Làng
Đông có vè: Hay
cãi cu Luật, hay đập cu Hinh, đánh rắm thối inh là anh cu Khả... Lại có
vè: Cu Luật hay cãi, cu Thái hay lo, cu
Đo hay cấm, cu Chấm hay thơ, cu Bơ hay lẹo….. Mấy anh cu Bơ, cu Hinh, cu
Thái,cu Khả, cu Chấm… mình không biết. Hồi ở làng Đông mình không thấy họ, có
thể họ đã đi bộ đội hay đi kinh tế mới lâu rồi. Anh cu Luật mình đã kể rồi, giờ
kể nốt chuyện anh cu Đo.
Anh cu
Đo lúc đầu ở trước nhà thằng Tâm con ông
cu Thành, sau chuyển về ở sau nhà chị
Xuân con ông Mẹt Nhiệt, sau chuyển về ở cạnh nhà anh cu Tý con ông cu Nhuế, rốt
lại mình chẳng nhớ anh cu Đo ở đâu nữa. Gần chục năm sống ở làng Đông mình thấy
anh cu Đo nhổ nhà chỗ này cắm nhà chỗ kia loạn cả lên. May anh có của nả ông bà
để lại nếu không anh cũng sẽ sạt nghiệp theo chuyển nhà.
To cao
trắng trẻo đẹp trai hát hay, anh cu Đo thuộc loại hot boy trong làng. Chị Lê vợ
anh cũng xinh và hiền, hiền vô kể, ai nói gì cũng cười, ít khi thấy chị cãi
nhau với ai bao giờ. Nhác qua thấy họ hạnh phúc, nhưng không, chị Lê hết nước mắt
với anh cu Đo.
Cũng chẳng
có gì to tát, chỉ vì với việc làng anh nhiệt tình năng nổ xông xáo quá đáng.
Anh chẳng có chức sắc gì, một chân tổ trưởng cũng không. Bất kì một cuộc bầu
bán nào anh cũng hăng hái ứng cử nhưng chẳng ma nào bầu cho anh. Người làng
Đông vốn ghét đa sự, ghét luôn mấy kẻ thích quan trọng hóa, máu quan quyền. Cứ
thấy anh nào thích quan trọng hóa, máu quan quyền không bao giờ họ bầu dù kẻ đó
có giỏi bằng giời. Khốn thay cả hai thứ đó thứ nào anh cu Đo cũng đầy ắp, hi
hi.
Anh cu
Đo tự thấy mình phải có trách nhiệm ở khắp
mọi nơi, bất kì việc gì xảy ra trong làng anh cũng ra sức đôn đốc giải quyết. Nội
mỗi chuyện họp đội không thôi cũng đủ mệt với anh. Đã qui định rồi, kẻng đội
đánh một hồi sáu tiếng là đi họp nhưng anh luôn lo người ta bỏ họp, phải đôn đốc
tới nơi tới chốn. Buổi chiều đi cày về anh thả cày vọt đến nhà này, nói tối nay
họp đội nghe chưa; lại vọt đến nhà kia nói đến nhà nói tối nay họp đội nghe chưa… cứ thế anh hết
đi hết cả trăm hộ trong đội.
Ăn cơm
xong anh lại lượn một vòng đủ trăm hộ, đến nhà này nói mau ra họp đội nha, đến
nhà kia nói mau ra họp đội nha. Nghe lắm nhàm tai chẳng ai thèm trả lời anh, anh
cũng chẳng cần ai trả lời. Nhưng nhà nào đi chậm hoặc bỏ họp là anh vọt đến
ngay, tay chỉ miệng quát, nói à ha, giờ ni không ra họp à bay- À ha có ra họp
không đó hả. Đa số đều ngọt nhạt trình bày lý do để anh đi cho khuất mắt, cũng
có nhà điên lên, nói tau không đi họp đó, mi mần c. chi tau. Thế là cãi nhau ầm
ầm, có khi còn đánh nhau nữa.
Bốn vách
kho đội 1 đều treo biển cấm của anh cu Đo: Cấm
nói chuyện riêng trong khi họp, cấm đan lát thêu thùa trong khi họp, cấm ngủ gật
trong khi họp. Tự anh treo lên chứ chẳng ai bảo. Giá ông đội trưởng nhắc
anh bỏ đi, nói thôi em ạ, mấy thứ đó mình nhắc nhở thôi, cấm đoán làm chi, tự
khắc anh cu Đo sẽ tháo luôn mấy cái biển cấm. Đằng này chẳng có ai bảo, người
nghĩ nó treo biển thế cũng chẳng sai, người nghĩ thôi kệ cha nó muốn treo gì
thì treo, việc mình mình làm.
Anh cu
Đo không nghĩ vậy, anh đinh ninh mấy cái biển anh treo lên đó là luật rồi, nhất
nhất mọi người phải tuân theo. Hễ ai làm việc riêng nói chuyện riêng trong khi
họp là anh nhảy lên tay chỉ miệng quát, nói này, à ha không thấy cái biển đó à,
có mù không đó- À ha không chịu chấp hành, gan to hè. Mọi người cũng chỉ cười
xòa, không chấp. Lâu ngày thành quen, anh cu Đo lấn ra ngoài làng, khắp nơi có
biển cấm của anh: Cấm ỉa bậy đái bậy, Cấm
chặt cây rừng trâm bầu, Cấm ăn cắp đất cày của hợp tác, Cấm khạc nhổ lung tung,
cấm đ. bậy… Người gật gù khen, nói cu Đo
có tinh thần trách nhiệm; người cười khẩy văng tục, nói đ.mạ cu Đo hết
việc rồi à bay, thăng ni e điên.
Nhiều
người tìm đến Chủ nhiệm thắc mắc, nói cu Đo quyền hành chi mà cấm lung tung? Chủ
nhiệm cười cười, nói ừ nhưng mà nó cấm có sai đâu. Được lời anh cu Đo càng hăng
hái cấm. Một hôm khắp đường làng bỗng xuất hiện biển cấm của anh: Cấm trâu bò ỉa trên đường làng. Mọi người
rũ, nói vơ cu Đo nời, lệ làng có rồi, trâu bò nhà ai ỉa nhà đó dọn, răng mi còn
cấm. Anh cu Đo đầu lắc tay xua, nói phải cấm không được cho trâu bò ỉa, ỉa rồi
dọn nói làm chi. Mọi người phải có trách nhiệm huấn luyện cho trâu bò không được
ỉa trên đường làng. Mọi người cười rũ. Có người dắt bò đến trước mặt anh, nói
đây, bò tau đây. Mi huấn luyện răng cho nó không ỉa trên đường làng tau cho mi
cả con bò. Anh cu Đo không nói, cắm cái biển cấm cái phập, nói chấp hành đi,
không oong đơ chi hết!
Anh cấm cứ cấm, trâu bò ỉa cứ ỉa. Cứ mỗi lần
phát hiện trâu bò ỉa chỗ nào trên đường làng là anh lại làm thêm cái biển cấm cắm
ngay ở đó. Đường làng hơn cây số có đến trăm cái biển cấm của anh cu Đo. Suốt
ngày anh loay hoay làm biển cấm, bỏ hết việc nhà việc Hợp tác. Ai cười chê mặc
anh cứ làm, biển cấm này bị nhổ bỏ đi anh lại làm biển khác, không biết chán nản
mệt mỏi là gì. Chị Lê vốn hiền lành nhu mì cũng phát rồ với anh, nói anh cấm
chi cấm lắm, cấm được người ta anh sướng lắm à. Anh trừng mắt lên, nói em là vợ
anh, không được nói năng vô trách nhiệm.
Một chiều
anh cu Đo đang loay làm thêm mấy cái biển cấm thì chị Lê với hơn chục chị đi
vào, ai nấy đầy một ôm biển cấm trên đường làng,. Anh ngạc nhiên hỏi chi rứa. Mọi
người xổ chục ôm biển cấm ra cả một đống, biển nào biển nấy ghi đúng một dòng: Cấm Đo Lê ỉa trên đường làng. Anh cu Đo
gầm lên, nói đ. mạ bọn phản động. Anh hì hụi xóa chữ Đo Lê thay bằng chữ trâu bò,
mặc chị Lê lăn lóc rên rĩ van xin anh vẫn ngồi sửa hết cả trăm cái biển cấm. Rồi
anh lại vác trăm cái biển cấm ra đường làng cắm cho đến sáng hôm sau mới xong.
Tối hôm đó nghe nói chị Lê ra giếng làng tự vẫn, may có người cứu được.
Chuyện
anh cu Đo mấy chục năm rồi mình vẫn nhớ như in, riêng việc vì sao anh chuyển
nhà cả chục lần là mình không biết. Năm ngoái anh cu Tý con ông cu Nhuế vào Sài
Gòn cưới chồng cho con, ông chồng là cháu ruột vợ mình. Anh em gặp nhau hàn
huyên làng Đông, mình có hỏi vì sao anh cu Đo hay chuyển nhà, Anh cu Tý mắt trợn
miệng há, nói oa chà thằng ni không biết à bay. Rồi anh kể, vừa cười vừa kể,
nói ông Cu Đo mắc bệnh khó ngủ, nghe tiếng con nít khóc tiếng hát ru ông càng
khó ngủ. Cu Đo mới làm biển: Cấm con nít
khóc sau chín giờ đêm, cắm trước ngõ những nhà có con nít mới đẻ quanh xóm
ông. Chẳng những ông không cấm được mà còn bị người ta chửi cho, rứa là ông đành
phải nhổ nhà đi cắm chỗ khác. Anh cu Tý vỗ đùi đánh bốp, nói mi biết không, hay
ở chỗ là thà nhổ nhà đi cắm chỗ khác, nhổ nhổ cắm cắm cả chục lần ông cu Đo vẫn
kiên quyết không bãi bỏ lệnh Cấm con nít khóc sau chín giờ đêm… ha,tức
cười chết được.
Mình cười
hì hì, nói anh cu Đo còn sống không? Anh cu Tý nói còn, bây giờ già yếu hom
hem, sống một mình vợ con không có, tội lắm. Mình nói chị Lê bỏ anh Cu Đo rồi
à. Anh cu Tý cười, nói a thằng ni không biết à bay, bỏ nhau từ thời mi còn ở
làng Đông mà. Chuyển nhà đến lần thứ năm thì chị Lê đâm đơn ly di, may hai người
chưa có con bỏ để cũng nhẹ nhàng. Anh cu Tý bỗng vỗ vai mình đánh bốp, nói hay
mi về làng Đông với tau một chuyến? Mi không về mau ông cu Đo chết rồi lại tiếc.
Mình nghe bùi tai, đi liền.
Về làng
Đông tất nhiên mình đến thăm anh Cu Đo. Ngôi nhà toang hoác, anh đang ngồi khóm
róm ở ngạch cửa trông ra ngõ. Xưa anh to khỏe đẹp trai là thế, bây giờ sụm xuống
hệt một cây chuối héo rũ rượi xơ xác. Mình chào anh, anh trố mắt nhìn, nói ai rứa
hè. Mình xưng tên mình, tên ba mạ mình anh vẫn trố mắt nhìn rồi cười cái hậc,
nói quên cha cả rồi còn mô, và lại ngồi im ngoảnh mặt trông ra ngõ.
Tuồng
như không nhớ nhà đang có khách, anh cứ ngồi khóm róm trông ra ngõ, dáng như
chó đói chờ ăn. Sau lưng anh có biển cấm to đùng treo trên vách: Cấm li dị.
Rút từ Ký ức vụn 2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét