Vụn mà không tạp

Minh Thương
Tôi mua Kí ức vụn của Nguyễn Quang Lập trong hiệu sách số 5 Đinh Lễ. Trong lúc đang loay hoay chọn giữa một đống sách, đang cầm trên tay được Gatsby vĩ đại, Buồn nôn, Người đọc, phân vân xem có nên mua Mắt xanh tóc đen của  Marguerite Duras hay không thì cô bán sách bảo với tôi: cháu mua cuốn này này, đọc sướng lắm, văn đọc thế mới sướng chứ! Tò mò, hóa ra là Kí ức vụn của Nguyễn Quang Lập. Thầm nghĩ, Nguyễn Quang Lập à, tay nhà văn của Những mảnh đời đen trắng đây, viết blog ầm ĩ, thôi về đọc blog gã ta cũng được. Quả thực là phân vân, vì với một sinh viên mới ra trường, túi tiền không phải lúc nào cũng rủng rỉnh để mua một thứ đam mê càng ngày càng đắt. Dường như đọc được ý nghĩ của tôi, cô bán sách nói thêm: Đọc sướng lắm, văn Việt lâu lắm mới có cuốn đọc sướng thế này! Cuối cùng, tôi đã bỏ Mắt xanh tóc đen xuống, và chọn Kí ức vụn của Nguyễn Quang Lập.

Quả thật, Kí ức vụn của Nguyễn Quang Lập, vụn mà không tạp, tạp văn mà không tạp nham. Tôi người Bắc, vốn kết giọng miền Trung, ngọt ngào, dễ thương, ngồ ngộ, đến giờ vẫn thuộc mấy câu thơ đăng trên Hoa học trò từ gần chục năm trước: Nghệ An này người chi mà thương lạ/ Cứ mô tê răng rứa đến thật là/ Ai hỏi có phải người xứ Nghệ/ Vẫn còn ngúng nguẩy nỏ đúng mô! Tôi bước vào thế giới của Kí ức vụn với tâm thế như bước vào thế giới của Đoàn Giỏi, Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư, tức là với cái thiện cảm có sẵn với những phương ngữ miền Trung, miền Nam làm cho âm sắc những vùng này mềm đi, nhòe đi mà âm Bắc chuẩn vốn tròn vành rõ chữ không có được. Quả thật, Nguyễn Quang Lập đã dùng thứ âm sắc Quảng Bình quê ông thật tài tình. Cách gọi thằng cu, anh cu, thằng, con, những câu bình luận sướng rêm người, thỉnh thoảng đệm thêm chữ hihi, ua chầu chầu khiến cho văn Nguyễn Quang Lập như một món ăn vui vẻ dễ vào trong vô số món chưa ăn đã nghẹn ứ trong họng bây giờ. Nhưng khác với Đoàn Giỏi, Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư, vẫn là lối văn đầy khẩu âm phương ngữ , nhưng văn của Nguyễn Quang Lập khác ở chỗ, nó là thứ văn tục, rất tục, đến mức rất nhiều lần gọi đến tận bản lai diện mục những từ ngữ cấm kị, thuần Việt, những thứ mà người ta thường phải mượn đến từ Hán Việt để gọi tên, bao nhiêu năm nấp trong vòng cấm của văn học, thế mà Nguyễn Quang Lập gọi tên cứ ngon ơ, tưng tửng, chả biết xấu hổ là gì. Mấy chuyện thằng Đức đi rờ chị Du, chuyện ông bảy vợ, chuyện người đẹp, niệu liệu pháp, chuyện Phạm Ngọc Tiến bị vợ hành để có con trai… Khẩu âm, khẩu ngữ đã kết thành khẩu văn Nguyễn Quang Lập. Nó làm Kí ức vụn ngay từ đầu đã là thế giới rất có vị riêng, cái vị như đóng dấu đặc quyền về mảnh đất miền Trung kiêu hãnh vì đã cống hiến cho đất nước bao nhiêu văn nhân  bụi bặm và tài hoa kiêu bạc.
Viết về kí ức, nhưng Nguyễn Quang Lập đã không đặt quá khứ lên bệ thờ mà vừa giễu nhại, vừa cợt nhả, lại vừa bao bọc cái kí ức ấy trong một không gian đầy chất thơ và cái nhìn đôn hậu. Nguyễn Quang Lập có khi trào lộng và tự bóc mẽ mình trong Đại ca, cũng có khi giễu cợt thói hám danh, sĩ diện của những người dân làng mình trong Hot boy I, Hot boy II, giễu cái tinh thần tiết hạnh khả phong của các bà các cô có chồng đi kháng chiến nhưng hàng đêm vẫn tằng tịu với anh cu Đa mặc cái áo rộng thùng thình, không thèm mặc quần cho đỡ mất thời gian hành sự, giễu cái láu giấu dốt của các nhà văn bạn mình trong Liệu niệu pháp. Hay cười hóm hỉnh đôn hậu tán dương cái tinh thần phồn thực mạnh mẽ của dân ta khi viết về ông bảy vợ. Đó thực sự là những mảnh vụn khiến người ta vừa bật cười sảng khoái vừa phải suy ngẫm về cuộc đời. Nhưng kí ức của Nguyễn Quang Lập không chỉ là những cợt nhả và giễu cợt. Văn của Nguyễn Quang Lập bớt bông lơn và trở nên sâu lắng khi viết về những kí ức một đi không trở lại, những kí ức về một thời xa vắng (cách nói của Lê Lựu) hay có chăng trở lại cũng chỉ có thể hắt lên một cái bóng yếu ớt nhỏ nhoi về sự hiện diện tội nghiệp và đầy bâng khuâng của dĩ vãng. Đó là những mảnh vụn có thể khiến người ta bật khóc, và chính tác giả cũng không giấu giếm mình đã khóc. Đó là những mảnh vụn Kí ức năm hào, kí ức về chị Du, về cô giáo Dạ Thi, về con chó John, Thương nhớ vỉa hè, kí ức về mối tình đầu đẹp và mộng nhưng cũng găm đầy cỏ may,…Nhờ nó, Kí ức vụn của Nguyễn Quang Lập được bao bọc trong một chất thơ cảm động của quá khứ, không chỉ là chất thơ từ những cảnh sắc thiên nhiên một thời thơ ấu. Nó thơ hơn, bởi nó là kí ức của những gì đã mất. Mảnh vụn thứ ba trong kí ức của Nguyễn Quang Lập là những kí ức vẫn đang chảy thành dòng đến hiện tại. Nó không bị nỗi mất mát nào chặn lại. Đó là kí ức về những người bạn đến giờ vẫn còn gặp gỡ, kí ức về những bạn văn thân thiết, những bữa nhậu trắng đêm còn kéo dài từ quá khứ đến tận bây giờ, những tình bạn tri kỉ mà quá khứ vẫn sắt son như hiện tại,…
Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong Kí ức vụn của Nguyễn Quang Lập? Câu hỏi đó đã được đặt ra. Có thể soi xét, đối chiếu, phỏng vấn nhà văn để tìm cái gì là sự thật, cái gì là hư cấu. Nhưng đọc Kí ức vụn, tôi cho rằng Nguyễn Quang Lập là một nhà văn thành thật. Kí ức có thể không thực, nhưng phải thật. Cũng như vẽ chân dung, không cần sao chép nguyên xi người thật, mà cốt tìm cho ra cái thần thái của người được vẽ. Có thế, bức tranh mới có thần. Sự thực là những sự việc đã xảy ra, có tọa độ thời gian, không gian chính xác. Còn sự thật là cái bản chất từ trong cái thực. Nói cách khác, thực là hiện tượng, thật là bản chất. Hiểu như thế, Kí ức vụn của Nguyễn Quang Lập rất thật, và Nguyễn Quang Lập là một người cầm bút thành thật. Nguyễn Quang Lập có cái kiêu hãnh thành thật khi khoe tài văn, tài thơ, thành thật khi thú nhận không hiểu được cái hay của thơ Bùi Giáng. Thành thật khi khắc họa Trần Dần cười hơ hơ, thành thật khi kể chuyện Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, khi kể chuyện Nguyễn Thanh Vân hay những mối tình của Hồng Ánh,…. Đôi chỗ có thể ngoa, nhưng rất thật bởi nó làm nổi hình nổi sắc được cái độc đáo trong những bạn văn. Sự sắp xếp năm phần trong cuốn sách cũng đầy dụng ý của một nhà văn am hiểu văn hóa: tiền chủ hậu khách, viết về bè bạn ấu thơ trước rồi mới đến Thương nhớ mười ba – viết về mình, cuối cùng là Bạn văn – phần chiếm số lượng một nửa trang sách, dồn nhiều sức nặng nhất, khi nhà văn nói về bạn mình, nghề mình, giới mình.
Kí ức vụn của Nguyễn Quang Lập, đúng như Mai An Thảo đã nói, là một cuốn sách tự trào và hòa giải. Tự trào, xét đến cùng là một bản lĩnh của nhà văn, khi anh dám đứng trên những thói hư tật xấu của mình, khi anh không cần lấp liếm che đậy để trưng ra cho thiên hạ cái mặt tiền hào nhoáng của mình, khi anh có thể tự cười mình và cười thiên hạ. Giễu nhại, như S. Freud đã chứng minh, là một khoái cảm đặc thù của con người vì mình có thể đứng trên người khác. Kí ức vụn của Nguyễn Quang Lập, vì thế không chỉ là một cuốn sách bông lơn, cợt nhả, sâu lắng mà còn là một cuốn sách đầy kiêu ngạo. Liệu sau này những câu chuyện trong Kí ức vụn có thể trở thành những giai thoại, những câu chuyện vô thưởng vô phạt hay không thì còn phải chờ thời gian và độc giả định giá.


Truyền thuyết Thánh Gióng rất hay. Khi Thánh Gióng làm xong phận sự, bay về trời để lại sự ngưỡng mộ và tình cảm tốt đẹp trong lòng dân chúng. Cái gì cũng có thời của nó, Kí ức vụn đã thành công trong thời của nó. Trong mặt phẳng chưa có gì nổi bật của văn học Việt bây giờ, thiết nghĩ cuốn sách nào khuấy động được cái mặt bằng ấy lên đã là một sự thành công. Cần tôn trọng sự phát triển tự nhiên của văn học, không nên nhất nhất phải khoác trên mình nó những chiếc áo đạo đức xã hội, những mục tiêu giải thưởng, kiệt tác này nọ trong tương lai. Cũng cần nói thêm về bước đi từ những bài viết đăng trên blog đến xuất bản thành sách của Nguyễn Quang Lập. Nếu chỉ tồn tại ở dạng blog cá nhân trên mạng, dù sức lan tỏa có rộng lớn, nhưng nó không mang ý nghĩa chính thống và dễ trượt qua trong thế giới quá ư bề bộn của những blog ảo. Việc xuất bản thành sách đem lại ý nghĩa thực tiễn cho cuốn sách, một bước đi thông minh khi Kí ức vụn bước từ thế giới ảo ra ngoài đời thực.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét