Nguyễn Đình Toán, khổ vì yêu

Chân dung

Chả nhớ mình quen anh Toán ( Nguyễn Đình Toán) lúc nào, hình như lâu lắm rồi, đâu như năm 1987 thì phải. Khi đó mình mới nổi, đi đâu cũng có người đón  rước chào mời, thích lắm. Ra Hà Nội mình vẫn hay tạt vào 51 Trần Hưng Đạo, giống như 81 Trần Quốc Thảo ở Sài Gòn đấy là nơi tụ tập của văn nghệ sĩ. Muốn tìm ai cứ ra đấy thế nào cũng gặp.

Hồi đó ở 51 Trần Hưng Đạo có quán nước chè của chị Thanh Hoa ( ca sĩ), mình vẫn thường ngồi đấy. Lúc đầu uống đôi ba chén chè, sau có người gọi rượu. Vài ba chén rượu nóng máy rồi thế nào cũng có người gọi bia, đó là đồ uống sang thời này. Bia uống đủ say, vừa uống vừa cãi nhau chán chê mới rủ nhau đi mát xa, đi karaoke, đi “ bông hoa nhỏ” tối ngày mới bò về nhà. Ngày nào cũng giống ngày nào.


Hôm nào cũng vậy, hễ có mình là anh Toán có mặt dù chưa khi nào anh em nói chuyện với nhau được một câu. Anh cầm máy vè vè quanh mình bấm máy liên tục. Lần đầu có người bám lấy chụp ảnh mũi mình cứ phồng lên như hai quả cà. Anh Tạo ( Nguyễn Trọng Tạo) thấy vậy cười cái hậc, nói mày đừng có tưởng bở, vì mày chưa có trong bộ sưu tập thì nó chụp thôi. Mình hơi xìu, nói thật là hơi thất vọng. Anh Tạo lại cười, nói tất nhiên thằng Toán chỉ chụp đứa nào đáng chụp. Anh hất hàm về mấy ông ngồi phía trước, nói chứ như cái đám chó chết kia thì không bao giờ nó thí cho một cái ảnh. Mình thấy trong “đám chó chết kia” có vài ông tên tuổi to đùng, cái mũi mình lại phồng lên. Hi hi.

Về sau quen anh rồi mới biết anh là ông “vua” chân dung trong làng nhiếp ảnh. Ảnh chân dung của anh nhiều vô thiên lủng, hầu như văn sĩ nước Nam đương đại không ai không có trong kho ảnh của anh. Anh chưa bao giờ nói khối lượng ảnh chân dung của anh là bao nhiêu nhưng cứ xem cái sự bấm máy “điên cuồng” của anh thì hơn ba chục năm cầm máy bảo đảm  có nửa tạ phim chân dung chứ không ít. Riêng anh chụp cho mình cũng có đến mấy trăm bức, còn như Hoàng Cầm, Văn Cao, Phùng Quán có khi có ngàn bức.

Vừa rồi ra Hà Nội anh cứ đeo lấy mình chụp ảnh. Mình cười, nói anh chụp mãi em không chán sao. Anh nheo mắt cười cười, nói chán làm sao, chụp bạn bè mà chán à. Đúng vậy, hễ gặp bạn là anh chụp như kẻ khát chụp, chụp quên ăn quên ngủ, như sợ nếu không chụp nhanh mấy ông bạn văn của anh hoặc thăng thiên hoặc độn thổ.

Ở bất cứ đâu, bất kì thời điểm nào có bạn văn là có Nguyễn Đình Toán. Buổi sáng mừng sinh nhật 60 tuổi Nguyễn Trọng Tạo, người ta ăn nhậu tưng bừng riêng anh ôm máy chạy hết mâm này sang mâm kia chụp và chụp. Thỉnh thoảng anh có nhấp ngụm rượu chứ không một lúc nào thấy anh cầm đũa. Buổi trưa ở Hồ Tây nhà thơ Bùi Minh Quốc bù khú với thiếu tướng công an Phạm Chuyên, bạn bè nhậu tiếp trận nhậu ở nhà anh Nguyễn Trọng Tạo, anh lại cầm máy bấm lia lịa, cũng không thấy anh ăn uống gì. Buổi chiều tụ bạ tại nhà Đặng Hùng Võ, ông thứ trưởng về hưu có mấy chai rượu ngon điếc tai khiến mình uống tì tì, vừa uống vừa sợ hết, anh cũng chẳng màng, cứ xoay trở đảo điên chụp và chụp không biết mệt.

Bây giờ anh xài máy ảnh điện tử có chụp bao nhiêu cũng không tốn kém gì. Ngày xưa toàn chụp máy cơ, thấy anh bấm lia lịa mình xót lắm, nói anh chụp kiểu đó có mà bán nhà mua phim. Anh cười không nói gì. Mình nghĩ không ra anh kiếm tiền bằng cách nào mà suốt ngày đánh đu với bạn văn, một ngày đi đứt cả chục cuộn phim. Ảnh chân dung các tòa báo trả rất rẻ,  giả sử mỗi ngày có chục tờ đăng ảnh thì số nhuận bút cũng chưa đủ mua phim. Là nói  người ta còn nhớ trả nhuận bút chứ thực tế nhiều báo đăng ảnh của anh tiền không trả, tên chả ghi. Họ vào mạng tìm ảnh để đăng, nào có biết ảnh của ai.

Nhiều người, trong đó có mình, hễ báo gọi xin ảnh mình đều bảo hỏi ông Nguyễn Đình Toán, mặc dù có đầy ảnh vẫn không đưa, cứ ép các báo xin ảnh của anh để anh kiếm thêm ít nhuận bút. Cứ tưởng anh biết vậy mừng lắm hóa ra không, anh hầu như chẳng quan tâm. Có lần mình được bốn, năm báo xin ảnh, mình bảo họ xin ảnh của anh. Thấy họ đăng ảnh của anh mình mừng lắm vội gọi điện cho anh, nói anh lấy nhuận bút báo nọ báo kia chưa. Anh nói chưa. Mình bảo sao anh không gọi cho chúng nó đòi nhuận bút. Anh cười, nói đòi làm gì, được đăng mấy ảnh ưa  ý là anh mừng rồi, chú mày đừng có lăn tăn giùm anh. Thật quái lạ, chẳng ai như anh, báo trả nhuận bút cũng tốt, chả trả thì thôi; có ghi tên cũng hay, quên ghi tên cũng xong béng. Ối giời ơi anh Toán ơi.

 Nói vậy không phải anh Toán chụp ảnh vô điều kiện. Chưa khi nào có người gọi anh, nói ê Toán, chụp cho cái ảnh mà anh nhận lời. Nâng máy lên bấm một nhát chẳng khó khăn gì nhưng anh không là không, các vàng cũng không, ai giận ai hờn mặc kệ. Nguyễn Đình Toán không bao giờ chịu làm cái anh thợ chụp ảnh, có ai đó bảo Nguyễn Đình Toán là nhiếp ảnh gia anh cũng không chịu, nói da với xương cái gì, ai cần da với xương chứ tôi chả cần.

 Na Sơn là tay máy có số má trong làng nhiếp ảnh, nó quí anh Toán lắm, vẫn gọi anh là bố Toán. Giống như Xuân Bình, Mai Kỳ, Dương Minh Long, thằng này cũng hơi ngạo rất ít khi phục ai. Nhắc đến tay máy nào đều khen một chê ba, chả thần phục ai bao giờ. ( Hi hi nhiếp ảnh sao giống nhà thơ, họa sĩ thế không biết). Nhưng nó mê bố Toán, cứ nói đến nghề là nó nhắc đến bố Toán. Nó bảo bây giờ ở Việt Nam, nhiếp ảnh gia nhiều hơn ăn mày ngoài đường. Nhưng thắp đuốc tìm bảy ngày cũng khó tìm được ai như bố Toán.

Nó kể chuyện, nói cái thời tụi em còn hỷ mũi chưa sạch, máu lên mở cuộc triển lãm photo-essays đầu tiên ở Việt Nam. Bố Toán tới xem, ghi cảm tưởng thế này: “Tuyệt vời tuổi trẻ! Cám ơn các bạn và hãy cố giữ lửa như thế!” Mấy ai đối xử với đám hỉ mũi chưa sạch được như bố Toán.

 Mình nói anh Toán thua chúng mày về kĩ thuật, ánh sáng ánh séo, bố cục bố kéo anh không hiện đại bằng chúng mày. Nhưng anh ấy hơn chúng mày về cái tình. Anh ấy yêu cái anh ấy chụp, anh ấy chụp vì yêu chứ không chụp để khoe tài, để chứng tỏ. Na Sơn vỗ vai mình đánh bốp, nói ông này điếu biết gì về ảnh sao mà nói hay thía. Rồi nó gật gù, yêu được như bố Toán khó lắm, mà cũng khổ lắm.

 Nghe Na Sơn nói mình chợt nhớ một hôm ngồi nhậu, thấy anh Toán không chịu ngồi yên chỗ cứ vè vè quanh mâm nhậu bấm máy, anh Nguyễn Thụy Kha lắc đầu cười, nói ông này rồi cũng chết khổ vì yêu. Mình không hiểu, nói em có thấy anh Toán bồ bịch gì đâu. Mọi người cười ồ, nói thằng này thông minh nhưng chậm hiểu. Thằng Toán yêu bạn yêu nghề chứ  nói chuyện gái gú với nó thì thà nói với đầu gối còn hơn.

 Thì rõ rồi. Nguyễn Đình Toán hành nghề vì yêu bạn, yêu bạn mới hành nghề. Không yêu bạn làm sao có thể vác máy đi hơn hai ngàn cây số bám theo chuyến đi bộ xuyên Việt của Hòa Vang và Nguyễn Lương Ngọc. Lại còn đèo bồng theo ông già Hoàng Cầm nữa. Hôm anh và Hoàng Cầm vào nhà mình ở Quảng Trị để đón hai ông đi bộ, mình hỏi anh, nói chỉ cần theo một đoạn đường anh đã có cả một tấn ảnh rồi, việc gì phải đánh đu với hai ông ấy suốt cả hành trình? Anh cười hiền lành, nói ừ, nhưng mà đi để cho tụi nó vui, động viên tụi nó ráng đi tới nơi về tới chốn, nếu không dễ mang tiếng lắm.


Nhớ mãi cái đêm trao giải liên hoan phim Châu Á – Thái Bình Dương. Khi nghe xướng phim Đời Cát được giải vàng, anh lao như bay từ tầng hai xuống tầng một tìm mình và thằng Vân ( đạo diễn Nguyễn Thanh Vân). Cả trăm tay máy nhao vào lấy hình buổi lễ, riêng anh cứ bám theo mình và thằng Vân. Cho đến khi tàn cuộc, mọi người về hết rồi anh vẫn cứ bám theo mình và thằng Vân. Cả hội Đời Cát kéo nhau đi nhậu cho đến hai ba giờ sáng, ngoảnh lại vẫn thấy anh đứng sau lưng. Mình ngạc nhiên quá kêu lên, nói ôi trời, sao giờ này anh còn chưa về. Anh trợn mắt lên, nói về sao được mà về. Rồi anh ôm riết lấy mình, đôi mắt anh ngời sáng long lanh, như chính anh vừa được giải vậy, nói vui quá chú mày ơi, vui quá, về sao được mà về.

Rút từ Bạn văn 2

0 nhận xét:

Đăng nhận xét