Vào khoảng những năm 87-88-89, thời
điểm sôi động của văn học phản kháng trong nước, một số tác phẩm nổi tiếng vì
tính chất đối kháng, phơi bày những nét tiêu cực của xã hội một cách rốt ráo và
thẳng thừng đã được phần đông độc giả đón nhận nồng nhiệt vì lối viết lôi cuốn,
hấp dẫn, vì tính chất thời sự, và vì lòng can đảm của tác giả hơn là vì giá trị
nghệ thuật.
Ngược
lại, cũng trong thời điểm đó, một số tác phẩm có nội dung nhân bản sâu sắc, có
giá trị nghệ thuật cao, lại không mấy ai biết đến. Sự vô tình của đa số quần
chúng trước những tác phẩm văn học giá trị là một định luật khe khắt mà người cầm
bút nói chung phải chịu.
Những mảnh đời đen trắng của Nguyễn Quang Lập là một
trong những tiểu thuyết giá trị chịu sự thiệt thòi vì tác phẩm không có tính
cách hấp dẫn, không tố cáo ồn ào mà chứa đựng những nhận thức tinh tế và sắc
bén về bản chất của con người trong xã hội miền Bắc Việt Nam sau 54, qua nếp sống
của một thị trấn nhỏ ven bờ sông Linh (tức sông Gianh), với những tranh chấp, đối
chất và mê chấp của hai giai tầng xã hội: giai cấp vô sản thống trị, có tài sản,
có địa vị và quyền uy và giai cấp trí thức bị trị, không có tài sản và bị đàn
áp.
Trong
bài tựa, Hoàng Phủ Ngọc Tường giới thiệu Nguyễn Quang Lập với những hàng:
“Đọc Nguyễn Quang Lập, thoạt đầu người ta đều tưởng rằng tác giả
phải là một người lính già đã từng trải trận mạc và chứa chất bên trong biết
bao nhiêu kỷ niệm đau đớn về chiến tranh thì mới viết như thế. Té ra
Nguyễn Quang Lập chỉ mới trên ba mươi tuổi, và chỉ sống những năm nghĩa vụ
quân sự tron g binh chủng bộ đội tên lửa để trở thành nhà văn. Và chính vì thế,
để phát hiện ra những nhân vật của mình, Lập đã không nhìn lên bầu trời mà cúi
xuống lòng mình, đào bới ở đó những điều thấy cần nói với mọi người và quả
nhiên công chúng đều chăm chú nghe Lập nói. Trước đó chưa ai nói về chiến tranh
như Nguyễn Quang Lập cả”
Bài tựa viết rất hay. Chúng tôi đồng ý với Hoàng Phủ Ngọc Tường rằng
Nguyễn Quang Lập đã cúi xuống lòng mình mà đào bới mới viết sâu xa được như thế
và trước đó chưa ai nói về chiến tranh như Nguyễn Quang Lập. Nhưng không thể
hoàn toàn đồng ý với ông ở điểm Nguyễn Quang Lập chỉ viết về chiến tranh – ít
nhất trong tác phẩm Những mảnh đời đen trắng.
Đúng
hơn, Nguyễn Quang Lập viết về những thảm kịch chi phối và dằn vặt con người
trong xã hội miền Bắc sau 54. Một xã hội có vết hằn của chiến tranh cũ (chống
Pháp), trực diện với chiến tranh mới (chống Mỹ) và trầm mình trong chiến tranh
lạnh, một thứ bi kịch thường trực giữa người và người phải chung sống với nhau
như vợ-chồng, cha-con, anh-em... nhưng không hiểu nhau, không thể hiểu nhau vì
trình độ khác biệt, vì không cùng quá khứ và nhất là không có cùng với nhau một
điểm tựa tri thức và tâm linh.
Nguyễn Quang Lập thuộc lứa tuổi sinh sau ngày chia cắt đất nước, lớn
lên trong lòng chiến tranh và trưởng thành khi hoà bình trở lại. Không có dĩ
vãng kháng chiến chống Pháp để tự tôn cũng không vướng mắc gánh nặng hai mươi
năm chống Mỹ để tự ti hoặc tự hào... Thế hệ anh, thế hệ của Lập, của Thuỳ Linh,
của Hoàng... của Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Trần Vũ, Trân Sa, Hoàng Mai Đạt...
may mắn có 20 năm tuổi trẻ bắc cầu giữa hai cuộc chiến, thoát được những mặc cảm,
hệ luỵ của lớp đàn anh đi trước nhưng có cái bất hạnh thừa hưởng gia tài nhầu
nát của một Phạm Duy để lại cho em một nước phân lìa, để lại cho
em một giống nòi chia... Ngọn cờ khăn sô màu trắng, để lại cho em một bãi sa
trường...
Thế
hệ của Lập, khi ra đời, thì dòng sông Linh đã nằm đó. Lập gắn bó với đất nước,
với những khổ đau của con người như dòng sông gắn bó với thượng nguồn, mặc dầu
vẫn muốn tự do vẫy vùng trôi ra biển cả. Lập nói về dòng sông của mình:
“Sông Linh dường như bao giờ cũng chờ đón họ, từ bao đời nay nó vẫn
dịu đàng chờ đón với tất cả. Nó bắt nguồn từ phía bên kia dãy núi với 99 ngọn
(...). Trước khi trôi về thị trấn, sông Linh ngoái lại thượng nguồn nhiều lần
như nuối tiếc vì một nghĩa vụ chưa thành về nơi đã sinh ra nó, hoặc là thương
nhớ và day dứt về những gì nó sống với thượng nguồn. Những vòng tròn mở rộng của
dòng sông do “ ngoái lại” nhiều lần đã tạo nên những ốc đảo đứng trầm ngâm giữa
dòng sông. Gặp thị trấn, dòng sông bỗng vỡ ra, chảy tràn trề không thành dòng,
dập dềnh mọi bãi bờ men thị trấn. Lần đầu tiên dòng sông biết đến một miền quê
đông vui (...). Dòng sông không muốn chảy tiếp nữa, cứ dùng dằng quanh thị trấn
cho đến lúc nó sực nhớ nó là dòng sông, đích của nó là biển cả, thế là nó vội
vã trôi đi. Trước khi tạm biệt thị trấn, nó ngoái lại hai lần: Chào, chào... và
lao như điên về biển cả. Bắt đầu từ thị trấn, sông Linh chảy xiết hơn, ầm ào,
hùng hục... Hình như nó sợ nếu dừng lại, ngoái lại một lần nữa, dù chỉ trong
giây lát, là nó không thể đi được, không có cách gì rứt ra mà đi được...” (trg. 70).
Sông
Linh là hiện tại muốn dứt bỏ quá khứ để tìm đến tương lai, nhưng hiện tại vẫn bị
chi phối bởi quá khứ và tương lai chỉ là viễn tượng của hiện tại. Sông Linh còn
là lương tâm tha thiết muốn tìm đường sống mà vẫn ham chơi, tha thẩn vào những
khúc quanh vô lương, vô sỉ, không dứt ra được. Sông Linh là phần tâm linh khao
khát hạnh phúc của tác giả. Vì thế, anh tra vấn và truy nguyên tại sao không có
hạnh phúc? Quyết tâm soi rọi những mờ ám trong quá khứ, kiểm nghiệm hành vi và
nhân cách của thế hệ trước mình bằng một ngòi bút không mảy may căm thù, để viết
nên nhũng dòng ai điếu cho tình yêu không có đất sống trong một cõi nhân sinh
không tha thiết đến vấn đề nhân bản.
Những mảnh đời đen trắng là một tác phẩm mạnh và dứt
khoát. Là cuộc xung đột giữa hai tầng lớp xã hội, hai quan niệm sống khác nhau.
Giữa thế hệ trẻ và già, giữa lớp người có quá khứ oai hùng và những người không
được quyền có quá khứ hay không muốn có quá khứ. Giữa lớp bần cố nông làm chủ tập
thể, làm chủ tình thế và lớp trí thức tiểu tư sản “sinh nhầm thế kỷ” bị
quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh. Cả hai giai tầng đều đáng thương
mà không đáng trách. Một bên có khả năng nhận thức mà không được sử dụng. Một
bên không có khả năng mà phải gánh vác những công việc quá sức của mình. Sự
xung đột trải dài trên hai thế hệ:
–
Thế hệ thứ nhất: Thím Hoa (mẹ Thuỳ Linh) và họa sĩ Tư (chú ruột của Thuỳ Linh)
yêu nhau từ trước cách mạng tháng 8. Mối tình của họ bị cuộc kháng chiến chống
Pháp phân chia. Họ mất nhau rồi gặp lại nhau, nối lại mối tình ngang trái, tuyệt
vọng. Họ phải chống trả lại sức ép của xã hội, của dư luận, của giai cấp thống
trị và trong cuộc chiến trường kỳ, họ thất bại.
–
Thuỳ Linh và Hoàng, thế hệ thứ nhì, lớn lên và yêu nhau bên bờ sông Linh, muốn
dứt khoát với quá khứ của cha mẹ, đoạn tuyệt với đấu tranh giai cấp, thờ ơ với
chiến tranh, đạp lên dư luận và thành kiến để sống với tình yêu, nhưng quá khứ
vẫn nhắc nhở, dư luận và thành kiến vẫn trơ trơ chắn ngay chân họ, cấm đoán họ,
hành hung họ, xô đẩy họ vào ngõ kẹt đường cùng, vào sự phân chia vô lý và vô vọng...
Nguyễn
Quang Lập đã tạo nên một không khí hài hước trong một cốt chuyện bi thảm. Đó là
nghệ thuật của anh.
Trừ
hoạ sĩ Tư là hình ảnh của Tự do bị giam hãm, là nghệ thuật bị đoạ đầy trong môi
trường phi nghệ thuật. Sự ngạo nghễ và khinh mạn của ông phản ảnh lối chống đối
một cách tuyệt vọng của người nghệ sĩ. Những nhân vật khác thường là những chướng
ngại vật của tiến bộ, được Nguyễn Quang Lập vẽ chân dung bằng những nét sống động
và tinh quái:
– Đại uý Thìn, thời chiến “nổi tiếng là một người lính
dũng cảm có một không hai khắp tám huyện trong tỉnh (...). Lính Pháp trong ba đồn
đóng ở thị trấn hễ nghe đại uý xuất hiện ở đâu là tất thảy đều sảng vía, kinh hồn” (trg
24). Thời bình, đại uý huy động lực lượng dân quân du kích trong một công tác
“người” hơn: “Trong 10 năm, kể từ ngày hoà bình lập lại (54) (...) có đến
14 vụ hủ hoá xảy ra trên tảng đá này bị dân quân du kích thị trấn, dưới sự cố vấn
của đại uý Thìn, hoặc tóm gọn, hoặc đuổi chạy bán sống bán chết.” (trg
12).
–
Chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy, ba đời cùng đinh, nghiên cứu hội hoạ siêu thực:
“Ông giở đống tranh ra, lần lượt xem kỹ lưỡng các bức tranh vẽ
những mặt người méo mó, những con bò chạng háng choán cả bức tranh, những cái
mông đàn bà, những con cò hai cổ, những đứa trẻ mặt đầy nếp nhăn và lún phún
ria mép.
– Thế này thì nguy hiểm thật!
Ông chặc lưỡi và giở tiếp hai chục bức cuối cùng vẽ đàn bà trần
truồng, những người đàn bà không có đầu, loạn xạ các kiểu đứng ngồi. Ông
nhìn kỹ từng bức một, rất kỹ: “ Tình yêu” – “ Nỗi đau các bà mẹ” – “Hỡi nhân loại
hãy chấm dứt chiến tranh” – “Khát vọng sống”... Ông không chú ý đến các dòng chữ
ghi trên các bức tranh mà nghiên cứu “ nội dung” c ác bức tranh qua các “bộ phận
bôi bác” của đàn bà được hoạ sĩ đặc tả khá dày công.
– Chỉ có đàn bà hàng tỉnh, thứ nào thứ nấy mới như thế này chứ
nhân dân lao động thị trấn làm gì có. Ông kêu to. (...) Hơn một giờ sau ông rời
túp lều, vừa đi vừa lẩm bẩm:
– Kinh thật! Kinh thật! Đích thị là đàn bà hàng tỉnh! (trg.
23).
Trong
không khí hoả mù của các thứ đấu tranh, chủ quán thịt chó Cule tượng trưng cho
lớp người thức thời, thiết thực, sáng suốt, biết sống:
– “Các anh cứ việc đấu tranh giai cấp, em nhát, em không
dám. Em chỉ xin phục vụ thịt chó đầy đủ. Món nào ra món ấy. Giai cấp nào
cũng ghiền thịt chó, thật đấy !” (trg. 54).
Cách
vẽ chân dung các nhân vật của Nguyễn Quang Lập độc đáo, hóm hỉnh và tài hoa.
Anh không mô tả trực tiếp, không kể lể dài dòng, nhưng anh dẫn dụ người đọc
nhìn nhân vật trong một bối cảnh hoặc ngôn ngữ trào lộng và người đọc trở thành
đồng loã với anh qua ấn tượng gián tiếp. Cung cách này chúng ta đã tìm thấy ở
Vũ Trọng Phụng và tìm lại trong Nguyễn Quang Lập.
Với
những vấn đề nghiêm trọng như cuộc chiến hai mươi năm, cuộc chiến mà cả hai miền
Nam Bắc đều tranh nhau đặt tên cho chính xác và có chính nghĩa, Nguyễn Quang Lập
cũng đã đùa cợt với những điều linh thiêng đó. Ngay từ những trang đầu của tác
phẩm, anh đã “mô tả” hòn đá mà trai gái trong thị trấn lén lút dẫn nhau ra “hủ
hoá” rồi bị bắt như thế này:
“Người ta đồn rằng, hòn đá này có từ xa xưa, hình như từ thời
“Trịnh Nguyễn phân tranh”. Nó được đem về bằng hai mươi tám đòn khiêng, dùng để
khắc bia mộ hay ghi chiến công quân lính chúa Trịnh” (trg.
13).
Những
dòng trên đây là một thứ thông điệp hóm hỉnh: faites l’amour, pas la guerre
(hãy yêu nhau, đừng đánh nhau).
Và
khi chiến tranh thực thụ xảy ra, anh đã nhìn chiến tranh dưới những khía cạnh
bình thản, hóm hỉnh:
“Trên trời ầm ầm tiếng máy bay. Không nhìn thấy gì cả,
chỉ nghe tiếng rít như xé vải. Tiếng súng trường, đại liên, tiểu liên... rộ
lên khắp thị trấn. (...) Một nhóm nhân dân cố đu lên mái nhà bác Cả Rí. Người
nào lên được vội vàng chạng chân đứng bắn liên tiếp từng loạt một. Những người
sau ra sức đẩy đít nhau đu lên. Bác Cả Rí nhảy đại lên cột rơm, hai chân kẹp chặt
vào cột gỗ làm nòng cho cột rơm, ngửa mặt lên trời, mồm nhai trầu bỏm bẻm, tay
phải cầm dùi cui gõ nhịp ba vào cái mâm đồng đang cầm ở tay trái. Có một chiếc
AD6 hạ độ cao, sà thấp xuống rất nhanh, lao về phía uỷ ban nhân dân huyện. Một
tốp ba người, không rõ trẻ hay già, ra sức đuổi theo, vừa đuổi vừa bắn. Khi chiếc
AD6 bay vọt lên, đùn một đám khói đen thì khắp thị trấn ầm ầm tiếng la hét, tiếng
hoan hô, tiếng gõ vào các dụng cụ sắt nhôm... Người ta ngỡ máy bay cháy, nhưng
không phải, chiếc máy bay không việc gì sất, nó lật cánh hai ba lần như cố tình
chọc tức “ các anh hùng chân đất”. Đám dân quân đứng trên mái nhà bác Cả Rí vừa
bắn vừa chửi. Bắn cũng hung mà chửi cùng dữ. Riêng bác Cả Rí thì vẫn hai chân kẹp
chặt vào cột gỗ, miệng nhai trầu bỏm bẻm, cứ nhịp ba nện dùi thẳng cánh vào cái
mâm đồng làm cho nó cong lên như một cái bánh đa nướng.” (trg.
133).
Cách
viết bình thản và hóm hỉnh ấy đã bình thường hoá quan hệ giữa người và người,
quan hệ giữa người và chiến tranh. Đem lại một sự công bình nào đó cho dân
chúng cả hai miền chiến tuyến: dân chúng miền Bắc thường bị gồng lên như những
chiến sĩ anh hùng và dân chúng miền Nam bị ép lại như một thứ sản phẩm tiêu cực
chuyên nghề buôn dân, bán nước.
Cách
viết ấy, đã gián tiếp đả phá thần tượng. Làm thánh thành thường, và nâng cao tầm
tri thức của con người từ vị trí vị thành niên lên vị trí trưởng thành.
Dĩ nhiên trong tác phẩm của Nguyễn Quang Lập không chỉ có những điểm
son. Anh viết không đều tay, phần đầu kỹ càng, cô đọng, phần cuối dễ dãi, xô lệch.
Những tình tiết lâm ly có tính cách dàn xếp phá vỡ mạch văn, mạch truyện. Tuy
nhiên, Những mảnh đời đen trắng là một tác phẩm giá trị, bắt
chúng ta phải suy nghiệm về quá khứ, cân nhắc hiện tại và dự liệu cho tương
lai. Ngoài ra, tác phẩm còn lưu lại cho chúng ta nhiều chất liệu về đời sống
trong xã hội Việt Nam, một xã hội còn gian nan, khốn đốn vì vết thương chiến
tranh, trên da thịt và trong lòng người.
(14.11.92
Theo Diễn đàn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét