Tiếng khèn bè

Truyện ngắn
Luôn luôn có con chó đuôi trắng xuất hiện trong các giấc mơ của ông.
 Đầu tiên nó chạy mấy vòng quanh sân, mặt cúi gầm, mũi khịt khịt như đang tìm một cái gì đó đã để quên ở lần về trong giấc mơ trước. Sau, nó bất ngờ cắt một đường chéo thẳng tắp từ góc sân bên trái xộc về phía ông. Cách ông chừng vài bước, nó đứng dựng bằng hai chân sau lúc lắc tiến tới. Cái lưới nó thè ra đỏ hỏn, hai chân trước bẻ gập lại, co ro… trông rất buồn cười.
 Ông bước đến bắt lấy hai chân trước của nó lắc lắc. Nó liếm đi liếm lại hai bàn tay gân guốc, đen sạm của ông với một thái độ kính cẩn và thương yêu. Lúc lúc nó lại ngước lên nhìn ông âu yếm- "Ông có được khoẻ không?", đôi mắt nó hỏi thế. "Ồ, khỏi phải nói…" nụ cười ông trả lời.

Chừng như vậy đả đủ cho nó yên tâm ra đi. Nó lao về suối Binh Man, để lại cái đuối trắng cắm ngược giữa sân. Cái đuôi trắng bỗng rừng rực cháy thành một ngọn lửa trắng, nở to dần thành một bó đuốc lớn, một đống lửa lớn...sáng trắng đến rợn người.
 Ông choàng tỉnh. Một ngày mới đã đến, nắng đã ngập đến mắt cá trong khu rừng hoang vắng này…
Ông bước xuống bếp, đỏ lửa. Siêu nước bằng nắm tay sôi lóc bóc. Ông dướn lên, quờ tay vào rổ đựng lá chè khô, vò một nắm to, nhét chặt vào siêu nước. Trong khi chờ chè ngấm, ông vớ lấy cái điếu cày, cẩn thận cho thuốc vào nõ. Ông rít, gông người lên mà rít, toàn bộ gân cổ đồng thời nổi lên. Tiếng điếu cày nghe vang như một tiếng còi thổi gắt.
 "Ó… ò… o… ò…!", con gà trống khốn khổ của ông lúc bấy giờ mới cất tiếng gáy đòn chào một ngày mới. Nó gần như mất hết khả năng cảm nhận ánh sáng mặt trời. Mựat trời của nó nằm trong cái điếu cày. Khi nghe tiếng ông rít thuốc lào, nó giật mình hoảng hốt như thằng say rượu nghe còi cảnh sát, vội vàng nhảy ra khỏi chuồng, đập cánh gáy vang vang.
 Còn ông lúc này lại không khác mấy con gà rù. Ông lẩy bẩy tìm chỗ đặt ống điếu cho vững, hai tay chống xuống đất cố giữ cái đầu khỏi chui vào bếp lửa, toàn thân giật giật, khói thuốc như từ tất cả các lỗ chân lông toả ra, bay cuồn cuộn…
Sau khi chiêu hết sạch siêu nước chè đặc, ông chống gối đứng dậy, vắt cái khăn rộng khổ lên vai, lững thững đi ra suối Binh Man. Suối Binh Man rộng bằng sáu bước chân, nước luôn luôn ngập ngang đầu gối, luôn luôn như thế vào mùa xuân và mùa hè. Vào mùa thu và mùa đông, suối Binh Man nước dềnh lên cao hơn, chảy xiết hơn. Suốt ngày gầm gừ, riết róng, léo nhéo, như một bà già bẳn tính, ghét đời…
 Ông lội ngược về phía có hòn đá rộng, phẳng, vô vàn những vân đá đủ màu, nằm chênh chếch dưới đáy suối. Đó là một hòn đá đẹp, sang trọng, hoàn toàn xứng đáng hầu hạ một hoàng hậu, một công chúa có tấm thân ngà ngọc nương mình lên đấy để hưởng thụ một ban mai trong suốt, ngọt ngào ở nơi đây… Nhưng bây giờ, thời kỳ vua chúa đã qua rồi, trên hòn đá ấy là ông, một người đàn ông năm mươi tuổi có nước da đen, đang nằm dạng chân tay cho nước suối tràn qua cơ thể mình. Chậc, cũng chẳng sao, thì hòn đá vẫn cứ đẹp và sang trọng kia mà!...
Chỉ cần đừng để nước suối chui vào hai lỗ mũi ám khỏi của mình, ông chìm hẳn xuống dòng nước, nhắm nghiền mắt. Một cảm giác mát rượi thấm tận chân tơ kẽ tóc, ông như chìm hẳn xuống, như nổi hẳn lên, bồng bênh… Miên man những bàn tay dịu mát áp nhẹ lên má ông, lên ngực ông…
 Ông chìm trong cái cảm giác đê mê của một người chưa đến tuổi già nua, gần hai mươi nắm vắng thiếu những hạnh phúc đời thường nhưng không quên được, không cách gì quên được. Miên man những bàn tay dịu mát…những bàn tay… hình như cả tóc nữa, cả nước mắt nữa, cả những hơi thở dịu nhẹ… chỉ có ông mới cảm nhận được.
Ông thấy mình rạo rực, bâng khuâng… Một người đàn ông cô độc không vợ con, bà con thân thích như ông Nông đây, cần phải tìm kiếm một con suối thật trong thật mát dịu dàng và cũng cô độc như chính mình để mà sống kề. Chính con suối sẽ khoả lấp những vắng thiếu của đời mình. Ông Nông đã làm như vậy. Dù cuộc gặp gỡ của ông với suối Binh Man chỉ là một tình cờ, nhưng trải qua gần hai mươi năm gần gũi nó, ông đã nhận ra điều đó.
Bây giờ ông chẳng còn ai ngoài suối Binh Man và con chó đuôi trắng vẫn hiện về trong giấc mơ của ông. Vợ con và những người ruột thịt của ông đã chết cháy vì bom Napan trong một đám cháy lớn nhất tỉnh Quảng Bình do đế quốc Mỹ gây ra vào đầu năm 1967. Cái ngọn lửa trắng ấy đã ám ảnh ông suốt đời. Bao giờ cái đuôi con chó cũng cháy bùng lên thành ngọn lửa sáng trắng ghê rợn ở vào cuối giấc mơ.
*
*          *
Sau gần một giờ ngâm mình trong suối Binh Man, ông vắt khăn mặt rộng khổ lên vai, lững thững về nhà, chuẩn bị cho một cuộc săn tìm vết chân thú. Nhà ông nằm ép sát vào một rừng táu, cách xa hàng xóm của ông ở trong thung lũng này hơn một cây số. Ông thích ở xa như vậy, cái thích tưng tửng của người già.
Một tháng đôi lần ông có về thăm hàng xóm- những người lên đây xây dựng kinh tế mới- ngồi uống rượu, chuyện trò tào lao vài giờ, rồi lại trở về sống thui thủi một mình. Công việc chủ yếu của ông là săn thú, mặc dù ông là người miền biển rất ú ớ với nghề rừng, nưng ông thích như vậy, cũng là cái thích tưng tửng của người già….
Vẫn sẽ là một buổi sáng bình thường, một ngày bình thường nếu khi đến chỗ ngoặt lối rẽ vào nhà ông, nơi có cây táu chết đứng, ông không nom thấy một bóng người đàn bà đang lẩn khuất trong nương sắn.
Thoạt nhìn, ông thấy cái một đầu tóc rối tung đang cựa quậy, ngỡ là lũ trẻ con vẫn thường lên đây đào bới linh tinh trong nương sắn, đặt những cái "bẫy nhím ngốc nghếch" - Chúng nó đứa nào tóc tai cũng như một cái tổ quạ - ông định đi thẳng.
Định thần một lát, ông thấy rõ một người đàn bà đang lom khom nhổ bật một gốc sắn của ông. Đây là một sự lạ. Xưa nay, trong thung lũng giàu có này, người ta chẳng thèm ăn cắp sắn của nhau. Thậm chí có nhiều năm, các nương sắn gần như bị bỏ quên, ra hoa kết trái giống hệt vườn hoang.
Ông tìm một gốc che khuất, tiến tới gần. Một người đàn bà rách rưới, bẩn thỉu đang ngồi xổm, nghiến răng vặn một củ sắn to nhất trong bụi sắn vừa nhổ. Chị lấy răng cạp bóc hết vỏ, nhai ngấu nghiến củ sắn trắng bợt, vừa nhai vừa phun lia lịa xơ sắn nom không khác gì một con vượn cái đang ăn…
Người đàn bà điên! Ông nhớ ra rồi, đó là cô giáo Hướng dạy cấp một ở cuối thung lũng. Cô lên cơn điên từ đầu năm. Người ta nói cô điên vì thất tình, đó là cách giải thích dễ nhất đối với một người đàn bà ba mươi tuổi chưa chồng, vừa bị người yêu ruồng bỏ. Nghe nói người yêu cô là một thằng bợm, nó rủ cô đi khắp nơi suốt ba tháng hè rồi thả cô ở ga Vinh, chuồn đi đâu mất tăm. Ông bíêt cô giáo này nhân một lần cô lặn lội tìm đến nhà vận động đi học bổ túc văn hoá nhưng bị ông từ chối…
- Cô Hường! - Ông gọi khẽ, từ từ bước tới.
Người điên giật bắn, vứt vội củ sắn, quay lại.
- Đừng ăn sắn sống. Trong nhà tôi có cơm.
Ông cố gắng không tỏ ra một hành vi nào làm cho người điên vì thế mà bỏ chạy. Người điên cúi mặt đứng im, đưa mắt liếc trộm ông.
- Trong nhà tôi có cơm. Mời cô giáo…
Ông cầm tay người điên dẫn vào nhà. Một chút trì kéo của chị chứng tỏ chị không muốn. Ông nhìn chị, gắng cười.
- Chẳng sao đâu…tôi mời cô giáo mà!
Người điên ngước lên chăm chăm nhìn ông. Ông vừa cười xuê xoa vừa kéo chị. Không cưỡng được, chị để mặc cho ông gần như lôi chị vào nhà.
Người điên ngồi dựa vào vách liếp, đờ đẫn nhìn lên trần nhà. Gương mặt chị bị rách bởi những vết xước ngang dọc của móng tay sắc nhọn cào cấu. Môi chị sưng vù, ở dái tai bị rách hẳn, máu rỉ ra đóng thành cục đen đặc. Ông Nông lúi húi xới một bát cơm to, đầy thịt lợn rừng, bê ra.
- Mời cô giáo. - Ông lom khom trao bát cơm cho người điên, hai tay xoa xoa, cười cười. - Cứ ăn đi. Tự nhiên nhé….
Người điên đỡ lấy bát cơm, mắt ngó ngơ đi chỗ khác.
- Ăn đi, cô giáo. Chà, không mấy khi cô giáo đến chơi nhà…
Ông nói cười như không, xuýt xoa, chép miệng…lại rối rít mời mọc. Người điên hơi mỉm cười, mắt chớp chớp. Chị có vẻ ngượng. Chị cúi xuống ngó chằm bẵm vào bát cơm, và bỗng quên tất cả, chị và lia lịa hết thìa này đến thìa khác, nuốt ừng ực không kịp nhai. Ông quỳ xuống nhìn chị ăn, hai quai hàm ông giật giật, vẻ thích thú như một chú bé muốn ăn chực.
 Một bát nữa, lại một bát…. Người điên cúi mặt ăn, lần này hết láu táu như trước, chị ăn chậm dần, gần ăn hết bát thứ ba thì dừng lại, ngước lên:
- Bác có cười tôi không, bác Nông?
"Ồ, sao lại nói năng tỉnh táo thế này?", ông trố mắt nhìn.
- Không! Không! Sao lạ cười. - Ông vội vàng xua tay. - Người với người gặp nhau là quí hoá, sao lại cười…
Người điên đặt bát cơm xuống nền nhà, hai tay buông thõng. Chị tựa đầu vào vách liếp, ngước mắt lên trần nhà, thì thầm:
- Bác tốt quá đi mất. Trong khi mọi người hễ gặp tôi ở đâu thì đi vòng thật xa. Trẻ con gặp tôi thì khoa chân múa tay, reo hò ầm ĩ… Thế mà bác đã mời tôi vào nhà, cho tôi ăn, lại còn gọi tôi là người…
- Cô Hường! Ông thét lên: - Thì ra cô không điên thật à? Trời ơi, thế mà tôi lại nghĩ là…
Ông chồm tới cầm hai bả vai người điên lắc mạnh. Có lẽ do tiếng thét quá lớn của ông đã phá vỡ sự ổn định tạm thời các tế bào thần kinh của người điên, chị đột nhiên vùng dậy.
- Đấy nha… đừng có hòng nha…tôi thèm vào cái đồ bẩn thỉu của các người… ha ha… Anh tên là Nguyễn Văn Hùng, có yêu (là) yêu thì nói xin đừng (xin đừng) quanh co… hà…Alô! Alô! Đi học bổ túc văn hoá là nghĩa vụ của toàn dân!
Ông giật lùi, đứng sát vào vách liếp nhìn người điên múa may quay cuồng trước mắt mình. Khuôn mặt chị bị một ma lực bóp dúm lại, méo mó. Ông thấy sợ, có những giọt nước đá rơi tong tong trong ngực ông… Trước mắt ông là một con người - một con quỷ - một con người - một con quỷ…. Ông sợ. Sợ quá!
Người điên đột ngột lao ra khỏi nhà, Chị chạy với một tốc độ không thể có được lúc bình thường. Ông sững người. Có ai đó đẩy mạnh vào lưng làm ông dúi dụi về phía trước. Ông lao đuổi theo người điên. Ông chạy thục mạng. Vang vang trong đầu ông tiếng thét này: "Phải cứu lấy cô ấy! Phải cứu…"
Một cuộc vật lộn dữ dội của hai người bên bờ suối Binh Man. Người điên cắn ngập răng vào bả vai ông, một miếng thịt bị bóc rời. Ông không chịu buông lơi cắn chặt răng dùng hết sức bình sinh lôi tuồn tuột người điên vào nhà. Đẩy được người điên vào căn buồng ghép bằng những tấm lim dày, ông khép vội cửa, đứng dựa lưng vào đấy, thở dốc…
- Đấy nha… Anh đến tìm hoa thì hoa đã… nở, anh đến tìm đò… đò đã qua sông… Đế quốc Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam! Cút khỏi! Cút khỏi!... (Chớ) Đến duyên em thì em phải lấy…ơ ơ… chồng! Hi hi!
Ông rũ xuống nền đất, nằm im như một xác chết. Máu từ bả vai ông chảy dầm dề.,.. "không thể được… phải cứu… làm sao bây giờ…." Ông rên rỉ như một kẻ có tội, như chính ông đã gây ra tội ác đối với người đàn bà khốn khổ kia.
*
*  *

 Người đàn bà tiếp tục đập phát, thét lên những câu vô nghĩa suốt buổi sáng, khoảng gần trưa thì tỉnh lại. Ông mừng quá, vội vàng bưng một bát cháo lươn, mở cửa buồng bước vào. Người điên ngồi rũ rượi, mặt tái nhợt. Ông cố gắng nở một nụ cười, âu yếm nhìn chị. Chị run run đỡ lấy bát cháo.
- Hình như tôi có cắn bác phải không?
- Đâu có…
- Ở chỗ bả vai ấy.
- Ờ
- Nước miếng người điên nghe nói độc lắm?
- Chậc, chẳng sao. Cô giáo ăn đi…
- Cô giáo? Ha ha ha… tôi mà cô giáo! - Người điên bất ngờ hất bát cháo lươn vào người ông, nhảy chồm chồm. - Tình tính tang là tang tính tình.
Ông vội vàng nhào ra, khép chặt cửa. "Khổ, chưa kịp ăn miếng nào…" Ông chép miệng thở dài, từ từ ngồi xuống nền nhà.
- Há? Cái gì?... Anh tên là Nguyễn Văn Hùng…có yêu (là) yêu thì nói (xin đừng) xin đừng quanh co… ấy (mấy) đêm (là) đêm…
Tiếng đập cửa buồng thình thình và những câu hát rối rắm rít lên trong căn buồng làm cho đầu ông nhức buốt. "Hùng nào mà cô ta cứ nhắc hoài vậy?" - Ông lẩm bẩm: - "Hắn cũng Hùng, cũng Nguyễn Văn…"
 Ông có quen một thanh niên có cái tên như vậy. Anh ta là lái buôn, vẫn thường lên đây săn tìm mật gấu, gạc hươu nai, cao khỉ… cứ vài tháng thì vào nhà ông một lần. Bao giờ đến, anh ta cũng mang theo một chai rượu ngon biếu ông và ngủ lại với ông một đêm.
 Nom bề ngoài anh ta rất giống một người du lịch hạng sang: luôn luôn xách cái va - ly da và cái đàn măng-đô-lin bóng lộn, áo quần sang trọng, đi đứng khoan thai, nói năng lịch thiệp. Không bao giờ nói chuyện buôn bán, trừ những lúc phải ngã giá với ông, anh ta luôn mồm kể những chuyện động trời, rộng khắp cả địa cầu. Ví như các cuộc đụng độ lớn ở Tây bán cầu, đài BBC đưa tin tổng thống Ri-gân vừa lên nói cái gì trên ti vi; một thủ tướng ở một nước có cái tên rất dài bị đau thần kinh toạ và vợ ông ta đã phải ngủ với thư ký riêng; viễn cảnh của thế kỷ 21: sao chổi Ha-lây sẽ xuất hiện ở đâu vào năm nào; lai lịch của Ngô Đình Diệm và các cuộc tằng tịu cấp quốc gia của mụ Lệ Xuân… Toàn những chuyện kinh khủng, ông nghe mà phát khiếp.
 Đôi khi cao hứng, anh ta cho ông hay là anh ta biết khá nhiều tiếng nước ngoài. Anh ta bụm miệng đánh lưỡi “Rốp rít… xóp xít” bảo đấy lời chào buổi sáng của người Ý- Đại- Lợi, lại bụm miệng lưỡi “Rốp rít… xốp xít”, bảo đấy là cách ngôn của người Pháp nói về sự cẩn trọng – “Trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần…” Vân vân. Rồi anh tung cây đàn măng-đô-lin lên, vẫn giọng “Rốp rít… xốp xít” như vậy nhưng nghe rất hay, hát say sưa, mắt lim dim, đầu ngật ngưỡng, rất lâu sau mới ngừng, bảo đấy là bản tình ca nổi tiếng thế giới của một nhạc sĩ nổi tiếng thế giới ở một nước đá bóng nổi tiếng thế giới.
Thiệt là ghê gớm, trông cái đầu nhỏ thó thế kia mà chứa bao nhiêu là hiểu biết. Thật ra ông cũng ngờ ngợ, không tin lắm, nhưng vi trong cái “đầu sắn nướng” của ông không có phương tiện gì để “đối chứng”, nên cứ phải há mồm ra mà nghe. Những thằng như vậy dễ đánh lừa đàn bà con gái lắm chứ. Đến như ông còn phải há mồm ra mà nghe nữa là… Nhưng hắn là cái thằng cà khoeo, trông như một con nhện nước, lại mới 25 tuổi, với người đàn bà này hắn chỉ là một thằng nhóc, làm sao hắn có thể rủ rê được?
-       Đấy nha… tưởng ở đấy à… xồn xồn xồn đô xồn…
Người điên tiếp tục la lối, gần như tất cả sức lực của chị đều dồn vào những tiếng thét điên dại. Và hát, liên miên những câu hát ngớ ngẩn. Thỉnh thoảng lại rút lên như chọc tiết. Ông không thể tưởng tượng một người gầy gò, ốm yếu thế kia lại có những tiếng hét chói tai, rùng rợn như vậy.
 Ông ngồi vào bậc cửa nhắm nghiền mắt. Cũng cần phải nghỉ một chút, ông đã mệt lắm rồi. Nhưng người điên không cho ông nghỉ, những tiếng thét liên tục đập phá màng não của ông. Chán quá, ông tiến tới phía vách liếp có treo cái khèn bè. Đây là vật duy nhất dùng để tiêu khiển trong lúc buồn chán của ông. Mười mấy năm nay “nó đã hát cho ông nghe"' - ông nghĩ vậy - vào những buổi hoàng hôn.
Ở rừng, sợ nhất là vào khoảng chập choạng tối. Cả khu rừng đảng râm ran những âm thanh hỗn tạp bỗng nhiên im bặt, nom thấy rất rõ bóng tối từ các hang núi, các khe suối lừ từ dâng lên. Những cái gì có thể thấy được trong tầm mắt cứ nhòe dần và biến mất. Ông bỗng cảm thấy mình đang sống trong một khoảng không trống vắng. Tự nhiên thấy thiêu thiếu một cái gì...
 Khi đó, ông nâng cái khèn bè lên và thổi những làn điệu dân ca Roaltol và A-dâng-con mà người Vân Kiều đã truyền dạy cho ông. Tiếng khèn bè bay lên, vi vút, trầm bổng. Ông thấy yên tâm hơn, nhẹ nhàng hơn... "Nó đã hát cho ông nghe" chiếc khèn bè ấy mà...
Bây giờ dù chư­a đến cái giờ ấy nhưng cảm giác hụt hẫng buồn chán đã đến sớm hơn, buộc ông phải nâng cái khèn bè lên. Tiếng khèn bè vang lên rền rĩ, nó gần như­ bị lạc trong những tiếng thét điên khùng của người điên, tuy vậy nó vẫn giữ được nhịp điệu riêng của nó.
 Ông dần dần đắm chìm trong một nỗi buồn man mác, một nỗi nhớ nhung không đâu, chính là do những giai điệu u sầu của các bài ca Roaltol và A-dâng-con này đây. Có lẽ đã chiều, có lẽ đã sẩm tối... Tiếng khèn bè nhỏ dần, nhỏ dần và tắt hẳn! Ông buông rời chiếc khèn bè, thiu thiu ngủ. Trong căn buồng, người điên đã lịm đi từ lúc nào...
 Đến nửa đêm, ông choàng tỉnh? người điên lại lên cơn. Vẫn những tiếng thét kinh hoàng. Ông ngồi co ro trong bóng tối lẩm nhẩm đọc một câu thần chú học được của bà con người Vân Kiều. Chẳng ăn thua. Đêm vẫn bị xé rách, bị đập phá vỡ vụn bởi người điên kia. Những giọt nước đá lại rơi tong tong trong ngực ông. Ông muốn khóc quá, những giọt nước mắt bất chợt dân dấn ở hai hố mắt khô cứng của ông. Con người sao khổ thế kia, chao ôi là con người!
- Hí ha ha... Này Hùng ơi! Chị đố em nha... da trắng vỗ bì bạch... Mẹ tiên sư­ mày... ấy (mấy) đêm (là) đêm...
Nước mắt của ông bỗng nhiên chảy đầm đìa...
Ông ngồi ru rú nh­ thế cho tới khi gà gáy canh ba thì mang máng nhớ. hình như­ lúc chiều người điên đã ngủ trước ông, ngủ trong khi ông đang thổi khèn bè. Chợt lóe lên trong ông một ý nghĩ làm ông bật dậy như­ một con báo vồ mồi. Ông lao lên chộp lấy chiếc khèn bè - "Cũng có thể lắm chứ... biết đâu đấy" - Ông thổi, dồn hơi thực hiện tất cả những làn điệu dân ca Roaltol và A-dâng-con - "Biết đâu đấy... cũng có thể lắm chứ" - Ông nghẹt thở bởi hy vọng ấy cứ mỗi lúc lại lực lên...
Thật không ngờ, tiếng thét của người điên như bị chém vụn, rời ra, nhỏ dần, hơn nửa giờ sau thì tắt lịm. Ông không còn tin vào tai mình nữa. Ông thổi, cứ thổi. Ông sợ nếu ngừng thì người điên lại bất thần chồm dậy. Cho tới lúc người điên đã lịm trong bóng tối rất lâu ông mới rón rén tới gần, nhìn qua khe cửa... Một chút nữa ông đã hét lên thành tiếng: "Làng xóm ơi, cô ấy sẽ sống...". Ông quỳ xuống làm dấu thánh để tạ ơn Người, mặc dù ông không phải là giáo dân.
*
*          *
- Suối này là suối gì?
- Suối Binh Man.
- Tên hay nhỉ... nghĩa là gì, bác?
- Tôi không biết nhưng mỗi lần lặn xuống suối, chỗ hòn đá kia kìa, thế nào lôi cũng nhớ vợ tôi…
- Có thể chị ấy đã hóa thành con suối này?
- Đâu có, làm gì có. Đấy là tôi nghĩ vơ vẩn rồi thành ra cảm giác tôi đang ngủ với vợ tôi... Tội nghiệp, vợ tôi chết cháy cô giáo ạ...
- Ôi…
Họ nhìn nhau. Những cái nhìn buồn r­ười rư­ợi. Ông trao bọc áo quần cho người đàn bà; lùi lũi quay về nhà. Người đàn bà tần ngần nhìn theo ông. Một lát, chị quay lại thơ thẩn nhìn con suối. Lần đầu tiên sau tám tháng chị mới xuống suối. Sáng nay, chị trở dậy với một cảm giác nhẹ nhàng khoan khoái nh­ư trước đây chị đã từng có. Chị bước ra khỏi buồng. Tiếng điếu cày rít vang ở trong bếp. Con gà trống đập cánh gáy ở đầu hồi. Chị lùa m­ười ngón tay lên mớ tóc rối của mình, nhẹ nhàng bước về phía cửa sổ. Ban mai nào chị chẳng đến bên cửa sổ, ngày x­ưa ấy mà. Chị  chợt nhớ ra đây là cửa sổ của ông già chứ không phải của chị. Ở đây không có g­ương lư­ợc. Chị mỉm cười…
- Sáng nay cô giáo đã thấy hết nhức đầu ch­ưa? - Ông đã đứng sau l­ưng chị từ lúc nào.
Chị quay lại, mặt mày tươi tỉnh:
- Hết rồi bác ạ. Tối qua tôi ngủ ngon.
- Tốt.
- Tôi cảm thấy lành lạnh nữa.
- Tốt. Tức là cô giáo đã khỏi bệnh.
- Dạ.
- Sáng nay cô giáo đi tắm nhé. Tôi đã chuẩn bị quần áo đầy đủ...
Bất chợt chị rùng mình nhìn nhanh xuống thân hình gớm guốc của mình. Có lẽ đã rất lâu rồi chị ch­ưa tắm...
Đã tám tháng chị lên cơn điên. Hơn một tháng chị gào thét, đập phá căn buồng gỗ lim của nhà ông. Áo quần chị rách tả tươi. Chị nhìn nhanh xuống dưới và chạy ào vào buồng. Một gói áo quần lớn treo ở nóc buồng. Chị lấy xuống, giở ra, mắt chị chớp chớp, tự nhiên chị thấy cay cay sống mũi...
Ông đã mua sắm cho chị đủ hết các trang phục, dụng cụ cần thiết cho một phụ nữ. Qua một vài lần kể vào những lúc tỉnh táo của chị, ông biết chị cũng đơn độc nh­ư ông: bố mẹ mất sớm, hai anh ruột đang ở nước ngoài. Ông thương, tình thương của một người già...
Ông đã đi khuất hẳn. Chị ngụp xuống nước suối ban mai. Chao ôi, thích quá, thích quá... Chị mỉm cười sung sướng nhận thấy nước suối đang trả lại những gì chị đã đánh mất. Này là cánh tay trắng nõn, này là đôi chân thon, này là khuôn ngực nở, này là tất cả... Chao ôi thích quá, thích quá...
Trong khi đó ông Nông đang kính cẩn đặt chiếc khèn bè lên bàn thờ. Nó không còn là vật tiêu khiển của ông nữa, nó đã là thần thánh. Hơn một tháng nay nó đã chiến đấu cho khát vọng của ông. Nhờ nó, số lần lên cơn điên của người đàn bà kia đã giảm dần, thay vào đó là những giấc ngủ kéo dài. Người đàn bà đã từ cõi chết trở về, thật không thể nào tin được.
Ông quỳ xuống, chắp tay ngang ngực, lầm rầm nói những lời biết ơn thần thánh, tự lòng thành của mình. Ông cầu xin thần thánh đừng bao giờ để cho cô giáo Đỗ Thị Bạch H­ường trở lại căn bệnh khủng khiếp này; xin hãy cản bước chân của cái thằng Nguyễn Văn Hùng, không cho nó chạm ngõ nhà ông. Hắn đã gây ra tội ác tày trời mà nếu không có thần thánh thì ông cũng chỉ là kẻ chứng kiến những giây phút giẫy chết của người đàn bà kia mà thôi.
 Chính chị, trong những giờ điên dại của mình, đã kể tội hắn. Đúng là hắn chứ không phải ai khác, cái thằng cứ vài tháng lại biếu ông một chai rượu ngon... Đã sáu tháng nay hắn không đến nhưng biết đâu đấy, ông sợ lắm! Ông sụp mình xuống đất vái tạ. Mãi sau, khi ông quay lại đã thấy người đàn bà kia đứng sát sau lưng mình. Ông lùi một bước, thảng thốt: Trời ơi, không ngờ cô giáo lại đẹp như vậy...
*
*          *
Vẫn con chó đuôi trắng ấy trở về. Hình như nó gầy đi không còn linh động như­ trước nữa. Nó đ­ưa hai chân trước cho ông bắt. Ông cười, định khoe với nó một điều gì đó như­ng bỗng quên phắt, đứng ngớ ra. Nó khịt mũi, ng­ước mắt chờ đợi. Nhìn mắt nó, ông biết nó thương ông, thương lắm.
 Nó là con vật đáng thương, chỉ có cái đuôi trắng thì không thể chịu được, bao giờ ở vào cuối giấc mơ cũng cháy bừng lên ngọn lửa trắng ghê rợn. Tại sao lúc nào nó cũng mang theo cái ngọn lửa trắng quái ác ấy? Hình như­ có một lần ông đã hỏi nó như vậy. Nó không trả lời, chỉ trọng hai con mắt ngây thơ của nó tứa ra hai giọt nước mắt màu nâu đò...
Sau vài phút mơn trớn cùng ông, con chó lại từ biệt ông, lao về suối Binh Man. Nó không quên để lại cái đuôi trắng cắm ngược giữa sân. Nhưng lần này, lạ thay, cái đuôi trắng không cháy thành ngọn lửa trắng như­ xư­a nữa. Cái đuôi bỗng quay tít, từ trong đám lông trắng lớn dần lên một con người. Thằng Hùng! Ông giật lùi mấy bước định bỏ chạy. Cái thằng khốn nạn ấy đứng nhìn ông, cười sằng sặc... á … a …cút đi? Cu. út. đi ì!" ông gầm lên. Hắn vẫn cứ cười sằng sặc...
- Bác Nông! Bác Nông!
Ông giật mình, ngơ ngác:
- Bác Nông!
- Á…
Ông uể oải ngồi dậy, bần thần nhìn xung quanh. Mắt người đàn bà đang lo lắng nhìn ông.
- Ôi tôi chiêm bao. Sợ quá!... Sáng rồi nhỉ?
- Tôi cũng sợ. Gớm, bác hét to quá.
Ông dụi mắt, vư­ơn vai, thủng thẳng nói:
- Tôi già rồi, thần kinh yếu, thỉnh thoảng lại chiêm bao những chuyện thất kinh.
- Già gì, khi nào bác cũng nghĩ đến chuyện già...
Người đàn bà nhìn ông, vẻ trách móc. Khi bắt gặp cái nhìn của ông, chị vội vàng đứng dậy, đi nhanh xuống bếp. Ông biết chị muốn nói gì, vài ngày nay ông lờ mờ nhận ra điều đó. . .
Ông nhớ có một buổi tối, sau hơn hai tháng sống cùng ông trong căn nhà này, đang ngồi khâu áo cho ông bỗng chị ngước lên, hỏi:
- Bác... này, tại sao bác lại để râu?
Đang nghê nga đọc "Chinh phụ ngâm", ông ngước lên ngớ ra một chút, rồi cười:
- Chà, thích...
- Thích gì! - Chị làu bàu.
- Chậc, thì nó cũng là một loại bạn bè, khi nào vui thì vuốt ve nó tí chút. - Ông cười to.
- Thôi mà, cạo đi cho rồi. - Chị không cười, cúi mặt càu nhàu.
- Nhưng mà tại sao cô giáo, tại sao lại phải cạo kia chứ...? - Ông ngạc nhiên nhìn thẳng vào mắt chị. Chị quay người, không nói. Lát sau, chị thì thầm:
-Em không thích…
Đáng lẽ khi đó ông phải sà vào ngực người đàn bà kia, hoặc chí ít phải áp hai bàn tay thô ráp của mình lên má chị để nói một câu gì đó, một câu gì... hình như­ đã có sẵn trong ngực ông lừ lâu… Thế mà không, ông thấy lành lạnh ở xương sống. Ông vùng dậy, đi thẳng xuống bếp. Và ông đứng đực ra, không hiểu mình xuống đây để lấy cái gì!
Sáng hôm sau vẫn "tôi" và "bác" như­ không có gì xảy ra, nhưng nhìn kỹ gương mặt chi thấp thoáng một nỗi buồn. Ông cũng buồn. Không hiểu vì sao ông cũng rất buồn…
Đã đến giờ vào rừng. Trong bếp, người đàn bà đang đỏ lửa. Ông định nói với chị là ông vào rừng thăm bẫy, chỉ vậy thôi, thế mà ông cứ lần chần, đi đi lại lại. Cuối cùng ông cũng tặc lưỡi đi luôn.
 Đến gần trưa; khi đã thăm gần hết lượt bẫy, ông mừng rú thấy một cón hoẵng đang treo ngược trên cần bẫy của mình. Cái bẫy này ông đặt để sẵn một con lợn "một" (lợn rừng chỉ còn một móng chân), nhưng con lợn tinh ranh ấy vẫn thoát nạn, chỉ có hoẵng ngốc nghếch này đã thế mạng cho nó, biết làm sao chú hoẵng dốt nát?-Ông vừa nói nó vừa lầm bầm. - Giờ này nó đang đứng cười mày đấy, con lợn "một" ấy mà, hoẵng ạ".
 Ông vác con hoẵng trên vai trở về. Ông tính con hoẵng này sẽ không bán, ông sẽ mổ thịt mời hàng xóm đến đánh chén một bữa no say. Đã lâu ông chưa có một cuộc nhậu nào cho ra hồn. Đời người khi nào cũng bán, bán, bán, còn ra cái gì, ông nghĩ vậy.
Và khi say, ông sẽ bảo cô giáo hát, hát toàn những bài dân ca loại hảo hạng cho ông nghe một bữa thật đã đời. Rượu, thịt, ca hát... Có gì đã đời hơn không? Ông cười một mình, hăm hở bước. Cũng có thể khi say, thật say kia, ông nói rằng ông yêu con người ấy. Ông tin con người ấy sẽ nhận lời...
 Đó là lời của ngăn trái quả tim ông, đồng thời khi đó, từ ngăn phải quả tim lại vang lên những lời gắt gỏng: "Không được. Tầm bậy. Nó như­ con cháu mình...". Ông bước khập khễnh trên những lối mòn dốc, lắm đá. Con hoẵng mỗi lúc 'một nặng thêm…
Vừa chạm ngõ nhà mình, ông đã hét toáng lên;
- Cô giáo ơi ! Ra xem này ! Một con hoẵng…
Người đàn bà từ trong bếp chạy ra. Chị nhảy lên reo to:
- Ôi chào, tuyệt? Hoan hô...
Ông cười, vất con hoẵng xuống sân, hể hả tuyên bố:
- Chén hết? Không bán... Tôi sẽ tổ chức một cuộc nhậu tầm cỡ thế giới đại đồng! Cô vào bắc nước sôi đi.
Người đàn bà tung tăng đi đun nước. Chị huýt sáo “Con gái huýt sáo nghe thích thích", ông tủm tỉm cười, đi loanh quanh con hoẵng một lúc mới sực nhớ ra là cần phải đi mài dao. Ông vừa mài vừa nhẩm tính số đầu người cần mời, có thể làm được bao nhiêu món, những loại gia vị phải kiếm cho ra...
-Ê! Bác Nông! Xin chào con người của núi rừng hùng vĩ!
Ông giật mình quay lại. Hắn. Trời ơi: Hắn! Hắn đó kia! Vẫn cái thằng cà kheo, 25 tuổi... vẫn cái va li da và cái đàn măng-đô-lin!
-Ối chà, con hoẵng to quá. Tuyệt!
Hắn đặt một chân lên con hoẵng, ngoái về phía ông, cười.
Ông tiến về phía hắn. Trống ngực đập thình thình…
- Anh đi đi...
- Cái gì?- Cái mặt dang hơn hớn của hắn bỗng méo xệch.
- Anh đi... Anh cút di. Cút ngay...
- Ô?
-Cút đi! Tôi bảo... cúi đi.- Ông gầm lên.
Hắn vẫn trố mắt nhìn ông, không hiểu đầu cua tai nheo gì cả. Rồi hắn sững người: Như mọc dưới đất lên một người đàn bà đứng sừng sững trước mặt hắn. Đó là người đàn bà hắn đã bỏ rơi.
Hắn há hốc mồm nhìn chị. Chị trân trối nhìn hắn, hai thái dương giật giật, đôi mắt trắng ra, dại hẳn đi. Chị chỉ tay về phía hắn định nói gì nhưng cứ ú ớ…Hắn co cẳng chạy, vất cái va li da và cái đàn Măng-đô-lin mà chạy. Ông xách dao rượt theo. Ông đuổi, cốt là để không bao giờ hắn có thể quay lại đây nữa…
Ông trở vể, mệt mỏi lê từng bước. Rốt cuộc hắng cũng mò về thung lũng này, cái thằng khốn kiếp ấy… Ông bước vào nhà: Trời ơi… người đàn bà đang nhẩy múa, những vòng lượn man rợ, những tiếng hét chói tai!
- Đấy nha… đừng có hòng nha… Gió mùa thu mẹ ru con ngủ… Ôi chàng là chàng ơi… Đế quốc Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam. Cút khỏi! Cút khỏi! Hí ha ha…
Gần như ông bay về phía chiếc khèn bè. Ông thổi. Lại vang vang các bài dân ca Roaltol và A-dâng-con. Nhưng lần này chiếc khèn thần thánh của ông hình như đã mất hiệu lực. Ông thổi hoài mà người đàn bà vẫn cứ nhảy múa,hú hét. Mặt trời đã rụng bên kia đỉnh núi, người đàn bà vẫn cuốn theo những vòng múa man rợ, như có một con quỉ nào đó đang xốc nách chị tung hê…
Ông không chịu buông rời chiếc khèn bè. Hy vọng trong ông không tắt, không thể tắt đư­ợc . Nhất định chiếc khèn bè sẽ thắng cuộc, chiếc khèn thần thánh của ông. Ông dồn hết sức lực của năm mươi năm có mặt trên đời này để đẩy hơi vào chiếc khèn . . .
Đã rất khuya. Đã gà gáy. Lại gà gáy... ông cứ thổi, mồ hôi đổ ­ướt dầm dề thân thể ông. Cái làn điệu dân ca Roaltol và A-dâng-con vẫn nổi - chìm trong những tiếng thét điên dại của người đàn bà. Và len lỏi trong các nhịp điệu u sầu của các bài dân ca ấy là một lời ca khác một lời ca đằm thắm, ngọt ngào từ đáy ngực ông bay lên..."Ngủ đi em:.. ngủ đi... anh đang ru cho em ngủ đây đang ru đây… cầu cho em tỉnh lại cầu… anh sẽ không đánh mất em nữa đâu… Không bao giờ...”.
Ông thổi hoài, thổi hoài... ông thấy mình nhẹ dần, nhẹ dần... hai chân hình như­ không bén đất lơ lửng.
Ông nghe thấy tiếng khèn bè đang bay lên, chao đảo, lại lên cao, cao mãi... phía trời xanh.
Trại sáng tác văn học
Suối hoa – 1996

Rut từ Truyện ngắn chọn lọc


0 nhận xét:

Đăng nhận xét