Trao đổi với tác giả về tiểu thuyết “Tình Cát”

Trần Hạnh
Mấy tuần trước, khi tiểu thuyết “Tình Cát còn chưa được chính thức phát hành, tác giả Nguyễn Quang Lập có hỏi tôi đã đọc xong chưa, và muốn nghe nhận xét về tác phẩm. Không dám thoái thác, đành phải nói ngắn gọn vài ý kiến cá nhân kiểu dùi đục. Không ngờ tác giả giao việc luôn, nói nên tập hợp những ý kiến đó thành một status. Cứ lần lữa mãi, phần vì bận rộn, phần thì thấy đã có nhiều bài giới thiệu, điểm sách được tác giả dẫn lại trên trang Facebook của mình, đến nỗi bị bọ nhắc thêm là rất muốn có bài này. Nên nay đành miễn cưỡng chép lại và bổ sung những ý đã trao đổi nhanh ngày hôm đó thành một note ngắn như sau.

Trước hết, dù có nội dung tiếp nối câu truyện ở Xóm Cát – bối cảnh  của tiểu thuyết “Những mảnh đời đen trắng” và kịch nói “Mùa hạ cay đắng” như nhà văn – nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã viết, phải khẳng định “Tình Cát” là một tác phẩm hoàn toàn độc lập. Độc giả chưa đọc hoặc chưa biết đến những tác phẩm trước của tác giả Nguyễn Quang Lập vẫn có thể có thể thưởng thức đầy đủ được “Tình Cát”. Tất nhiên, những ai đã quen thuộc với các nhân vật trong “Những mảnh đời đen trắng” thì có lợi thế có thể bắt được mạch nội dung chính của “Tình Cát” dễ dàng hơn. Nhưng đọc ngược lại cũng không sao, cứ đọc “Tình Cát” rồi trở lại với “Những mảnh đời đen trắng” cũng thú vị không kém.
Nói như vậy để dẫn chứng rằng cái hay của “Tình Cát” không phụ thuộc vào câu chuyện cũ ở Xóm Cát. Và cái độc đáo của “Tình Cát” không phải chỉ ở nội dung (và nhiều người đã bình về cái hay của nội dung tác phẩm này rồi, ví dụ như về những số phận con người trong chiến tranh, về cuộc đời đặc biệt của nhân vật chính,…) Với tôi, một người đã đọc khá kỹ “Những mảnh đời đen trắng” thì phát hiện thú vị nhất là thủ pháp xây dựng nhân vật trong “Tình Cát” đã mới hơn rất nhiều. Những nhân vật có vẻ quen thuộc từ câu chuyện cũ ở Xóm Cát, nhất là Hoàng, đã có diện mạo khác hẳn: đa nhân cách, vừa dị biệt vừa hòa quyện với đời sống đương đại. Cách thể hiện tâm lý và hành xử của đa số các nhân vật, nhất là Hoàng và Ly Ly/Thùy Dương mang nhiều màu sắc hậu hiện đại. Ở “Tình Cát”, tác giả Nguyễn Quang Lập không cần kể lể nhiều, chẳng phải giới thiệu lý lịch trích ngang trích dọc của nhân vật (có thể nhận thấy cách “kể lý lịch” này trong “Những mảnh đời đen trắng”) mà chỉ bằng vài đoạn ngắn như những lát cắt sắc sảo, gọn ghẽ,  như những phiến phim dương bản là đã có thể phóng chiếu được đầy đủ tính cách, tâm lý và hành động của nhân vật.
Rõ ràng có bước phát triển mới về bút pháp cũng như cấu trúc. “Tình Cát” có bố cục đồng hiện đa chiều, đa tuyến, cả về không gian lẫn thời gian, mà rõ nhất là thời gian – thể hiện ở góc nhìn nửa thật nửa mơ, nửa hiện tại nửa quá vãng của nhân vật chính (Tuy chưa kịp trao đổi ý này với tác giả, nhưng tôi tin tác giả Nguyễn Quang Lập cũng sẽ đồng ý với nhận xét rằng nếu so sánh với “Tình Cát” thì “Những mảnh đời đen trắng” có bố cục đơn giản hơn, đa phần là đơn tuyến lịch đại.) Một tiểu thuyết đương đại khác cũng xử lý cấu trúc đồng hiện không-thời gian đa chiều, đa tuyến rất thành công là “Mình và Họ” của Nguyễn Bình Phương, vừa được trao giải thưởng Hội Nhà Văn Hà Nội 2015.
Đáng tiếc là cấu trúc “mới” của tiểu thuyết “Tình Cát” chưa được hoàn thiện, hay nói như tác giả mong muốn là “vững” và “ổn”. Cá nhân tôi thấy có một sự hẫng hụt khi đọc từ trang 270 trở đi – tức là từ sau khi bài phóng sự của Ly Ly được đăng thành công. Có vẻ như từ đó trở đi, phần còn lại của tiểu thuyết không đủ sức căng liên kết giữa những lát cắt đồng hiện, nên không thấy độ nhuyễn về bố cục. Có cảm giác đến đoạn này tác giả lại theo nếp “Những mảnh đời đen trắng,” muốn cố kể cho hết cây chuyện, truyền đạt cho đủ nội dung về số phận từng nhân vật đáng quan tâm. Giá như tác giả đừng quá cầu toàn về nội dung và đừng ham đẩy câu chuyện đến cùng bằng cách trình bày kết cục số phận các nhân vật như vậy, và chọn một cái kết cũng theo tinh thần hậu hiện đại thì có thể tránh được tình trạng “chùng”, “xẹp” ở những trang cuối.
Nhưng, đấy cũng là vấn đề chung của tiểu thuyết Việt Nam. Đơn cử như tác phẩm "Đội gạo lên chùa" của tác giả Nguyễn Xuân Khánh, dù vẫn ngồn ngộn chất liệu và mạch văn, nhưng hiệu quả tổng thể lại đuối hẳn so với "Mẫu thượng ngàn" vì biểu hiện cố kể trọn vẹn một câu chuyện. Theo tôi, tiểu thuyết không cần phải là một hay nhiều câu chuyện được kể trọn vẹn. Nói đến đây lại càng thấy tính độc đáo của "Mình và họ." Và cũng phải thú thật với tác giả rằng “Tình Cát” được đọc gần như cùng lúc với "Cánh cửa" của Szabo Magda. Mà tôi thấy cách xử lý câu chuyện của tác giả “Cánh cửa” gần như hoàn hảo, nên có lẽ “Tình Cát” cũng phải chịu oan thêm lần nữa vì bị soi mói với tâm thế của một người vừa đọc "Cánh cửa".
Cuối cùng, chắc phải xoa dịu chút không thì lần sau tác giả không tặng sách và không nhờ nhận xét nữa thì ế độ mất. Những thành công, những điểm hay, độc đáo của “Tình Cát” đã được nói tới nhiều, như kịch tính, bi-hài tính, dục tính, v.v… đã được nhiều người khen. Nhưng chưa thấy ai nói tới triết lý tính, cụ thể là những câu vi triết (micro-philosophy) rất riêng, rất Nguyễn Quang Lập, vừa đời thường vừa cao siêu, có thể tách rời khỏi văn cảnh mà vẫn lóng lánh như những hạt vàng ròng được nhặt ra từ cát. (Hình như chỉ bắt nguồn từ một câu vi triết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mà một nhà văn nữ tạo cảm hứng sáng tác được cả một tác phẩm đình đám thì phải). Tạm dẫn vài câu tôi thấy hay:
“Đàn ông mà đa đoan chả thấy ai hạnh phúc cả” (tr.60)
“Sống quen rồi anh mới hiểu mỗi một cuộc sinh tồn đều có cái lý riêng của nó” (tr.101)
“Những kẻ học hành tử tế…tại sao những điều sơ đẳng của nhân tính chúng đều bỏ qua không chút áy náy nhỉ” (tr.112)       
“Nhà văn ai cũng thế, mưu toan chui xuống tận đáy cuộc đời để tìm ra câu hỏi lớn, rốt cuộc chết chìm bởi câu hỏi đó, chết chìm hết thảy.” (tr.141)        
“Hai mươi năm tiếp sau tuổi hai mươi của mày không đủ gom lại một nắm kỷ niệm đáng nhớ” (tr. 246)
và câu này nữa
“Hà Nội đi xa thì nhớ, sống cùng thì chán.” (tr. 264)

“Tình Cát” còn độc đáo ở những đoạn chuyển tiếp, nơi giao thoa của không gian và thời gian, điểm đan xen giữa hiện tại và quá khứ. Tác giả đã xử lý rất khéo tất cả những chỗ chuyển ý, chuyển cảnh như thế trong suốt toàn bộ tác phẩm, một thủ pháp mang tính điện ảnh. Ấn tượng ấy mạnh đến nỗi câu trả lời đầu tiên của tôi khi tác giả hỏi ý kiến là: ““Tình Cát” mà đem làm phim thì hay lắm anh ạ”. Hoàn toàn có lý chứ. Qua phim “Đời Cát” thì thấy văn Nguyễn Quang Lập rất có duyên với điện ảnh, nay chỉ chờ “Tình Cát” lọt vào mắt xanh của đạo diễn nào thôi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét