họa sĩ Tư vẫn chưa về. Ông
lại chui vào, giở lại những bức vẽ những người đàn bà trần truồng, những người
đàn bà không có đầu, loạn xạ các kiểu đứng ngồi... Hơn một giờ sau ông rời túp
lều, vừa đi vừa lẩm bẩm:
-
Kinh thật! Kinh thật! Đích thị là đàn bà hàng tỉnh!
Lúc
này đã sẫm tối, những người đánh cá đêm bắt đầu đỏ lửa dọc sông Linh.
Chương hai
Lúc
này đã sẫm tối, những người đánh cá đêm bắt đầu đỏ lửa dọc sông Linh.
Họa
sĩ đang trở về túp lều của mình dưới chân đê, vừa đi vừa lắc lư. Trông dáng điệu
Họa sĩ là biết say: ngật ngà ngật ngưỡng, bước biển bước trời.
Họa sĩ vừa chui vào quán thịt chó Cule ăn
và uống và say. Trước đó Họa sĩ có đến chỗ Đại úy Thìn. Không phải để thăm Đại
úy mà thăm thím Hoa. Họa sĩ là bạn thiếu thời của thím Hoa. Cả hai đang học dở
để giật bằng Dip-lôm thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Họa sĩ lên rừng
gia nhập Việt Minh, thím Hoa làm trợ giáo cho ba đứa con của một nhà
giàu nhất thị trấn. Bây giờ Họa sĩ đã trở thành họa sĩ, thím Hoa là vợ của anh
cùng cha khác mẹ của Họa sĩ. Từ ngày gặp nhau, họ mừng vui ra mặt. Họ nói với
nhau hàng giờ bằng tiếng Pháp. Nói và hát và khua chân múa tay như những con
vượn bị tách khỏi bầy lâu ngày mới gặp nhau. Chẳng ai hiểu họ nói về cái gì, vì
cái gì mà cười...
Thím
Hoa là người đàn bà đẹp đến mê li. Và dịu dàng, một sự dịu dàng tỏa ra từ tất
cả những gì đức Chúa trời ban phát cho thím. Cuộc tình của thím với Đại úy Thìn
xảy ra chớp nhoáng sau trận công đồn cuối cùng giải phóng thị trấn. Lúc bấy giờ
Đại úy nổi tiếng là một người lính dũng cảm có một không hai khắp tám huyện
trong tỉnh. Tiếng tăm của Đại úy đến thị trấn trước khi ông có mặt. Miên man
những huyền thoại về ông. Lính Pháp trong ba đồn đóng ở thị trấn hễ nghe Đại úy
xuất hiện ở đâu là tất thảy đều sảng vía, kinh hồn. Đại úy đã đứng trước thím
Hoa với một vầng hào quang sáng chói khiến thím ngợp thở. Đến nỗi khi Đại úy
vừa ngỏ lời thím đã run lên, nghẹn ngào. Cưới nhau gần một năm, thím mới biết
chồng mình là anh cùng cha khác mẹ với Họa sĩ Tư, thật không ngờ. Đấy là ngày
vợ chồng thím thắp hương cúng giỗ mẹ Đại úy. Khi tàn cuộc rượu, bà con nội
ngoại ra về, thím ngồi rửa bát, thốt nhiên hỏi:
-
Thế ba mất ngày nào?
Đại
úy đang vui vẻ bỗng nghiêm mặt:
-
Em hỏi để làm gì?
Thím
dướn mày, ngạc nhiên:
-
Ơ hay, cũng phải biết để mà thờ cúng chứ!
Đại
úy vươn vai, ngáp một cái, lắc đầu:
-
Tôi không có cha.
Thím
im lặng. Thế là có chuyện. Và câu chuyện mà Đại úy kể tối hôm đó đã làm cho
thím bàng hoàng: Cha của Họa sĩ Tư là địa chủ cỡ bự ở ngoại vi thị trấn. Vào
năm Họa sĩ chưa sinh ra, cha anh đã gạ gẫm và cưỡng bức một người ở đợ trong
chín đêm. Đại úy là kết quả của cuộc tình cưỡng bức đó. Thuở thiếu thời, thím
không hề nghe Họa sĩ kể chuyện này. Với lại, cái tuổi ngốc nghếch đó người ta
chỉ biết nhau, có ai để ý đến hoàn cảnh của nhau bao giờ. Thím cũng thế, chỉ
biết Họa sĩ là con một nhà giàu, thế thôi, cũng như thím - cháu nội một nhà
giàu...
-
Sao anh không nói gì cả? - Thím hỏi.
Đại
úy vươn vai ngáp:
-
Nói cái gì?
Thím
thở dài:
-
Có hai anh em mà cũng lánh mặt nhau.
Đại
úy cả cười:
-
Cô ngây thơ lắm. Anh em chỉ là quy ước của xã hội phong kiến mà thôi. Thực ra,
tôi không coi cha tôi là cha tôi. Nghĩa là tôi không anh em gì với nó cả.
Thím
ngước nhìn lên trần nhà, nước mắt vòng quanh, lát sau, thím nói to như nói với
trần nhà chứ không phải nói với chồng mình:
-
Ai đẻ ra mình là cha. Ai cùng cha với mình là anh em, nghe chưa!
Đại
úy đã thiu thiu ngủ, giật mình hỏi:
-
Cái gì?
Thím
nhắc lại, giọng mềm hơn. Đại úy cằn nhằn:
-
Thôi, ngủ đi. Tôi không anh em với nó. Tôi không cùng giai cấp với nó.
Ông
lật người, ôm riết thím vào lòng, hôn một cái thật dài ở cổ:
-
Ngủ đi em. Mai còn làm việc...
Thím
rùng mình: "Thì mình cũng không cùng giai cấp với chồng mình". Đúng
vậy. Ông nội thím Hoa là một trong hai địa chủ giàu nhất huyện này. Cha của
thím là thầy đồ Nho nổi tiếng một vùng. Ông chết vì bệnh hủi, để lại khá nhiều
bài thơ chữ Hán rất hay. Nhiều người hiện nay còn thuộc thơ ông, mỗi khi nói
chuyện thế sự lại đem thơ ông ra minh họa. Thím Hoa thuộc hết ba trăm hai mươi
sáu bài thơ chữ Hán và nhiều bài tản văn của cha mình. Thím giỏi tiếng Pháp và
tiếng Hán. Vì thế, sau khi lấy nhau được vài năm thím nhận ra rằng những gì
thím biết thì Đại úy mù tịt, và ngược lại, những gì Đại úy thường rao giảng cho
con thì thím chẳng biết gì cả. Đại úy si mê Chủ nghĩa Xã hội, lúc nào cũng nói
về nó với nỗi khát thèm bốc cháy. Còn thím chẳng quan tâm gì đến nỗi si mê của
Đại úy, lặng lẽ chăm sóc Thùy Linh bằng các bản "nhạc vàng" và các
bài thơ "lãng mạn" bị cấm.
-
Cô không được nhả ra loại tư tưởng độc hại ấy cho con! - Đại úy đã quát to sau
nhiều lần nhắc nhở mà thím không chịu nghe.
Cuộc chiến tranh bắt đầu xảy ra từ đó. Đầu
tiên chỉ là thứ mụn nhọt cắm sâu trong tâm hồn thím. Sau thì không phải thế, có
cái gì đau nhói và ghê tởm hơn ngày đêm quấy đảo thím. Đôi lần thím kêu lên:
-
Anh làm gì thế! Muốn cai trị tôi chắc?
-
Im ngay!
Đại
úy đập bàn đánh "rầm", nhìn thím với đôi mắt có lửa. Thím gục đầu
trên bàn máy, liếc thấy Đại úy khoác áo chuẩn bị đi. Bao giờ cũng thế, mỗi bận
cãi nhau, Đại úy lại khoác áo bước ra khỏi nhà.
Bước
ra khỏi nhà vài bước, Đại úy quay lại nói tỉnh khô:
-
Tôi thuộc về lực lượng chuyên chính vô sản. Cô là vợ tôi, cô phải biết điều đó.
Thím
rũ người, lát sau mới òa khóc nức nở. "Mình không cùng giai cấp với chồng
mình", ý nghĩ ấy ám ảnh thím hàng năm trời không dứt. Rồi thím cũng biết
im lặng, một sự cam chịu bản năng của đàn bà cộng với sự dịu dàng hiếm thấy của
thím đã làm cho thím thay đổi hẳn về chất: cười, nói, đi, đứng, hát hò nhẹ
nhàng như không. Chỉ những lúc Đại úy trở về đơn vị, thím hoàn trả lại nguyên
chất cái mà thím có. Thím ngồi bên bàn máy và hát, nhẹ nhàng và đằm thắm, ngọt
ngào và sâu lắng, về những ký ức xa vời của tuổi xuân xanh, thời mà thím đã úp
mặt vào ngực anh học trò gầy còm, bạn học của thím: ấy là Họa sĩ Tư. Rồi anh
học trò ấy trở về, dù thuộc diện hưu trí nhưng vẫn chưa vợ, vẫn còn ngây thơ
ngốc nghếch như năm nào. Thế là họ nói với nhau hàng giờ bằng tiếng Pháp. Nói
và hát và khoa chân múa tay như những con vượn bị tách khỏi bầy lâu ngày mới
gặp lại nhau...
Lúc
đầu Đại úy đã biết im lặng trước các cuộc "Rốp rít... xốp xít" của
họ. Sau, như người bị bệnh ghẻ ruồi, ông cảm thấy ngứa ngáy khó chịu. Rốt cuộc,
khi đã hết khả năng chịu đựng, Đại úy đã lên tiếng. Thím Hoa im ngay sau khi
Đại úy nhắc nhở lần thứ nhất. Thím bao giờ cũng là người đàn bà tuyệt vời, biết
im lặng và lên tiếng đúng lúc, rất đúng lúc. Ngược lại, Họa sĩ Tư bắt đầu
"nghênh chiến" với Đại úy ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên. Họa sĩ đút
tay túi quần, cười hề hề, bình tĩnh phản công Đại úy từng vấn đề một như võ sĩ
đấm bốc nhà nghề đấu với kẻ dưới tầm tay mình. Cuộc cãi cọ diễn ra một năm trời
kể từ ngày Họa sĩ về hưu non.
Buổi
chiều này cũng vậy.
Đại
úy từ nhà Chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy trở về. Bước vào ngõ, ông đã nghe hai
người hát váng nhà loại bài hát "anh em chàng nàng". Đại úy dừng lại
lắng nghe thật chăm chú rồi thủng thẳng tiến vào. Tiếng hát im bặt. Thím Hoa
vừa cắm cổ đạp bán máy. Họa sĩ Tư khẽ gật đầu chào Đại úy. Ông lừ lừ nhìn hai
người, không nói gì, tiến về phía mắc áo. Vừa cởi áo khoác Đại úy vừa ôn tồn
nói cho hai người rõ từ nay không nên nhai lại loại nhạc tư sản hòng ru ngủ con
người quên mất nhiệm vụ xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ quốc Xã hội Chủ
nghĩa.
-
Đó là sản phẩm của bọ "Tờ-rốt-kít" và bọn "Nhân văn giai
phẩm" - Đại úy nhẹ nhàng giải thích: - Hát hò là phải chọn lọc. Tại sao
không hát những bài ca cách mạng, những bài hát yêu nước đòi giải phóng miền
Nam, thống nhất đất nước?
Im
lặng. Không ai nói với ai. Không ai nhìn ai. Lát sau, Họa sĩ đứng tựa vào cột
nhà rút thuốc hút, miệng lẩm bẩm:
-
Anh thì biết gì "Tờ-rốt-kít" với "Nhân văn giai phẩm" mà
nói. Nghe người ta "kít" mình cũng "kít"...
Lập
tức mặt Đại úy đỏ rực. Thái độ cố gắng ôn hòa của ông phút chốc tan biến. Ông
trừng mắt nhìn như muốn nuốt chửng Họa sĩ:
-
Cái thái độ ngạo mạn, khinh khi của chú, tôi nói cho chú biết: đấy là con đẻ
của giai cấp tư sản, chú coi chừng!
Họa
sĩ vẫn đứng tựa cột nhà, vuốt mũi một cái, cười ruồi. Thím Hoa đang ngồi may
chợt ngẩng lên nói một câu nhẹ như tiếng đàn tơ:
-
Ba mày nói đến là hay, cái gì cũng vu cho người ta là tư sản.
-
Thùng rỗng hay kêu! - Họa sĩ Tư buột miệng.
"Rầm!"
Một cái đập bàn cực mạnh của Đại úy. Ông hằm hằm nhìn hai người, dằn giọng:
-
Tôi nói cho các người biết: nếu các người không tự tu dưỡng để cạo sạch ung
nhọt mọc đầy trong đầu các người thì có ngày các người sẽ rũ tù. Chính tôi sẽ
bỏ tù các người chứ không ai khác.
Thím
Hoa ngừng may, nhìn ra ngoài vườn, mát mẻ:
-
Ba nó thì luôn luôn nói Chủ nghĩa Xã hội là ưu việt, thế mà động tí là bỏ tù.
Thế ra nhà tù của ba nó nhiều thế à?
-
Thì cái nhà này cũng là một nhà tù chứ đâu xa! - Họa sĩ vỗ tay cái
"bốp", kêu to.
-
Câm ngay! Đồ ung nhọt! - Đại úy gầm lên.
Thím
Hoa cúi đầu may tiếp. Thím buộc phải đần độn trước mặt Đại úy, nhiều lần thím
cố gắng đần độn để Đại úy yên lòng. Họa sĩ Tư rời cột nhà, đưa mắt chào thím
Hoa rồi quay về phía Đại úy nói chậm rãi nhẹ nhàng:
-
Anh hay nổi nóng quá. Đã có gì đâu mà anh nổi nóng? Anh luôn nói là anh thuộc
về lực lượng chuyên chính vô sản, là người đứng trong đội ngũ gác cổng Chủ nghĩa
Xã hội. Thế mà anh rất lơ mơ về Chủ nghĩa Xã hội, anh Thìn ạ. Anh phải tìm thầy
mà học. Muốn làm được cái gì phải học kỹ cái đó. Nếu không tìm ra thầy thì đến
chỗ tôi, tôi cũng nói với anh được dăm bảy điều có ích. Chứ cái kiểu này thì...
có ngày người ta buộc phải gọi anh là... là con bò đực đáng thương của Chủ
nghĩa Xã hội mà thôi.
Đại
úy cười khẩy, xua tay:
-
Thôi chú về đi, từ nay đừng đến nhiễu sự tôi nữa. "Học, học nữa, học
mãi", Lê-nin dạy tôi rồi, chú không phải dạy khôn cho tôi.
Họa
sĩ Tư đút tay túi quần túc tắc bước ra ngõ. Vừa đi vừa huýt sáo. Gặp bất cứ cái
gì giữa đường Họa sĩ cũng đá một cái và huýt sáo.
*
* *
Chủ
quán thịt chó Cule, tên thật là Trần Ngọc Hiền, xưa nay là chủ thầu đường bộ
nổi tiếng của tỉnh. Hòa bình lập lại, ông cống hiến cho nhà nước một trăm tấn
xi măng, năm trăm tấn sắt và bốn xe vận tải cùng với ba kho dụng cụ làm đường.
Nhờ sự thành thật của ông, người ta không làm phiền ông trong việc khai báo
hành tích của mình dọc thời kỳ ông làm chủ thầu. Hơn nữa, trong thời kỳ kháng
chiến chống Pháp, ông đã nhiều lần bí mật cho ô tô vận tải chở gạo lên rừng
giúp bộ đội. Chính ông cũng là một tài xế giỏi, ông lái xe như người làm trò ảo
thuật, thoắt biến thoắt hiện với một tốc độ khủng khiếp nhưng an toàn tuyệt
đối. Người ta hỏi ông bây giờ muốn hành nghề gì, hành nghề ở đâu? Ông toét
miệng cười, nửa đùa nửa thật:
-
Tôi xin làm nghề bán thịt chó. Quê hương tôi chưa có gì nổi tiếng, tôi muốn quê
hương tôi khét tiếng về mặt thịt chó.
Nói
thì đùa mà làm thì thật. Ông về mở quán thịt chó, một năm sau cả ba mươi mốt xã
trong huyện ai ai cũng biết "quán thịt chó Cule bổ béo toàn diện":
rẻ, ngon và đặc biệt cứ bước vào quán là vui từ đầu bữa đến cuối bữa. Người ta
nói ông là đại biểu của các chủ quán "vui lòng khách đến, vừa lòng khách
đi". Vợ ông chết vì bệnh tim, để lại hai đứa con gái. Cả hai đều lấy
chồng, đều ăn nên làm ra, khỏi cần phải cậy nhờ ông. Vậy là ông chỉ làm cho ông
ăn. Không, ông giàu lắm, khỏi cần phải làm gì ông cũng đủ sống sung sướng.
Nhưng ông thích nổi tiếng, ông nói vậy, không nổi tiếng nghề này phải nổi tiếng
nghề khác, dứt khoát.
-
Tôi thì chơi đến già cũng không chịu chết đói. Có điều, bây giờ khắp nơi đều
phục vụ nhân dân, chẳng lẽ mình không tìm một việc gì mà phục vụ! Vô lý!
Ông
trả lời "phỏng vấn" với mọi người như vậy. Ai ai cũng yêu quý ông,
mỗi ngày ông tìm được một khách mới, một bạn mới. Họa sĩ Tư là bạn của ông, bạn
mới, "thường trú ba phần đời" tại quán thịt chó của ông.
Chiều
nay Họa sĩ đến quán thịt chó của ông sớm hơn lệ thường một giờ. Cule đứng ở bậc
chào to:
-
Hôm nay đến sớm thế!
Họa
sĩ nhếch mép cười, đưa tay nhìn đồng hồ:
-
Ờ nhỉ!
Cule
chạy ra, kéo tay họa sĩ vào quán, thì thầm:
-
Anh phải cẩn thận đấy.
-
Cẩn thận cái gì?
Cule
ghé tai Họa sĩ nói như vầy, như vầy... Họa sĩ "à" và cười to, cười
rất to, cười rung quán thịt chó, khiến chủ quán Cule trố mắt. Họa sĩ chùi nước
mắt xong, nói:
-
Dọn ra đi chứ?
Cule
xắn tay hỏi:
-
Có dồi chứ?
-
Ờ, sống trên đời kiếm miếng dồi chó. Chết xuống âm phủ biết có hay không.
Cule
nhăn răng cười, cầm con dao phay khua khua:
-
Không có đâu! Không có đâu! Dưới ấy tốt lắm!
-
Rượu ngon chứ?
-
Rồi!
Chủ
quán nhanh nhẹn vào buồng trong, một loáng đã thấy bưng ra, đủ hết: rượu ngon,
dồi ngon, tiết canh ngon. Cule nhìn Họa sĩ ăn, chép miệng:
-
Không biết tiếp anh được... bao lâu nữa.
Họa
sĩ ngước lên ngơ ngác:
-
Cái gì?
-
Là tôi nói... e hèm, - Cule dè dặt - Là tôi nói... người ta đồn anh không sống
và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.
Họa
sĩ nuốt đánh ực miếng dồi to nhất trong đĩa, gật đầu:
-
Đúng đấy!
-
Anh bảo sao?
-
Tôi sống và làm việc theo ca dao và tục ngữ.
-
Ớ trời!
Cule
thè lưỡi, mặt như thằng đần độn hạng một. Ông dịch ghế lại gần Họa sĩ, nói nhỏ:
-
Nhỡ người ta bắt anh thì sao?
Họa
sĩ trợn mắt:
-
Cặc!
Cule
ghé sát tai Họa sĩ thì thầm như vầy, như vầy... Họa sĩ lại "à" và
cười to, cười rất to, cười rung quán thịt chó. Xong Họa sĩ chùi mép đứng dậy,
chìa tay cho chủ quán cầm lấy lắc lắc và bước ra khỏi quán, cứ ngửa cổ thế mà
cười, ngật ngà ngật ngưỡng, bước
biển bước trời, tiến về túp lều phía bờ sông Linh.
Lúc
này đã tắt nắng, túp lều chìm trong bóng tối. Họa sĩ ngao ngán nhìn nó một chập
rồi bước xuống phía hòn đá. Mát rượi. Gió nồm từ biển thổi vào, chạy dọc bờ
sông Linh, tràn qua cơ thể nóng hâm hấp của Họa sĩ.
Họa
sĩ không ngủ được, mở mắt nhìn lên trời lác đác các vì sao, day dứt về một thời
xa lắc. Và hát, nhẹ nhàng và đằm thắm, ngọt ngào và sâu lắng để hoài nhớ những
giọt nước mắt trước lúc chia ly của người bạn gái thuở vừa dứt tuổi học trò.
-
"Thời ấy hay nhỉ? - Họa sĩ nghĩ: - Có thế mà cũng nhớ nhau. Chẳng được cái
hôn nào mà cũng nhớ nhau".
Thời
ấy là thời "Toàn quốc kháng chiến". Họa sĩ tình nguyện theo Việt Minh
tham gia kháng chiến. Cuộc chuẩn bị chớp nhoáng, ra đi chớp nhoáng. Thím Hoa
không hề được báo trước. Mãi đến buổi tối trước khi Họa sĩ cùng hai mươi chín
trai tráng trong làng xắn quần móng lợn chuẩn bị lẻn qua trảng cát cứ thẳng
hướng núi Chóp Chài mà tiến thì thím mới hay tin. Thím chạy tơi tả trong bóng
tối, vượt qua một cánh đồng ngoại vi thị trấn, lội dọc suối Mật, cứ hướng ngọn
cây dừa xóm Cau mà chạy. Tới nơi thì giờ xuất phát của hai mươi chín chàng trai
đã bắt đầu.
-
Anh Tư!
Thím
kêu to. Một người ôm chặt thím, bịt mồm:
-
Khẽ thôi.
Họa
sĩ Tư chạy đến, kéo thím sang một góc.
-
Đi ngay à?
-
Đi ngay.
-
Sao không báo trước?
-
Vì bí mật.
-
Bí mật cả Hoa nữa?
Thím
nấc lên, úp mặt vào ngực Họa sĩ mà khóc, khóc như chưa bao giờ khóc.
-
Yên tâm, rồi Tư về.
-
Không!Không!
-
Tư về thật mà.
-
Bao giờ?
Một
người đến gọi khẽ:
-
Nhanh, Tư!
Họa
sĩ gỡ tay thím, lặng lẽ chia tay. Cả đoàn người nối chân nhau, cúi đầu bước.
Núi Chóp Chài còn xa tít. Họ đi, từng bước một nặng nề. Thím Hoa chạy theo sau,
vừa chạy vừa gọi thầm:
-
Anh Tư ơi, em nhớ anh lắm! Anh Tư ơi, em nhớ anh lắm!
Trắng
băng những bãi cát hoang vu.
Sau
đó là những năm dài bặt tin nhau. Mãi đến ngày hòa bình lập lại, Họa sĩ mới hay
tin thím Hoa đã có chồng. "Ờ, phải thôi". Họa sĩ cay đắng nghĩ thầm.
Rồi Họa sĩ lại hay tin: thím Hoa đã lấy anh cùng cha khác mẹ với mình. "Ờ
cũng phải thôi", Họa sĩ rưng rưng nước mắt, cười chua chát.
Hôm
Họa sĩ về hưu non, thím Hoa có đến lều thăm Họa sĩ và xem tranh. Thoáng thấy
thím, Họa sĩ mỉm cười gật đầu chào. Thím vào, ngồi xuống tấm ván rộng được kê
lên bằng bốn hòn gạch. Họa sĩ rót nước, đặt bát vào tay thím. Thím đỡ lấy, nhìn
đăm đăm vào đáy bát.
-
Uống nước đi.
-
Dạ.
-
Hơ! Chị dâu mà "dạ".
Thím
Hoa nhìn Họa sĩ với tia nhìn đau xót rồi lặng lẽ nhìn bốn xung quanh. Đoạn,
thím lôi đống tranh to tướng của Họa sĩ ra xem kỹ lưỡng từng chiếc một.
-
Không ngờ anh lại trở thành họa sĩ. - Thím nói.
-
Ờ. - Họa sĩ nói.
Và
im lặng.
-
Anh không thích "ấn tượng" à? - Thím hỏi.
-
Xưa thì thích, giờ thì không. - Họa sĩ mỉm cười trả lời.
Một
đợt gió bất ngờ thổi ập vào. Tóc thím bồng lên, tỏa ra tứ phía, phủ kín mặt.
Thím vén tóc, khẽ khàng:
-
Tại sao thế?
-
Tại sao là...
-
Tại sao anh không thích "ấn tượng"?
-
À... vì mình đã quá nhiều đau khổ, phải cậy đến "siêu thực".
Thím
chăm chú nhìn từng bức, từng bức. Mãi sau thím mới ngước lên, nhìn Họa sĩ, buồn
rầu nói:
-
Thế thì anh chẳng hiểu gì "siêu thực".
-
Nhưng mà Hoa được học lúc nào mà giỏi thế?
Họa
sĩ kêu to, chực lao đến thím. Thím cúi đầu, thì thầm:
-
Lúc xa anh...
Thím
từ từ ngước lên. Họ nhìn nhau. Mắt và mắt và mắt... Bất chợt thím lắc đầu, vùng
dậy:
-
Hoa về đây.
-
Khoan! Khoan... đã!
Thím
bước ra cửa lều, quay lại chào từ biệt Họa sĩ. Biết làm sao, sau lưng thím là
chồng thím, là con thím. Trước mắt thím là Họa sĩ, đằng nào thì cũng là em
chồng thím.
Họa
sĩ mỉm cười: thế là hết. Gió thổi. Bao nhiêu là gió từ đáy sông Linh ùa lên.
Những ngọn sóng nhỏ li ti gõ vào sườn trái Họa sĩ. Hòn đá và Họa sĩ ngủ đều
trong tiếng ru hời khe khẽ của những ngọn sóng sông Linh.
Có
một người kéo chân. Họa sĩ choàng tỉnh. Bốn người đứng quanh hòn đá: hai công
an, hai dân quân. Hình như họ đứng vậy đã từ lâu.
-
Có việc gì thế? - Họa sĩ lần lượt nhìn từng người, ngáp dài, uể oải hỏi.
Một
công an có cái trán dô nói rõ ràng:
-
Chúng tôi được lệnh khám nhà anh.
Và
rút tờ giấy "Lệnh khám nhà" đưa cho Họa sĩ. Họa sĩ không để mắt đến
tờ giấy, đứng bật dậy, vui vẻ nói:
-
Tốt thôi, mời các anh vào. Chỉ lưu ý lần sau các anh dùng từ cho chính xác.
-
Cái gì?
-
Đây không phải là nhà mà lều! "Lệnh khám lều!".
-
À...
Cả
bốn người chui vào lều. Họa sĩ đứng ngoài châm lửa hút thuốc, chờ đợi. Một lát
sau, cả bốn người chui ra, trong tay họ ôm đủ sáu mươi tư bức tranh vẽ những
mặt người méo mó, những con bò chạng háng, những cái mông đàn bà, những con cò
hai cổ...
Người
có trán dô bình thản nói:
-
Anh bị bắt.
Họa
sĩ dướn mày:
-
Thế à?
Bốn
người giải Họa sĩ về đồn, ôm cả đống tranh lên theo.
Tại
đồn công an huyện, đồn trưởng công an tử tế mời Họa sĩ xơi nước:
-
Trà ngon thật. - Họa sĩ chép miệng.
-
Trà Thái Nguyên...
-
Tốt. Khi nào tôi được thả, các anh để lại cho tôi một lạng...
-
Hì hì... Khi đó chè mốc mất rồi.
-
Thế à? Tiếc quá nhỉ?
Đồn
trưởng nhã nhặn hỏi:
-
Anh vẽ những bức tranh này phải không?
-
Tôi vẽ. - Họa sĩ xác nhận: - Anh thấy có được không?
Đồn
trưởng không trả lời, chìa ra tờ giấy liệt kê sáu mươi tư bức tranh, nói:
-
Vậy anh ký vào đây.
-
Vào đâu?
-
Vào đây.
-
Vâng.
Họa
sĩ ký. Đồn trưởng hỏi:
-
Tại sao anh vẽ những bức tranh này?
-
Tôi thích.
-
Tại sao anh lại thích?
-
Vì tôi thích cái mà tôi thích.
Đồn
trưởng lại rút ra một tờ giấy trắng, nói:
-
Đề nghị anh tường trình quá trình vẽ những bức tranh này.
-
Vâng.
Họa
sĩ vui vẻ đỡ lấy tờ giấy và cây bút, hý hoáy viết.
"Tôi
thích cái mà tôi thích. Rồi tôi vẽ cái tôi thích về cái mà tôi thích. Tôi rất
thích cái tôi vẽ cái tôi thích về cái mà tôi thích. Sau đó tôi lại không thích
cái cái tôi rất thích cái tôi vẽ cái tôi thích về cái mà tôi thích. Rồi tôi
thích cái mà tôi thích. Rồi tôi vẽ cái tôi thích về cái mà tôi thích..."
Đồn
trưởng đọc đi đọc lại bản tường trình của họa sĩ viết dựa vào lời nói đầu cuốn Dì HULIA
và nhà văn quèn. Rất lâu sau đồn trưởng ngẩng lên, nghiêm
mặt nói:
-
Anh đùa với chúng tôi đấy à?
Họa
sĩ nghiêm túc trả lời:
-
Không. Đó là quá trình sáng tác sáu mươi tư bức tranh này của tôi.
Đồn
trưởng nghĩ: "Chơi với loại này khó thật", rồi nói:
-
Chúng tôi tạm thời giữ anh tại đồn để điều tra thêm và chờ ý kiến cấp trên.
Họa
sĩ nhếch mép:
-
Thế à?
Một
công an đã đứng chờ ở cửa. Họa sĩ theo người này đi vòng vào một hành lang hẹp
tới căn phòng tạm giữ những người phạm pháp.
Họa
sĩ lăn ra nền gạch hoa, hít một hơi thật sâu, ngủ tiếp giấc ngủ bị đánh động
ban nãy. Anh ngủ được, ngủ khá sâu là đằng khác. Mãi đến khi nghe có tiếng
người gọi mình, anh mới mở mắt.
Nhác
thấy Thùy Linh đứng dán mặt vào những song cửa sổ, Họa sĩ vui vẻ ngồi dậy.
-
Thùy Linh đấy à?
-
Chú có việc gì không?
-
Không, chẳng việc gì sất.
-
Họ nói... sẽ giam chú bao lâu?
-
Không phải giam, chỉ tạm giữ.
Họa
sĩ tiến lại, tì vai vào song cửa sổ, thò tay vào túi tìm thuốc lá hút.
Thùy
Linh ngạc nhiên khi thấy Họa sĩ bình thản như không. Cô và mẹ cô đã tưởng tượng
quá ghê gớm cái cảnh bắt bớ giam cầm Họa sĩ. Thím Hoa đã đánh vỡ cái bình thủy
tinh đựng dấm chua khi Thùy Linh chạy ào về báo tin Họa sĩ đã bị công an bắt
giải lên đồn do Hoàng báo lại. Hoàng cũng không biết, nghe hàng xóm báo lại.
Anh đang tập thể dục buổi sáng, trên bãi cỏ rộng chừng vài sào đất trước nhà
thì bác Cả Rí đi câu lươn về gặp anh, nói:
-
Họa sĩ Tư bị bắt.
Hoàng
giật mình, hỏi:
-
Bắt làm sao, bác Cả Rí?
-
Bắt như bắt kẻ trộm, như bắt Việt gian bán nước chứ còn làm sao nữa.
-
Thật hả bác?
-
Bây giờ còn ở đồn công an.
Bác
Cả Rí xách xâu lươn đi thẳng, vừa đi vừa oang oang:
-
Việt gian bán nước nhiều như rươi, trên rừng dưới biển đủ hết! Ghê!
Hoàng
chạy thục mạng về đồn xem sự thể ra sao.
-
Người ta đang hỏi cung không cho ai vào.
Vài
người trong đám đông đứng trước đồn công an nhóng cổ dòm vào nói với Hoàng như
vậy. Hoàng chạy ra chợ tìm Thùy Linh. Anh biết giờ này bao giờ cô cũng đứng ở
cửa chợ đón mua cá tươi dân nôốc chài đưa đến. Thùy Linh được tin vứt rổ cá
chạy về. Hoàng chạy ngược lên huyện ủy tìm ba anh. Hoàng hy vọng nhờ tiếng nói
bao giờ cũng quan trọng của ba mình mà Họa sĩ thoát nạn.
Họa
sĩ có một quan hệ khá gắn bó với Hoàng và Bí thư huyện ủy từ xa xưa.
Người
ta kể, không được rành mạch cho lắm, rằng năm 1946 Pháp tái chiếm thị trấn, Họa
sĩ Tư gia nhập Việt Minh lên núi Chóp Chài hoạt động. Tại đây Họa sĩ đã gặp và
yêu mẹ Hoàng, một mối tình thật dữ dội và lãng mạn. Cả hai bị kiểm thảo và kỷ
luật rất nặng. Họa sĩ phẫn chí xin đi học lớp hội họa ngắn hạn ở Thanh Hóa, năm
sau được gọi lên chiến khu Việt Bắc dự một lớp hội họa khác và ở lại đấy đến
năm 1949 thì trở về đỉnh Chóp Chài. Người ta kể, không được rành mạch cho lắm,
trước lúc chia tay với Họa sĩ Tư, mẹ Hoàng đã thề thốt nặng lời với Họa sĩ,
nhưng khi Họa sĩ trở về thì mẹ Hoàng đã mang thai Hoàng, đã vợ chồng với ba
Hoàng. Họa sĩ lặng lẽ bỏ đỉnh Chóp Chài ra Thanh Hóa. Khi nghe tin mẹ Hoàng
chết, lúc Hoàng tròn một tuổi, Họa sĩ đã nháo trở lại Chóp Chài. Mẹ Hoàng đã
được đồng đội chôn cất chu đáo, chỉ có Hoàng là lăn lóc trên tay người này sang
người khác. Ba Hoàng không có mặt ở Chóp Chài, ông đã được lệnh đi vào Thừa
Thiên trước khi mẹ Hoàng ăn phải nấm độc mà chết. Họa sĩ đã ẵm Hoàng, nuôi
Hoàng từ đó cho đến khi thị trấn giải phóng thì gặp ba Hoàng và Đại úy Thìn.
"Một cuộc hội ngộ đầy nước mắt", người ta nói vậy. Họa sĩ lặng lẽ
giao Hoàng cho ba Hoàng, không chờ một nửa câu cám ơn, vội vã ra đi. Có người
nói, vì thế cho nên dù Họa sĩ có ăn nói ba bửa, phản động, mất lập trường thì
vì ơn nghĩa xa xưa, ba Hoàng cũng bỏ quá đi cho. Có người nói, không được rành
mạch cho lắm, rằng người đem ra kiểm thảo, kỷ luật nặng Họa sĩ Tư và mẹ Hoàng
về mối tình dữ dội, lãng mạn của hai người không ai khác chính là ba Hoàng;
rằng đó là âm mưu để "nẫng tay trên" mẹ Hoàng từ tay Họa sĩ Tư. Vậy
nên chính ba Hoàng, dù là Bí thư huyện ủy, vẫn là người sợ Họa sĩ Tư chứ không
phải ngược lại.
Việc
Họa sĩ Tư nuôi Hoàng ba năm, kể từ ngày mẹ Hoàng mất và trao cho ba Hoàng tại thị
trấn là sự thật duy nhất Hoàng biết được do cả Họa sĩ lẫn ba Hoàng đều kể lại.
Còn những chuyện "không được rành mạch cho lắm" mà người ta xì xào
thì tuyệt nhiên hai người không nhắc tới.
Hoàng
hỏi ba anh:
-
Có đúng như vậy không?
Ba
cười nhỏ, hỏi lại:
-
Người ta nói như vậy à?
Hoàng
hỏi Họa sĩ Tư:
-
Có đúng như vậy không?
Họa
sĩ trợn mắt nhìn Hoàng rồi ôm bụng cười sặc sụa không nói gì.
Hoàng
cứ áy náy không yên. Đôi lần anh nắm tay Thùy Linh chạy tràn trề dọc bờ sông
Linh, vào những ngày cuối cùng trước khi kết thúc tuổi thơ, ngó thấy Họa sĩ
cùng với túp lều của mình đứng chơ vơ trên bờ sông, anh cảm thấy xa xót một
điều gì như là lỗi của chính anh. Họa sĩ bình thản bước từ nỗi cô đơn này sang
nỗi cô đơn khác với bộ mặt dương dương tự đắc. Chưa bao giờ Họa sĩ nói được một
lời tử tế với đàn bà. Trong một loạt bức tranh mô phỏng về thế giới đàn bà của
Họa sĩ đều méo mó, trần tục, nhìn vào chỉ thấy buồn nôn...
Có
lần ba Hoàng, Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh, đã vỗ vai họa sĩ, cười cười:
-
Họa sĩ xin nhớ cho: năm nay Họa sĩ đã tứ tuần rồi đấy!
Họa
sĩ cũng cười cười:
-
Thì việc gì đến anh?
-
Không việc gì cả! Nhưng rốt cuộc chú cũng phải sống với người nào đấy chứ.
-
Nhưng tôi thấy không cần thiết lắm! - Họa sĩ khịt khịt mũi - vả lại, tôi thích
để vậy cho đàn bà nó thèm!
-
A ha!
Ba
Hoàng cất tiếng cười to. Ông có thể cất tiếng cười sảng khoái vô tư như vậy vào
bất kỳ thời điểm nào. Những lúc không biết nói gì, hoặc nói ra bất tiện với
người mình đối thoại ông thường cất tiếng cười rất to rồi vui vẻ rút lui.
Họa
sĩ cũng cười theo, đắc chí tự vuốt mũi mình. Họa sĩ có cái kiểu vuốt mũi mình
trông rất gai mắt.
-
Nói vậy thôi, - Họa sĩ khinh khỉnh nhìn vào mắt ba Hoàng: - đến đàn ông người
ta còn khinh ghét tôi ra mặt, huống chi đàn bà. Ai sẽ lấy tôi? Không ai cả.
Nhưng tôi sẽ lấy được bất cứ ai nếu
tôi cần. Báo cho đồng chí Bí thư Huyện ủy biết trước. Nếu nhỡ may tôi có làm
bậy thì anh cố bỏ qua đi cho. Nếu cái lực lượng "gác cổng Chủ nghĩa Xã
hội" của anh Thìn có tóm cổ tôi thì xin anh một cú điện thoại giải thoát
giùm.
Ba
Hoàng cười to, bắt tay tạm biệt Họa sĩ. Ông không thích gây sự hoặc nói chuyện
lâu với những kẻ coi trời bằng vung. Khi cần thiết phải bắt chuyện, ông thường
nói chuyện tào lao, rồi "thôi nhé" và đi, rất nhanh gọn. Chỉ có Hoàng
là luôn luôn phải nghe Họa sĩ nói hàng giờ liền, thượng vàng hạ cám về chuyện
đời, những lúc Họa sĩ đến chơi nhà mà không có (thường là không có) ba Hoàng ở
nhà. Họa sĩ đến chơi không cần báo trước, không cần tính toán lịch làm việc của
ba Hoàng chứ không nói đến chuyện xin phép hay đăng ký như một số người. Thích
là họa sĩ đến, hai tay đút túi quần, tự tiện đẩy cổng bước vào, hỏi như quát:
-
Anh Thanh có nhà không đấy?
Hoàng
trả lời có hoặc không Họa sĩ đều vào. Họa sĩ nói rất to, tay vung lia lịa, vỗ
xuống bàn. Đôi khi còn nhóng cổ hỏi ba anh:
-
Anh hiểu chứ, hả?
Kết
thúc "bài" nói chuyện tràng giang đại hải của mình, bao giờ Họa sĩ
cũng nhét gói thuốc hút dở của ba Hoàng vào túi:
-
Còn mấy điếu anh cho tôi nhé!
Hoàng
thường chịu trận nhiều hơn ba anh. Làm sao anh có thể nói: "Thôi, mình bận
chút việc, xin lỗi nhé!" như ba anh vẫn thường nói với rất nhiều người.
Hoàng buộc phải im lặng nghe Họa sĩ giảng giải, tô vẽ "các trận chiến đấu
ngàn cân treo sợi tóc" với đàn bà. Họa sĩ vừa khịt mũi vừa nói, mặt mày
rạng rỡ như con nít vào mâm cỗ. Tất cả những gì Họa sĩ nói đều nằm ngoài vùng
tưởng tượng của Hoàng. Đôi khi chán quá, anh định nhổm đít đứng dậy liền bị Họa
sĩ ấn vai đè xuống:
-
Ấy, ngồi yên. Tớ đã nói xong đâu.
Hoàng
rùng mình, nổi da gà về những chuyện tởm lợm của Họa sĩ. Còn Họa sĩ thì ngửa cổ
cười ha ha ha... Vuốt mũi một cái lại cười ha ha ha... Cười và bình thản bước
từ nỗi cô đơn này sang nỗi cô đơn khác với bộ mặt dương dương tự đắc.
Tuy
vậy Hoàng vẫn cảm thấy xa xót một điều gì, như là lỗi của chính anh, khi thấy
Họa sĩ đứng chơ vơ cùng với túp lều của mình trên bờ sông...
Hoàng
đến gõ cửa phòng ba anh. Phòng khóa trái. Một cán bộ tuyên huấn trả lời:
-
Ba cháu đi họp ở tỉnh.
-
Bao giờ về?
Bao
giờ về? Bao giờ về? Bao giờ về? Hoàng chạy rối mù quanh căn buồng hẹp và rủ
xuống trên thảm cỏ được tỉa tót rất đẹp trước căn phòng làm việc của ba anh.
Bây
giờ túp lều của Họa sĩ Tư chỉ còn một mình, nó khẽ rung lên theo từng đợt gió
từ cửa sông ùa vào. Chủ nó đang đứng trong phòng dành cho những người phạm pháp
ở đồn công an huyện.
Họa
sĩ tì vai vào cửa sổ, thò tay tìm thuốc lá, bình thản như không, khiến Thùy
Linh rất đỗi ngạc nhiên. Cô nhớ là mẹ cô đá đánh vỡ bình thủy tinh đựng dấm
chua, ôm mặt rú lên một tiếng ghê rợn như thế nào khi cô chạy về báo tin Họa sĩ
bị bắt. Mọi sự khủng khiếp mà cô tưởng tượng trong quá trình chạy từ nhà đến
đồn và đứng chầu chực trước cổng đồn chờ đến lượt được phép vào thăm Họa sĩ đều
tan biến trước thực tế giản dị như thế này.
Họa
sĩ ung dung nhả từng vòng khói thuốc tròn vo lờ đờ bay qua cửa sổ, đưa mắt âu
yếm nhìn Thùy Linh:
-
Về nói với mẹ cháu là chú vẫn bình an vô sự.
-
Mẹ cháu khóc nhiều lắm, và run lên, làm việc gì cũng run lên.
Thùy
Linh thì thầm. Chẳng việc gì phải thì thầm cả, cứ choang choang cũng chẳng sao
nhưng cô cứ thì thầm như mọi người hễ bước qua cổng đồn công an là rón rén và
thì thầm.
-
Tất cả là vì ba cháu! - Thốt nhiên Thùy Linh nghẹn ngào.
Họa
sĩ mỉm cười:
-
Mẹ cháu bảo thế à?
-
Không! - Thùy Linh lắc đầu - Cháu biết ba cháu lạc hậu lắm.
-
Ô hô! - Họa sĩ phì cười - Chết, lạc hậu thế nào, tích cực lắm đấy! Ba cháu ấy
mà, tích cực lắm đấy.
Họa
sĩ nói to, cười lớn nên bị ho. Một đợt ho kéo dài gần một phút nhưng Thùy Linh
có cảm giác cơn ho có thể kéo dài cả đời Họa sĩ. Cô nghe người ta đồn Họa sĩ bị
bệnh lao. Một đêm mẹ cô đi thăm Họa sĩ về, bỗng nhiên ôm bụng ho rũ rượi đã làm
cô chợt rùng mình. Cô không tin rằng người ta có thể lấy chồng một người và yêu
một người khác. Ở cái tuổi mười sáu non tơ của mình, Thùy Linh coi đó là sự
lăng nhục đối với đàn bà con gái. Thím Hoa đã mỉm cười trước phản ứng ngốc
nghếch của cô, im lặng nhìn cô với đôi mắt u sầu của một người đàn bà từng
trải. Họ chẳng biết nói gì với nhau một khi cả quá khứ lẫn tương lai của họ gần
như ngược nhau. Chỉ còn tình mẫu tử và sự thông cảm cùng giới, đặng nhờ đó mà
che chở cho nhau tứ phía, kể cả những cơn ho phát sinh sau nhiều đợt thăm hỏi
quá đáng của thím Hoa đối với Họa sĩ Tư.
Thùy
Linh chợt rùng mình thấy Họa sĩ ôm bụng quằn quại khi cơn ho vừa dứt. Cô vội vã
ra về, không quên dặn Họa sĩ cố ăn hết suất cơm mà thím Hoa sai cô đưa đến. Cô
tha thẩn men vệ cỏ đường tỉnh lộ, vừa đi vừa ngoảnh mặt nhìn ra sông Linh. Túp
lều lá mía nhô khỏi mặt đê, bé tý xíu như một dấu chấm hết.
-
"Chấm hết thế nào được ở cái nơi cuộc sống đang cuồn cuộn chảy thế
kia!". Ai nói vậy nhỉ? Hoặc Hoàng hoặc thím Hoa... không phải, hình như cô
đọc được ở một cuốn tiểu thuyết loại "cà mèng" nào đó. Thùy Linh tìm
một lối mòn rẽ trái về phía bờ sông Linh. Thím Hoa có dặn cô lúc quay trở về
nhớ qua túp lều của Họa sĩ ngó xem "Họ có làm gì không?" và đóng kín
cửa lại. Gió từ bờ sông hun hút thổi làm tóc cô bồng lên, bay bay bay... Và vì
không có ai đi ngược lại theo lối mòn cô đang bước nên hầu như cô chẳng chú ý
lắm hai cúc ngực áo của mình đã bung ra để lộ bộ ngực non phơi phới trước nắng
gió buổi sớm mai cuối mùa hạ. Thùy Linh nhìn xuống tí chút rồi mỉm cười ngước
lên nhìn vói ra bờ sông, miệng mở tròn như chim non hớp gió. Cô nhớ Hoàng, kể
từ mùa hạ này lúc nào cô cũng nhớ Hoàng, một nỗi nhớ dịu ngọt rưng rưng...
Họ
đã gắn bó từ thuở ấu thơ, sống bình yên và ngây thơ như những con còng gió dọc
bờ sông Linh. Mãi đến bây giờ họ mới nhận ra lý do vì sao họ có thể gắn bó mật
thiết với nhau từ thuở ấu thơ. Thì ra, trong khi họ chẳng có chút xíu quá khứ
nào, bố mẹ họ lại có một mối quan hệ khá gắn bó từ thuở "chín năm"
đến giờ vẫn không rứt ra được. Thêm vào đó, quá trình hành tiến vào cuộc sống
để tự khẳng định vai trò của mình, cả hai gia đình đều bằng nhau về vận tốc. Ba
Hoàng là Bí thư huyện ủy, ba Thùy Linh là Đại úy. Đó là hai người có cấp bậc và
chức vụ cao nhất huyện này. Thùy Linh nhớ khi Đại úy Thìn tuyên bố sẽ gả cô cho
Hoàng, cô đã khiếp đảm như thế nào. Ngày đó Thùy Linh mới mười tuổi đầu, cô
chạy băng băng qua cánh đồng từ nhà cô đến nhà Hoàng, xô ào cổng lao vào hổn
hển báo tin:
-
Hoang có biết gì không?
-
Biết gì?
-
Lớn lên... Ba Thùy Linh sẽ gả Thùy Linh cho Hoàng!
Hoàng
trợn mắt:
-
Để làm gì?
Thùy
Linh lắc đầu thật thà:
-
Không biết... nhưng sẽ gả!...
-
Ba cậu quyết rồi à?
-
Quyết rồi!
-
Ba cậu không có quyền! - Hoàng hét lên - Tớ sẽ mách ba tớ! Đó là một việc nguy
hiểm!...
Thùy
Linh nhìn Hoàng, dân dấn nước mắt. Hoàng cũng mếu máo suýt khóc. Suốt ngày hôm
đó họ ngồi nhìn nhau, thở dài thườn thượt. Mãi đến tối, khi nghe ba Hoàng giải
thích cặn kẽ ý nghĩa của cái sự "gả" ấy, họ mới thở phào nhẹ nhóm,
nhăn răng cười. Cũng từ đó họ linh cảm nhận thấy tình bầu bạn của họ được cả
hai gia đình theo dõi rất kỹ. Họ dần dần mất bạn, đến nỗi bây giờ họ chỉ còn
"ánh xạ qua nhau", theo lối ví von hoa hòe hoa sói của thầy giáo dạy
toán, chủ nhiệm lớp 9b của họ. Việc này có liên quan đến những huấn thị của Đại
úy Thìn. Đại úy chỉ cho phép cô được chơi thân với Hoàng, bởi vì Hoàng là con
của "đồng chí Bí thư huyện ủy". Những bạn bè cùng tuổi với Thùy Linh
không được phép bén mảng đến nhà Đại úy để rủ rê cô tham gia bất kỳ cuộc chơi
nào. "Chúng nó" là con cái hoặc thuộc giai cấp bảo thủ, lạc hậu (nông
dân), hoặc các tầng lớp ngáng trở con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội (tiểu tư
sản), thế thì làm sao Thùy Linh có thể chơi thân với "chúng nó" được,
trong khi Đại úy luôn lo sợ đứa con gái duy nhất của ông bị tiêm nhiễm các nọc
độc tiểu tư sản đang tiềm ẩn khắp nơi trong thị trấn. Hoàng cũng bị mất hết bạn
như Thùy Linh mặc dù ba anh chẳng hề can dự vào các mối quan hệ của anh với mọi
người. Hoàng đã chơi với Thùy Linh quá sa đà, quên hết các thú vui khác khiến
bạn anh, hoặc bố mẹ của bạn anh, nghĩ đến tính chất "môn đăng hộ đối"
vẫn được thiết lập khá bền vững trong thị trấn mà những người dân cày thì nói
nôm na rằng: "nồi nào úp vung nấy". Bạn bè Hoàng xác định
"nồi" Hoàng chỉ vừa khít với "vung" Thùy Linh, đã nhanh
chóng tẩu tán hết sạch. Cả Hoàng lẫn Thùy Linh đều không nhìn thấy tính chất
nguy hiểm của việc mất bạn. Họ thấy tràn trề hạnh phúc khi nắm tay nhau tung
tăng dọc bờ sông Linh vào những buổi chiều mùa hạ như những còng gió vẫn thường
líu ríu dưới chân họ. Thậm chí họ cảm thấy thế là đã quá đủ, không cần phải thêm
bớt gì trong các mối quan hệ của họ nữa. Tám năm sau, khi cả hai bị đẩy vào
những bi kịch đau đớn thì họ mới nhận ra đó là một sai lầm nghiêm trọng khó
lòng có thể cứu vãn nổi. Đó là "tám năm sau", còn bây giờ
Thùy
Linh đang rảo bước trên lối mòn chạy về túp lều của Họa sĩ Tư. Cô nhớ Hoàng,
chỉ nhớ Hoàng, một nỗi nhớ dịu ngọt, rưng rưng... Không chú ý lắm hai cúc áo
ngực đã bị gió đánh bung để lộ bộ ngực non phơi phới trước nắng gió buổi sớm
mai cuối mùa hạ, cô nhìn xuống tí chút rồi mỉm cười ngước lên nhìn vói ra bờ
sông, miệng mở tròn như chim non hớp gió, tóc cô bồng lên, bay bay bay... Vô
vàn kỷ niệm của Thùy Linh và Hoàng đang ở trên bờ sông, dập dềnh dập dềnh... Cô
bước nhanh hơn, nhanh nhanh nhanh... và chạy, cô chạy tha hồ về phía bờ sông
trong sự hưng phấn đột khởi rằng bên cô đang có Hoàng, cô đang nắm tay Hoàng,
chạy! Ù ù ù...
Thùy
Linh chạy đến túp lều của Họa sĩ Tư. Cô đứng trước cửa lều thở hổn hển, và vui
vẻ chui vào. Chợt cô sững lại, giật mình kinh hãi: một người đàn bà đang nằm
sấp, chân tay duỗi thẳng, tóc xõa ra, bất động như người chết giấc.
Thùy
Linh run lên, khụy xuống trước cửa lều. Người đàn bà đó là thím Hoa.
Đúng
là thím Hoa. Thím đã làm cái việc mà thím đã dặn kỹ lưỡng Thùy Linh khi cô đưa
cơm cho Họa sĩ. Thực ra thím chẳng việc gì phải cất công để "dọn dẹp đồ
đạc" và "gài cửa cẩn thận" túp lều này vì nó chẳng đáng cho bất
kỳ kẻ gian nào để mắt tới. Nhưng thím cứ thấy không an tâm. Có một cục than
nóng mỗi lúc mỗi đỏ rực, lăn lóc trong ngực thím. Thím vào vào ra ra như kẻ đã
mất hết trí khôn, chờ đợi đến phát điên lên Thùy Linh vẫn không về. Thế là thím
đi. Đầu tiên thím cứ thẳng đồn công an huyện mà bước. Không việc gì phải sợ,
đường đường chính chính thím là chị dâu của Họa sĩ, thím có quyền tham dự vào
mọi biến động của số phận Họa sĩ. Tại sao chị dâu lại không lên thăm em chồng
khi "nó" bị bắt? "Nó" có hề hận gì thì chị dâu vẫn vô sự
hay sao? Thím đi trong vô vàn các lập luận mỗi lúc mỗi sinh sôi nảy nở trong
đầu thím. Các lập luận đã giục giã thím bước nhanh, thậm chí có lúc thím đã
định ù té chạy. Được nửa đường thím bỗng gặp bác Cả Rí.
-
Không gặp được đâu! Không gặp được đâu!
Bác
Cả Rí đứng ngáng đường rỉ tai thím với bộ mặt rất nghiêm trọng. Mắt hấp háy,
miệng nhai trầu đỏ hoét, bác nói một mạch:
-
Người ta chặn hết các ngả đường, công an thổi còi điếc tai điếc óc! Tôi đây
suýt nữa bị người ta cho một dùi cui vào mặt.
Tính
bác vốn vậy, có một tột lên mười, gặp chuyện gì bác cứ nói khống lên thật kinh
khủng. Bác chẳng có ý hại ai, cũng chẳng ai hại bác. Nuôi một vợ và bầy con
tám đứa bằng nghề câu lươn tài hoa của
mình, bác lang thang hết các ngóc ngách, các cống rãnh, "bờ vùng bờ
thửa" quanh thị trấn, vừa câu lươn vừa "ngửi" chuyện để mà thêm
thắt, bịa đặt ra đủ các chi tiết ly kỳ hấp dẫn nói cho sướng mồm mình và sướng
tai người khác. Những bịa đặt của bác lập tức bị lật tẩy; không cần chối cãi,
bác cười hề hề, lại đi tìm những chuyện khác để bịa đặt. Cứ thế, cứ thế... bác
nổi tiếng là người "sáng tác" đủ các loại chuyện từ thượng vàng đến
hạ cám. Ai nghe được thì nghe, không nghe được thì thôi, bác chẳng cần. Bác cứ
sống nhởn nhơ trước mặt mọi người, và bịa đặt lung tung những vô hại.
Đã
biết tính bác Cả Rí, thím Hoa vẫn cứ sợ. Thím thoáng rùng mình, dừng lại cứng
đờ giữa đường. Định hỏi bác Cả Rí liệu người ta có làm gì với Họa sĩ Tư không,
nhưng thím không dám mở mồm, vì biết hễ thím cất tiếng là òa khóc. Nước mắt dễ
làm cho bác Cả Rí biết chính xác tình cảm thật của thím và lấy đó làm chuyện
mua vui trong thiên hạ. Dại gì, thím không dại, không bao giờ thím dại dột như
vậy. "Nó" vẫn là đứa em chồng hư hỏng của thím và thím phải đối xử
với "nó" đúng như đứa em chồng hư hỏng của thím. Thái độ của chồng
thím ra sao, thái độ thím phải y xì như vậy, không hơn không kém. Thế mới đúng,
đúng như người đời vẫn nghĩ đúng về thím.
-
Từ ngày thằng Ngô Đình Diệm hò hét "Bắc tiến" - Bác Cả Rí bỏ đi, nói
oang oang với không khí - Việt gian, phản động nổi lên như rươi, một mét vuông
tám thằng. Kinh thật.
Thím
lần chần một chút rồi đi, không phải đi về phía đồn công an như các lập luận đã
thúc giục thím mà rẽ về phía túp lều của Họa sĩ. Thím đến. Tất cả vẫn nguyên
vẹn: ba cái soong nhỏ, hai đôi đũa, một lọ nước mắm, một hũ muối, một lọ mắm
tôm, một cái đèn... Chúng đứng
lặng ngắt trước mắt thím. Thím ngồi xuống, đờ đẫn ngó quanh và dừng lại gần như
bị thôi miên vào khoảng trống nơi chất đống sáu mươi tư bức tranh. "Anh
không thích "ấn tượng" à?" - "Xưa thì thích, giờ thì
không" - "Tại sao thế?" - "Vì mình đã quá nhiều đau khổ,
phải cậy đến "siêu thực" để quên đi" - Thế thì anh chẳng hiểu gì
"siêu thực"... Thím và "nó" đã nói với nhau như thế.
"Nó" im lặng. Thím ngước lên nhìn "nó", cái thằng em
chồng
hư hỏng. "Nó" và thím nhìn nhau, mắt và mắt và mắt, rồi thở dài. Chao
ôi buồn cười chết đi được cái thời thím chạy tơi tả trong đêm tối, úp mặt vào
ngực "nó", nấc lên. Chao ôi là buồn cười...
"Thế
rồi hết cuộc chiến tranh
Cái
cô bạn ấy bỗng thành chị dâu...."*
Thím
cười thật, cười rũ rượi đến kiệt sức, ngã xoài ra, tay chân duỗi thẳng, tóc
tung xõa, bất động như một kẻ chết giấc...
-
Mẹ! - Thùy Linh gọi.
-
Mẹ! - Thùy Linh lại gọi.
-
Mẹ! Mẹ! Mẹ! Mẹ!
Thùy
Linh nhào đến thím Hoa. Thím uể oải ngồi dậy. Họ nhìn nhau. Những người đàn bà
nhìn nhau. Một chút ngượng ngập cả hai phía. Đỏ mặt và không nói gì, họ cố gắng
tránh va vào cái điều cả hai đều đã biết quá rõ.
Mấy
ngày sau vẫn đỏ mặt và không nói gì, họ lặng lẽ thăm dò thái độ của nhau trong
nỗi đau đớn âm thầm mà cả hai đều nhận thấy hình như đã hết sức chịu đựng.
.............................
*Thơ
Phạm Việt Thư.
Chương ba
Bí
thư huyện ủy Trần Văn Thanh đi họp ở tỉnh về. Ông đi nhận chỉ thị mới tối quan
trọng của cấp trên về tình hình chiến sự ở miền Nam đang diễn ra căng thẳng.
Sau một loạt chiến thắng của ta đã kết thúc "Chiến tranh cục bộ"
nhanh chóng chuyển sang "Chiến tranh đặc biệt" với sự đổ bộ ồ ạt của
lính Mỹ vào miền Nam, thực hiện sáng kiến của Tay-lo "Bình Định miền Nam
trong vòng 18 tháng". Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã giao lại phong trào
"Gió Đại Phong" cho cấp dưới, chuẩn bị vào trận. Bộ chính trị đang họp,
sẽ có nhiều nghị quyết mới cho việc phòng thủ miền Bắc. Mỹ sẽ đem máy bay ra
bắn phá miền Bắc, tính chất ác liệt không thể lường trước được, tùy theo các cú
đấm của quân giải phóng vỗ mặt đế quốc Mỹ. Sắp bầu cử tổng thống Mỹ, Ken-nơ-đi
em bị ám sát, có khả năng Giôn-xơn sẽ trúng cử, mọi hy vọng về các giải pháp
hòa bình nhằm thống nhất hai miền Nam Bắc coi như chấm dứt. Đài BBC nói Đại
tướng Võ Nguyên Giáp đã thị sát chiến trường khu Bốn. Sẽ đánh nhau to, rất to.
Các cán bộ cấp huyện thì thầm với nhau và
lao về cơ sở chuẩn bị vào trận.
Ông
Thanh mới cho xe ghé vào ga-ra đã thấy đồn trưởng công an huyện đứng chờ ở cửa
phòng làm việc của ông.
-
Có việc gì thế? - Ông hỏi, thái độ không được vui vẻ cho lắm.
-
Báo cáo anh...
-
Ngắn thôi nhé!
-
Vâng. Báo cáo anh, vừa qua trong khi anh đi vắng, có một chuyện không vui
lắm...
-
Ngắn thôi, tôi đã bảo là ngắn thôi...
-
Vâng. Báo cáo anh, vừa qua trong khi anh đi vắng, có một chuyện không vui lắm.
Ở dưới cơ sở báo lên tình hình hoạt động có tính phá hoại của Họa sĩ Tư. Trên
cơ sở nhận định khách quan và chủ quan của bộ phận tham mưu...
Ông
Thanh lật mũ mềm đặt lên bàn, cau có nói:
-
Ngắn thôi, anh không nhớ à?
Trưởng
đồn lúng túng, lật tắt qua mấy trang, vội vàng nói:
-
Vâng. Trên cơ sở khách quan và chủ quan của bộ phận tham mưu, chúng tôi đã trực
tiếp kiểm tra và thấy rằng...
-
Các anh đang giữ Họa sĩ Tư phải không? - Ông Thanh cắt ngang.
-
Vâng.
Đồn
trưởng đưa mắt liếc nhanh Bí thư huyện ủy. Ông Thanh đứng dậy với tay lấy phích
nước, uể oải nói:
-
Thả ra nhé, trả lại tranh tre cho người ta.
-
Vâng.
Đồn
trưởng nhanh nhẹn bắt tay ông Thanh, vội vàng ra về. Mười phút sau, Họa sĩ được
thả ra nhanh như bị bắt vào đồn. Đội trưởng cẩn thận đứng chờ ở cửa phòng giam,
siết chặt tay Họa sĩ, vui vẻ:
-
Thông cảm nhé, chẳng qua là vì nhiệm vụ chung.
Họa
sĩ cười, vui vẻ:
-
Thế à?
Và
vỗ vai đồn trưởng:
-
Anh cho tôi gọi nhờ điện thoại lên Phòng Văn hóa Thông tin tí chút.
-
Vâng vâng vâng, mời anh.
Đồn
trưởng nhanh nhẩu dắt Họa sĩ đến phòng trực. Họa sĩ quay đến mỏi tay, đầu kia
dây nói mới có người cầm máy.
-
Bỉ phải không? - Họa sĩ hỏi trưởng Phòng Thông tin Văn hóa.
-
Vâng, Bỉ đây.
-
Tư đây nhé.
-
A! Thả ra rồi à?
-
Chứ sao!
-
Kha kha!... Hay!... Thịt chó chứ?
-
Tất nhiên, tớ gọi điện cho cậu cũng vì chuyện ấy. Giam ba ngày, thèm quá.
-
Rồi!
Bỉ
và Họa sĩ là bạn của nhau thời theo học lớp hội họa ngắn hạn ở Thanh Hóa. Bỉ
luôn nhận mình là kẻ bất tài, vẽ người ra ngợm, vẽ bò ra cáo... và chẳng hề đau
khổ gì chuyện đó. Anh khâm phục những người có tài, khâm phục một cách chân
thành, chẳng hề ghen tị. Từ ngày Họa sĩ về hưu non, Bỉ chơi với Họa sĩ như bạn
cố tri, luôn luôn kéo nhau vào quán thịt chó đánh chén, nói chuyện tào lao, khi
say lên thì lè nhè: "Ông tài lắm ông Tư ạ. Tài, tài lắm. Tôi mà tài như
ông nhỉ, ông Tư nhỉ!..." Cứ thế hàng giờ liền. Hôm trước người ta bê sáu
mươi tư bức tranh đến gặp Bỉ, bảo: "Hãy đánh giá ý đồ tư tưởng của các bức
tranh này". Bỉ giãy lên như
đỉa phải vôi:
-
Ấy chết. Dạ... báo cáo các anh... làm sao tôi biết được!
-
Anh cũng là họa sĩ!
-
Dạ... Nhưng tôi là loại họa sĩ cà mèng, tôi non lắm. Với lại, tôi chuyên ngành
tranh cổ động. Cái gì dính tới tranh cổ động may ra tôi còn biết, còn lại là
tôi mù tịt. Báo cáo các anh, thật đấy!
Bỉ
thường coi mình là kẻ vô thưởng vô phạt, có cũng được không có cũng xong. Mơ
ước duy nhất của anh là được về hưu non như Họa sĩ. Việc gì xảy ra trong Ủy ban
huyện
anh cũng cười cười, "án binh bất động". Người bảo anh ngu, kẻ bảo anh
khôn, anh chỉ cười cười. Gặp ai anh cũng tỏ ra khúm núm, ngoan ngoãn. Anh
"dạ" đều, "dạ" rền rĩ từ cán bộ có chức vụ cao nhất đến
loại nhân viên loại xoàng nhất trong cơ quan. "Dạ" và bịt mũi cười
một mình khi lừa được một cán bộ nào đó về việc gì đó. Đôi khi Bỉ ôm lưng Họa
sĩ Tư, thì thầm: "Làm việc với những
thằng ngu sướng lắm! Sướng lắm!" và ngửa cổ cười ha hả.
Vào
quán thịt chó Cule, được một tợp rượu, Bỉ chùi mép nói với Họa sĩ Tư:
-
Ông dại. Người ta đấu tranh giai cấp thì cứ mặc người ta. Việc của ông là vẽ.
-
Bậy. - Họa sĩ lắc đầu - Mình đánh nhau hộc máu mồm với thằng Tây là để xây dựng
xã hội...
-
Cho thêm một đĩa dồi nhé!
Bỉ
cắt ngang lời Họa sĩ bằng việc nhóng cổ gọi Cule, đoạn quay lại vui vẻ:
-
Tôi hiểu ý ông rồi, nhưng khó lắm! Khó lắm!
Cule
đứng cắt dồi, nghe trộm hai người thảo luận. Bê đĩa dồi ra, Cule cười hề hề:
-
Các anh cứ việc đấu tranh giai cấp, em nhát, em không dám. Em chỉ xin phục vụ
thịt chó đầy đủ. Món nào ra món ấy. Giai cấp nào cũng ghiền thịt chó, thật đấy.
Nói
xong, Cule xòa cả mười đầu ngón tay ngúng nguẩy, lăm xăm vào bếp. Bỉ ghé tai
họa sĩ:
-
Thằng ấy đểu.
Họa
sĩ cười nhếch mép, vuốt mũi một cái, nói:
-
Hắn nói thế chứ hắn không làm thế. Ở đời thường lắm thằng tự giễu cợt mình cho
vui chứ cực tốt. Hắn cũng thế. Xưa là chủ thầu giao thông tỉnh này. Hòa bình
lập lại, biếu không nhà nước toàn bộ gia sản của hắn, về mở quán thịt chó bán
chơi.
Bỉ
gật gù:
-
Phải.
Họa
sĩ tiếp:
-
Tôi chỉ mong muốn chính quyền ta rũ sạch những thằng ngu.
Bỉ
ngửa cổ cười khơ khơ. Họa sĩ ghé mắt sát chén rượu, chậm rãi nói:
-
Tôi yêu Chủ nghĩa Xã hội, yêu thật sự, thậm chí có thể chết vì nó chứ không
phải yêu để mà chơi. Có điều tôi không thể chịu được chứ Chủ nghĩa Xã hội qua
mồm tay Thìn và những thằng ngu dốt khác. Đó là thứ chủ nghĩa ảo tưởng vì ngu
dốt.
Bỉ
đập tay xuống bàn:
-
Thế thì ông cũng ảo tưởng!
Họa
sĩ chùi mép trừng mắt nhìn Bỉ, đứng dậy bước ra quán, không thèm chào ai, túc
tắc về phía túp lều mép bờ sông Linh.
Cule
nhìn theo bóng Họa sĩ, lát sau đi vào, nói trống không:
-
Đ.mạ, thời này không biết ai khôn ai dại.
Bỉ kêu to:
-
Đúng! Cứ bom xuống, nhiều bom xuống là ra vấn đề hết.
Cule
rụt cổ, ném vào mặt Bỉ một cái nhìn khinh bỉ, lúi húi vào bếp. Lúc này vào
khoảng bốn giờ chiều. Đại úy Thìn về muộn hơn hai giờ so với thông lệ. Ông
không ghé qua nhà, đạp xe thẳng lên ủy ban huyện xem người ta giải quyết
"vụ Họa sĩ Tư" như thế nào. Nhác thấy Đại úy, Bỉ kêu to:
-
Bác Thìn! Bác Thìn!
Đại
úy buông hai chân chống đất, ngoảnh mặt vào:
-
Anh Bỉ à?
-
Làm chén rượu cho thơm mồm đã bác!
-
Cám ơn, tôi đang vội.
-
Ấy, tôi biết bác vội việc gì rồi. Họa sĩ Tư khỏe mạnh hồng hào, vừa được thả
ra, vẫn lạc quan yêu đời như xưa.
Nghe
nói vậy, Đại úy dắt xe vào. Cule chạy ra, giơ cả hai tay lên trời:
-
Trời phù hộ tôi! Mở quán được ba năm mới được đón bác, bác Thìn ạ.
Đại
úy cười, lau mồ hôi trán.
-
Chà tôi bận quá.
-
Chứ còn gì nữa. - Cule tươi tỉnh tiến về phía Đại úy: - Cách mạng sắp thắng lợi
đến đít rồi, bác bận là phải.
Đại úy ngẩng phắt lên, nhìn thẳng vào mặt
Cule:
-
Anh ăn nói kiểu gì lạ thế?
Đoạn,
Đại úy dắt xe đạp đi luôn. Cule thè lưỡi, rụt cổ. Bỉ bịt mũi cười khục khục.
*
* *
Sau
mấy tuần kiên trì ngồi trên chiếc xe đạp được treo lên như chiếc xích đu đạp
liên tục, thấy đã nhuyễn chân, Chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy bê chiếc xe đạp
xuống tính đạp một vòng quanh thị trấn chơi vui, tiện thể ghé qua huyện ủy thăm
dò tin tức Bí thư huyện ủy đi họp tỉnh về có gì mới. Đàng hoàng dắt xe ra cổng,
ngoái cổ lại nói to:
-
Mẹ nó ở nhà nhé!
"Ngày thường đi bộ ông ấy có dặn thế bao
giờ!", bà Hiền ngồi thái rau lợn tủm tỉm cười.
Ông
ngồi lên xe sẵn sàng, đạp. Chưa được một phần tư vòng quay bánh xe ông đã bị
ngã nhào, chổng hai chân lên trời.
-
Mẹ khỉ!
Ông phủi đít đứng dậy, liếc vào nhà xem vợ có
trông thấy mình không. Bà Hiền vờ không trông thấy, cắm cúi thái rau.
Ông
lại leo lên xe đạp. "Có lẽ lúc nãy mình ngồi không cân hoặc đạp chưa
đều", ông nghĩ. Ông ngồi cẩn thận, không ngoái cổ vào: "Mẹ nó ở nhà
nhé!" như ban nãy, ông chú ý, cực kỳ chú ý các tư thế của mình. Khi đã xác
định trăm phần trăm là chính xác, ông đạp. Lại ngã. Lần này đau hơn, ông văng
vào gốc xoan và bị đánh bật trở lại, nằm sóng xoài như người ngã ngựa ở tư thế
thảm hại nhất. Ông hầm hập dắt xe vào, ném vào một xó. Bà Hiền giấu mặt vào
liếp tre cười chảy nước mắt.
Đại
úy Thìn vòng xe vào cổng, chạng cả hai chân xuống đất hỏi to:
-
Bác Huy có nhà không đấy?
-
Dạ có. Bác Thìn hả?
Đại
úy vào. Cả hai người ngồi lên tấm phản pha trà uống.
-
Tôi vừa lên huyện ủy về.
-
Thế hả? Bác Thanh có cho tin gì mới?
-
Tôi vừa cãi nhau với ông ấy xong đây.
-
Chuyện gì thế, thưa bác?
-
Ông ấy thả thằng Tư ra rồi.
Ông
Huy giãy nãy như phải lửa:
-
Ấy chết! Thả rồi à? Lại giao cho thị trấn chúng tôi quản lý à?
Đại
úy gật đầu, mặt đầy vẻ tức giận. Quả là Đại úy vừa cãi nhau với Bí thư huyện ủy
thật.
Sau
khi được tin Bỉ cho biết Họa sĩ đã được thả, Đại úy vòng xe lên đồn công an
huyện. Đồn trưởng thở dài báo tin đã giải phóng Họa sĩ cùng với sáu mươi tư bức
tranh. Đại úy tức giận phóng một mạch lên phòng làm việc của Bí thư huyện ủy.
Họ ngồi "cãi lý" với nhau non một giờ.
Đại
úy hỏi:
-
Tại sao anh không cần nghe cấp dưới báo cáo cụ thể về "vụ Họa sĩ Tư"
đã vội vã ra lệnh thả ra?
Ông
Thanh trả lời:
-
Tôi tin Họa sĩ là kẻ vô hại.
-
Nó vẽ tranh dâm ô trụy lạc thế mà anh bảo là vô hại! - Đại úy kêu lên.
Ông
Thanh chậm rãi rót một chén nước trao cho Đại úy, nhẹ nhàng hỏi:
-
Anh đã xem các bức tranh ấy chưa?
Đại
úy lúng túng tìm cách trả lời. Quả là Đại úy chỉ mới nghe một vài người và các
cháu nhỏ, tức là dư luận quần chúng, báo lại. Ông lập tức tin ngay, vì đối với
ai còn phải điều tra lại chứ riêng với Họa sĩ thì khỏi cần, Đại úy nghĩ thế,
cho là thế.
-
Tôi chưa xem... tất nhiên tôi tin vào dư luận quần chúng.
-
Còn tôi thì đã xem rồi. - Bí thư huyện ủy từ tốn nói: - Nói chung đó là những
bức tranh tốt.
-
Tốt? Tại sao anh không cho treo lên cho quần chúng xem mà học tập?
Lần
này đến lượt Bí thư huyện ủy lúng túng. Ông cố gắng tìm một câu trả lời thật
giản dị cho Đại úy hiểu.
-
Tốt... nhưng mà phải có một trình độ thẩm mỹ khả dĩ mới thấy tốt. Còn bây giờ
nếu treo lên... tôi sợ quần chúng hiểu sang khía cạnh khác.
Đại
úy trợn mắt:
-
Hay chửa! Thế ra các bức tranh ấy có tư tưởng hai mặt à? Các bức tranh ấy cần
cho giới nào vậy? Có phải cho giới trí thức tiểu tư sản không? Chúng phục vụ
cho giai cấp nào? Anh trả lời tôi đi...
Bí
thư huyện ủy không trả lời. Đại úy càng tấn công, ông càng im lặng. Ông thấy
đăng đắng ở miệng. Ông biết lúc này, trước mặt con người này, ông sẽ không có
một câu trả lời hữu hiệu. Bởi vì giữa ông và Đại úy không hề có chung các khái
niệm cơ bản của thẩm mỹ. Hiện tại, Đại úy đang thuộc về số đông. Bí thư huyện
ủy cố gắng nghe Đại úy nói một thôi dài về tính giai cấp trong các bức tranh mà
Đại úy chưa xem. Cuối cùng ông mệt mỏi kết luận:
-
Thôi được, tôi sẽ nghiên cứu lại vấn đề này.
Đại
úy chào ông ra về. Quá trình đạp xe về nhà Chủ tịch thị trấn, Đại úy nghĩ rất
lung về bí thư huyện Trần Văn Thanh. Dù ông Thanh là bạn thủa thiếu thời của
Đại úy, nhưng trong cuộc đấu tranh "ai thắng ai" này, Đại úy luôn tự
răn mình phải đề cao cảnh giác. Có hai điều Đại úy đang nghi vấn về ông Thanh.
Thứ nhất, ông Thanh là cán bộ cấp cao duy nhất trong tỉnh có bằng tú tài. Bằng
tú tài dĩ nhiên là khác nhau về tính chính trị so với bằng lớp mười mà con gái
Đại úy đang theo học. Một đằng là bằng tốt nghiệp do chế độ ta cấp, một đằng là
bằng tốt nghiệp do chế độ thực dân nửa phong kiến cấp. Một người được đào tạo
lên tận tú tài là cả một vấn đề cần lưu ý. Bởi vì phải nhuần nhuyễn các tư
tưởng nô dịch của chế độ cũ như thế nào thì chúng nó mới cấp cho cái bằng ấy
chứ? Thứ Hai, điều này chưa thật chắc chắn lắm nhưng phải lưu ý, có một thời
gian chừng một tháng ông Thanh bị địch bắt. Trong lý lịch của ông không thấy
khai về việc này và cũng chưa có ai xác định chắc chắn là ông có bị địch bắt
hay không, nhưng rõ ràng khi đã có dư luận là phải chú ý.
Đại
úy chưa đặt vấn đề nghi vấn này với ai, kể cả Chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy.
"Cần có thời gian để tìm hiểu chứ không thể kết luận bừa bãi được"-
Đại úy tự dặn mình. Riêng về vấn đề Họa sĩ Tư, về cách giải quyết của Bí thư
huyện ủy đã làm cho Đại úy chú ý. Mối nghi ngờ bắt đầu có cơ sở...
Sau
khi kể cho Chủ tịch thị trấn nghe cuộc "cãi lý" của hai người ở huyện
ủy, Đại úy nói:
-
Đây là việc nghiêm trọng. Tôi đề nghị bác phát văn bản khiếu nại lên tỉnh về
cách giải quyết vội vàng của Bí thư huyện ủy.
Ông
Huy trố mắt:
-
Khiếu nại bác Thanh?
-
Chứ sao. Ai làm sai đều phải chịu trách nhiệm.
-
Nhưng nhỡ tỉnh họ kết luận bác Thanh đúng thì sao? - Ông Huy dè dặt hỏi lại.
-
Đúng làm sao mà đúng. Để sổng một phần tử phản cách mạng mà đúng à? Bác cứ phát
văn bản đi, tôi sẽ viết kèm vào đấy.
-
Vâng.
Ông
Huy đồng ý. Thế là xong. Đại úy dắt xe ra về. Làm việc với Chủ tịch thị trấn
thật nhẹ nhàng, bao giờ cũng nhẹ nhàng. Trong thị trấn, ông Huy là người đáng
tin cậy nhất của Đại úy. Còn lại, bất cứ ai Đại úy cũng tìm thấy một chuyện
đáng khả nghi, kể cả bí thứ huyện ủy Trần Văn Thanh, bạn thiếu thời của ông.
*
* *
Đại
úy dắt xe đạp vào nhà. Thím Hoa đã rời bàn máy, nửa nằm nửa ngồi trên cái ghế
mây được uốn cong như eo lưng đàn bà. Thím mặc quần lụa, kéo ống quần lên sát
bẹn, ngực ưỡn ra, mắt lim dim. Đại úy thấy gai mắt quá, định nhắc nhở thím bỏ
ngay cái kiểu nằm khiêu dâm ấy đi, nhưng nghĩ lại: "mình mới về", nên
thôi. Thím Hoa không có một phản
ứng nào khi thấy chồng về. Vẫn cái kiểu
nửa nằm nửa ngồi ấy, thím im lặng theo dõi Đại úy qua kẽ mắt lim dim. Rất lâu
sau thím ngồi hẳn dậy, hỏi:
-
Anh biết chuyện gì chưa?
-
Chuyện gì?
-
Người ta bắt em anh rồi.
"Cô
này vẫn chưa biết người ta vừa thả hắn ra", Đại úy nghĩ thầm, nói:
-
À, nó làm bậy thì người ta bắt.
Đại
úy xách phích nước ra ngồi giữa sân, chậm rãi tráng ấm pha chè.
-
Chuyến này về... - thím Hoa hỏi nhỏ: - anh định xui ông Huy bắt thêm ai nữa?
-
Thôi đi! Cô biết cái gì mà hỏi tầm bậy! - Đại úy gầm gừ.
-
Sao lại không biết! Chính anh xúi giục ông Huy bắt chú Tư chứ còn ai!
-
Sao lại xúi giục? - Đại úy mở to mắt: - Ơ kìa, sao lại xúi giục? Tôi chỉ nhận
xét về các bức tranh phản tuyên truyền của nó chứ xúi giục cái gì? Không phải
xúi giục, chính quyền không phải là
trẻ con, cô hiểu chưa? Tôi có thông báo và kiến nghị...
Thím
Hoa ôm bụng cười rũ. Vừa cười vừa ho. Nước mắt sống chảy dàn dụa.
-
Các anh vui thật! "Xúi giục" thì gọi là "kiến nghị",
"mách lẻo" thì gọi là "thông báo"!... Ối giời ơi là thơm
tho.
Đại
úy đỏ mặt quát:
-
Có im đi không. Cô điên hả? Không sợ người ta gô cổ cô lại hả?
Thím
Hoa vẫn ông bụng cười rũ rượi. Và buồn nôn. Thím muốn nôn quá, như là người ta
ốm nghén. Đại úy nuốt nước bọt lặng thinh. Vài tháng nay Đại úy phát hiện ra
tâm tính của vợ mình có phần đổi khác. Cái phần hiền dịu bản chất của thím hình
như đã bị đục khoét, thay vào đó là thái độ ngạo mạn và trâng tráo của Họa sĩ
Tư. Đại úy sợ, một nỗi run sợ âm thầm xưa nay không hề có, đang len lỏi trong
ngực ông. Biết đâu sẽ có một thực tế nghiệt ngã xảy ra: thím Hoa sẽ rũ bỏ tất
cả để bám theo Họa sĩ Tư, bất chấp mọi qui tắc đạo đức hiện có, đạp lên dư luận
để mà yêu một con người từ lâu bị dân thị trấn coi như một thằng hề. Thế thì
thật kinh khủng. Kinh khủng không phải việc Đại úy mất vợ, chính là ở chỗ, nó
sẽ đập vỡ toàn bộ "ý thức hệ" của dân thị trấn về gia đình Đại úy,
đặc biệt về Đại úy...
Sau
ngày hòa bình lập lại (1954) có mười sáu người lính trở về thị trấn. Hết thảy
họ là thương binh loại một đến loại bảy, trừ Đại úy Thìn. Đại úy không việc gì
sất. Không một vết sẹo nào bám vào thân hình hộ pháp của ông. Chẳng ai dám đặt
câu hỏi: liệu có phải Đại úy đã quá khôn ngoan, như một con chuột nhắt thông
minh, luồn lách tài tình để bảo đảm an toàn một trăm phần trăm cơ thể sống của
mình và kiếm được cái lon Đại úy ngon
ơ khi tàn cuộc chiến? Trái lại, Đại úy là người lính dũng cảm, đạt đến độ phi
thường, kể từ ngày ông vác đại đao theo cách mạng tham gia kháng chiến đến lúc
chỉ huy hẳn một tiểu đoàn quân chủ lực "tả xung hữu đột" một vùng
rộng lớn phía Bắc tỉnh. Ngay cả những thương binh trở về cùng ngày với Đại úy
cũng đã nói rằng chẳng phải Đại úy đã gặp may mà hình như bom đạn địch đã khiếp
đảm khi nom thấy ông, chúng vội vàng rẽ cánh quạt biến mất. Một con người đã
quá nhiều huyền thoại về lòng dũng cảm vô song hoặc mãi mãi không bao giờ trở
về hoặc trở về trọn vẹn, đàng hoàng
với cái lon đại úy trung đoàn trưởng như Đại úy đã trở về.
Khắp
huyện không ai có cấp bậc và chức vụ như ông. Thêm vào đó, đồng lương của Đại
úy cũng thuộc loại vô địch: có thể mua hoặc ba tạ gạo hoặc bốn mươi mét vải
xa-tanh hoặc một con bò loại nhỏ... Thời này đám sĩ quan trẻ chưa vợ được coi
là đối tượng chủ yếu của đàn bà con gái chưa chồng. Người ta sẵn sàng bàn tán
râm ri về một sĩ quan nào đó có cấp bậc loại xoàng nhất vừa viếng qua nhà một
cô gái nào đó. Một vài đám cưới trong thị trấn được chuẩn bị kỹ lưỡng trong vài
năm bị bỏ dở khi có một sĩ quan trẻ
"dính" vào. Tình hình lập tức đảo ngược có lợi cho sĩ quan trẻ này,
một đám cưới "mới" thay thế cho đám cưới "cũ" được tiến
hành ầm ĩ một góc thị trấn. Các bái hát khích bác đám đàn bà con gái tham giàu,
tham địa vị ở các sĩ quan, bỏ rơi người tình cũ đã nhanh chóng ra đời, dập dềnh
khắp thị trấn. Đám trẻ con có nhiệm vụ thực hiện các bài hát này. Chúng đã thực
hiện một cách xuất sắc nhưng trên thực tế rất ít có tác dụng. Đám đàn bà con
gái "tham giàu, tham địa vị" này chỉ đỏ mặt đôi chút nhưng vẫn kiên
trì bám đám sĩ quan, thậm chí còn dùng những thủ đoạn ranh ma mà chỉ có đàn bà,
duy chỉ có đàn bà mới nghĩ ra được, để giành thắng lợi về mình. Gương lớn cho
đám đàn bà con gái thị trấn nhìn vào đấy mà hành động là thím Hoa. Những năm Đại
úy Thìn xa nhà đi đánh giặc, hai mẹ con Thím chạy vạy suốt ngày đêm vẫn không
đủ ăn. Thím sống nhờ những đồng nợ lưu truyền, mượn người này trả người khác,
và bằng gánh bánh đúc dở ẹc do ít vốn cứ sáng sáng chạy thục mạng về các vùng
nông thôn ven Tthị trấn, cố gắng bán hết trước khi có gánh bánh đúc khác xuất
hiện. Thím thuộc vào những người đàn bà lam lũ nhất thị trấn. Đùng một cái, Đại
úy Thìn trở về, bằng ba tháng lương của ông, Thím đã tậu được một nhà ngói loại
trung bình, đủ rộng cho ba người ở. Ít lâu sau, thím mua được đầu máy khâu
Trung Quốc, bỏ nghề bán bánh đúc chuyển sang nghề may vá, đi đứng ra vào khoan
thai nhẹ nhõm. Thím trở thành người đàn bà sang trọng nhất thị trấn về cả
"tinh thần" lẫn "vật chất". Thực tế này đã làm rung chuyển
đám đàn bà con gái, làm cho họ trân trọng đặt lên bàn cân để đo đếm tương lai
của họ, như đã nói. Rõ ràng Đại úy Thìn có vị trí quan trọng như thế nào trong
đời sống người thị trấn, chưa kể những chiến công của ông trong một trăm hai
mươi sáu trận ông tham gia đủ để mọi người phải kính nể, chưa kể ông là người
duy nhất tỉnh bóp cổ thè lưỡi tên quan hai Pháp trong một trận huyết chiến ở
phía tây thị trấn làm cho chính phủ nghe nói cũng biết đến tên tuổi của ông...
Đại
úy ngồi uống nước chè giữa sân, ngẫm nghĩ các tình huống có thể xảy ra trong
gia đình mình và cảm thấy sợ, một nỗi run sợ âm thầm xưa nay không hề có bây
giờ len lỏi trong ngực ông. Đại úy sẽ mất uy tín như thế nào nếu thím Hoa, một
người đàn bà chẳng có quá khứ tốt đẹp gì, lý lịch lại không trong sáng, ngang
nhiên bỏ rơi Đại úy không một chút phân vân như "phương án 2" Đại úy
dự trù. Tất nhiên Đại úy có hẳn một phương
án phản công khi "phương án 2" xảy ra nhưng ông chẳng thú gì chuyện
đó. Người ta sẽ đồn rầm lên, ông làm sao đủ sức để dập tắt dư luận được, dù
trong tay ông có gần một ngàn quân?
Trời
đã tối hẳn, Đại úy chống gối đứng dậy soạn sửa đến nhà Bí thư huyện ủy Trần Văn
Thanh. Có nhiều chuyện quan trọng cần phải thảo luận với nhau, trong đó có việc
phối hợp tác chiến giữa trung đoàn pháo của ông với huyện đội. Riêng Họa sĩ Tư,
Đại úy sẽ không nhắc đến, ông có một phương án khác, tất nhiên, đối với ông
việc gì chẳng có hai phương án.
*
*
*
Đại
úy vừa ra khỏi nhà được mươi phút thì Thùy Linh từ ngõ chạy vào, nói như reo:
"Chú Tư được thả ra rồi!"
Thím
Hoa ngồi bật dậy, ngơ ngác:
-
Cái gì?
Thùy
Linh nhắc lại, cởi phăng áo ngoài, nhanh nhẩu đến bên thím Hoa, quỳ xuống ríu
rít:
-
Chú Tư được thả ra khoảng hai giờ chiều, con có gặp chú ở bờ sông. Chú nói:
"Ối cha mẹ ơi, thèm thịt chó muốn chết!" - Thùy Linh bật cười khanh
khách. - Ba về chưa, mẹ?
Thím
Hoa không trả lời, ngồi thong thả bới tóc. Thím bới kỹ lưỡng từng sợi như đếm
từng sợi, mắt đăm đăm nhìn vào một khoảng tối trong vườn. Thùy Linh đứng dậy,
lùi vào buồng riêng. Cô không dám động đến nỗi ưu tư của mẹ mình. Cô lờ mờ nhận
ra có một tai họa lớn, rất lớn sẽ giáng xuống bình yên trong gia đình mình và
nơm nớp lo sợ. Thốt nhiên cô thấy căm ghét bộ mặt xương xương, mái tóc rối bù
và cái vuốt mũi đến gai mắt của Họa sĩ Tư. Họa sĩ bỗng đi lại, nói cười với vẻ
trâng tráo của một kể ngạo đời trước mắt Thùy Linh.
Cô rùng mình, rồi run lên. Cái mà người ta gọi là tình yêu thật kinh khủng. Từ
khi Thùy Linh nhìn vào gương và đỏ mặt nhận thấy hình như mình đã lớn, đã "đàn
bà" từ lúc nào đến hôm nay chưa đầy một năm. Chưa đầy một năm, thế mà cô
thảng thốt nghĩ đến một ngày, không xa lắm đâu, cô sẽ yêu... sẽ lấy chồng, sinh
con. Cô rùng mình, run lên. Họa sĩ cứ đi lại, nói cười với vẻ trâng tráo hết
sức, trong khi bóng dáng của Hoàng cứ nhập nhòa như ảo giác.
Một
nỗi sợ hãi từ phía khác cũng ám ảnh Thùy Linh, đó là ánh mắt thầy Trần Hới mà
cô đã bắt gặp nhiều lần, đặc biệt chiều nay...
Thầy
dạy toán, dạy giỏi hẳn hoi, nói hay nhưng rất điệu. Ví dụ: cho hai điểm M, N...
thì thầy cao giọng:" Cho hai điểm em mơ... en nơ!" hoặc: "Từ đó
chúng ta... Chúng ta làm sao?... Chúng
ta dễ dàng rút ra..." Nói chung cái gì thầy cũng “dễ dàng rút ra”, làm cho
học trò phục sát đất. Thầy hay kể về "ngày xưa" của thầy. Đó là một
"ngày xưa" tuyệt vời. Thầy vô địch nơi nào
cần vô địch. Có lần thầy đã làm cho
Nguyễn Cảnh Toàn, giáo sư toán nổi tiếng Việt Nam, phải kinh ngạc khi thầy chỉ
ra sai sót cơ bản trong một lời giải thần tài của giáo sư! Có lần thầy đã đối
thoại với Lê Khâm và Phan Tứ về cuốn Trước
giờ nổ súng của Lê Khâm (cuốn sách đang nổi tiếng thời này). Thầy nói Lê
Khâm là bạn học của thầy từ thuở hàn vi. Nhà văn họ Lê này đã nghe thầy phân
tích kỹ lưỡng cuốn tiểu thuyết nói trên và công nhận là chưa có một nhà phê
bình nào phân tích đúng như thầy. Thậm chí nhà văn Phan Tứ (nhà văn bậc đàn anh
của Lê Khâm - thầy nói như thế) ngồi bên cạnh cũng phải xuýt xoa khen giỏi.
Thầy còn nói nhỏ (có dặn học trò không được nói với ai) là suýt nữa thầy bị
dính vào vụ "Nhân văn giai
phẩm" nhân thầy có giúp Phùng Quán viết mấy chương cuối cuốn Vượt côn đảo. Đôi khi cao hứng, thầy còn
hát cho học trò nghe về các bài hát mà thầy sáng tác. Thầy nói những "hợp
âm" đầu tiên của bài Xa khơi là
thầy đã tặng Nguyễn Tài Tuệ để nhạc sĩ này phát triển thành ca khúc khét tiếng
trong cả nước.
Thầy
bị kỷ luật, buộc thôi dạy về coi Phòng Giáo cụ Trực quan vì bị bắt quả tang
thầy ăn nằm với một học sinh lớn tuổi. Tuy vậy thầy vẫn không buông tha việc
theo đuổi các học trò gái có chút ít nhan sắc. Cứ giờ tan học, bao giờ thầy
cũng ra đứng tựa cửa ngóng ra sân trường. Nhiều lần Thùy Linh bắt gặp "tia
sáng xanh" của thầy chiếu vào gáy mình. Cô còn cảm giác “tia sáng xanh”
rọi vào gáy mình cho tới khi cô vượt ra khỏi cổng trường.
Cô
sợ, không phải sợ thầy mà sợ cái gọi là tình yêu sẽ đến trong khi cô không có
một chuẩn bị nhỏ nào để đón nó. Thêm nữa, các hình phạt của nhà trường đối với
các học sinh lớn tuổi dính vào chuyện yêu đương rất nặng nề làm cô khiếp đảm.
"Học sinh không được phép yêu khi đang học!" - Đó không chỉ là lời
nhắc nhở thường xuyên của các thầy giáo chủ nhiệm trong các buổi sinh hoạt lớp
chiều thứ Bảy, của thầy hiệu trưởng sáng thứ Hai hàng tuần, nó còn được kẻ
thành khẩu hiệu ở câu lạc bộ của nhà trường. "Học sinh không được phép yêu
khi đang học!". Điều ấy đúng, đến bây giờ vẫn đúng, nó giống như tiên đề
không phải chứng minh. Có điều thời này khẩu hiệu ấy được thực hiện nghiêm khắc
như lệnh thiết quân luật. Các cuộc truy quét các mối tình học trò với học trò,
học trò với thầy giáo, học trò với đám sĩ quan trẻ được thực hiện nghiêm túc,
triệt để và thường xuyên. Có ba vụ bị "đưa ra ánh sáng" làm cho học
trò thất kinh. Vụ thứ nhất thuộc về cặp học trò lớn tuổi lớp mười. Họ yêu nhau
lúc nào không ai biết. Một tốp dân quân làng Chánh Trực tóm được họ trên bãi
cát sau làng trong khi cả hai đang ở
dạng "vận động viên bơi lội". Họ bị toán dân quân trói quặt lại, lôi
xềnh xệch về trường như hai con vượn bị cạo lông kéo
lê trên bãi cát. Vụ thứ Hai là vụ thầy Trần Hới với một học trò lớp chín hai
mươi ba tuổi. Hồi này mối quan hệ giữa thầy giáo và học trò được thiết lập chủ
yếu dựa trên "luật cấm cãi". Thầy Hới đã áp dụng sáng tạo luật này để
ép học trò lớp chín, hai mươi ba tuổi chui vào vườn dưa hấu của nhà trường.
Người coi vườn sử dụng cái gậy và con chó rất linh hoạt đã tóm gọn được họ. Cả
hai bị đẩy vào phòng hiệu trưởng, diễu qua gần ba trăm học trò đang tập thể dục
buổi chiều. Vụ thứ ba thuộc về một nữ học trò đẹp nhất khối lớp mười với một sĩ
quan. Hai người bị một lão nông dân kiên trì rình rập ba ngày trời mới bắt
được. Viên sĩ quan kia dễ dàng giẫy khỏi
tay ông lão, cao chạy xa bay. Nữ học trò "xấu số" bị lão nông dân cởi
quai nón cột chặt hai tay lại. Cô khóc lóc thảm thiết van xin lão nông dân tha
bổng. Thậm chí cô đã nói: "Bác muốn làm gì cháu thì làm chứ đừng đưa cháu
về nhà trường" nhưng lão không chịu. Lão thì còn làm được gì tốt hơn là
đem cô nạp cho nhà trường! Tất cả đều được thông báo kỷ luật về địa phương. Sau
ba vụ đó, hầu hết các cặp học trò đã chuyển từ tình bạn sang tình yêu, lại phải
vội vàng chuyển từ tình yêu sang tình bạn. Cố nhiên đấy chỉ là phép giao hoán
giả vờ cốt để tai qua nạn khỏi.
Trần
Hới là thầy giáo đẹp trai, rất đẹp trai. Bất cứ thanh niên nào trong thị trấn
cũng không thể có được vẻ đẹp rực rỡ như thầy. Đặc biệt là đôi mắt thầy, cái
"tia sáng xanh" ấy đã làm bủn rủn nhiều cô gái.
Thùy
Linh sợ, nỗi sợ hãi ám ảnh cô kể từ ngày cô bắt gặp "tia sáng xanh"
ấy. Cô không dám nói với ai, kể cả Hoàng. Cô tìm cách chạy trốn. Càng chạy trốn
càng bắt gặp. Ban nãy, trước khi về nhà, Thùy Linh đã bị thầy "như mọc ở
đất lên" đứng chắn ngang lối đi.
-
Thùy Linh à? - Thầy hỏi nhỏ và đưa tay hất mái tóc rất đẹp của thầy lên.
-
Dạ. - Thùy Linh cúi mặt trả lời. Cô liếc mắt tìm một lối khác để rẽ.
-
Ba đã về chưa em?
-
Thưa, chưa.
-
Thế chú Tư?
-
Thưa, rồi.
-
Thế mẹ...
Thùy
Linh bắt đầu run. Cô bắt gặp đôi mắt thầy đang cười cười...
-
A! Trần Hới! Trần Hới!
Một
người ngồi trong quán cháo lòng gọi to. Thầy quay lại. Lợi dụng cơ hội, Thùy
Linh rẽ ngoặt, vừa chạy vừa thở như bị ma đuổi...
-
Vào đây làm bát cháo cho ấm bụng!
Ôi,
cám ơn cái người ở quán cháo lòng. Thùy Linh muốn quay lại nhìn người ấy là ai
nhưng cô sợ. Cô chạy vù vù về nhà, hai tai nóng rực...
Mãi
ám ảnh về đôi mắt thầy Trần Hới, Thùy Linh giật mình nhận ra cô đã đứng như
trời trồng dưới bếp không biết đã bao lâu. Bất giác cô gọi to:
-
Mẹ!
Căn
nhà lặng ngắt, chỉ có ngọn gió đập cửa khe khẽ.
-
Mẹ, mẹ ơi!
Thùy
Linh kêu to và chạy ra. Mẹ cô đã đi vắng, thím Hoa đã đi vắng. Linh tính báo
cho
cô biết thím Hoa đang đi về hướng nào. Cô nhào ra cửa, chạy! Cô chạy đến kiệt
sức trên con đường dẫn đến bờ sông Linh.
"Không
kịp nữa rồi! Không kịp nữa rồi!". Thùy Linh chạy trong nỗi thất vọng chua
chát cho đến khi gần tới bờ sông Linh thì gặp thím Hoa đang đứng ôm đầu giữa
đường. Có một khoảng cách rất nhỏ, đủ cho một người đàn bà yếu đuối nín thở
chạy một hơi là đến túp lều lá mía kia, nhưng thím đã đứng khựng lại. Như người
bị choáng, thím quằn quại giữa đường đêm. Hình như thím đã nghe tiếng gọi thất
thanh của Thùy Linh. Hình như thím nhận thấy có cái gì phi lý, rất phi lý đã
buộc thím trốn con chạy tơi bời trong đêm tối như thế này...
-
Mẹ!
Thùy
Linh nhào tới ôm chầm lấy thím Hoa. Họ ôm nhau, hai người đàn bà ôm nhau quằn
quại. Và khóc, khóc rất to nhưng không ai biết thốt lên một lời nào cho đúng.
Không nói được, họ chỉ khóc, chỉ gục vào nhau mà nức nở. Chưa bao giờ họ khóc
to thế. Trên con đường dẫn họ về nhà, họ vừa dìu nhau vừa khóc, như là họ đang
đưa tiễn một đám tang, có khi còn hơn thế.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét