Mai Văn hoan
Đang ở dạng Blog, những mẩu Ký ức vụn của Nguyễn Quang Lập đã
có hàng ngàn cư dân trên mạng truy cập. Blog Quê choa của Lập đã trở thành một trong những blog “hot” trong vài năm lại đây. Sau khi chọn lọc, sắp xếp in thành sách, Ký ức vụn được độc giả khắp nơi trong nước đón nhận hết sức nồng nhiệt. Mới chỉ xuất hiện trong vòng vài tháng mà đã có đến hàng chục bài viết bàn về Ký ức vụn đăng tải trên báo chí Trung ương và địa phương.
Có được Ký ức vụn, trước hết Nguyễn Quang Lập phải cảm ơn thế giới ảo và trò chơi blog. Ban ngày theo công việc, Lập thường viết Ký ức vụn vào ban đêm. Lập nói rằng anh viết Ký ức vụn như đang ngồi nói chuyện tếu táo với bạn bè trên vỉa hè, bên chiếu rượu. Vì thế Lập viết rất tự nhiên bằng chất giọng bọ (Quảng Bình) đặc sệt mà anh gọi là “khẩu văn”. Điều đó góp phần tạo nên nét riêng của blog Quê choa. Viết rồi tự mình đưa bài lên blog nên Lập viết một cách hết sức thoải mái. Số người truy cập blog Quê choa cứ tăng dần theo thời gian là nguồn kích thích niềm đam mê của anh. Lập đưa bài lên blog không chỉ để tìm những người bạn tri âm, tri kỷ mà còn là một hình thức thử nghiệm, thăm dò tác phẩm của mình đối với công chúng.
Để tạo sự thân thiện với độc giả, Nguyễn Quang Lập thường xưng “mình” khi kể chuyện. Bằng cách ấy, Lập xem những người đang đọc blog Quê choa và Ký ức vụn là những người bạn thân thiết. Người đọc vì thế cũng cảm thấy hết sức gần gũi với tác giả. Mở đầu chuyện Con ăn ruồi, Lập viết : Đó là biệt danh của chị Thuận, người cùng thị trấn Ba Đồn, học cùng một lớp với mình. Cách mở đầu như vậy không chỉ tạo nên sự thân thiện, gần gũi mà còn tăng thêm độ tin cậy của câu chuyện. Nghĩa là Lập muốn ngầm nói với bạn đọc rằng tất cả những mẩu chuyện Lập viết trên blog Quê choa và chọn đưa vào Ký ức vụn đều là người thật, việc thật. Những câu chuyện người thật việc thật ấy qua bàn tay nhào nặn tài tình của Nguyễn Quang Lập bỗng trở nên vô cùng sống động, vô cùng hấp dẫn.
Cuộc mưu sinh buộc con người hiện đại phải lao vào công việc với tốc độ chóng mặt, rất ít thời gian nhàn rỗi để nhấm nháp những món ăn tinh thần. Mà những món ăn tinh thần thời nay lại khá phong phú. Lôi kéo được sự quan tâm của bạn đọc không phải là chuyện dễ dàng. Vì thế, Lập đã chọn cách viết ngắn gọn và hóm hỉnh để thu hút độc giả. Rất nhiều mẩu Ký ức vụn chỉ vẻn vẹn có vài trang in. Những mẩu tương đối dài cũng chỉ dăm bảy trang. Lập không vòng vo tam quốc. Chỉ một câu, Lập đem đến cho bạn đọc rất nhiều lượng thông tin, nhiều sự việc, suy nghĩ, cảm xúc. Đại loại như các câu sau đây : Nhà thằng Dư có ba mẹ con, mạ nó hành nghề đĩ điếm đẻ ra hai đứa, nó là Dư, em gái nó là Thừa, chắc mạ nó nghĩ giá không đẻ đứa nào thì mới là đủ (Thằng hai đầu gối) ; Lấy chồng bốn năm không có con, gia đình chồng bảo điếc, chửi bới khinh rẻ, đuổi về nhà ba bốn lần, cô phải khóc lóc xin ở thêm hai năm nữa, nếu không có con thì cô sẽ ra đi (Chẳng biết là vui hay buồn). Với người khác, chừng ấy chuyện có thể viết đến vài ba trang in chứ chẳng chơi. Có nhiều cuộc đối thoại cũng được Lập gói gọn chỉ trong một câu. Đây là mẩu đối thoại giữa Lập và bà Thiêm : Mình cười nói bà giỏi cực, sao không làm tiến sĩ đi, viện này chỉ có bà với thằng Nguyên là chưa tiến sĩ nữa thôi, bà cười nói anh Nập nói ninh tinh, rồi bà chép miệng, nói muốn nàm thì nàm được thôi… khó gì đâu, cơ mà bán nước chè có nợi hơn tiến sĩ(Bà Thiêm). Điều đó không chỉ thu gọn văn bản mà còn góp phần làm nên nét riêng trong cách viết đối thoại của Nguyễn Quang Lập. Anh rất có tài hài hước. Thời còn ở Huế, mỗi lần Lập đóng vai người dẫn chương trình giới thiệu bài hát là bạn bè có mặt trong chiếu rượu cứ phải ôm bụng mà cười. Viết Ký ức vụn, Lập phát huy tối đa năng khiếu hài hước ấy. Niệu liệu pháp và Nhà văn thèm con trai là hai mẩu ký ức khá tiêu biểu cho cái tài hài hước của Nguyễn Quang Lập. Chuyện người ta đồn đại uống nước đái có thể chữa bách bệnh, thời đó ở Huế hầu như ai cũng biết nhưng không ai kể lại chuyện này một cách dí dỏm như Lập. Đọc trên blog Quê choa, tôi đã không nhịn được cười. Đọc lại khi Lập đưa vào sách vẫn cười. Và bây giờ, đang viết những dòng này cũng bật cười. Cười cái “điệu bộ kính cẩn” của ông phó chủ tịch hội bưng ca nước đái ; cười cái dáng nhà thơ Vĩnh Nguyên “đặt lên bàn thờ vái hai vái rồi tu sạch cả ca”… Vẫn biết là có một số chi tiết Lập bịa hoặc phóng đại lên mà vẫn cứ tin. Chuyện chẳng có gì mà viết hấp dẫn như thế, quả là tài ! Đã có hàng trăm câu chuyện vui chung quanh việc muốn có con trai nhưng khi đọc chuyện của Lập vẫn cứ “cười chảy cả nước mắt” ! Trong Nhà văn thèm con trai, Lập cài vào một câu khá “độc” : Mình nói mày viết báo viết kịch viết phim hô hào mọi người trai gái cũng là con, thời buổi này mơ được quí tử là lạc hậu rồi, sao vẫn siếc con trai. Nó bảo tao giáo dục dân chúng thì được, chứ giáo dục tao không có nổi, con trai vẫn là nhất. Chỉ thế thôi, lập đã lái câu chuyện vui thành một chuyện mang nhiều hàm nghĩa. Chuyện Niêu liệu pháp cũng thế, đằng sau tiếng cười, Lập muốn nói đến sự dễ tin và cái kiểu sĩ diện hảo của giới văn nghệ sĩ (trong đó có cả tác giả). Tiếng cười của Lập vì thế hết sức thâm thuý.
Lập không chỉ có tài làm cho người ta cười mà còn làm cho người ta khóc. Tôi đã không cầm được nước mắt khi đọc Thằng hai đầu gối, Ký ức năm hào, Con chó Giôn… Đó đều là những cảnh ngộ, số phận hết sức đáng thương. Những câu chuyến ấy của Lập đều mang tính nhân văn sâu sắc. Buồn khóc đã đành, vui cũng khóc. Cái chi tiết diễn viên Đoàn Dũng từ trên sân khấu, chạy vụt xuống, đứng trước mặt Võ Đại tướng, ưỡn ngực chào và dõng dạc : Báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh mặt trận, chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn toàn thắng lợi… Cả ngàn người đứng vụt dậy vỗ tay như sấm rền, kéo dài mười phút, nhiều người khóc oà… Lập cũng khóc nức nở. Và tôi, khi đọc những dòng này của Lập cũng không sao cầm được nước mắt – những giọt nước dồn nén vì ẩn ức, những giọt nước mắt mãn nguyện, sung sướng.
Trong Ký ức vụn, Nguyễn Quang Lập phác hoạ một số chân dung “bạn văn”. Anh không đi vào kể lể quá trình hoạt động, công tác, chức vụ hay đời tư mà chỉ phóng đại một số nét tính cách nổi bật của các “bạn văn” theo lối biếm hoạ. Có những biếm hoạ vui như cái thói lười tắm đến nổi các nàng phải dùng đũa gắp chim của Nguyễn Trọng Tạo, thói quen “tau hí” rất hồn nhiên của nhà thơ Hải Bằng,… Nhưng cũng có những biếm hoạ khiến người đọc phải ngậm ngùi, xót xa. Chẳng hạn như cái cách “ngó trước, ngó sau” và nói năng hết sức thận trọng của nhà thơ Trần Vàng Sao – một người từng “trúng tên” nên sợ cả “làn cây cong”… Vừa có trí nhớ siêu hạng, lại có tài quan sát, nên Lập khắc hoạ chân dung các “bạn văn” hết sức ấn tượng. Bất cứ ai có dịp tiếp xúc với Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng nhìn thấy cái nốt ruồi khá to dưới cằm nhà văn, nhưng có lẽ chỉ có Lập mới phát hiện cái nốt ruồi ấy lúc nào thì “giật giật liên hồi”, lúc nào thì “đứng im phăng phắc” (Chuyện nhỏ hai người bạn). Trong tất cả chân dung văn nghệ sĩ mà Lập phác hoạ, tôi thích nhất là chân dung Tưyết Nga. Với Tuyết Nga, Lập đặc biệt chú ý đến cái tiếng cười “trong vắt”. Chính Lập cũng ngạc nhiên không hiểu sao trải qua bao nhiêu thăng trầm biến động, Tuyết Nga “lại có tiếng cười trong vắt bên bỉ suốt cả cuộc đời” như vậy.
Không chỉ phác hoạ chân dung của các “bạn văn”, Nguyễn Quang Lập còn tự hoạ chân dung của chính mình. Xâu chuổi toàn bộ Ký ức vụn ta có thể hình dung cuộc đời của Lập từ khi còn là một cậu bé bốn tuổi “gầy như que củi, đen thui, cái đầu thì to như quả dưa hấu”… cho đến khi trở thành nhà văn, nhà viết kịch nổi đình nổi đám như bây giờ. Ngày trước, Lí Bạch từng khẳng định “thiên sinh ngã tài tất hữu dụng”, Nguyễn Công Trứ tự cho mình “gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng”. Trong Ký ức vụn, đôi lần Lập cũng tự hào về cái tài trời phú của mình. Chẳng hạn, mới bốn tuổi, chưa được ai dạy đã biết đọc (Trung thu của đứa bé bốn tuổi), lên lớp bảy được giải nhì toán, giải ba văn cấp tỉnh, “sướng mê man cả năm trời”, đến tuổi trưởng thành “làm văn trúng văn, làm kịch trúng kịch, làm phim trúng phim”… Nhưng để trở thành nhà văn, nhà viết kịch như bây giờ Lập đã từng trải qua “năm lần trời đánh”, mấy lần định tự tử và “nhiều chuyện cay đắng không nói ra hết được”. Đọc Ký ức vụn tôi rất quý sự chân thực của Lập. Bên cạnh một Nguyễn Quang Lập dễ xúc động, giàu lòng trắc ẩn còn có một Nguyễn Quang Lập đôi khi vô tâm đến khó hiểu. Chính anh thú nhận điều đó qua mẩu ký ức về cô giáo Hoàng Lệ Thi – người đã từng chăm sóc Lập hết sức tận tình, “cái cúc đứt, cái áo rách cô đều khâu cho cả”. Ấy thế mà suốt ba chục năm xa cô, Lập “không hề gửi cho cô một bức thư”. Biết hoàn cảnh của cô rất khó khăn, Lập định bụng gửi cho cô ít tiền nhưng rồi “có cả ngàn lí do để suốt 30 năm không hề gửi cho cô xu nào”. Mà có xa xôi gì đâu, từ Ba Đồn (quê Lập) qua Ba Trại (chỗ ở của cô Thi) phóng xe máy chưa hết hai mươi phút. Bên cạnh một Nguyễn Quang Lập nhút nhát, lãng mạn còn có một Nguyễn Quang Lập từng say đi buôn đến quên luôn cả vợ sắp cưới. Bên cạnh một Nguyễn Quang Lập đầy day dứt, băn khoăn, trăn trở “hồn quê đâu rồi”, “thương nhớ vỉa hè” còn có một Nguyễn Quang Lập đôi khi nhiễm phép thắng lợi tinh thần, chẳng khác nào nhân vật AQ của nhà văn Lỗ Tấn. Đó là trường hợp Lập gặp lại một người bạn học trở thành “xếp to”, anh ta nói năng tỏ vẻ coi thường Lập trước mặt mọi người. Lập “cú quá, tối nằm không ngủ được, chợt nhớ đến chim của nó, nghĩ bụng mẹ mày, mày làm to nhưng chim mày có một mẩu thế thì đời mày cũng có ra cái đ. gì. Thế là lại vui, ngủ ngon”… Bộc lộ một cách thành thực những tật xấu của mình, Lập càng được người đọc yêu mến vì cái chất con người của Lập, cái thẳng thắn, bộc trực của Lập. Mà nghĩ cho cùng những thói xấu ấy đâu chỉ có ở Lập.
Ký ức vụn là sự tiếp nối, bổ sung cho cuốn tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng khá nổi tiếng của Nguyễn Quang Lập xuất bản cách đây đã hai mươi năm. Có điều, đến Ký ức vụn, Lập tỏ ra từng trải hơn, chín chắn hơn, hỏm hỉnh hơn và thâm thuý hơn. Thị trấn Ba Đồn (Quảng Trạch, Quảng Bình) đã trở thành cái kho đề tài vô tận của Lập. Lời ăn tiếng nói, tính khí, cốt cách “quê choa” hiện rõ mồn một trong các mẩu ký ức của anh. Ngoài cách viết ngắn gọn, tự nhiên, hóm hỉnh, chân thực… Nguyễn Quang Lập còn có tài dựng chuyện, dẫn chuyện. Tất cả đó đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của blog Quê choa và tập sách Ký ức vụn.
Huế, tháng 10 – 2009
Địa chỉ liên lạc : Mai Văn Hoan, Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế, số 26 Lê Lợi, TP Huế. Email : maivanhoan49@yahoo.com.vn Dđ : 0914050667
0 nhận xét:
Đăng nhận xét