Hoàng Hiếu Nhân

Chân dung

Mình về quê, đang ngồi uống cà phê ở vỉa hè thì có cú phôn, nói anh mới về Ba Đồn à? Mình hỏi ai đó, có tiếng cười khẽ rồi nói em là Hoàng Hiếu Nhân đây, mới ở Nga về. Thật bất ngờ.

Lâu nay anh em nhà văn gặp nhau, thỉnh thoảng hỏi nhau không biết thằng Hoàng Hiếu Nhân bây giờ làm gì nhỉ. Người nói nó buôn bán bên Nga trúng lắm, thành soái từ lâu, giàu có cự vạn, có quan tâm gì đến văn nghệ văn gừng nữa đâu. Người nói đâu có, nó đi làm cửu vạn cho các soái chứ soái cái gì, đói rách lầm than đến nỗi không mua được cái vé máy bay về quê.

Toàn nghe nói thôi chứ chẳng ai biết. Lại nghe đồn nó làm đầu gấu, đâm chém nhau tùm lum bên Nga, nghe mà thất kinh. Không ngờ nó về nhà, quê nó ở Quảng Hòa, đi đò qua Ba Đồn tìm mình  hai ba bận nhưng không gặp, nghe nó nói thật xúc động, ngồi yên không biết nói sao.


Bây giờ lớp trẻ hệ 8x, 9x hầu hết chẳng biết Hoàng Hiếu Nhân là ai, làm gì. Gõ google tìm Hoàng Hiếu Nhân toàn thấy ca sĩ Hoàng Hiếu, giám đốc Hoàng Nhân… tuyệt không có tên nó dù chỉ một lần. Thế mà cách đây  gần nửa thế kỉ tên tuổi nó nổi như cồn, không hề kém cạnh tên tuổi Trần Đăng Khoa.

 Những năm 1965-1970 sau khi thần đồng Trần Đăng Khoa xuất hiện, con gà tức nhau tiếng gáy, các địa phương đua nhau giới thiệu các thần đồng. Một loạt các nhà thơ tí hon ra đời, ngoài Trần Đăng Khoa còn có Cẩm Thơ, Hoàng Hiếu Nhân, Chu Hồng Quý, Nguyễn Hồng Kiên, Đoàn Mai Thanh… kẻ thần đồng người thần sắt vụn nhưng nhờ thế mà có một dòng văn học của thiếu nhi ra đời rất xôm trò.

Nổi lên và lưu vào trí nhớ nhiều thế hệ vẫn chỉ có Trần Đăng Khoa và Hoàng Hiếu Nhân. Khoa có hàng trăm bài, được các bác Xuân Diệu, Tố Hữu hậu thuẫn, cứ thế mà đi lên phơi phới. Nhân chỉ có vỏn vẹn 33 bài thơ, in thành tập Đi nữa chú ơi, chạy đi chạy lại động viên giúp đỡ cũng chỉ có mấy nhà thơ Hội văn nghệ Quảng Bình. Cơ khổ bác Xuân Hoàng mất ăn mất ngủ vì ông thần đồng Quảng Bình, cố vực lên cho bằng thần đồng Hải Dương nhưng vực mãi không được.

Nhân không để tâm sáng tác lắm, ép mãi cũng chỉ 33 bài thơ, nó học giỏi toán lý, thi một phát vào Bách Khoa Hà Nội. Mình gặp nó ở Bách Khoa, mời nó vào nhóm thơ Vòm Cửa Xanh của nhà trường, nó cười nhàn nhạt, không nói có chẳng nói không.

Thỉnh thoảng gặp nó khi ở nhà ăn khi ở phòng thí nghiệm, ôm vai hót cổ nói lâu nay có viết được cái gì không, nó vẫn cười nhàn nhạt, không nói có chẳng nói không. Mình nghĩ bụng thằng này coi như xong, vụt sáng chói vụt tắt ngúm, thật tiếc quá.

Từ đó cũng ít chơi bời với nó, mình tốt nghiệp đại học đi bộ đội, năm sau nó tốt nghiệp cũng đi bộ đội, anh em gặp nhau dọc đường xuống Hải Phòng, mình nói giờ vô lính rồi, điều kiện làm văn rất thuận lợi, mày cố mà làm lại  thơ đi, không phí. Nó nhăn răng cười, nói làm chơ làm chơ, vô lính không làm thơ còn làm cái chi.

Nhưng đợi mãi chẳng thấy thơ nó đâu, cũng chẳng biết nó ở đâu, năm 1983 mới gặp nó ở Huế mừng lắm, anh em chui vào quán uống rượu nói nói cười cười hỉ hả. Mình khoe nó mấy bài thơ vừa làm, nó cười cười, nói anh giỏi thiệt, đói vàng mắt còn làm được thơ. Mình đưa cho nó tập thơ thiếu nhi có in chùm ba bài của nó, nó cầm, uể oải lật mấy trang xem qua, rồi vứt sang bên, rời quán cũng quên không cầm theo.

Mình nói mày bỏ thơ thật à, nó cười nhạt, nói làm để làm gì. Xong câu đó nó ngồi yên, rất lâu sau thở hắt ra, nói em cưới vợ rồi. Mình về Phú Lộc thăm nó, vợ chồng mới cưới ở một nơi còn tệ hơn cái chuồng heo nhà nghèo, đến cái giường đơn mậu dịch cũng không có. Mình cưới vợ còn có tấm phản chị Dạ ( Lâm Thị Mỹ Dạ) cho làm cái giường cưới, nó cực hơn nhiều, vợ chồng kê gỗ mục củi khô lên làm giường cưới, thảm ơi là thảm.

 Hồi bé mình đọc văn cụ Nam Cao biết cụ nghèo khổ thương đứt ruột, giờ mới biết cụ còn sướng hơn nhiều một số nhà văn nhà thơ hiện thời, thằng Nhân là một ví dụ. Nói thật chị Dậu, anh Pha còn sướng hơn nó nhiều. Mình nhớ mãi hình ảnh nó mặc quần đùi ngồi xổm, hai đầu gối củ lạc kẹp tai, ngước mặt nhìn lên trời cao, đôi mắt tối mò vô vọng.

Một phần tư thế kỉ gặp lại nó, trông dáng dấp nó khá lên chút đỉnh nhưng đôi mắt chẳng sáng lên được bao nhiêu, vẫn cái cười nhàn nhạt, hỏi vợ con đâu nó gãi đầu thở hắt ra, nói họ bỏ em cả rồi.

Vợ nó bây giờ là hiệu trưởng cấp 3, nó về  chỉ nói nhẹ một câu em gửi đơn ra tòa lâu rồi. Hai đưa con gái của nó ở Hà Nội, học giỏi thuộc loại siêu, cả hai cũng tìm cách lánh mặt nó.

Nó ngồi yên, mặt buồn thăm thẳm, nói vợ con em bỏ em cũng phải thôi. Mười năm em đi Nga không gửi về cho vợ con được một xu, đến cái thư cũng không buồn gửi. Mình nói răng rứa, răng đến cái thư cũng không gửi, nó cười như khóc, nói tại em khổ quá, xấu hổ quá…

Chắc vợ con nó nghĩ đi nước ngoài không giàu cũng khá, trong khi vợ con đói rách lầm than nó không thèm đoái hoài ai không hận, lại nghe đồn nó sống với cô vợ Nga giàu lắm, càng hận.Ai biết nó nhiều khi không kiếm được cái bánh mì đen, chỉ mượn có 5 rúp thôi cũng không ai dám cho nó mượn.

Nó nghiến răng làm cửu vạn cho đám đàn em, học trò, những đứa ngày xứa ngưỡng mộ, tôn sùng nó, gom góp được ít rồi đi buôn, kiếm được món tiền kha khá. Đang hoan hỉ chuẩn bị đem tiền đi gửi về cho vợ thì một bọn đầu gấu cả Việt cả Nga bịt mặt chui vào nhà đánh cho một trận tơi bời, lấy đi hết sạch, không để lại cho nó một xu.

Nó lại bắt đầu từ con số âm, số âm chứ không phải số không, vì số tiền mất đi bao gồm cả tiền vốn bạn bè cho mượn. Lại làm cửu vạn, lại đứng chợ buôn vặt, được chút ít lại thuê xe buôn chuyến, kiếm được kha khá, chuẩn bị gửi về cho vợ con thì lại bị bọn đầu gấu bịt mặt xông vào đánh cho đến ngất, vất ra bãi tuyết. May có cô gái Nga phát hiện, nếu không nó đã chết vùi trong tuyết từ tám hoánh.

Nó chìa cái đầu cho mình xem, có hơn bốn chục vết sẹo nhỏ chằng chịt, thất kinh, rùng mình ớn lạnh . Nó bảo thằng Khoa ( Trần Đăng Khoa) viết về em sai, đầu gấu đánh em chứ đâu phải em làm đầu gấu.

 Bây giờ nó sống với cô gái Nga, được một đứa con trai nhỏ, ở yên thì không đến nỗi nào nhưng động đến việc chuyển nhà về quê thì bế tắc, tiền không có.

Anh em kéo nhau vào quán uống vài chai bia, mình nói bây giờ mày tiếp tục làm ăn hay bắt tay vào viết? Nó ngước lên nhìn mình cười buồn, nói viết cái gì? Mình nói viết tất cả những gì mày đã trải, tao nghĩ số phận mày cũng là số phận của thế hệ tụi mình. Mắt nó chợt sáng lên, nói ừ, đúng rồi, thế thì em viết.

Quá tam ba bận, chẳng biết lần này nó có chịu viết cho không.

Rút từ Bạn văn 1


0 nhận xét:

Đăng nhận xét